Ý thức hệ Cánh tả về Giới tính

Ý thức hệ Cánh tả về Giới tính

MỘT NAM, MỘT NỮ
Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo

CHƯƠNG 2: Ý thức hệ Cánh tả về Giới tính
❊❊❊
Đâu là động lực cho những người đề xướng hôn nhân đồng tính?
Mục đích và yêu cầu của chương trình hành động của họ là gì?
Đâu là chiến lược của họ?


 Cuộc chiến về việc định nghĩa hôn nhân là một phần của cuộc chiến tranh văn hóa toàn cầu đặt những người bảo thủ xã hội đối đầu với khối liên minh của những người chủ trương nữ quyền cực đoan, những người chủ trương giải phóng tính dục, những kẻ ủng hộ quá khích việc kiểm soát dân số, những người bênh vực phá thai, và những người tranh đấu cho quyền lợi của người đồng tính, mà tôi gọi là “Cánh tả về Giới tính”. Những thành viên của cánh này dự liệu một xã hội trong đó hết mọi người đều có thể tự do theo đuổi khoái lạc tình dục, mà không phải chịu hổ thẹn, đau lòng, không có những đứa trẻ ngoài ý muốn, hoặc những bệnh tật truyền nhiễm qua đường tình dục. Cánh tả về Giới tính tin là người ta có quyền phá thai vô giới hạn, có quyền tự do hầu như tuyệt đối về tình dục, và sự phế bỏ mọi sự phân biệt trong xã hội giữa những mối quan hệ đồng tính và dị tính, tức là giữa nam và nữ, dứt khoát là như thế. Vì việc cải tạo công luận đông đảo có một tầm mức quan trọng to lớn để đạt đến những mục tiêu này, nên họ ủng hộ giáo dục giới tính sớm, rõ ràng, và cưỡng bách đối với trẻ em, mà không cần có sự ưng thuận của các bậc cha mẹ, cũng không cần thông báo cho họ1.
Một số người đã tìm ra dấu vết của sự xuất hiện Cánh tả về Giới tính từ nhà tình dục học Alfred Kinsey và viện nghiên cứu tình dục của ông, được sáng lập năm 1947. Những người khác lại chỉ ra Margaret Sanger và tổ chức bà sáng lập năm 1921 mà sau này trở thành Tổ chức Kế hoạch hóa Sinh sản. Dẫu nguồn gốc của nó như thế nào đi nữa, Cánh tả về Giới tính chắc chắn đã nổi bật lên vào thập niên 1960, bằng cách lợi dụng những biến động xã hội của thập niên ấy rồi tự xếp mình vào phe chính trị cánh tả. Cũng có những người có thiện cảm về ý thức hệ của phong trào này trong các đại học, trong các giới truyền thông và trong ngành kỹ nghệ giải trí.
Cánh tả về Giới tính đặc biệt sử dụng một ngôn ngữ thanh tao dối trá trong công cuộc tuyên truyền của họ, che giấu đi những yếu tố mang tính then chốt hơn trong chương trình hành động của họ đàng sau chiến lược quảng bá công khai được sắp đặt kỹ lưỡng và những chương trình được thiết kế bề ngoài để chăm sóc sức khỏe, “lòng khoan dung”, “tính đa dạng” hoặc những thái độ “không-phán-xét”. Để cổ võ những chương trình giáo dục giới tính công khai của họ, họ không bảo các bậc cha mẹ rằng họ tin trẻ em cần phải tham gia vào “trò chơi tính dục” vô tội trong các trường tiểu học. Nhưng họ lại tập chú vào những lo sợ của các cha mẹ, và bảo họ rằng nếu không có chương trình giáo dục giới tính, trẻ em sẽ bị mắc AIDS2.         
Các bậc cha mẹ tin tưởng rằng những chương trình như thế trôi chảy không có vấn đề gì, và khi những chương trình đó thất bại, chẳng hạn khi những bệnh truyền nhiễm do đường tình dục lan tràn hơn là giảm bớt – thì điều này đơn giản lại là cơ hội để Cánh tả về Giới tính biện minh cho giáo dục giới tính thậm chí còn rõ ràng hơn nữa, đòi phải khởi sự vào lứa tuổi sớm hơn nữa; cứ như thể có thêm bệnh tật là phép chữa bệnh duy nhất. Một số phụ huynh chống đối chương trình này thì họ bảo rằng những thái độ “khắt khe” này thực tế là một phần của vấn đề; và rằng trẻ em đằng nào cũng sẽ sinh hoạt tình dục và các bậc cha mẹ sẽ chỉ còn cách là chấp nhận mà thôi.        
Những thất bại của việc giáo dục giới tính chẳng làm phiền hà gì cho những người cổ vũ chương trình đó, hay những mạnh thường quân và giới chính khách đang bảo trợ và tăng cường sức mạnh cho những nhà cổ vũ đó. Họ đều biết rằng những biện pháp như thế là những sách lược giỏi lắm thì cũng chỉ giảm bớt nguy cơ mà thôi, chứ không phải là những chương trình phòng tránh. Điều quan trọng đối với họ không phải là sự giảm thiểu trong ngắn hạn những bệnh truyền nhiễm theo đường tình dục hoặc việc mang thai ở tuổi vị thành niên, mà chỉ là đạt được mục tiêu trong dài hạn về ý thức hệ của Cánh tả về Giới tính mà thôi: tức là, thay đổi những thái độ về tính dục của thế hệ trẻ.
Ít năm trước đây, tôi đã phản ứng lại một mục trong tờ New York Times cổ vũ học sinh trung học dùng bao cao su, bằng cách biện luận kêu gọi các bạn trẻ này kiêng cữ hành vi tình dục. Người đứng đầu Hội đồng Giáo dục và Thông tin Giới tính Hoa Kỳ (SIECUS) khi ấy, một tổ chức ủng hộ Cánh tả về Giới tính, liền lên tiếng đáp lại một cách ôn tồn thẳng thắn rằng: “quan hệ tình dục là hành vi chuẩn tắc đối với trẻ từ mười lăm đến mười chín tuổi”3.
Tại hội nghị Cairo, tôi đã dự một buổi trình bày của SIECUS trong đó những người đăng đàn đã ra sức khuyến khích sinh viên trẻ Ai Cập thực hiện thủ dâm và những thực hành tình dục khác. Các sinh viên này tỏ ra lúng túng, bởi vì từ ngữ tiếng Anh hạn chế của họ không bao gồm những hạn từ rõ ràng mà những người trong SIECUS đang sử dụng, và đã khiến cho sự trình bày đó thành một màn bỉ ổi – một ý thức hệ về tình dục Tây phương hư hỏng đang được áp đặt lên những kẻ vô tội. Tôi đã chống đối khá mãnh liệt, và những kẻ lên trình bày đã yêu cầu tôi ngồi xuống, nhưng tôi không tài nào chịu nổi cái cảnh phải nghe những điều dối trá của họ nữa, và tôi nổi cơn lôi đình, bỏ ra ngoài kéo theo phân nửa cử tọa. Hôm ấy, những sinh viên Ai Cập kia đã có thể khước từ sự quyến rũ của Cánh tả về Giới tính. Nhưng tại Hoa Kỳ, Canada, và Âu châu, cánh tả này đã thâm nhập được tất cả một cách quá dễ dàng – và đã đem theo cả chương trình hoạt động của họ.

