CUỘC TRANH LUẬN VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

CUỘC TRANH LUẬN VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

MỘT NAM, MỘT NỮ
Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo
 

Chương 3

   CUỘC TRANH LUẬN VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
❊❊❊

Những triết thuyết nào tham gia cuộc tranh luận này?
Quan điểm lâm sàng về ĐTLA đã thay đổi thế nào thời mới đây?
Đâu là những lý thuyết về nguồn gốc của ĐTLA?

Hành vi ĐTLA không phải là điều gì mới lạ trong thời hiện đại. Cung cách này đã xuất hiện trong nhiều nền văn hóa và từng được ghi lại trong sử sách. Tuy nhiên, hầu như trong mọi xã hội và thời đại đã qua, lối sống này bị coi như không thể chấp nhận được, là vô luân, coi như là dấu hiệu của sự yếu nhược, không hợp tự nhiên. Đã có những ngoại lệ, nhưng những trường hợp này vẫn bị coi như những điều bất thường phát sinh từ những bối cảnh văn hóa ngoại thường.

Chẳng hạn, những người cổ vũ cho chương trình hoạt động của người đồng tính ngày nay thường lấy nước Hy Lạp cổ điển như một nền văn hóa trong đó lối sống ĐTLA được tôn vinh. Nhưng liệu họ có thực sự muốn quay trở lại những giá trị của Hy Lạp thời cổ điển không? Hồi đó, hai phái tính bị phân cách gắt gao. Phụ nữ phải ở trong nhà, không được giáo dục, và thường bị coi như bề dưới. Nam công dân trưởng thành được phép tìm kiếm những mối quan hệ tình dục với nam thiếu niên mà họ có bổn phận giáo hóa. Tuy nhiên, một khi nam thiếu niên tới tuổi thành niên, chúng có thể kết hôn với một phụ nữ. Điều ta thấy được ở thời đó không phải là một cách khai sáng về giới tính, nhưng lại là một hình thức lạm dụng được chuẩn nhận – đối với cả phụ nữ lẫn các trẻ nam.

Một số văn gia ghi chép rằng có những bài tường thuật về các hoàng đế Caligula và Nero đã thực hành ĐTLA và thậm chí cả “hôn nhân” đồng tính nữa. Tuy nhiên nguồn cung cấp những bài tường thuật này lại từ các đối phương của các vị hoàng đế, vốn vẫn hăng hái muốn chứng minh các hoàng đế này sa đọa và điên rồ đến thế nào. Thực ra, ngay tại Roma thời suy đồi ta cũng không thấy lối sống ĐTLA được coi là thuộc nếp văn hóa bình thường.                           

 ❃ Cuộc tranh luận mang tính tôn giáo

Những xã hội ngoại giáo có thể dung thứ phần lớn những thác loạn tình dục, nhưng các tôn giáo độc thần thì ngay từ đầu đã lên án dứt khoát hết mọi hành vi ĐTLA. Luật Môsê đã lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất việc một người nam ăn nằm với một người nam khác tương tự như với một người nữ, và mọi tôn giáo mà coi Môsê như một ngôn sứ – như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, và giáo phái Mormons – đều coi các hành vi ĐTLA là tội lỗi. Các nhóm tôn giáo theo truyền thống Kitô giáo cho tới ngày nay, đặc biệt là Hội thánh Công giáo và Thệ phản Tin lành đều tuân giữ những tín điều đạo lý ngàn đời này.

Tuy nhiên, trong hậu bán thế kỷ vừa qua, một số giáo phái Thệ phản cấp tiến và một số chi nhánh Do Thái giáo cấp tiến đã loại bỏ truyền thống này và đi tới mức chấp nhận lối sống và các mối quan hệ ĐTLA – một số lại còn đi tới việc chúc phúc cho các cặp đồng tính và phong chức giáo sỹ cho cả các người đồng tính nam và nữ nữa. Các thần học gia trong liên minh với Cánh tả về Giới tính đã đưa ra những luận cứ khôn khéo khẳng định rằng những câu Kinh Thánh then chốt lên án những hành vi ĐTLA[1] là chỉ đề cập đến những người dị tính dấn thân vào những hành vi ĐTLA, chứ không đề cập đến những người vốn “đồng tính bẩm sinh” và dấn thân vào những mối quan hệ có cam kết và thủy chung. Thực ra, chẳng có một bảo đảm nào cho cách diễn giải này trong Sách Thánh hay truyền thống Hội Thánh cả. Nhưng các thần học gia này khởi đi từ tiền đề cho rằng cả Kinh Thánh lẫn luật luân lý đều do con người làm ra – chứ chẳng phải đã được Thiên Chúa mạc khải – và do đó, đều là những sản phẩm của thời đại của họ và phản ánh những định kiến của những con người viết ra chúng.

Khi những người có vị trí trong những Giáo hội Thệ phản được gọi là thuộc “dòng chính” – như Giáo hội Giám lý, Giáo hội Lutêrô, Giáo hội Trưởng lão, vân vân – không chịu chấp nhận thần học “mới”, thì sự bất đồng đã xảy ra. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm 2003, Giáo hội Trưởng lão Hoa Kỳ phong chức giám mục cho Gene Robinson, một người đồng tính công khai (đã từng kết hôn và là cha của hai đứa trẻ), gây nên một sự đoạn tuyệt trong cộng đồng Anh giáo quốc tế. Những giáo hội bảo thủ hơn ở Phi châu đặc biệt công phẫn và trên đà đi tới sự ly khai. Phong trào văn hóa chuyển dần tới chỗ chấp nhận hôn nhân đồng tính đã đưa đến việc tạo ra những nghi thức kết hôn đồng tính trong các giáo hội “có thiện cảm với người đồng tính” càng ngày càng nhiều hơn. Và trong nhiều giáo phái Tin Lành, sự rối rắm về luân lý và bất bình về định chế ngày càng gia tăng đã gây áp lực lên những cuộc tranh cãi nói trên về việc trao thừa tác vụ và quyền lãnh đạo giáo hội cho những người đồng tính công khai.   

