CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Mở tai mở miệng để biết nói với nhau và nghe nhau”

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B - “Mở tai mở miệng để biết nói với nhau và nghe nhau”

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: Is 35,4-7a; BÀI ĐỌC II: Gc 2,1-5;

PHÚC ÂM: Mc 7,31-37

Bài học: “Mở tai mở miệng để biết nói với nhau và nghe nhau”

Vì tình hình dịch bệnh Covid-19, đã nhiều tháng chúng ta chỉ sống ở nhà và sống bên nhau. Người có nhà cửa khang trang thì còn đỡ, còn ai sống trong cảnh nhà trọ hay phòng thuê thì quả thật là rất bức bối. Điều ấy khiến chúng ta, dù có sống bên cạnh nhau, có khi cũng chẳng muốn mở miệng để nói với nhau hoặc lắng nghe nhau. Trong bối cảnh này, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhờ ơn Chúa để mở lòng ra hầu chúng ta có thể lắng nghe nhau và nói với nhau cách chân thành.

Bệnh tình là điều chẳng ai muốn, vậy mà đó lại là cái cảnh mà người câm điếc trong Tin mừng hôm nay đã phải chịu. Với trình độ y học thời bấy giờ, người này biết mình chẳng có hy vọng được chữa khỏi. Cái cảnh không nghe được và không nói được làm cho thế giới của anh ta bị thu hẹp và có thể hình dung nó như một nhà tù giam lỏng tâm hồn anh. May thay, anh đã được người ta đưa đến với Chúa Giêsu và rồi “Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng” (Mc 7,33-35). Khi mở miệng và mở tai thể lý để anh có thể nói và nghe được âm thanh, Chúa Giêsu cũng đã mở cả miệng và tai tâm hồn để anh dùng môi miệng cao rao Danh Chúa và nghe được tiếng lòng yêu thương mà Chúa dành cho anh. Bản thân anh đã thay đổi, cả thế giới và cả cuộc đời anh đã thay đổi khi anh gặp được Chúa Giêsu và được Người cứu chữa!

Đối diện với phép lạ xảy ra, dân chúng đã hết lòng ca khen Chúa Giêsu: “Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!” (Mc 7,37). Bởi vì, là những người được nghe dạy về Sách Thánh, họ nhận ra lời mà Chúa đã phán qua tiên tri Isaia: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra” (Is 35,5) đã được nên ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Vì thế, lòng họ cũng được đầy sự vui mừng!

Thời Chúa Giêsu có người câm điếc thì trước đó và ngay thời chúng ta cũng không ngoại lệ. Cũng không phải mọi người câm điếc ở thời Chúa Giêsu đều được chữa lành 100%! Lý do là vì Chúa đến thế gian là để cứu con người khỏi tình trạng nô lệ của tội để con người được làm con Chúa, sống như con cái tốt lành của Người để hưởng sự sống vĩnh cửu mai sau. Do đó, Chúa có làm phép lạ đi chăng nữa thì mục đích của các phép lạ là qua đó giúp con người tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế để nhờ tin mà vững vàng bước theo Người trên hành trình dương thế. Bởi vậy, việc Chúa chữa lành người câm điếc trở thành dấu chỉ để từ bệnh câm và điếc thể lý, chúng ta suy nghĩ về căn bệnh câm và điếc trong lòng của con người.

Khi suy nghĩ về đời sống tương quan, cụ thể là gia đình, ta thường thấy khi họ sống tốt với nhau thì họ dễ nói chuyện và lắng tai để nghe tiếng của nhau. Trái lại, khi đã có ý ghét ai, chúng ta thường không muốn nghe người ấy nói và cũng không buồn mở miệng để nói lời gì với họ. Nếu có phải nghe hay phải nói thì chắc chỉ là nghe cho xong và nói cho qua chuyện. Nghĩ tới điều ấy, chúng ta thấy trong chúng ta có cái gì đấy của sự phân biệt, có thể tựa như cảnh mà thánh Giacôbê nói với chúng ta: “Có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị sao?” (Gc 2,2-3). Chúng ta có thể bảo hoàn cảnh của mình không như thế nhưng tâm hồn của chúng ta lại có thể bị vướng vào kiểu sống “bưng tai” và lặng thinh với người mình không thích mà chỉ thích nghe, thích nói với những người mình thích. Nói về điều này, trong thời gian qua, chúng ta tạ ơn Chúa vì đã có rất nhiều con người chịu nghe nỗi lòng đau khổ của những người khó khăn và túng quẫn, những người mà có khi họ chẳng hề quen biết, để hết mình dấn thân phục vụ. Trái lại, cũng không thiếu những người giả điếc để khỏi phải nghe nỗi khốn khó của người khác và giả câm để đỡ phiền cho mình. Sống với nhau, dù có khó khăn, mong chúng ta đừng như thế!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin mở tai con để biết nghe tâm tư và nỗi khốn khó của người bên cạnh. Xin mở miệng con để con biết nói với người khác những lời tích cực, những lời tốt và có ích cho nhau. Amen.

Thực hành: Tập nghe tiếng Chúa và tiếng lòng của người thân.