  ❃ Cánh tả về Giới tính và chương trình hành động của người đồng tính
Những nhà hoạt động đồng tính là nhóm hậu thuẫn then chốt trong liên minh Cánh tả về Giới tính, còn cánh tả này thì lại ủng hộ hoàn toàn chương trình hành động của người đồng tính – mặc dù, do sự đề kháng của công chúng, sự ủng hộ này thoạt đầu vẫn được che giấu. Cuốn sách xuất bản năm 1987 với tựa đề “Sau buổi khiêu vũ: Nước Mỹ sẽ chế ngự được sự sợ hãi và sự thù ghét người đồng tính như thế nào trong thập niên 90”của Marshall Kirk và Hunter Madsen đã phô bày một chiến lược để những người đồng tính vượt qua được sự chống đối của công luận. Họ xây dựng một kế hoạch tổng hợp nhằm hợp pháp hóa lối sống đồng tính luyến ái bằng cách “đại tu lại nước Mỹ”4, bước thứ nhất trong chiến lược mà, theo sự cảnh báo của hai tác giả kể trên, phải tránh để lộ ra gót chân Achilles của phong trào này: tức là những thực tế nhớp nhúa và gây phản cảm của lối sống đồng tính: 
Đừng để cho quần chúng bị “sốc” và  ghê tởm do ta sớm phô bày lối sống đồng tính của ta. Thay vào đó, cần phải sử dụng thứ ngôn ngữ hình tượng về tình dục và những quyền lợi của người đồng tính cần phải được giản lược vào một vấn đề xã hội trừu tượng hết sức có thể.
Tiên vàn hãy để cho cái mũi của con lạc đà chui qua cửa lều đã – và chỉ sau đó cái mông nó mới tiến vào!5
Kirk và Madsen khuyến khích những người đồng tính nam và nữ hãy tự phác họa chân dung mình như “những người trẻ thông thường, những phụ nữ trung niên, và những người lớn tuổi hơn thuộc mọi chủng tộc... những nạn nhân của hoàn cảnh và đang bị trầm cảm”. Những nhà hoạt động đồng tính cũng được khuyên hãy mô tả sự thu hút đồng tính như một hiện tượng xảy ra tự nhiên, và những người đồng tính nam cũng như nữ là những nạn nhân bị áp bức: cần phải làm cho trào lưu chủ đạo hiểu rằng những người đồng tính là nạn nhân của định mệnh, theo nghĩa là đa phần chưa hề bao giờ chọn lựa để chấp nhận hay từ khước sở thích tình dục của mình cả. Thông điệp họ muốn mọi người đón nhận là: “Theo như những người
đồng tính cho biết được, họ vốn sinh ra là đồng tính rồi”6.
Chiến lược đơn giản này – tạo nên một hình ảnh công khai vô hại về đồng tính luyến ái, để rồi quy kết bất cứ ai không đồng thuận là thiếu khoan dung và nuôi hận thù – đã tỏ ra cực kỳ thành công. Các nhà hoạt động đồng tính nêu lên những khẩu hiệu chắc ăn được đem ra kiểm nghiệm trong những cuộc thăm dò. Họ mỉm cười và đưa ra những yêu sách chỉ có lý bề ngoài. Họ thêu dệt những huyền thoại nhằm phục vụ cho việc quảng bá công khai, và với sự trợ lực của cánh truyền thông vào hùa với họ, tiếp hơi tiếp sức cho họ trước công luận.

❃ Ngôn ngữ, hình ảnh, và sự tuyên truyền
Trong những cuộc tranh luận về đường lối chính sách chung, ngôn ngữ là hết sức quan trọng. Điều này đặc biệt đúng trong cuộc tranh cãi về hôn nhân đồng tính, và những nhà hoạt động đồng tính đã không kém xảo quyệt trong ngôn từ của họ hơn trọn cả khối Cánh tả về Giới tính. Chẳng hạn, mặc dù không có sự đồng thuận phổ quát về định nghĩa của đồng tính luyến ái (liệu cụm từ này nói về những dục vọng, hay những hành vi, hoặc những điều xác tín nào đó, hay một sự kết hợp nào đó từ đấy hay chăng?), các nhà hoạt động đồng tính cứ làm như thể đó là một loại người đã được chỉ định một cách khoa học. Họ đã lợi dụng tính cách mơ hồ này, và không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng lên công luận, bằng cách lựa chọn kỹ lưỡng những từ ngữ làm nổi bật vấn đề này theo cách có lợi cho họ. Chẳng hạn, họ đã tránh né từ homosexual (đồng tính luyến ái) của thế kỷ XIX, và cố tình sử dụng từ gay và lesbian để lần lượt chỉ người nam và người nữ nào mà a) nhận thấy mình bị thu hút về giới tính của mình7; và b) đồng lòng với chương trình hành động chính trị của giới đồng tính.       
Ngôn từ về “khuynh hướng tính dục” và “giới thiểu số về tính dục” cũng lan rộng ra và bao gồm cả người song tính, người chuyển giới, người chuyển tính, người giả trang giới tính khác. Và như thế, toàn thể những người này ngày nay được bao gồm lại trong một từ cấu tạo bằng những chữ đầu của nhiều từ, đó là GLBT [Gay - Đồng tính nam, Lesbian – Đồng tính nữ, Bisexual – Song tính, và Transgender, Transsexual- Chuyển tính (Transgender là người sinh ra với giới tính này về mặt sinh học nhưng lại mang giới tính ngược lại về mặt tâm lý; Transsexual là người đã can thiệp để chuyển giới tính đã có khi sinh ra sang giới tính ngược lại)], hoặc, theo cách khác, LGBT. Một số người lại thích tự chỉ về mình như “kẻ lạ đời”, mặc dù một số khác lại thấy hạn từ này mang tính phỉ báng khi được dùng bởi những người không phải là đồng hội đồng thuyền với mình.       
Tuy nhiên, không một loại nào trong các loại này diễn tả thích đáng tất cả những ai tự coi là đồng tính luyến ái (ĐTLA): chẳng hạn, có những người trong những loại kể trên không bao giờ  hành động theo hướng này. Cũng chẳng một loại nào trong số những loại này bao hàm những người ĐTLA mà không đồng thuận với chương trình hành động của giới đồng tính. Vì lý do này, tôi thấy cụm từ “những người ĐTLA” là thuật ngữ rộng nghĩa nhất và chính xác nhất, mặc dù cụm từ này có hơi cồng kềnh. Tôi cố gắng tránh dùng từ homosexual như một danh từ để chỉ những người ĐTLA, hoặc heterosexual để chỉ những người dị tính luyến ái, bởi vì những hạn từ này tạo nên cái ấn tượng rằng con người ta có thể chia ra một cách gãy gọn thành những thể loại căn cứ trên những dạng thức ước muốn tính dục của họ. Người ta đều hoặc là nam hoặc là nữ. Các dạng thức của sự thu hút về giới tính không phải là căn tính của họ, và thực ra, các dạng thức này hoàn toàn có thể dịch chuyển theo thời gian. Có một số những người tranh đấu đồng tính lại là những người vốn hướng về người khác giới như những người “bình thường”, hoặc khôi hài thay, lại có tính cách của “những người sinh con đẻ cái”. Tôi thích nói đến họ một cách giản dị là những người nam và những người nữ thôi.     