Hội thánh Công giáo cũng đã bị thách thức phải thay đổi, hay ít ra cũng phải giảm nhẹ đi những giáo huấn về luân lý giới tính, nhưng vẫn kiên quyết từ chối làm việc đó. Năm 2006, Tòa thánh đã công bố một văn kiện nói rằng những nam nhân có những khuynh hướng đồng tính sâu đậm, cho dù vẫn còn khiết tịnh về thể lý, không có sự trưởng thành về tình cảm thì không được nhận vào chủng viện hoặc được truyền chức linh mục. Nhưng ngay cả Hội thánh Công giáo cũng không phải là không có sự bất đồng ý kiến, với ít nhiều linh mục, thừa tác viên giáo dân, và thậm chí cả giám mục trong một số giáo phận đang cố gắng “điều tiết” đường lối chính thức của Hội Thánh trong những văn kiện và thực hành mục vụ của mình.

❃ Chuyển biến quan điểm tâm lý

Đối với phần lớn lịch sử, lối sống ĐTLA bị coi là một vấn đề luân lý – được dung thứ trong những thời kỳ mà sự vô luân về tính dục nói chung được dễ dãi, và bị lên án nặng nề trong những thời kỳ sự vô luân về tính dục bị lên án. Nhiều lần và ở nhiều nơi, cứ theo luật thì lối sống đó là phạm pháp, nhưng nhiều khi luật pháp lại không phải lúc nào cũng có đủ sức mạnh.

Do đó, vào cuối thế kỷ XIX, đã có một sự thay đổi đáng kể về thái độ đối với lối sống ĐTLA, do sự phát minh ra trị liệu pháp tâm lý. Điều trước kia bị coi là một vấn đề luân lý thì nay lại được coi là một rối loạn về tâm lý mà thôi.

Các nhà trị liệu tâm lý bây giờ dạy rằng người ta không có tự do chọn lựa việc bị thu hút bởi những người cùng giới. Đúng hơn, người ta bị đưa đẩy tới tình trạng ĐTLA bởi những sang chấn tâm lý. Nhiều lý thuyết về các nguyên nhân và trị liệu pháp đối với ĐTLA đã được trình bày, nhưng mãi cho đến những năm 1950 đề tài này mới được nghiên cứu nghiêm túc. Vào thời đó, một số nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần từng điều trị cho những thân chủ mắc chứng ĐTLA đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc. Họ khai triển những thuyết lý vi tế hơn để giải thích căn nguyên của ĐTLA. Họ thử nghiệm những thủ pháp trị liệu mới và tường trình lại những kết quả thành công của việc điều trị. Nghiên cứu đầy đủ nhất có tựa đề là “Đồng tính luyến ái: Nghiên cứu Phân tâm học về Đồng tính nam” được Irving Bieber và các cộng sự xuất bản năm 1963. Cuốn sách này so sánh cuộc điều trị 106 người đồng tính nam với 100 người nam không mắc chứng này. Theo cuộc nghiên cứu, “29 bệnh nhân đã trở nên hoàn toàn dị tính luyến ái trong quá trình trị liệu phân tâm học” (chữ viết nghiêng trong nguyên bản)[2]. Nhiều nhà trị liệu khác, sử dụng nhiều phương pháp rất đa dạng, cũng tường trình những kết quả thành công[3].  

Tuy nhiên, trong đầu những năm 1970, các nhà trị liệu mà coi ĐTLA như một chứng rối loạn đã gặp rắc rối với phong trào đòi quyền cho người đồng tính đang bắt đầu nở rộ. Theo Ronald Bayer, tác giả cuốn “Đồng tính luyến ái và Tâm bệnh học Hoa Kỳ: Chính sách về Chẩn đoán” và cũng là cổ động viên cho chương trình hoạt động của giới đồng tính, thân phận ĐTLA không còn là một vấn đề thuộc tâm bệnh học nữa mà lại trở thành “một vấn đề chính trị” đòi hỏi “một sự phân tích chính trị”[4].

Sách của Bayer hé lộ cho thấy các nhà hoạt động đồng tính đã gây áp lực thế nào đối với Hiệp hội Tâm bệnh học Hoa Kỳ (APA) để đưa ĐTLA như một đối tượng chẩn đoán ra khỏi sách Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê (DSM) – cuốn chỉ nam cho những chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong hai năm 1970 và 1971, các nhà hoạt động đồng tính đã tiến hành những cuộc phản kháng ồn ào tại các cuộc họp thường niên của APA, đả đảo các diễn giả và tố cáo các nhà trị liệu là đã áp bức họ. Nhiều chuyên viên tâm bệnh học bị những người phản kháng hăm dọa. Tuy nhiên, những chuyên gia đã điều trị thành công những người ĐTLA đã bênh vực công tác chẩn đoán ĐTLA như một chứng rối loạn tâm thần, bằng cách chỉ ra rằng công tác này không căn cứ trên những thiên kiến – tích cực hay tiêu cực – về ĐTLA, nhưng đúng hơn dựa trên những năm kinh nghiệm với các thân chủ mắc chứng ĐTLA.

Bieber, chẳng hạn, nhấn mạnh rằng công việc của ông rõ ràng đã chứng tỏ rằng ĐTLA nơi nam giới được bén rễ thế nào từ sang chấn tâm lý lúc còn thơ ấu, và rằng bất kể những người mắc chứng ĐTLA có đương đầu khéo léo ra sao với những cảnh đời của họ, bất kể xã hội có dạy phải khoan dung đối với họ bao nhiêu đi nữa, những sự thu hút về giới tính của họ cũng vẫn không tự nhiên hay lành mạnh được. Một số nhà tâm bệnh học đi đến một sự phân biệt giữa việc tranh đấu chính đáng cho những quyền lợi dân sự của người ĐTLA và vấn đề mang tính khoa học về việc chẩn đoán. Nhà tâm bệnh học Robert McDevitt biện luận một cách cay chua rằng việc giải mật chứng ĐTLA không phải mang tính trắc ẩn nhưng sẽ tạo nên “thất vọng nhiều hơn hy vọng”[5].

