CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Có chuẩn bị kỹ mới mong có kết quả”

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B -  “Có chuẩn bị kỹ mới mong có kết quả”

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: Gr 33, 14-16; BÀI ĐỌC II: 1 Tx 3, 12 - 4, 2;

PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28, 34-36

Bài học: “Có chuẩn bị kỹ mới mong có kết quả”

Mọi thành quả không bao giờ tự nhiên mà có nhưng là kết quả từ nhiều công khó. Cũng thế, hôm nay, khi bước vào Mùa Vọng, Chúa mời gọi chúng ta phải ra sức chuẩn bị cho kỹ để đón chờ ngày Chúa đến.

Cả 3 bài đọc Lời Chúa hôm nay đều nói đến sự chuẩn bị. Để thực hiện chương trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ rất lâu. Như bài đọc thứ nhất thuật lại, qua nhiều giai đoạn, Chúa từng bước chỉ cho dân thấy ngày Chúa đến: “Đây lời Chúa phán: Đã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở” (Gr 33,14-15). Ngày này là thời gian ân phúc mà Chúa đã hứa với nhân loại sau khi tổ tông Adam và Eva sa ngã trong trình thuật của sách Sáng Thế về Vườn Địa Đàng mà Kinh Thánh gọi là ngày cứu độ. Đó là thời điểm mà Con Thiên Chúa sẽ từ nơi Thiên Chúa Cha mà đến với con người và ở giữa nhân loại. Qua các gia đoạn của lịch sử, Thiên Chúa đã từng bước chuẩn bị cho biến cố vĩ đại này. Đó là cả một sự chuẩn bị được Thiên Chúa thực hiện dần dần. Người không làm ngay nhưng cứ từng bước từng bước mà thực thi trong lịch sử của nhân loại. Từ lời hứa ấy mà chúng ta có ngày lễ Giáng Sinh, ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ con người.

Khi Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người lại mời gọi con người chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần thứ hai vào ngày tận thế, là ngày “người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (Lc 21,27). Ai có sự chuẩn bị thì ngày ấy sẽ là ngày vui mừng hân hoan, ai không chuẩn bị kỹ càng thì ngày ấy sẽ là ngày kinh hoàng, bởi vì ai đã quen sống kết hợp với Chúa nhờ biết “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (c.36), họ sẽ vui mừng khi Chúa đến; trái lại, ai không giữ mình mà để “lòng ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời” (c.34) thì khi Chúa đến chẳng sao đứng vững!

Quả thế, muốn có kết quả, phải chuẩn bị nhiều. Muốn sống hạnh phúc thì phải chuẩn bị để làm sao cho tâm hồn và cuộc đời chúng ta được chất đầy những giá trị cao đẹp; muốn gia đình ấm êm thì mỗi người phải chuẩn bị để ai cũng biết chu toàn bổn phận, biết quan tâm lo lắng cho nhau, biết cùng nhau vun xới những giá trị yêu thương. Như lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai: “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện” (1Tx 3,12), sự chuẩn bị này không phải chỉ được thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải trung thành và nhẫn nại suốt cuộc đời. Tỉ dụ như cha mẹ muốn con cái nên người thì từ bé phải tập cho con những cách cư xử nhân bản, những cung cách đức tin vững vàng, những bài học hết sức căn bản và đơn sơ trong đời sống thường ngày.

Có lẽ thật đáng buồn khi chúng ta muốn sống hạnh phúc mà lại chỉ toàn chú tâm xây dựng những giá trị vật chất. Cụ thể, khi chuẩn bị cho ngày lễ thành hôn, rất nhiều đôi bạn chỉ lo nghĩ đến những sự chuẩn bị bên ngoài, những niềm vui chóng qua mà lại coi nhẹ sự chuẩn bị về đời sống nội tâm, về những hiểu biết trong đời sống gia đình, về phương thức giáo dục con cái hay những chuẩn bị về cách để sống tương quan với người khác. Thiếu những sự chuẩn bị ấy nên khi sống đời hôn nhân chưa được bao lâu, không ít đôi bạn đã bị “shock”, bị ngỡ ngàng, bị “vỡ mộng” về người phối ngẫu, về đời sống gia đình để rồi đâm ra chán ghét nhau khiến gia đình, nơi đáng lý là tổ ấm yêu thương, trở thành gánh nặng đầy đau đớn. Một chút suy nghĩ như thế mời gọi chúng ta sống tâm tình Mùa Vọng, mùa đợi chờ Chúa đến, sao cho có ý nghĩa. Quả thế, mùa này không chỉ nhắc chúng ta dọn lòng mừng lễ Chúa giáng sinh nhưng còn nhắc chúng ta về cách chúng ta sống với Chúa trong đời thường. Chúa vẫn đến với ta trong bí tích Thánh Thể khi ta tham dự thánh lễ và rước lễ; Chúa vẫn đến trong Lời Thánh Kinh mà Giáo Hội cho ta nghe và suy gẫm; Chúa vẫn đến trong những biến cố đời thường qua những việc bình thường và những người ta gặp gỡ;…Chúa đến với ta qua rất nhiều dịp trong cuộc sống. Nếu ta chưa gặp được Chúa và chưa hoán cải thật lòng, có lẽ do ta chưa chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đấy thôi!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chuẩn bị đời mình trong sự thánh thiện để con gặp được Chúa mà sinh nhiều hoa trái tốt lành. Amen.

Thực hành: Dọn lòng sốt sắng khi chuẩn bị dâng thánh lễ.