Tôi lại muốn dùng từ homosexual (đồng tính luyến ái) như một tính từ, khi nói về những hành vi tình dục rất đa dạng mà hai người thuộc cùng một giới có thể thể hiện với nhau8. Điều này cho phép luận bàn về thái độ hay những hành động mà không cần phải mô tả ra từng chi tiết. Tôi cố ý tránh ngôn từ mang tính minh thị như thế bất cứ chỗ nào có thể, mặc dù đôi khi tôi nghĩ cũng cần phải nói ra một cách đích xác điều mình đang muốn nói đến – vì e rằng chúng ta lại chơi ngay vào chiến lược của các nhà tranh đấu đồng tính vốn thích mỹ từ hóa những hành vi của họ.   
Và chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều từ ngữ mang tính chế nhạo đối với những người ĐTLA. Tất cả những kiểu nói đó đều làm mang tiếng cho những người sử dụng chúng; chúng chứng tỏ sự thiếu bác ái và cần phải được tránh xa, mặc dù ít nhiều người ĐTLA lại dùng những ngôn từ đó khi nói về chính họ. Những người ĐTLA cũng là những con người, và họ cũng được hưởng tất cả mọi quyền thuộc về con người. Nhưng điều này không bao hàm quyền thay đổi định nghĩa của hôn nhân.

❃ Chiến lược làm nạn nhân
Hoa Kỳ là một dân tộc hay có lòng thương cảm và thực dụng, thích tập chú vào vấn đề trước mắt cách nhiệt thành và chân thực. Đáng tiếc thay, điều này có nghĩa là không phải lúc nào họ cũng thấy được những hệ quả lâu dài của việc nhượng bộ cho những việc điều chỉnh mau chóng. Các thành viên của Cánh tả về Giới tính, giống như tất cả những người khởi xướng cải cách xã hội triệt để, đã nhận ra rằng phương cách để đạt được các mục tiêu của họ là đưa ra một giải pháp đơn giản dựa vào việc đánh động lòng trắc ẩn: “Xin hãy tội nghiệp cho chúng tôi, chúng tôi đã phải đau khổ, xin hãy ban cho chúng tôi điều chúng tôi kêu xin”. Đối với sự tuyên truyền của họ về hôn nhân, họ cẩn thận lựa chọn những “nạn nhân” dễ thương, những cặp rất mực yêu thương nhau mà họ mô tả là đang phải dũng cảm chống chọi lại điều ác hại do luật lệ, truyền thống và định chế gây nên và đang kỳ thị bất công chống lại họ. Các nạn nhân – mà số lượng được phóng đại một cách ghê gớm – khiến ai cũng phải nhìn xem và lắng nghe, và nếu có thể được, những nạn nhân ấy lại còn được vây quanh bởi những đứa trẻ dễ thương và ăn ảnh. Những cặp này tự nhận mình đại diện cho hàng triệu nạn nhân khác, và họ luôn luôn đưa ra yêu sách trong một ngôn ngữ quy về quyền lợi; vì ai có thể chống lại những “quyền lợi”? Tại sao, chỉ có những kẻ cố chấp tiểu nhân, đầu óc hẹp hòi, bị trói buộc vào những ý tưởng lỗi thời mới làm như thế.
Những người bênh vực cho phá thai rất lão luyện trong sách lược này. Khi vận động cho việc phá thai được hợp thức hóa vào những năm 1960, họ đã khẳng định rằng hàng ngàn phụ nữ đang phải thiệt mạng hằng năm vì hoàn cảnh phức tạp do việc phá thai bất hợp pháp. Các bà đứng trước đám đông và lên truyền hình kể những chuyện kinh hoàng về các “tên đồ tể ở lối sau”. Tuy nhiên, thống kê về tử vong trong thời kỳ này cho thấy trong những năm trước khi phá thai được trở thành hợp pháp, có rất ít vụ tử vong (chưa tới năm chục vụ mỗi năm) có thể quy cho việc phá thai bất hợp pháp. Bernard Nathanson, kẻ phá thai nổi tiếng nhất của thời đại (mà sau này lại trở thành một chiến sỹ bảo vệ sự sống), đã nhìn nhận rằng người ta đã biết những khẳng định của họ về việc phá thai bất hợp pháp là giả dối, nhưng họ đã cậy dựa vào truyền thông thân hữu để khỏi đương đầu với những khó khăn.     
Ngày nay, các nhà tranh đấu đồng tính đã khéo léo sử dụng cũng một chiến lược này để làm gia tăng sự đồng cảm của công chúng đối với đòi hỏi của họ mà lại không chú ý đến những sự kiện này, đến những nguyên tắc triết lý bị lâm nguy, đến những hệ quả tiêu cực sẽ theo sau nếu kế hoạch của họ thành công.

