CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Năng tự vấn để giữ vững chất Kitô hữu”

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Năng tự vấn để giữ vững chất Kitô hữu”

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: Is 50,5-9a; BÀI ĐỌC II: Gc 2,14-18;

PHÚC ÂM: Mc 8,27-35

Bài học: “Năng tự vấn để giữ vững chất Kitô hữu”

Đối diện với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và cả đau khổ do dịch bệnh Covid-19 gây ra, người ta dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Với người tín hữu, có khi có người còn đặt lại vấn đề khi nghi ngờ về Thiên Chúa, về con người, về thế giới, là những vấn đề mà chúng ta đều đã được dạy từ thuở còn thơ. Bởi thế, một cách nào đó, đây quả là thời gian để “trắc nghiệm” đức tin Kitô hữu, để tra vấn lại cách mỗi người sống đức tin.

Là Kitô hữu không có nghĩa là chúng ta không gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng Kitô hữu là người biết biến khó khăn thành dịp để bước theo sát Chúa Giêsu trên con đường thánh giá mà Người đã đi trọn vì yêu thương nhân loại. Ta biết điều này qua lời tường thuật của Thánh Maccô: “Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Đó là cùng đích của công trình cứu chuộc mà Con Thiên Chúa thực hiện trong hành trình dương thế của Người. Đó cũng là con đường mà những ai muốn theo Chúa đều phải đi như Chúa đã nói: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi” (Mc 8,34). Nội dung ấy là cái cốt lõi của ơn cứu độ. Bởi vậy, trước khi mạc khải cho các tông đồ con đường thánh giá, Chúa Giêsu chất vấn các ông về cách các ông nhận thức về Chúa: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29a). Câu hỏi này rất cần thiết vì nó khiến các tông đồ phải suy nghĩ về con đường cứu thế của Chúa Giêsu chứ không chỉ lo nghĩ tới các phép lạ mà Người đã thể hiện. Rõ ràng, không có vị nào trả lời như: “Thầy là đấng quyền năng, ai nghe nói tới cũng thán phục”, hoặc như kiểu nói của dân chúng: “Thầy là vị tiên tri”. Đó là câu trả lời của người ta, còn Chúa muốn câu trả lời của chính các tông đồ. Kết quả là thánh Phêrô, nhờ ơn Thánh Thần, đã trả lời chính xác: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29b), nghĩa là Đấng được Chúa Cha sai đến làm Đấng Cứu Độ trần gian. Chúa giúp họ tự vấn để họ đừng quên sứ mạng của Chúa và cũng là sứ mạng mà họ sẽ nhận lãnh nơi Chúa!

Nhờ ý thức mình được Chúa trao sứ mạng, người tôi trung trong bài đọc thứ nhất đã vững tâm cả trong đau khổ: “Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn” (Is 50,7). Còn chúng ta, những Kitô hữu, là những người “có Chúa Kitô”, bước theo Chúa Kitô. Ta phải nhớ nằm lòng điều ấy, vì nó sẽ mang lại sức mạnh cho chúng ta khi chúng ta gặp thử thách vì Chúa. Muốn nhớ thì phải năng tự vấn lương tâm, kẻo nhiều lúc lòng chúng ta bị cuốn theo những cảm nghĩ tự nhiên của thế gian hay những cám dỗ ngọt ngào của ma quỷ mà quên mất mình là Kitô hữu! Tự vấn để nhắc nhớ chính mình, chúng ta còn phải thi hành lời Chúa dạy, bởi như lời dạy của thánh Giacôbê: “Nếu chỉ có đức tin mà không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ” (Gc 2,17). Nhớ mình là Kitô hữu không thể chỉ là một ý nghĩ trong đầu nhưng ý thức đó phải thúc đẩy ta thi hành những bổn phận của người Kitô hữu trong đời sống hằng ngày để làm sáng lên chất Kitô nơi đời sống của chính chúng ta!

Những ngày khó khăn vì dịch bệnh có thể đã khiến chúng ta lúc nào đó quên mất cái chất Kitô hữu của mình khi chúng ta không biết tin tưởng vào Chúa, không biết phó thác đời mình cho Chúa hay không muốn cậy trông vào Chúa. Chúa vẫn chất vấn cõi lòng ta: “Đối với con, ta là ai?”. Ta trả lời thế nào với Chúa? Có phải trước giờ Chúa là “cái hủ” để ta hết tiền hết bạc hết tình thì đến vơ vét về; hay Chúa là ông bụt ông tiên để ta kêu gì thì Chúa phải làm theo; hay Chúa là cái kho để ta thích gì thì đến lấy, không thấy nữa thì bỏ đi. Nếu đối với ai đó, Chúa chỉ là những điều như thế hoặc tương tự thì quả là ta đã đánh mất cái căn bản của người Kitô hữu. Bởi vì là Kitô hữu, chúng ta đến với Chúa, kêu cầu Người, sẻ chia cả hạnh phúc và khổ đau với Chúa không phải để Chúa phải làm theo ý mình nhưng là để xin cho ta kết hiệp với Chúa trên con đường vác thánh giá đời mình, là con đường mà trên đó chúng ta mang lấy những khó khăn hay thử thách riêng mà mỗi người, vì yếu đuối, có trong mình để cùng theo Chúa trong suốt cuộc đời. Trong hành trình đó, dù có khó khăn, Kitô hữu chính hiệu là người luôn vững tin Chúa luôn ở bên ta để nâng sức cho ta trung thành theo Chúa mà đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khó khăn của dịch bệnh vẫn hoành hành nơi cuộc sống chúng con. Giữa những khó khăn ấy, xin giúp chúng con giữ vững chất Kitô hữu của mình nhờ năng tự vấn lương tâm. Amen.

Thực hành: Chịu khó tập xét mình cẩn thận trước khi đi ngủ.