Nhưng các chứng từ như thế đã bị gạt phăng đi, và vào năm 1973, APA đã  đầu hàng trước áp lực, và đã xóa bỏ ĐTLA khỏi cuốn DSM của họ, và lại còn ra một tuyên bố như sau:

Trong khi ĐTLA tự thân không bao hàm một sự suy yếu về khả năng phán đoán ổn định, sự đáng tin cậy và năng lực nghề nghiệp, cho nên, có quyết định rằng Hiệp hội Tâm bệnh học Hoa Kỳ không chấp nhận mọi sự kỳ thị công khai hay riêng tư đối với những người ĐTLA trong các lãnh vực như việc làm, nơi cư ngụ, tiện nghi ăn ở công cộng, giấy phép, và tuyên bố rằng những người ĐTLA không phải chịu yêu cầu nào nặng nề hơn những người khác về năng lực phán đoán, sự đáng tin cậy và khả năng làm việc.     

Tuyên bố này tự thân thực ra khá khiêm tốn. Cả hai phía trong cuộc tranh cãi đều phản đối sự kỳ thị bất công đối với người ĐTLA. Cả hai phía đều nhìn nhận rằng, nhiều người ĐTLA rất thành công trong công việc chuyên nghiệp của họ. Cả hai phía đều đồng ý rằng cụm từ ĐTLA có tính mơ hồ một cách thiếu khoa học. Tuy thế, sự thay đổi đã đánh dấu một cột mốc thắng lợi cho các nhà hoạt động đồng tính, một thắng lợi mang những hiệu quả có tầm xa.  

Khi xóa bỏ ĐTLA khỏi DSM, APA đã thay đổi cung cách định nghĩa về những rối loạn tâm lý. Trước 1973, một lối ứng xử được coi là rối loạn, nếu phát xuất từ một phản ứng không hợp lý đối với những sang chấn hoặc những hụt hẫng của thời thơ ấu, cho dù đương sự với lối ứng xử đó đã biết cách hành động thành công trong xã hội. Còn chuẩn mực mới lại coi nhẹ những căn nguyên và chỉ để ý đến nỗi sầu khổ, bất lực, sự thất lợi hiện thời thôi. Nếu đương sự khẳng định là “thoải mái” với hiện trạng của mình, thì tình trạng đó không còn bị coi là một rối loạn tâm lý nữa. Nếu đương sự không thấy thoải mái, khi đó sự khó chịu của đương sự sẽ được quy về sự nhập tâm bởi “thói đố kỵ người đồng tính” do sự áp chế của xã hội gây nên – tình trạng này được chữa trị bằng “liệu pháp xác định là người đồng tính”.

❃ Tranh luận về nguồn gốc của ĐTLA

Tuyên bố trên của APA và việc họ gỡ bỏ ĐTLA ra khỏi phần chẩn bệnh trong cuốn DSM đã không giải quyết được hết mọi vấn đề. Chẳng hạn việc điều trị vẫn còn để mở ngỏ. Liệu những người muốn thay đổi khuynh hướng tính dục của họ có cần phải được điều trị hay là phải tư vấn để họ chấp nhận khuynh hướng ĐTLA của mình? Điều quan trọng hơn, đó là lời tuyên bố của APA đã không hề nói gì đến nguồn gốc của ĐTLA cả. Điều này rất quan trọng bởi vì vấn đề nguồn gốc của ĐTLA là chìa khóa cho toàn bộ cuộc tranh luận về chương trình hành động của người đồng tính, bao gồm cả vấn đề hôn nhân đồng tính. Các nhà hoạt động đồng tính tranh cãi rằng: họ có quyền kết hôn bởi vì họ sinh ra vốn là “đồng tính”, và họ không thể thay đổi được, và do đó họ không thể kết hôn với một người thuộc giới tính khác được.     

Mặc dù luận cứ này cũng đòi hỏi một sự xem xét cẩn thận (liệu hôn nhân có phải là một cái “quyền” y như sự sống và những quyền tự do căn bản không? liệu xã hội có bổn phận thay đổi những định chế lâu đời mỗi khi người ta nghĩ rằng chúng có vẻ “không công bằng” với một số người nào đó không?), vì sự ủng hộ của đại chúng cho chương trình hành động của người đồng tính, theo đầu óc nhiều người, gắn liền với xác tín rằng những người ĐTLA bẩm sinh là như thế và không thể thay đổi được, vấn đề về nguồn gốc là then chốt đối với cuộc tranh cãi này.                                                

❃ Ba trường phái

Vì tôi đã nghiên cứu các lý thuyết và giả thuyết đối lập nhau về nguồn gốc ĐTLA, nên tôi khám phá ra rằng tất cả đều có thể cô đọng lại vào một trong ba cách tiếp cận triết học cơ bản: Yếu tính luận, Cấu trúc luận, và Phát triển luận.

 Yếu tính luận coi dạng thức thu hút giới tính (“khuynh hướng”) của một cá nhân và/hoặc căn tính giới tính của người đó như đã được ấn định về mặt sinh học – một đặc tính cố định và bền vững mà người đó sinh ra đã như thế và đương sự tự khám phá theo thời gian. Khuynh hướng này không thể thay đổi, cho nên nó phải được chấp nhận như một phần của yếu tính hay bản tính. Như vậy, một con người là đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, hay chuyển giới, có tính dục bình thường, hoặc thuộc một khuynh hướng tính dục nào khác nữa. Đối với những người theo Yếu tính luận, ĐTLA là một biến số bình thường của nhân loại, giống như màu da.

 Cấu trúc luận (đôi khi gọi là Cấu trúc xã hội luận hoặc Giải-cấu-trúc luận hậu hiện đại) chủ trương rằng những căn tính giới tính được định hình bởi những lực xã hội – “được cấu tạo từ một bối cảnh lịch sử, văn hóa”[6]. Những người theo Cấu trúc luận tin rằng các loại tính dục người ta được xếp vào – nam, nữ, đồng tính, dị tính, và vân vân – đều là những sáng tạo của một nền văn hóa cưỡng chế. Không một loại nào là tự nhiên hay bình thường hoặc có giá trị hơn loại khác. Người ta không phám phá ra căn tính cốt yếu của mình. Đúng hơn, người ta tạo ra một căn tính cho mình. Điều này có thể xảy ra chỉ sau khi các “cấu trúc” được nhận biết và đã không còn nữa. Thực ra, có thể nói rằng mục đích của ý thức hệ Cấu trúc luận là “giải trừ” tất cả những gì giai cấp thống trị cứ nhất định cho là tự nhiên và bình thường. Chẳng hạn, cái ý tưởng cho rằng người nam phải làm cha và người nữ phải làm mẹ, và trẻ con thì cần có cha hay mẹ. Việc Giải-cấu-trúc này được thực hiện bằng cách làm cho người ta biết ngôn ngữ về tính dục và giới tính đã phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị cũng như tác hại cho giai cấp bị thống trị như thế nào – trong trường hợp này, chính là những người nam và nữ mà không hợp với mẫu tính dục dị tính. Giải-cấu-trúc là một công việc chẳng bao giờ kết thúc cả, bởi vì  lúc mà một điều gì đó trở thành được chấp nhận như “bình thường”, thì nó lại bị coi như có tính cách áp chế đối với những ai không ở trong chuẩn mực đó.