❃ Những điều khẳng định trái với thực tế
Các nhà tranh đấu đồng tính biết rõ truyền thông hoạt động như thế nào. Họ biết rằng một điều khẳng định không chân thực có thể trở thành một phần của “cái khôn ngoan đã được chấp nhận”, nếu cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần – nhất là nếu điều khẳng định ấy nghe có lý hoặc nếu việc phi bác điều ấy tốn hơn ba mươi giây.     
Đây là vài thí dụ về những điều khẳng định thiếu cơ sở bởi những người tranh đấu đồng tính mà, duy chỉ nhờ cứ lặp đi lặp lại, đã đạt tới mức là “sự kiện” phổ biến:
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: “Mười phần trăm dân số là đồng tính”.
Chiến lược chủ đạo ban đầu của những người tranh đấu đồng tính là thổi phồng nhận thức của công chúng về con số những người ĐTLA. Dựa vào khẳng định của họ về kết quả của một nghiên cứu của Kinsey năm 1949 vốn đã không còn được tin tưởng từ lâu, và cứ loan truyền điều đó nhờ sự hăng hái tiếp tay của các phương tiện truyền thông và học đường, họ đã đưa ra điều đã trở nên con số “mười phần trăm” coi như được rộng rãi chấp nhận.
❈ THỰC TẾ: Chẳng tìm thấy được một cuộc nghiên cứu nào chứng tỏ rằng mười phần trăm dân số dính líu tích cực vào mối quan hệ đồng tính hoặc tự nhận mình là “đồng tính” cả. Hơn thế nữa: nhiều nghiên cứu mới đây căn cứ vào dân số cho thấy chỉ có chừng hai phần trăm dân số rơi vào trường hợp này mà thôi9. Điều hiển nhiên này trở nên rõ ràng đến nỗi đa số những người tranh đấu đồng tính đã rút lại huyền thoại này; tiếc thay, điều này đã được rêu rao quá nhiều đến nỗi nó vẫn còn tồn tại trong đầu óc nhiều người.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Người đồng tính “bẩm sinh như thế”; có một thứ “gien đồng tính”.    
Đây có lẽ là huyền thoại mạnh mẽ hơn cả, vì nó thu hút sự thương cảm của mọi người lương thiện, và nó phù hợp với nhận thức của họ rằng có một cái gì thực sự “khác biệt” đối với những người ĐTLA, và rằng không một ai lại tự nguyện chọn lựa điều đó cả. Điều này xem ra cũng hợp lý đối với những người ĐTLA, đa phần những người này thành thật tin rằng họ đã “bẩm sinh như thế” bởi vì họ luôn luôn cảm  thấy mình “khác biệt”.
 ❈ THỰC TẾ: Cảm giác không phải là sự kiện. Vẫn chưa có chứng cớ khoa học nào về một nguyên nhân di truyền nào của hiện tượng ĐTLA cả. Tỉ lệ thấp về sự hòa hợp của hiện tượng ĐTLA nơi những cặp song sinh đồng dạng khiến cho không thể nào tìm thấy được nguyên nhân sinh học di truyền hoặc bẩm sinh của hiện tượng ĐTLA trong tương lai.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Người ta không thể thay đổi dạng luyến ái tính dục được.     
Những người tranh đấu đồng tính sử dụng huyền thoại “gien đồng tính” để bênh vực điều khẳng định của họ về việc không thể nào thay đổi khuynh hướng tính dục được. Bởi vì họ đã “bẩm sinh  như thế”, nên họ không thể nào thay đổi được, bởi vì sâu xa nơi bản thân họ là đồng tính, đơn giản vậy thôi.
❈ THỰC TẾ: Trước hết, có rất nhiều hiện tượng rối loạn về gien vẫn đáp ứng với sự điều trị. Cho dù ĐTLA là do tiền định bởi gien đi nữa (mà thực ra không phải như thế), thì điều này vẫn không dẫn tới việc không thể nào điều trị được. Về phần ĐTLA, có rất nhiều báo cáo với đầy đủ chứng liệu về sự thay đổi hấp lực giới tính từ đồng tính chuyển sang dị tính10. Các thầy thuốc tham gia vào công trình điều trị này đã giúp đỡ thực sự cho các người ĐTLA mỗi ngày.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Những người ĐTLA cũng có một tâm lý lành mạnh như những người dị tính luyến ái.     
Những người tranh đấu đồng tính hiểu biết rằng: nếu coi ĐTLA là một “hiện tượng rối loạn” thì sẽ càng khó khăn nhiều hơn nếu họ nuôi dưỡng được nhận định rằng những người ĐTLA cũng hạnh phúc, ổn định, và lành mạnh như bất cứ ai khác.
❈ THỰC TẾ: Nếu sự hấp dẫn của người đồng giới là một tình trạng trung tính, chúng ta sẽ hy vọng những cuộc nghiên cứu nhằm chứng tỏ không có sự khác biệt nào về sức khỏe tâm lý giữa những người ĐTLA và những người không mắc chứng này. Tuy nhiên, rất nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng những người ĐTLA lại có những tỷ lệ cao hơn một cách đáng kể về một số những rối loạn tâm lý11. Người ĐTLA có nhiều khả năng bị trầm cảm, gặp những trường hợp bị lạm dụng thực sự, có ý nghĩ muốn tự tử, đam mê tình dục, và một số rối loạn tâm lý.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Những vấn đề người ĐTLA gặp phải là do họ phải chịu cảnh áp bức.
Khi họ không thuyết phục được thiên hạ về các điều khẳng định trên kia (và, do ánh sáng của chính những cuộc nghiên cứu của họ nói ngược lại), các nhà đấu tranh đồng tính lại quy lỗi cho xã hội đã có thói ghét bỏ người đồng tính cho nên những người này mới gặp phải những vấn đề như thế.
 ❈ THỰC TẾ: Nếu những vấn đề quá đáng này hoàn toàn do xã hội không chịu chấp nhận người đồng tính gây ra, thì hẳn nhiên chúng ta phải thấy những vấn đề này sẽ ít hẳn đi ở những nơi nào có nhiều sự bao dung hơn và thói “ghét người đồng tính” không đáng kể. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những nghiên cứu thực hiện ở Hòa Lan và Tân Tây Lan là những nơi thường có sự bao dung cao đối với các khuynh hướng tính dục khác nhau, lại thấy tỷ lệ cũng cao tương tự như thế về những khó khăn tâm lý so với những cuộc nghiên cứu ở các nơi khác.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: ĐTLA cũng bình thường như dị tính luyến ái.
Các nhà tranh đấu đồng tính không chỉ muốn thuyết phục công chúng rằng ĐTLA đã được tiền định bởi gien và không thể thay đổi được mà thôi, nhưng họ còn muốn thuyết phục thiên hạ rằng: đó là một điều kiện trung lập, giống như chủng tộc, màu mắt, tính cách thuận tay. Đó chẳng qua chỉ là một khía cạnh khác nữa của sự đa dạng nhân sinh, chứ không phải là một rối loạn.
❈ THỰC TẾ: ĐTLA chẳng ăn nhập gì với mẫu đột biến về gien vốn tạo nên tính đa dạng lành mạnh của nhân loại. Cho dù tỷ lệ cao về rối loạn tâm lý tìm thấy nơi những người ĐTLA có thể bị gán cho những áp lực văn hóa đi nữa, thì ĐTLA vẫn giảm thiểu phần lớn khả năng sinh sản. Một sự đột biến về gien mà có khả năng ngăn cản điều kiện sinh sản của cá thể thì là một khuyết điểm rồi, chứ không phải là một mẫu dị biệt trung lập nữa.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Toan tính thay đổi khuynh hướng tính dục nơi một con người sẽ tác hại về mặt tình cảm.
Các nhà tranh đấu đồng tính gây áp lực đòi các hiệp hội tâm lý cấm chỉ việc điều trị nhằm thay đổi khuynh hướng tính dục, viện cớ việc điều trị này sẽ gây khổ sở tâm lý cho người phải điều trị.
❈ THỰC TẾ: Chính sự hiện hữu việc điều trị này lại cho thấy rằng nhiều người ĐTLA mong ước được thay đổi. Nhiều cuộc nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu về sự thay đổi, và việc điều trị ĐTLA có một tỷ lệ thành công hay thất bại giống như tỷ lệ của những rối loạn tâm lý tương tự12.  Những người không đạt được mục tiêu của họ qua việc điều trị thường cảm thấy thất vọng và có thể đổ lỗi cho việc điều trị.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Hàng ngàn thanh thiếu niên tự tử hằng năm vì bị quấy rầy và bắt nạt.
Các nhà tranh đấu đồng tính cứ đem thảm kịch tự tử và bị bắt nạt của các thanh thiếu niên ra để thúc đẩy việc thực hiện những chương trình giáo dục nhằm cổ vũ cho những huyền thoại của người đồng tính.
 ❈ THỰC TẾ: Việc nghiên cứu về điều mà dựa vào đó các nhà tranh đấu đồng tính đưa ra sự khẳng định này đã hoàn toàn làm họ mất uy tín13. Tác giả công cuộc nghiên cứu này đã liệt kê kết quả. Những gì các nhà nghiên cứu đã tìm thấy là các thanh thiếu niên ĐTLA toan tính tự tử cũng giống như những thanh thiếu niên khác từng bị ám ảnh bởi ý tưởng tự tử. Họ đã sử dụng ma túy, đi vào con đường tình dục rất sớm, và/hoặc xuất thân từ những gia đình lâm vào hoàn cảnh lộn xộn14.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: “Biểu lộ” – tức là tuyên bố công khai mình là đồng tính – với tư cách một thiếu niên sẽ giúp tránh khỏi những vấn đề phiền phức sau này.
Các nhà tranh đấu đồng tính khẳng định họ không làm công việc chiêu mộ, mà chỉ phát hiện và giúp những thanh thiếu niên vốn đã là “đồng tính” rồi biết chấp nhận “căn tính” của mình và hành động theo căn tính đó mà thôi.
❈ THỰC TẾ: Những cậu con trai mà nhận mình là “đồng tính” trong độ tuổi choai choai có nguy cơ cao mắc vào nhiều hệ quả tiêu cực, bao gồm những vấn đề ma túy và các bệnh lây nhiễm theo đường tình dục15.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Thanh thiếu niên đồng tính cần được dạy sử dụng bao cao su để phòng tránh AIDS.
Các nhà tranh đấu đồng tính đã nhìn thấy cơn khủng hoảng bệnh AIDS như một cơ hội khác nữa để đẩy mạnh chương trình hoạt động của họ trong các nhà trường công lập. Theo họ, chỉ có chương trình giáo dục giới tính sớm và rõ ràng mới có thể chặn đứng được sự lan tràn của trận đại dịch này.
❈ THỰC TẾ: Nhiều thập niên dạy dỗ ráo riết việc sử dụng bao cao su đã chẳng giảm thiểu được tỷ lệ lây nhiễm AIDS giữa những người nam có sinh hoạt tình dục đồng tính với nhau. Trong khi sự thất bại của bao cao su cũng có phần của nó, vẫn còn lý do chính của sự thất bại này, đó là những người nam khi sinh hoạt tình dục với nhau – mặc dù họ đã được giáo dục về bao cao su bao nhiêu lần đi nữa – không phải lúc nào sáp lại với nhau họ cũng sử dụng bao cao su cả đâu. Chẳng có một sự giáo dục nào, cho dù là sớm sủa đến đâu đi nữa, có thể thay đổi được điều này. Thực ra, thanh thiếu niên mà bắt đầu hành vi này trước khi được hai mươi mốt tuổi có nguy cơ nhiễm HIV rất cao16.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cặp đồng tính không có nhiều vấn đề hơn những trẻ em được sinh đẻ và nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ có kết hôn.
Tự ý thức rằng trở ngại chính đối với chương trình hoạt động của họ là mối quan tâm của công chúng về sự an toàn và hạnh phúc của trẻ nuôi dưỡng bởi những cặp đồng tính, các nhà tranh đấu đồng tính đã khuyến khích việc nghiên cứu để “chứng minh” rằng chẳng có sự khác biệt nào cả giữa những trẻ được nuôi dưỡng bởi những cặp đồng tính và những trẻ được nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ có kết hôn đã sinh ra chúng. Rồi họ đưa những kết quả này ra trước tòa án xét xử những vụ kiện về hôn nhân của họ.
❈ THỰC TẾ: Đa số những cuộc nghiên cứu này đã không so sánh trẻ được nuôi dạy bởi những cặp đồng tính với những trẻ được nuôi dạy bởi chính cha mẹ đã kết hôn và sinh ra chúng, nhưng với những trẻ có mẹ đơn thân hay ở trong những hoàn cảnh có những rắc rối khác. Hơn nữa, khi xem xét lại những cuộc nghiên cứu này, ta thấy có nhiều trẻ trong số đó có khuyết tật nơi ngoại hình hay nơi nội tâm. Và, trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu hoàn toàn phớt lờ những phát hiện riêng của họ và làm sai lệch những kết luận của họ để cho phù hợp với chương trình hoạt động của họ17
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Giáo huấn tôn giáo chống lại ĐTLA đưa tới những tội phạm vì thù ghét.
Các nhà tranh đấu đồng tính mở một chiến dịch lớn để nối kết thái độ chống đối khuynh hướng ĐTLA với nạn dùng bạo lực chống lại người ĐTLA, đưa chuyện đó lên ngang hàng với chủ trương kỳ thị chủng tộc và nạn bạo hành do kỳ thị chủng tộc. Trong mỗi bài phỏng vấn, bản thông tin cho báo chí, và bài bình luận, họ dùng những từ ngữ nặng nề như phân biệt đối xử, bất bao dung, cố chấp, và thù hận để nói về những ai, trên bình diện tôn giáo, tin rằng những hành vi ĐTLA là nghịch lại luật Thiên Chúa, hàm ý những xác tín của những người này giống như thêm dầu vào lửa bạo lực chống lại người đồng tính.
❈ THỰC TẾ: Bọn côn đồ có những hành vi bạo lực chống lại người ĐTLA hầu như chẳng bao giờ là những người vẫn thường đi nhà thờ cả. Phần lớn các nhóm có tôn giáo mà chống đối đường lối hoạt động của người đồng tính đều mạnh mẽ lên án – bằng ngôn từ cũng như bằng hành động – những bạo hành chống lại người ĐTLA. Thực ra, những người theo nếp sống ĐTLA có thể đã phải chịu bạo hành bởi chính những người đồng tính nam và nữ hơn là bởi những người khác18.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Kinh Thánh đâu có dạy rằng việc vướng mắc vào những quan hệ ĐTLA là sai lỗi; các huấn thị của Kinh Thánh thực ra chỉ áp dụng cho những người dị tính luyến ái mà lại muốn sa đà vào những hành vi ĐTLA thôi.  
Ngoài ra, để nhạo báng những người mộ đạo cứ chống đối đường lối hoạt động của họ, những nhà tranh đấu đồng tính tìm cách diễn giải lại những bản văn Kinh Thánh và những học thuyết luân lý truyền thống vốn ngăn cấm ĐTLA, bằng cách giảm thiểu (hay thậm chí đảo ngược) ý nghĩa của những dữ liệu này.
❈ THỰC TẾ: Sự ngăn cấm trong Kinh Thánh đối với hành vi tính dục giữa những người đồng giới là rõ ràng và không có chút gì mơ hồ cả, lại còn được ủng hộ bởi truyền thống hằng bao thế kỷ của Do Thái giáo và Kitô giáo. Truyền thống này không có một điều khoản nào cho khuynh hướng tính dục hoặc những “quan hệ gắn bó” nào (khác với dị tính luyến ái) cả.
☛ ĐIỀU HỌ KHẲNG ĐỊNH: Đã có một thời, Hội thánh Công giáo đã chấp nhận hôn nhân đồng tính.
Những người tranh đấu đồng tính thất vọng vì Hội thánh Công giáo không chịu thay đổi giáo huấn của mình cho kịp với thời đại, nên họ tìm cách gieo rắc ý tưởng trong công luận rằng đã từng có một thời giáo huấn của Hội Thánh rất khác – thậm chí tới mức đã “chúc lành” cho những kết hợp đồng tính. Có một ít cuốn sách và bài viết gần như mang tính lịch sử minh chứng điều này đã từng được đề cập trên báo chí.
❈ THỰC TẾ: John Boswell, một tác giả thuộc giới đồng tính, là người đầu tiên đưa ra khẳng định này, đã cố tình dịch thuật sai lạc ít nhiều văn bản cổ xưa dùng làm những nghi thức kết nghĩa “huynh đệ” hoặc “nghĩa hữu đặc biệt”, thành ra những kết hợp tính dục đồng giới hay những cuộc “hôn nhân”19. Tuyệt đối rõ ràng theo lịch sử của thời kỳ này thì chẳng có mối quan hệ tính dục nào được hàm ý hay có dính dấp đến20, và chắc chắn chẳng có chút gì tương tự một “hôn nhân” đồng tính cả.

