CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B - TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B - TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B

TỪ LỜI CHÚA ĐẾN CUỘC SỐNG

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

Lời Chúa: BÀI ĐỌC I: G 38,1.8-11; BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5,14-17; PHÚC ÂM: Mc 4,35-40

Bài Học: “Tin vững vàng, đời bình an”

Những người đi biển luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy không tên, không lường bởi giữa bốn bề nước thẳm, con người quá nhỏ bé; giữa thiên nhiên hùng vĩ, con người thật mỏng manh! Khi đối chiếu kinh nghiệm này vào bản thân, chúng ta thấy mình tựa như một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển khơi cuộc đời. Giữa hoàn cảnh ấy, người ta cần một lòng tin vững chắc thì thuyền đời mới bình an!

Các môn đệ trong bài Tin mừng là những ngư phủ đã lão luyện với việc chèo thuyền trên biển hồ Galilêa. Vậy mà khi biển gầm sóng vỗ, những tài năng, những kinh nghiệm của các ông trở nên như vô dụng trước hiểm nguy. Khi bản thân bất lực, họ mới kêu đến Chúa: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi!”. Chúa Giêsu vẫn ở bên họ từ lúc họ bước lên chiếc thuyền cho đến khi cơn giông tố ập đến. Chúa vẫn ở bên nhưng các môn đệ mãi lo chèo chống mà quên mất Chúa. Cơn gió bão quả không chỉ gây ra cảnh kinh hoàng bên ngoài nhưng còn làm rúng động cả niềm tin non yếu bên trong của các môn đệ. Chúa vẫn ở bên nhưng họ vẫn sợ vì tâm trí họ bấy giờ chưa có Chúa hiện diện vì Người có ở đấy thì cũng chỉ là một con người! Họ chưa nhận ra Người cho đến khi Người tỏ uy quyền trên biển cả: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”. Lúc bấy giờ, con người Giêsu ấy mới đi vào tâm trí và sống động trong niềm tin của họ: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”. Nhờ đó, không chỉ con thuyền được bình an mà chính các môn đệ cũng tìm được một bến bờ vững chắc!

Như bài đọc thứ nhất kể lại, Thiên Chúa là Đấng uy quyền trên hết mọi loài (x. Gióp 38, 1.8-11). Quyền năng của Người là quyền năng để thi thố tình yêu và mang lại hạnh phúc. Người “vạch biên giới” cho mọi loài và nếu muôn loài cứ theo đúng trật tự ấy thì thế giới sẽ bình an. Trái lại, khi tự ý tách mình ra khỏi trật tự đó, thụ tạo sẽ tự huỷ hoại bản thân và gây đau khổ cho nhau.

Thực tế là con người đã đi ra khỏi trật tự tốt lành Thiên Chúa đã sáng tạo vì tính tự cao tự mãn (x. Sáng Thế 3, 6). Từ đó, đau khổ xuất hiện và đeo bám hết thảy chúng ta. Đó là lý do mà mọi người sinh ra trên đời đều gặp đau khổ: đau khổ về thể lý, đau khổ về tinh thần do lỗi mình, do lỗi người khác gây nên và do hậu quả từ những sai lỗi ấy.

Như thế, điều chúng ta tìm kiếm không phải là một thế giới hay một cuộc sống không có đau khổ nhưng là tìm cho mình một niềm tin vững mạnh để như các môn đệ, chúng ta lèo lái con thuyền đời của mình đến bến bình an.

Tạ ơn Chúa đã đến với chúng ta để cho chúng ta một bến tựa nương chắc chắn. Nếu trước đây, chúng ta cứ như các môn đệ, quên sự hiện diện của Chúa hay thậm chí coi thường Chúa mà chỉ cậy vào sức riêng của mình khi gặp khó khăn, chúng ta hãy nhớ lời thánh Phaolô dạy trong bài đọc thứ hai: “Những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Côrintô 5,15). Khi chỉ sống cho bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn và yếu nhược. Trái khi, khi sống vì niềm tin, vì lòng mến Chúa Giêsu, chúng ta được trang bị sức sống mãnh liệt từ Chúa đổ đầy vào tâm trí khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hầu có thể vững vàng tiến bước trên thuyền đời của mỗi người. Khi vững niềm tin, lòng bình an thì dẫu có khi có giông tố bão bùng, trời cũng sẽ sáng, mây cũng sẽ tan và chúng ta cũng cập bến bình an!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giữa bao khó nguy trên dòng đời, con tìm được bình an khi tựa lòng bên Chúa. Khó khăn có thể vẫn còn nhưng không khiến lòng chúng con bất an khi tâm hồn chúng con, khi gia đình chúng con mở rộng để Chúa đồng hành và cùng sống với chúng con. Chúng con xin tạ ơn Ngài. Amen.

Thực hành: Tập cho nhau biết cầu nguyện xin ơn Chúa giúp khi làm mọi việc trong ngày.