 Phát triển luận cho rằng con người ta không phải bẩm sinh giống như một thỏi đá trống trơn có thể muốn là cái gì cũng được hoặc có thể bị những cấu trúc áp đặt của xã hội ràng buộc, mà cũng chẳng phải là dạng thức hấp lực giới tính của nó đã được tiền định về mặt sinh học. Đối với những người theo luận thuyết này, hấp lực giới tính đối với giới khác là hệ quả thích đáng của sự phát triển tâm lý tính dục lành mạnh. Nếu một cá nhân tiến triển thành công qua mỗi giai đoạn phát triển, đương sự sẽ trở nên một người trưởng thành lành mạnh về mặt tâm lý cũng như cảm xúc. Nhưng nếu cá nhân này không có được những trải nghiệm cần thiết, nếu phải chịu những hụt hẫng hoặc những sang chấn trong những giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển, đương sự có thể bị mắc kẹt lại trong một giai đoạn đặc thù nào đó. Hệ quả có thể là những mẫu hấp lực giới tính khác không phải là một tình yêu biết tôn trọng giới tính khác với mình. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, hiện tượng ĐTLA xảy ra khi một sự đồng quy ngẫu nhiên những trường hợp khiến cho tiến trình xác định giới tính của đương sự không hoàn tất được.   

Những người theo Phát triển luận cũng cho rằng những đặc tính sinh học sẽ ảnh hưởng đến cung cách người ta đối xử với một đứa trẻ, và cung cách nó đáp trả lại những kinh nghiệm, cũng như những chọn lựa bằng ý chí tự do của nó. Với cái nhìn thần học, họ còn đi tới hành động tri ân. Đối với họ, mỗi một con người là một cá thể độc đáo với lịch sử riêng của nó, sống trong một nền văn hóa đặc thù vào một thời điểm đặc thù của lịch sử, với một cơ cấu sinh học đặc thù, nhưng cũng được phú cho một ý chí tự do và có khả năng đưa ra những chọn lựa, thậm chí những chọn lựa khó khăn.    

Có thời, người ta đã nghĩ rằng: một khi những trung khu não đã được định dạng sớm từ đầu đời, thì sự thay đổi sẽ là vô phương. Cuộc nghiên cứu mới đã chứng minh rằng: não bộ, ngay cả về sau này, vẫn có tiềm năng thay đổi[7]. Những người theo Phát triển luận chủ trương rằng: ĐTLA có thể ngăn ngừa và trị liệu được.

Ta hãy nhận định về hai chủ thuyết đầu tiên, thường được khẳng định bởi các nhà hoạt động đồng tính, trước khi xem xét cách tiếp cận của những người theo chủ thuyết Phát triển trong những nét lớn hơn ở những chương sau.

❃ Chiến lược của Yếu tính luận

Yếu tính luận là thuyết nổi tiếng nhất về nguồn gốc của ĐTLA. Chiến  lược công khai của các nhà hoạt động đồng tính dựa vào chủ thuyết này – không phải vì có bằng chứng khoa học về sự hiện hữu một thứ “gien của người đồng tính”, nhưng vì chiến lược này hữu hiệu. Họ biết là những người tin tưởng rằng một số người vốn “bẩm sinh là đồng tính” và không thể nào thay đổi được sẽ có thể càng hậu thuẫn hơn cho chương trình hành động chính trị của giới đồng tính[8].    

Chẳng hạn, một cuộc nghiên cứu trong năm 1989 cho thấy: những ai tin là những người ĐTLA vốn “bẩm sinh như thế” tỏ thái độ tích cực mạnh mẽ đối với ĐTLA hơn những người tin rằng người ĐTLA đã chọn hay tập lấy khuynh hướng tính dục của mình[9].  Trong năm 1992, các nhà nghiên cứu đã phân tích xem thái độ của người ta đối với ĐTLA chịu ảnh hưởng thế nào khi đọc một bản tóm lược nghiên cứu về những căn cứ sinh học của khuynh hướng ĐTLA[10]. Người ta khám phá ra rằng những ai đã đọc tài liệu bảo có một nguyên nhân sinh học cho chứng ĐTLA thì đều dễ ủng hộ các mặt của chương trình hành động của giới đồng tính hơn.

Không có những nghiên cứu khoa học được tái tạo nào chứng minh rằng ĐTLA là bẩm sinh và không thể thay đổi được về mặt sinh học. Cũng không có nghiên cứu nào chứng tỏ ĐTLA là không thể thay đổi được. Tuy nhiên, những ai cổ võ cho cái huyền thoại về “gien đồng tính” và khẳng định rằng khoa học đã chứng tỏ ĐTLA được quyết định về mặt di truyền học, thường đề cập đến hai nghiên cứu, một do Simon LeVay thực hiện và một do Dean Hamer thực hiện, cả hai người này đều tự nhận là người đồng tính.    

Năm 1991, LeVay khẳng định mình đã khám phá ra những dị biệt nho nhỏ giữa não bộ của những người nam ĐTLA và những người không mắc chứng đó. Tuy nhiên, LeVay đã nghiên cứu mô não của những người đã chết vì AIDS, và được biết là vi khuẩn HIV đã tác động lên não bộ rồi[11]. Quả thực, dù phương tiện thông tin đại chúng đã chào mừng chuyện này như một sự đột phá vào thời điểm ấy, LeVay đã lặng lẽ buông xuôi cuộc nghiên cứu này kể từ đó, và không còn khẳng định cuộc nghiên cứu đầy sai sót này đã chứng tỏ ĐTLA được quyết định về mặt di truyền học nữa.    

