CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Lòng chân thành làm nên giá trị đời người”

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Lòng chân thành làm nên giá trị đời người”

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 10-16; BÀI ĐỌC II: Dt 9, 24-28;

PHÚC ÂM: Mc 12, 38-44

Bài học: “Lòng chân thành làm nên giá trị đời người”

Từ khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành và cả trong suốt cuộc đời, mỗi chúng ta đều được dạy rất nhiều về những bài học làm nên giá trị đời người. Trong các bài học ấy, có một bài rất quan trọng là sự chân thành. Bởi vì, phải có lòng chân thành, nghĩa là sống thật với con người của mình, chúng ta mới có thể phát triển bản thân đúng chừng đúng mực. Có sống thật với bản thân, ta mới có thể tạo nên giá trị đời mình.

Suy nghĩ về bà goá trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy tấm lòng chân thành của bà goá dân ngoại đối với tiên tri Êlia. Trong hoàn cảnh đói khổ vì nạn hạn hán trong hơn 3 năm, bà định ăn bữa cuối với con rồi sẽ chết vì hết lương thực. Gặp phải cảnh như thế vậy mà khi vị tiên tri ngỏ lời xin bánh và nước, bà đã trả lời rất tử tế: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi” (1V 17,12). Câu trả lời ấy cho thấy bà là người rất chân thành, có sao thì khiêm tốn nói và nhận như thế. Cả khi nghe vị tiên tri nói: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói…” (câu 13), bà cũng cứ khiêm tốn nghe theo. Sự chân thành của bà goá ấy được tái hiện trong Tin mừng hôm nay cũng qua hình ảnh bà goá nghèo. Chắc hẳn khi bà bỏ vào thùng tiền dâng cúng nơi Đền thờ hai đồng tiền kẽm với giá trị một tư phần xu, một số tiền rất nhỏ, thì chẳng mấy ai để ý và coi trọng. Tuy nhiên, điều người đời không để ý thì Chúa vẫn thấu: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình” (Mc 12,43-44). Nhận định này của Chúa Giêsu giúp người nghe hiểu rằng đối với Chúa, lòng chân thành của con người quan trọng hơn mọi thứ lễ dâng bề ngoài, vì chính điều đó mới làm nên giá trị cao quý của mỗi người trước mặt Chúa!

Chắc chắn bà goá nghèo ấy có một ý thức rất mạnh và một niềm tin vững vàng vào Chúa là Đấng thấu suốt nỗi lòng của bà. Điều bà dâng Chúa không phải chỉ là hai đồng tiền nhưng là tất cả tâm hồn, cuộc sống và lòng mến thâm sâu của bà. Là một người goá phụ, bà chẳng còn chỗ nào để cậy dựa, chẳng còn chỗ nào để hy vọng ngoài một mình Chúa mà thôi. Là một người trải đời, bà không hy vọng vào Chúa như kẻ cầu may, được thì được không được thì thôi, nhưng như một người có lòng xác tín mạnh mẽ vào Chúa. Ý thức đó, như lời tác giả thư Do Thái nói, phát xuất từ lòng cậy trông vào Chúa với hy vọng được sống mãi trong hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa Giêsu khi Người “xuất hiện lần thứ hai…để cứu độ những ai trông cậy Người” (Dt 9,28).

Lòng chân thành của bà goá nghèo là lời mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ chúng ta sống với Chúa cũng như với nhau. Thật tình mà nói, trong tương quan với Chúa, có lẽ lắm lúc chúng ta còn thiếu lòng chân thành. Lý do có lẽ vì lòng chúng ta còn đặt quá nhiều sự tin tưởng nơi tiền bạc, nơi tình cảm, nơi những phương tiện vật chất. Từ đó, ta nghĩ rằng chúng là sự bảo đảm cho hạnh phúc của chúng ta. Với thái độ ấy, ta đến với Chúa như người hững hờ, như kẻ “bắt cá hai tay”, như người lưỡng lự và như kẻ tính toán so đo. Ta tin Chúa, ta yêu Chúa nhưng có khi niềm tin ấy còn yếu hơn lòng tin vào của cải vật chất. Vì thế, đời sống đức tin của ta còn mơ hồ, yếu kém và mỏng manh dễ vỡ. Cụ thể như khi ta xin Chúa cho mình ơn gì theo ý mình mà không được thì đâm nản lòng hay chê trách Chúa hoặc có dâng cho Chúa điều gì thì lòng chẳng vui hay thậm chí bực bội, tính toán từng li từng tí có lợi cho mình. Trong tương quan với nhau, có thể ta vẫn sống bên nhau nhưng tâm trí của mỗi người lại không hướng về nhau mà hướng về những thú vui và đam mê của riêng mình. Cụ thể, miệng thì nói năng ngọt sớt nhưng lòng lại toan tính những suy nghĩ phản bội; là người đã có gia đình nhưng hành động và lối sống chỉ nhằm thoả mãn bản thân, thậm chí khi cần phải hy sinh cho nhau thì lựa cớ lựa lời để trốn tránh trách nhiệm và bổn phận phải làm. Thiếu lòng chân thành như thế là tự đánh mất nhân cách của chính mình!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con sống chân thành với Chúa và chân thành trong cách sống với nhau. Bởi vì, chỉ có lòng chân thành mới làm cho tình yêu và tương quan được bền vững. Amen.

Thực hành: Có làm gì thì chân thành làm vì nhau và cho nhau.