❃ Bằng chứng chỉ có một chiều
Khi tôi khởi sự tìm hiểu vấn đề ĐTLA, tôi thật lòng mong chờ tìm thấy được hai bộ phận bằng chứng tương đương với nhau, mỗi bộ phận bênh vực một bên. Những gì giới tranh đấu đồng tính khẳng định đều được đăng tải rộng rãi trên sách báo đại chúng, thường kèm theo những dẫn chứng cũng theo báo chí. Tôi có được những văn bản các bài báo đó và nhận thấy nhiều bài chỉ đơn thuần dẫn lại các bài khác, nhưng cuối cùng tôi cứ dõi theo từng điều họ khẳng định cho tới tận nguồn gốc. Hầu như không có một ngoại lệ nào, khi tôi tìm ra được nguồn gốc của điều họ khẳng định, thì cái mẫu nghiên cứu họ đề cập đến lại là một nghiên cứu chẳng chứng minh gì cả, và trong một số trường hợp, thậm chí chẳng khẳng định để chứng minh những gì được cố ý để chứng minh! Nhiều nghiên cứu lại chứa đựng những sai sót nghiêm trọng về phương pháp luận khiến các kết luận của những nghiên cứu đó sụp đổ hoàn toàn21. Trong những trường hợp khác, các kết luận của các tác giả không được bảo vệ bởi những dữ kiện do chính họ đưa ra. Trong nhiều trường hợp, số liệu thống kê chỉ đơn thuần được dẫn khống.
Đàng khác, tôi đã có thể dễ dàng tìm ra hàng núi thông tin trái ngược hẳn với những huyền thoại về những người đồng tính. Những nghiên cứu có chiều sâu phân tích kỹ lưỡng từng huyền thoại một đã được xuất bản bởi những nhóm như Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu và Trị liệu ĐTLA (NARTH), Hội đồng Nghiên cứu về Gia đình, và Sứ mệnh Hoa Kỳ (Mission America), cũng như rất nhiều nhà nghiên cứu cá nhân. Tuy nhiên, những tổ chức hay cá nhân này họa hiếm mới được giới truyền thông chủ đạo chú ý đến, trong khi điều khẳng định khó tin nhất những người tranh đấu đồng tính tung ra thì lại được báo chí chạy thành những hàng tít lớn. Khi giới truyền thông tường thuật những khám phá của công cuộc nghiên cứu mang tính thách thức đường lối hành động của những người đồng tính, thì những khám phá ấy liền bị chế nhạo hoặc bị trình bày theo cung cách cố ý hạ thấp độ khả tín của chúng. Bởi vậy, ngày nay có một sự chia rẽ ngày càng lớn giữa những người chỉ nghe những điều khẳng định vô căn cứ của những người đồng tính và một số người nhỏ hơn từng được thấy những bằng cớ trái ngược với những khẳng định kia.