Năm 1993, Hamer và những đồng sự của ông đã công bố một bài báo trong đó họ khẳng định đã khám phá được “mối liên kết giữa những dấu hiệu của DNA trên nhiễm sắc thể X và khuynh hướng tính dục của nam giới”[12]. Theo bài báo này, một  gien nào đó, được truyền từ người mẹ, được thấy có ở nhiều người nam mắc chứng ĐTLA trong cùng gia đình. Các nhà hoạt động đã rêu rao cuộc nghiên cứu này, một mực cho rằng họ đã tìm thấy được “gien đồng tính” vốn rất khó nắm bắt được. Nếu Hamer nói đúng trong kết luận của ông rằng một dấu hiệu di truyền học đặc thù được thấy có nhiều hơn nơi những người nam ĐTLA, khi ấy bất cứ ai lập lại thí nghiệm của ông cũng sẽ gặp được những kết quả tương tự. Tuy nhiên, khi một toán nghiên cứu thực hiện những thử nghiệm như thế nhiều năm sau, bằng cách sử dụng một mẫu lớn hơn, họ đã không tìm thấy được một dấu hiệu chung nào cả. Họ kết luận rằng bằng chứng đó “đã không hậu thuẫn cho cái gien liên kết với nhiễm sắc thể X làm nền tảng cho ĐTLA nơi nam giới”[13].   

Bất chấp sự thất bại vì không đưa ra được bằng chứng khả dĩ chấp nhận được về mặt khoa học cho lý thuyết “gien đồng tính”, các nghiên cứu của LeVay và Hamer vẫn tiếp tục được các nhà hoạt động đồng tính đề cập đến một cách rộng rãi. Chadler Burr, trong cuốn sách A Separate Creation: The Search for the Biological Origins of Sexual Orientation (Một Sáng Tạo Biệt Lập: Cuộc Tìm Kiếm Nguồn Gốc Sinh Học của Khuynh Hướng Tính Dục) đã dùng công trình của LeVay và Hamer để cổ võ cho ý tưởng của mình là khoa học đang sắp sửa khám phá ra nguyên nhân sinh học cho hiện tượng ĐTLA. Mặc dù cuốn sách này chứa đựng rất nhiều thông tin khoa học hấp dẫn về cách thức hoạt động của DNA, khả năng điều trị những khuyết điểm di truyền học, và đời sống tính dục của loài linh cẩu, nhưng không có một bằng chứng nào của Burr lại chứng tỏ sự hiện hữu của một gien đồng tính cả.

Cuốn sách trên đã được phát hành năm 1996. Hơn một thập niên sau, chúng ta cũng vẫn chưa thấy việc phát hiện ra “gien đồng tính” đâu cả.

❃ Liệu các gien có kiểm soát lối sống của ta không?

Ngoại trừ kết luận của một nghiên cứu lẻ loi nào đó, nhiều người đã chỉ trích chính ý tưởng cho rằng các gien có thể quyết định khuynh hướng tính dục. Một trong những người chỉ trích này là Edward Stein, một nhà hoạt động đồng tính và là tác giả cuốn The Mismeasure of Desire: The Science, Theory and Ethics of Sexual Orientation (Biện Pháp Sai Lầm của Dục Vọng: Khoa Học, Lý Thuyết và Đạo Đức về Khuynh Hướng Tính Dục), đã viết như sau:

Các gien tự thân không thể trực tiếp đưa đến bất cứ một thái độ hoặc một hiện tượng tâm lý nào cả. Thay vào đó, các gien điều khiển một dạng tổng hợp RNA (axit ribônuyklêic) có thể tác động đến sự phát triển những xu hướng và những biểu lộ tâm lý của các cung cách ứng xử. Cần thiết phải có nhiều đường đan xen giữa một gien và một khuynh hướng hoặc một cung cách ứng xử, và cả những biến số đan xen hơn nữa giữa một gien và một dạng thức chi phối cả tư duy lẫn hành vi. Do đó, hạn từ “gien người đồng tính” và “gien đồng tính luyến ái” chẳng có ý nghĩa gì cả[14].

Trong một bài viết cho một tạp chí khoa học năm 1994, Charles C. Mann đã tra vấn việc đi tìm một nguyên nhân di truyền học cho cách ứng xử:

Hết lần này đến lần khác, các nhà khoa học cứ khẳng định rằng những gien đặc thù hoặc những vùng nhiễm sắc thể được liên kết với những đặc điểm phong cách của ta, chỉ cần rút ra những kết quả của chúng khi nào không tái tạo được chúng. Tất cả đều được công bố với sự phô trương ồn ào; tất cả đều được chào đón không mảy may nghi ngờ trên báo chí đại chúng; và tất cả bây giờ đang bị mang tiếng xấu[15].          

Mặc dù những điều đó cứ được quay vòng vòng bởi các nhà hoạt động đồng tính cùng với giới truyền thông, đa phần các cuộc nghiên cứu họ đề cập đến thực ra đều không khẳng định là khuynh hướng tính dục được quyết định bởi gien – tức là mang tính di truyền; thay vào đó, họ gợi ý rằng khuynh hướng tính dục có thể chịu ảnh hưởng một phần nào đó của những đặc tính mình thừa hưởng. Tuy nhiên, đấy không phải là một khẳng định khiến ta phải ngạc nhiên. Tất cả mọi sự nơi ta và mọi việc ta làm đều chịu một phần ảnh hưởng của những đặc tính chúng ta thừa hưởng: chúng tác động đến cả cung cách chúng ta hành động lẫn cung cách chúng ta được đối xử (nhất là bởi cha mẹ chúng ta cho chúng ta), và cả hai thứ đó cũng lại tác động lên sự phát triển tâm lý của ta. Chẳng hạn, một đặc tính ta thừa hưởng như sự thiếu phối hợp giữa bàn tay và  con mắt nơi một đứa bé có cha là lực sĩ, có thể là do người cha có một vấn đề liên quan đến con trai của mình và người mẹ đã nâng niu gìn giữ con mình cách quá đáng. Nếu đứa trẻ này được sinh ra với một bản chất nhạy cảm hơn, sự điều trị này có thể sẽ làm tổn thương nó sâu xa hơn – sâu xa hơn là khi nó chỉ là một đứa trẻ ít nhạy cảm hơn – và những trục trặc trong tiến trình phát triển của nó có thể phát sinh từ đó. Tuy nhiên cho dù việc điều trị cho đứa trẻ và phản ứng của nó đối với việc điều trị đó căn cứ trên những đặc tính nó thừa hưởng do di truyền, chúng ta cũng không thể nói rằng, những trục trặc trong tiến trình phát triển nảy sinh từ đó cũng là một phần của “bản chất” bẩm sinh của nó.    

