CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C - “Vui với người vui, khóc với người khóc”

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C - “Vui với người vui, khóc với người khóc”

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: Is 62,1-5; BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12,4-11;

PHÚC ÂM: Ga 2,1-12

Bài học: “Vui với người vui, khóc với người khóc”

Một trong những điều mà ngày nay người ta hay đề cập đến trong việc xây dựng các mối tương quan, đó là sự đồng hành. Người ta cần sự đồng hành vì họ muốn được lắng nghe, được cảm thông, được yêu thương và được tôn trọng. Trong sự đồng hành ấy, người đồng hành cần một đặc tính mà thánh Phaolô nói với chúng ta, đó là: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Điều này được thể hiện cách tinh tế qua cách cư xử rất tế nhị của Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Khi được mời dự tiệc cưới tại Cana, Mẹ đã rất nhạy bén để mau chóng nhận ra sự khó khăn của gia đình nhà cưới: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đây không phải là việc Mẹ phải lo và cũng không phải là trách nhiệm của Chúa. Vậy mà Mẹ Maria, vì không muốn thấy đôi bạn và gia chủ phải buồn trong ngày vui nên vẫn cứ tiếp tục ý định xin Chúa giúp khi Mẹ nói với các người giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (câu 5). Mẹ quá hiểu tâm tư của Chúa Giêsu: cho dẫu Người đã nói: “Giờ con chưa đến” (câu 4) nhưng nếu Mẹ cứ xin thì Chúa cũng sẽ làm. Kết quả thật đúng như vậy. Ta không biết liệu gia chủ có biết để cảm ơn Chúa và Mẹ hay không nhưng chắc hẳn Mẹ Maria và Chúa đã rất vui khi thấy gia đình ấy không rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì hết rượu giữa chừng.

Yêu thương thật thì không thể vui khi người khác buồn nhưng mỗi người đều cố gắng để giúp người buồn thoát cảnh buồn mà vui lên. Chính Chúa đã có và sống tâm tình ấy khi ngỏ với dân: “Như người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi” (Is 62,5). Quả thế, Chúa chẳng thể vui khi thấy dân Chúa, dân riêng mà Người đã chọn, sống trong đường tội lỗi. Người chỉ vui khi dân sống gắn bó với Chúa để nhờ đó họ được hạnh phúc. Người muốn điều đó không phải vì bản thân nhưng vì con người vì thật ra con người có yêu mến và gắn bó với Chúa hay không thì Chúa chẳng thiệt gì, chỉ có con người bị thiệt mà thôi!

Còn với chúng ta, trong đời sống gia đình, mỗi người chắc cũng luôn mong người thân cùng vui cùng khóc, nghĩa là mong người thân trở thành người đồng hành của mình. Thật vậy, đời sống hôn nhân gia đình là một đời sống mà trong đó mỗi người có bổn phận và trách nhiệm với nhau. Nói cách bình dân thì người ta vẫn ví vợ chồng như một nửa của nhau và họ được kết hợp nên một qua bí tích hôn nhân. Sự kết hiệp ấy không chỉ ở thân xác mà còn cả trong tinh thần và trong cả cuộc sống. Từ đó, cuộc sống của người này, niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại không chỉ là của cá nhân mà còn là của cả hai và của cả gia đình. Vì thế, những thái độ hững hờ và vô tâm khi người thân yêu của mình gặp khó khăn hay đau khổ thể lý hoặc tinh thần đều là biểu hiện của một tình yêu nhạt nhoà hoặc ích kỷ. Trái lại, tình yêu chân thật thì luôn mong san sẻ với người thân yêu và chấp nhận mang lấy gánh nặng cho mình để người mình yêu được hạnh phúc. Để làm được điều ấy, chúng ta hãy dùng mọi ân huệ khác nhau mà Chúa ban cho chúng ta, như lời thánh Phaolô đã dạy: “Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu ích chung” (1Cr 12,7). Như vậy, trong một gia đình, mỗi người hãy dùng tất cả các khả năng và ân sủng Chúa ban để mưu cầu hạnh phúc cho người thân cận. Phải là mưu cầu hạnh phúc chứ không phải là để thể hiện bản thân hay khẳng định vị trí ưu tiên! Sư mưu cầu ích chung khiến ta biết quan tâm đến tâm trạng và cuộc sống của người thân: vợ luôn cần sự quan tâm tinh tế của chồng, nhất là trong những lúc đối diện với áp lực của cuộc sống; chồng cần sự cảm thông và dịu dàng của vợ, nhất là khi chồng gặp thử thách trong đời; con cái cần ba mẹ ở bên cạnh, cần được lắng nghe, cần được đối thoại và chỉ lối khôn ngoan; cha mẹ cần con cái hiểu và yêu mến với sự thảo hiếu;…Tóm lại, mỗi người hãy cố gắng trở thành người bạn đồng hành của nhau để mang hạnh phúc đến cho nhau!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một trái tim bén nhạy với khó khăn và khổ đau của người thân cận. Nhờ vậy, noi gương Chúa và Mẹ Maria, chúng con cũng biết làm vơi bớt niềm đau và gia tăng niềm vui cho người thân của mình.

Thực hành: Chân thành khích lệ người thân khi họ gặp khó khăn.