❃ Những tiếng nói bất đồng của những người tranh đấu đồng tính
Giữa những người tranh đấu đồng tính cũng có một dải phân cách nào đó. Mặc dù họ mô tả cộng đồng của họ như luôn có sự đồng tình hoàn toàn với điều khẳng định rằng khuynh hướng tính dục của họ là một cái gì bẩm sinh và không thể nào thay đổi được, và họ hoàn toàn thống nhất trong ước vọng được kết hôn và có con cái giống như những đôi vợ chồng khác, một sự thống nhất như vậy thực ra không có. Một số người trong cộng đồng đồng tính biết rằng khoa học vẫn không đi đến kết luận và họ tin rằng cứ phải sử dụng đến những lời dối trá và xuyên tạc thì phong trào của họ sẽ sụp đổ. Một số người khác đơn thuần không tin rằng họ “giống hệt như mọi người khác”, và không muốn cứ làm bộ ra như thế. Đối với họ, việc giải phóng những người đồng tính không có nghĩa là phải sống như những cặp vợ chồng và những gia đình thông thường. Trong một tuyên bố vào năm 2003 và đã được nhắc lại trong rất nhiều trang mạng22 và diễn đàn vốn cứ trình bày cả hai phía của cuộc tranh cãi, tác giả là người đồng tính John McKeller  ghi chú với sự đồng thuận rằng:
Sự biến đổi trong dư luận ngày nay liên quan đến ĐTLA, dù được người ta trình bày như một tiến bộ khoa học đi nữa, vẫn mâu thuẫn với khoa học, chứ không được khoa học bênh vực. Đó là một sự biến đổi nền đạo đức chung tương ứng với sự từ bỏ rộng khắp nền đạo lý Do Thái-Kitô giáo, vốn là nền tảng của nền văn minh chúng ta. Dẫu được chào mừng là “tiến bộ”, nhưng đây quả là sự quay trở lại những thực hành ngoại giáo cổ xưa từng được cổ xúy bởi việc lặp lại chủ nghĩa luân lý tương đối theo hướng bất khả tri mang tính phản văn hóa.
Còn những người khác đã đặt nghi vấn về độ tin cậy của những dữ liệu được họ tạo lập ra. Gareth Kirkby, khi viết trong cuốn Xtra West, một ấn phẩm ở Canada “đã dấn thân vào cuộc tranh đấu của những người đồng tính nam và nữ vì sự nghiệp giải phóng tình dục và thành nhân”, đã hỏi tại sao những nhà tranh đấu đồng tính lại cảm thấy cần phải làm méo mó sự thật:
Tại sao một số người của chúng ta lại cứ tiếp tục bẻ cong, làm vặn vẹo, nếu không phải là chơi trò lập lờ với những cái gọi-là sự kiện (thường mang tính lỗi thời)? Chẳng hạn, tại sao ta cứ tiếp tục nằng nặc cho rằng mười phần trăm trên toàn thể dân số là người đồng tính? Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta cứ mạnh mẽ rêu rao con số này, mặc dù ở đâu cũng nói con số đó nhưng con số đó đâu có đúng... Hoặc là căn cứ vào đâu mà lại có luận cứ rằng chúng ta “vốn sinh ra như thế”, cứ cho là điều này ở Hoa Kỳ thông thường hơn ở đây đi nữa? Điều này nghe như một lời biện bạch rằng chúng ta bị khuyết tật nên đáng được xót thương cho số phận hẩm hiu của ta. Hơn thế nữa, điều này giống như vẽ một bức tranh về giới tính bằng một nhát cọ lớn. Riêng bản thân tôi, sở dĩ tôi chọn làm người đồng tính chính chỉ vì sau một số quan hệ của tôi với phụ nữ mà thôi23