Thí dụ ấy quả thực có thể là một kịch bản khá thông thường. Richard Fitzgibbons, người đã từng làm việc với nhiều người đồng tính, xác tín rằng trong nền văn hóa chúng ta, trong đó thành công về điền kinh coi như thuộc về nam giới, sự thiếu phối hợp giữa bàn tay và con mắt và những ảnh hưởng của nó trên mối tương quan của người con với cha mình và những người thuộc hàng cha chú của mình giữ một phần quan trọng trong sự phát triển chứng ĐTLA nơi nhiều người nam. Sự thiếu hụt kỹ năng điền kinh có thể cản trở mối tương quan cha-con, và sự thất bại trong mối tương quan này là nguyên nhân gần trong tiến trình phát triển ĐTLA. 

Để ra ngoài những yếu tố thể lý và liên quan đến tiến trình phát triển, chúng ta không thể nào coi nhẹ vai trò của ý chí tự do trong tiến trình phát triển của khuynh hướng ĐTLA. Trong khi các nhà hoạt động đồng tính cứ nhấn mạnh rằng không có ai “chọn” cho mình khuynh hướng bị thu hút vào người đồng giới cả, và trong đa số trường hợp, người ta có những chọn lựa khác, như chọn lấy sự tức giận, sự ganh tỵ, sự đầm mình trong nỗi tủi thân tủi phận, chọn lấy sự thoải mái cho mình hơn là đặt mình vào sự tự chế. Những chọn lựa như thế tạo nên những thói quen mà có thể sẽ rất khó vượt thắng được sau này. Một đứa trẻ chưa đến tuổi khôn không thể nào nhìn thấy trước được những lựa chọn nhỏ bé như thế sẽ là những bước trên con đường dẫn tới ĐTLA như thế nào, cho nên không thể nói rằng nó “chọn là người đồng tính” được. Tuy nhiên, đứa trẻ này đã tập tành ý chí tự do của nó theo con đường ấy.

❃ Những cặp song sinh giống hệt nhau lại không phải như thế

Những cuộc nghiên cứu các cặp song sinh giống hệt nhau là phương tiện hoàn hảo để trắc nghiệm lý thuyết về di truyền. Nếu chứng ĐTLA được quyết định bởi di truyền, thì những cặp song sinh giống hệt nhau có thể sẽ có dạng hấp lực tính dục giống nhau. Nhưng đa số trường hợp lại không phải như thế. Cuộc nghiên cứu mang tính tổng hợp nhất về ĐTLA nơi những cặp song sinh giống hệt nhau do John Michael Bailey và các cộng sự của ông thực hiện, sử dụng những thành viên trong sổ hộ tịch của những cặp song sinh Úc châu. Cuộc nghiên cứu thấy rằng nếu một trẻ song sinh này không phải là dị tính luyến ái, thì chỉ có 11% trường hợp là đứa trẻ song sinh kia cũng không phải là dị tính luyến ái[16].

Điều không khiến ta ngạc nhiên là trong một số những cặp song sinh giống nhau, cả hai cá thể cũng đều là ĐTLA cả. Những cặp song sinh giống nhau có cùng những đặc tính di truyền giống nhau và có cùng môi trường giống nhau; ngay cả khi những cặp song sinh giống nhau được nuôi nấng theo từng cá thể riêng rẽ thì cũng vẫn cho thấy được những tính cách tương tự đáng chú ý trong nhiểu lãnh vực. Do đó, chúng ta mới hy vọng rằng những cặp ấy thường sẽ cho thấy những dạng hấp lực tính dục cũng giống nhau nữa.

Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên chính là không phải có sự phù hợp nhau như thế, mà lại là cho thấy một sự không phù hợp tương quan về chuyện đó. Điều này tiếp theo khi những cặp song sinh giống nhau được cha mẹ đối xử với từng cá thể một cách khác nhau (một điều gì đó hết sức nhạy cảm đối với những cặp song sinh giống nhau), như những bệnh sử của những cặp song sinh không phù hợp nhau về hấp lực giới tính đã bộc lộ. Trong một trường hợp được tác giả Richard Green kể lại, người song sinh tên là Frank Nhỏ chào đời trước và đã bị can thiệp nặng nề bằng phẫu thuật trong khi sinh. Cậu bị cha mẹ coi như là một “đứa trẻ rất xấu xí”. Trẻ song sinh còn lại là Paul có cặp mắt to và được nhìn nhận là dễ coi ngay từ khi lọt lòng mẹ. Những người lạ thấy chúng bên nhau cứ bình phẩm: “Ồ, dễ thương làm sao! Một cậu và một cô”.    

Lúc lên ba tuổi, Paul bị mắc một chứng bệnh lây nhiễm đòi hỏi phải được điều trị chăm sóc đặc biệt. Điều này đưa tới chế độ nuôi nấng rất khác biệt cho hai trẻ song sinh: trong suốt hai năm rưỡi trời, bà mẹ đưa Paul tới một bệnh viện rất xa – đi và về mất cả hai tiếng đồng hồ – trong khi ông bố ở lại nhà với Frank Nhỏ. Ông chơi lối thô bạo với Frank Nhỏ, còn Paul ốm yếu thì lại được chiều chuộng.   

Lúc lên tám tuổi, Paul được coi là có lối ăn cách ở mang nữ tính, bao gồm cách ăn mặc theo nữ giới, chơi búp bê, xa lánh lối chơi ẩu đả lung tung. Khi được bảo vẽ một người, Paul vẽ một người nữ, còn Frank Nhỏ vẽ một người nam. Trong một cuộc phỏng vấn, bà mẹ cũng bình phẩm về ảnh hưởng của việc không đặt tên cho Paul theo ông bố: “Tôi thấy được, khi nhìn qua mắt của Paul, là nó [Frank Nhỏ] mang tên của bố bởi vì nó là đứa được bố thích”. Sau này Paul trở thành ĐTLA; còn Frank, người anh song sinh của cậu lại không[17].

Một trường hợp khác của hai trẻ song sinh giống nhau Sam và Howard. Hai trẻ này khác nhau về trọng lượng lúc sơ sinh. Sam, nhỏ con hơn, cứ nhớ lại những tình cảm về sự bất an và yếu đuối lúc ấu thơ. Cậu luôn luôn cảm thấy gần gũi với mẹ hơn là với cha. Trái lại, Howard cứ nhớ lại cái cảm giác được an toàn khi còn nhỏ. Cậu nhận thấy cha mình có tính trầm lặng nhưng trìu mến, hiền lành, mà mạnh mẽ. Howard cứ liên tục bị mẹ thất sủng bởi những cái tật luộm thuộm, hay gây rối, và không tỏ ra được là một học trò đàng hoàng. Sam trở thành ĐTLA; Howard lấy vợ và không có khuynh hướng ĐTLA[18].

❃ Tuy nhiên, những người đồng tính nam vẫn không nói khác đi sao?

Nhiều người cứ xác tín rằng họ có thể nhận ra một người là đồng tính qua cung cách nói năng của người ấy, và kết luận rằng cái nét chung này cho thấy có một nguyên nhân sinh học. Quả đúng là có một số người nam đồng tính có một cung cách nói năng khiến ta dễ nhận ra họ là đồng tính, nhưng điều này không phải là phổ biến đâu, thậm chí điều này chưa chứng tỏ được rằng ĐTLA được quyết định về mặt sinh học, bởi vì cung cách nói năng làm gì có tính di truyền. Khi trẻ con học nói, chúng đã học lấy giọng của những người ở chung quanh chúng. Một đứa trẻ Mỹ được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận làm con nuôi ngay từ sơ sinh sẽ nói tiếng Anh không pha một chút xíu giọng ngoại quốc nào cả. Nhưng một người nói một ngôn ngữ suốt những năm đầu đời của mình rồi sau này mới học một ngôn ngữ khác thì hẳn sẽ mang một dấu vết rõ ràng của ngôn ngữ đầu tiên của người ấy suốt đời.    

Cũng thế, sự ngọng nghịu, sự lên giọng cao, và những âm thanh giống giọng nữ rõ rệt trong cách nói của một số người đồng tính nam nhất định phải được học, có thể là do bắt chước cung cách nói năng của các bà mẹ của họ – đặc biệt là cung cách các bà mẹ ấy nói với họ khi họ còn bé. Quả thực là có một phẩm chất mang tính giả tạo trong cung cách nói năng “giống con gái” này. Những bé gái đâu có nói năng theo cung cách này đâu, và đa phần các bà cũng đâu có nói năng như thế.    

Một số những người đồng tính nam cứ cho rằng âm sắc cao nơi giọng nói của họ là tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều nhà ngôn ngữ trị liệu xác tín rằng cung cách nói năng mang nữ tính và âm sắc cao nơi giọng nói của một số người đồng tính nam – những người nam mà, xét về mặt khác, có mức nội tiết tố bình thường và bộ phận sinh dục nam phát triển trọn vẹn – có nguồn gốc tâm lý chứ không phải thể lý. Mà đáng chú ý là một số người đồng tính nam không muốn nghe điều này. Một chuyên gia về ngôn ngữ kể lại bà đã dùng những bài tập luyện rất đa dạng để trình bày thế nào cho một thân chủ vốn có cung cách nói năng đầy nữ tính, rằng về mặt thể lý ông ta có thể nói năng với một âm sắc thấp hơn và vốn là bình thường cho nam giới. Tuy nhiên, thay vì tỏ lòng biết ơn, vị thân chủ này lại nổi giận, và ông ta chẳng bao giờ trở lại với chuyên gia này nữa.   

Một trường hợp khác nữa, nữ chuyên gia này huấn luyện lại cho một người đàn ông vốn mắc thói nói năng kiểu cách theo nữ giới, bây giờ trở lại nói năng như một người nam bình thường, mặc dù vậy, bất cứ khi nào nói với mẹ ông ta, ông ta vẫn cứ quay trở lại kiểu cách nữ giới[19].

❃ Một huyền thoại với nhiều tay đánh cược

Đã rõ lý do tại sao các nhà hoạt động đồng tính muốn dùng chiến lược theo Yếu tính luận. Nhưng tại sao các huyền thoại như gien đồng tính lại mang tính phổ biến trong công luận?     

Các huyền thoại gây nhiều ảnh hưởng bởi vì thiên hạ cứ muốn tin là chúng có thật. Một lý do nữa khiến ít nhiều người muốn tin rằng ĐTLA được quyết định bởi gien là bởi vì việc nối kết ĐTLA với những kinh nghiệm thời thơ ấu xem ra như “quy lỗi cho các bậc cha mẹ”. Nhiều người quen biết những người đàn ông và đàn bà tử tế, trìu mến có những đứa con thuộc dạng ĐTLA lại càng dễ tin hơn vào việc những người đồng tính đã bị trói buộc vào khuynh hướng này như thế hơn là kết luận rằng bạn hữu họ là những bậc cha mẹ tồi.   

Nhưng, trong thực tế, họ không cần phải kết luận điều đó. Quả đúng là trong một số trường hợp, sự ngược đãi của cha mẹ chính là một nguyên nhân cội rễ của hiện tượng ĐTLA. Tuy nhiên, đa số các bậc cha mẹ của những người ĐTLA là những người tử tế biết thương yêu con cái và hằng cố gắng làm những người cha người mẹ đàng hoàng. Nhưng có lẽ chỉ có một sự thiếu tương hợp giữa người cha hay người mẹ với một đứa con đặc thù của họ. Có lẽ người mẹ đã lo bảo vệ con quá mức, bởi vì bà sợ thói hung hăng của mấy đứa con trai, và nỗi sợ hãi ấy có thể đã tác động lên cung cách bà đối xử với một trong các đứa con trai của mình. Một người cha có thể đã vắng nhà vào những thời điểm mang tính quyết định và đã không hiểu biết đầy đủ sự vắng mặt của mình đã ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của mình với sự phát triển của con mình. Trong những trường hợp khác, có thể là một bảo mẫu, một người anh hay một người chị, hay một thân nhân nào khác đã ngăn cản đứa trẻ coi mình là đồng tính, hoặc đã khuyến khích đứa trẻ nhận ra mình là thuộc giới khác.