❃ Sự đụng độ của các triết lý 
Lời tuyên bố thẳng thắn trên đây cho ta một cái nhìn lướt qua một sự thật then chốt: cuộc tranh đấu về hôn nhân căn bản vốn là một sự đụng độ giữa hai thế giới quan bất khả tương thích. Cuối cùng, phải có một bên thắng, và bên kia phải bị bất tín nhiệm. Thêm nhiều người bị lâm nguy trong cuộc xung đột này hơn, cho dù một vài ngàn cặp đồng tính có thể gọi mối quan hệ của họ là “hôn nhân” đi nữa. Ở cốt lõi của Cánh tả về Giới tính và chương trình hoạt động của họ là một ý thức hệ. Rốt cuộc thì vấn đề sinh tử là liệu nền văn minh Tây phương sẽ phế bỏ hay duy trì được một trong những nguyên tắc nền tảng của nó.     
Mặc dù phần lớn những người tranh đấu đồng tính khẳng định công khai rằng tất cả những gì họ muốn chỉ là mở rộng cho những người ĐTLA được hưởng những quyền lợi của hôn nhân truyền thống, nhưng thực ra còn có những người khác nữa đang nhắm đến những mục tiêu lớn hơn của họ, cũng như những hiệu quả mà họ mong chờ. Michael Bronski, tác giả cuốn sách “Nguyên lý Khoái lạc: Văn hóa, Phản ứng, và Tranh đấu cho Tự do Đồng tính”24, đã thản nhiên ủng hộ khoái lạc tình dục như cùng đích tối hậu. Khi Đức Gioan Phaolô II băng hà vào mùa Xuân 2005, Bronski đã viết một bài trong đó ông ta tấn công giáo huấn của Đức Gioan Phaolô về giới tính và bộc lộ quan điểm của ông ta như sau:
“Bởi vì tình dục đồng tính không bao giờ có tiềm năng sinh con cái, bởi vì tình dục này – trong bản chất – là tình dục vì chính tình dục, đem lại lợi ích tuyệt hảo cho chính nó, cho nên chúng ta đã trở nên những người tiên phong không phải chỉ cho tình dục mà thôi, nhưng còn cho sự thánh thiện của tình dục nữa. Nếu thân xác và tính dục là thánh thiêng, thì chúng cũng nhất định là thánh thiêng từ bản chất. Không cần gì phải biện minh cho chúng bằng việc sinh sản, hoặc cảm thấy xấu hổ sau khi hành sự”25.
Tôi tự hỏi liệu Bronski có biết rằng Đức cố Giáo hoàng đã từng chỉ ngay vào sự khác biệt này trong các ý thức hệ trên ba chục năm trước rồi. Trong năm 1960, khi còn là vị giám mục Ba Lan trẻ tuổi Karol Wojtyla, vị Giáo hoàng tương lai Gioan Phaolô II đã viết một cuốn sách mang tựa đề Tình Yêu và Trách Nhiệm, trong đó ngài đã xem xét tỉ mỉ ý thưc hệ coi khoái lạc tình dục là sự thiện hảo cao nhất. Do coi tha nhân chỉ là phương tiện cho sự hưởng thụ của bản thân mình thôi, “Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục” này, theo Đức Thánh Cha, đi ngược hẳn lại luật căn bản của tình yêu: “Hãy yêu thương người lân cận ngươi như chính bản thân ngươi”, hệ luận của nó phải là: “Ngươi không được sử dụng người lân cận ngươi như một đồ vật”. Mặc dù Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục có vẻ như vô hại và thậm chí khá là hấp dẫn – ai cũng tự do hưởng thụ khoái lạc tình dục! – nhưng thực ra nó luôn luôn kết thúc bằng việc người này sử dụng người kia như một đồ vật. Điều này mâu thuẫn với tình yêu và phẩm giá con người.    
Theo những nguyên tắc của Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục, bao lâu cả đôi bên (hay tất cả các bên) đều cảm thấy khoái lạc và đều ưng thuận, thì hành vi tình dục nào cũng được phép cả. Nhưng điều gì xảy ra khi một người không còn nhận được khoái cảm từ mối quan hệ này nữa? Khi đó, theo luân lý của Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục, người này không bị bó buộc phải đếm xỉa tới tình cảm của người kia, hoặc phải tôn trọng bất cứ lời hứa nào hay sự cam kết nào mà mình đã tuyên bố nữa. Người  kia đã trở thành một sự vật cho người này sử dụng và bây giờ có thể ngưng sử dụng, không phải là một con người mà người này phải tiếp tục yêu thương. Đây là phản đề của hôn nhân, vốn dựa trên một lời giao ước sẽ yêu thương người kia còn hơn chính bản thân mình, bất kể đến việc người kia có mang lại cho mình khoái lạc hoặc hạnh phúc hay không.     
Đức Gioan Phaolô II cũng giải thích người ta cảm thấy thật hổ thẹn như thế nào khi nhìn tha nhân như những đối tượng tình dục hoặc để cho bản thân bị đối xử như đối tượng tình dục – không phải như một đáp trả điều kiện hóa của xã hội, nhưng như một đáp trả của con người tự nhiên. Trái lại, Bronski đề cao sự “không lấy làm xấu hổ” như dấu chứng của  lối sống đồng tính:     
Những người ĐTLA thường bị tố cáo là không biết hổ thẹn – và đó đúng là sự thật. Sự hổ thẹn là phản đề của sự thánh thiện26 và những người ĐTLA càng trở nên mặt dạn mày dầy – trong việc đòi hỏi các quyền dân sự, sự toàn vẹn cá nhân, và sự tự do cá nhân cũng như tự do tính dục của họ – thì họ càng phô bầy cho thế giới thấy được những khả năng vô tận về khoái lạc tính dục và sự thánh thiện của tính dục27
Cánh tả về Giới tính cảm thấy bị xúc phạm bởi những tập tục tôn giáo, nền giáo dục tiết chế, cả những cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm theo đường tình dục, bởi vì những điều này gây nên những cảm giác tiêu cực về tội lỗi và hổ thẹn và do đó sẽ can thiệp vào việc đi tìm khoái lạc. Bằng cách này hay cách khác, họ đổ lỗi cho những ai cổ vũ đức khiết tịnh và nhất là đổ lỗi cho Hội thánh Công giáo đã gây ra nạn đại dịch các bệnh lây nhiễm theo đường tình dục khắp thế giới. Theo họ, không phải là sự chung chạ tình dục bừa bãi, mà chính những luật lệ tôn giáo hạn chế tình dục là đáng trách: vì những luật lệ đó làm cho người ta có mặc cảm tội lỗi, và vì thế người ta không biết chuẩn bị bản thân cách thích đáng đối với hành vi tình dục (bằng cách mang sẵn bao cao su trong túi).
       ❃ Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục và Hôn nhân
Đây không phải là cuộc tranh luận về phương tiện, nhưng là về cứu cánh. Khoái lạc tính dục có cần phải phục vụ cho hôn nhân, bằng cách ràng buộc đôi bạn lại với nhau trong tình yêu vì nhau, vì con cái họ, và sự vững bền của cộng đồng không? Hay khoái lạc tính dục cá nhân phải là cứu cánh tự thân, còn những người khác chỉ là những phương tiện mang tính tạm bợ và có thể thay đổi đối với cứu cánh đó? Những câu hỏi này được quyết định ra sao sẽ ảnh hưởng đến toàn thể xã hội chúng ta. Những nhà tranh đấu đồng tính thường đặt ra câu hỏi này: “Làm sao cuộc hôn nhân của tôi với người tôi yêu lại có thể gây ảnh hưởng đến bạn được?” Nhưng nhiều người trong số họ đã hỏi như thế một cách không trung thực. Vì họ nhất định phải biết rằng hôn nhân không phải là một định chế có tính riêng tư, và việc thay đổi định nghĩa của hôn nhân không phải là một quyết định cá nhân. Cứ thay đổi hôn nhân đi, mọi sự sẽ thay đổi hết.    
Có những người bênh vực cho hôn nhân rất hùng biện biết những điều gì sẽ lâm nguy. Ký giả đồng thời là nhà khoa học xã hội Stanley Kurtz đã ghi chép theo thứ tự thời gian và cho ta thấy những biến chuyển trong luật hôn nhân ở khắp Âu châu đã có ảnh hưởng thế nào đối với nền văn hóa nền tảng của gia đình tại châu lục này. Theo ông, những người khẳng định rằng hôn nhân sẽ không bị hủy hoại bởi việc tái định nghĩa hôn nhân, để định chế này có thể bao hàm cả các cặp đồng tính, không những không biết đến bằng chứng hiển nhiên từ kinh nghiệm này của Âu châu, mà còn không biết đến cả những tuyên bố minh nhiên của những người đang thúc đẩy những cải cách đó. Vì những nhà hoạt động ở Âu châu nhìn nhận rằng sự thay đổi sẽ có tác động sâu xa đến lối nhìn của mỗi người về hôn nhân.     
Chẳng hạn như Anthony Giddens, một nhà xã hội học hàng đầu của Anh quốc, nhìn thấy rằng  trong một tương lai không xa, hôn nhân sẽ không còn hướng tới chế độ một vợ một chồng, sự chung thủy, và gia đình nữa. Mà thay vào đó, tất cả sẽ chỉ là quan hệ do cảm xúc thúc đẩy giữa những kẻ thành niên: đó sẽ chỉ còn là “những quan hệ thuần túy”.
Kurtz giải thích:                                                                                                               
Trong cuốn Biến Đổi Ái Ân (Transformation of Intimacy), Giddens lý luận rằng “tình dục đồng tính ngẫu nhiên theo kiểu văn hóa nhà tắm” chứa đựng những bài học rất tích cực cho những mối quan hệ dị tính... Đối với Giddens, trong một thời đại mà định chế hôn nhân truyền thống ngày càng trống rỗng phải đi đến chỗ bị loại bỏ, thì những quan hệ đồng tính và tính dục đồng tính sẽ được dùng như những kiểu mẫu mới tích cực thay cho quan hệ dị tính. Như Giddens lưu ý, trong khi “hôn nhân theo nghĩa truyền thống” biến mất, “thì chính những người đồng tính là những kẻ tiên phong”. 
Còn về phần trẻ con, Giddens ủng hộ những luật lệ bắt buộc các bậc cha mẹ cung cấp tài chính cho con cái họ, bất kể những bậc cha mẹ này phải thu xếp cuộc sống của mình như thế nào theo dòng thời gian. Ở đây, ta thấy được ý nghĩa văn hóa của những hiệp hội người đồng tính của Âu châu, từ một con người vốn là kẻ giải thích về gia đình có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất của Âu châu này28.
Có mọi lý do để tin rằng thắng lợi của thứ đạo đức theo Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục được cổ vũ bời phe Cánh tả về Giới tính sẽ ảnh hưởng đến mọi mối quan hệ tình dục, chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến những mối quan hệ giữa người đồng tính mà thôi đâu. Nếu như sự “trơ trẽn thánh thiêng” của Bronski được đón nhận vào hàng đạo lý hôn nhân chung của nền văn hóa, thì khi đó đức khiết tịnh trước hôn nhân và sự chung thủy trong hôn nhân sẽ trở thành những chọn lựa theo phong cách riêng tư, chứ không còn là những giá trị chung của cộng đồng xã hội nữa. Chúng  ta đã chứng kiến tác động tiêu cực trên những mặt khác của Chủ nghĩa Duy lợi Tính dục đem lại như: ngừa thai, phá thai, lang chạ bừa bãi, ly dị dễ dàng – tất cả những tệ nạn này, theo thời gian, đã bóp méo những chuẩn mực văn hóa chung về hôn nhân và cách ứng xử về giới tính, và làm như thế là đã dọn đường cho việc định nghĩa lại hôn nhân.   

Antôn Uông Đại Bằng chuyển ngữ

Trích từ sách: MỘT NAM, MỘT NỮ - Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
(Còn tiếp)

1. Những ai hồ nghi về sự hăng say của Cánh tả về Giới tính muốn dạy dỗ cho trẻ về tính dục nên đọc cuốn It’s Perfectly Normal (Hoàn toàn bình thường) của Robie Harris, với những hình vẽ người lớn và trẻ em khỏa thân thì rõ. 

2. Tương tự, Cánh tả về Giới tính đã lợi dụng chuyện có thực là sự bắt nạt để đẩy mạnh chương trình tiến hành chủ trương của giới đồng tính dưới chiêu bài giáo dục sự bao dung và sự chấp nhận điều khác biệt.

3. Debra Hafner, Letter to the editor, New York Times, 30/10/1991.

4. Marshall Kirk và Hunter Madsen, 

5. Marshall Kirk và Estes Pill (bút danh của Madsen), “Overhauling Straight America”, Guide Magazine (Tháng 11/1987): 8.

6. Ibid.

7. Nên lưu ý là có một số phụ nữ nhận mình là đồng tính vì những lý do chính trị, mặc dù họ không có quan hệ tình dục với những phụ nữ khác và có xu hướng tình dục với nam giới.

8. Dĩ nhiên, nói theo chuyên môn, những hành vi mà hai người cùng một giới tính thực hiện với nhau thì không phải là những “hành vi tình dục”, bởi vì các cơ quan sinh dục của cả hai người không thể hiện trong cùng một động tác – tức là sự giao hợp. Cho nên, khi ta dùng thuật ngữ quan hệ tình dục (having sex) để diễn tả hành vi đồng tính luyến ái, thuật ngữ đó không thực sự chỉ hành vi giao hợp.

9. David Fergusson, John Horwood, và Annette Beautrais, “Is Sexual Orientation Related to Mental Health Problems and Suicidality in Young People”.  Archives of General Psychiatry 56, số 10 (1999): 876-888.

10. Robert Spitzer, “Can Some Gay Men and Lesbians Change Their Sexual Orientation? 200 Participants Reporting a Change from Homosexual to Heterosexual Orientation”, Archives of Sexual Behavior 32, số 5 (Tháng 10/2003): 403-417.

11.  Fergusson 1999, Sandfort 2001, sách đã dẫn.

12. Glenn Wyler, “Anything But Straight: A Book Review”. NARTH Bulletin (Tháng 4 /2004): 32-45.

13. Xem Peter LaBarbera, “The Gay Youth Suicide Myth”, http://www.leaderu.com/jhs/labarbera.html.

14. Gary Remafedi, James Farrow, và Robert Deisher, “Risk Factors for Attempted Suicide in Gay and Bisexual Youth” Pediatrics 87 (1991): 869-875.

15. Ibid.

16. George Lemp và những tác giả khác, “Seroprevalence of HIV and Risk Behaviors Among Young Homosexual and Bisexual Men”. JAMA, 272, số 6 (10/08/1994). Lược đồ trên trang 451: 15.2 % trong 79 nam thanh niên trong cuộc nghiên cứu bắt đầu quan hệ tình dục qua hậu môn với nam giới đều thấy HIV dương tính, còn 3.8%  trong 53 người nam khởi sự có quan hệ giữa những độ tuổi 20 và 22.

17. Robert Lerner và Althea Nagai, “No Basis: What The Studies Don’t Tell Us About Same-Sex Parenting” (Washington: Marriage Law Project, 2001).

18. Sự phổ biến của nạn bạo hành gia đình nơi những cặp đồng tính nam và nữ là vào khoảng 25% đến 33 %. Barnes, “It’s Just a Quarrel”,  American Bar Association Journal (Tháng 2/1998); đọc thấy tại www.aardvarc.org/dv/gay.shtml.

19. Robin Darling Young, “Gay Marriage: Reimagining Church History”, First Thing 47 (Tháng 11/1994): 43-48: a review of John Boswell, Same-Sex Unions in Premodern Europe (New York: Random House, 1994).

20. Cuộc nghiên cứu những gì điều khẳng định này căn cứ vào (Paul Gibson, “Gay Male and Lesbian Youth Suicide”, chứa đựng trong “Report of the Secretary’s Task Force on Youth Suicide”, Tháng 1/1989, nhưng không được chấp nhận) đã hoàn toàn bị bác bỏ. Xem LaBarbera, “The Gay Youth Suicide Myth”.

21. Chẳng hạn những khiếm khuyết trong các nghiên cứu về trẻ em nuôi dạy bởi những người đồng tính đã được dùng làm tư liệu chứng minh trong Lerner và Nagai, No Basis

22. Chẳng hạn như http://www.anglican-mainstream.net/?p=1636

23. Gareth Kirkby, “No, No, No to Marriage Rights”, Xtra West (20/08/1998).

24. St. Martin’s Press, 1998.

25. Michael Bronski, “Requiem for the Pope’s Penis: How Did the Pope Reconcile His Opression of Human Sexuality with the Reality of His Own Body?” Bay Windows (07/04/2005).

26. Độc giả hẳn đã thấy Bronski làm đảo lộn các từ ngữ như linh thiêng và thánh thiện như thế nào rồi, bằng cách cưỡng đoạt những ý tưởng cố cựu này và đem dùng chúng cho một thứ triết lý vốn thực sự là phản đề đối với những  truyền thống tinh thần và đạo đức của những tôn giáo lớn nhất.

27. Bronski, “Requiem for the Pope’s Penis”.

28. Stanley Kurtz, “Zombie Killers: A. K. A., ‘Queering the Social’”, National Review Online, 25/05/2006.