Nếu cần phải quy trách nhiệm, thì điều này trước hết thuộc về giới chuyên môn vốn có nhận thức nhờ việc nghiên cứu về ĐTLA và những nguyên do của nó trong những kinh nghiệm của thời thơ ấu, nhưng lại không thông báo cho các bậc cha mẹ. Có nhiều bậc cha mẹ của những người ĐTLA trưởng thành nói rằng họ đã thấy có một cái gì không ổn nơi con cái họ từ sớm và đã nói lên điều bận tâm này với bác sĩ nhi khoa hoặc các giáo viên, nhưng rồi chỉ được nghe đáp lại là chẳng có gì đáng lo cả. Nhiều người còn được bảo rằng con cái họ “khi lớn lên sẽ hết”, bất kể sự hiển nhiên tỏ tường rằng vấn đề này, nếu không được chữa trị, sẽ khiến cho đứa trẻ dễ bị tác hại bởi  rất nhiều vấn đề và có thể đưa đến chứng ĐTLA vào tuổi thanh thiếu niên[20].

❃ Dù sao đi nữa, ai muốn là người đồng tính?

     Một lý do khác mà đặc biệt khiến một số người nam tin tưởng cái huyền thoại về gien đồng tính, đó là họ biết rằng chính bản thân họ đâu có chọn cho mình bị/được thu hút về phía nữ giới. Một ngày tuổi dậy thì đến, và điều đó tự nhiên xảy ra. Bởi vì những người nam ấy không thể nào tưởng tượng được cách nào khác, họ lý luận rằng bất cứ người đàn ông nào mà không bị tác động bởi một phụ nữ xinh đẹp thì nhất định phải có ở nơi thân xác anh ta một cái gì khác biệt. Khi anh ta nghe một anh chàng ĐTLA bảo anh ta rằng mình “luôn cảm thấy khác biệt”, thì điều này sẽ củng cố cái trực giác của anh ta rằng vấn đề này nhất định mang tính sinh học.   

Không những người ta cho rằng ĐTLA nhất định phải mang tính cách tự nhiên và bẩm sinh bởi vì họ bị thu hút bởi giới tính khác đâu phải tự họ chọn, mà họ còn chủ trương xa hơn nữa rằng: xét vì tất cả những rắc rối gắn liền với ĐTLA – sự không tán thành của xã hội, sự thiên vị, những cảm giác cô đơn và “khác biệt” – thật là lố lăng mà nghĩ rằng họ đã chọn lựa điều đó một cách có ý thức. Vì thế, ĐTLA nhất định phải là bẩm sinh. Chứ nam nhân nào mà lại muốn làm người đồng tính?[21].

Đây là một biến thể theo chiến lược của Yếu tính luận, một biến thể tùy thuộc vào một nan đề giả tạo. Nguồn gốc của ĐTLA không phải là một vấn đề hoặc thế này/hay thế kia: hoặc “tôi quyết định là đồng tính” hoặc “tôi bẩm sinh là đồng tính”[22].  Nếu nguồn gốc của ĐTLA có thể tìm thấy nơi phản ứng của một người đối với những kinh nghiệm ban đầu, thì chúng ta có một khả năng thứ ba, một sự hiểu biết tinh tế hơn để ý đến tất cả những gì là một con người: sinh lý, môi sinh, cảm nghiệm, và ý chí tự do.    

Quả thật, những ai trong chúng ta mà cảm thấy mình bị thu hút về giới khác với giới của mình thì không nghĩ là mình đã “chọn” khuynh hướng tính dục của mình đâu. Tương tự như vậy, những người ĐTLA có lẽ cũng trung thực khi họ nói rằng họ đâu có chọn để được/bị thu hút về phía những người đồng giới. Những thèm muốn sự thân mật với một người đồng giới xuất hiện cách tự phát, và chỉ về sau này những thèm muốn ấy mới được giải thích là những thèm muốn tình dục. Và cũng quả thật nhiều người ĐTLA đã kể lại rằng họ từng phải chiến đấu chống lại những hấp lực đồng tính của họ, từng phải xấu hổ về những tình cảm của họ, từng muốn được là “bình thường”, và từng trải qua những giai đoạn khác nhau: phải phủ nhận, phải lừa dối, và phải thất vọng. Nếu chứng ĐTLA nơi người thành niên là kết quả của những kinh nghiệm và những phản ứng được tích lũy mãi, như nhiều bác sĩ điều trị vẫn tin, thì những người ĐTLA, theo lý thuyết, có thể có tự do để có những chọn lựa khác, nhưng họ sẽ thấy khó làm được điều đó nếu không được hỗ trợ cụ thể.    

Không một em bé nào lại nói: “Tôi muốn những người cha người mẹ nhưng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của tôi”. Không ai trong chúng ta lại đi chọn lấy những nhược điểm cho mình. Chúng ta chọn xem mình sẽ đáp ứng như thế nào, nhưng những chọn lựa của ta lại bị hạn chế bởi những kinh nghiệm của chúng ta. Do đó chúng ta vừa có tự do vừa không có tự do.

❃ “Thiên Chúa tạo nên tôi là đồng tính”

Một biến thể khác của chiến lược theo Yếu tính luận là cứ khẳng định rằng Thiên Chúa chịu trách nhiệm về việc tạo dựng nên những người đồng tính – một cách cơ bản, cái huyền thoại “bẩm sinh như thế thì không thể thay đổi được” được viết lại theo lối nói tôn giáo, nếu người ta được tiền định do di truyền được thu hút về người đồng giới, thì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ sẽ chịu trách nhiệm, đúng không nào? Và nếu Thiên Chúa tạo dựng nên người ta là đồng tính, thì khi đó điều ấy không thể là tội lỗi hay sai sót hoặc “không tự nhiên” được. Do đó, những sự lên án ĐTLA đọc thấy trong Sách Thánh hay trong các giáo huấn của các tôn giáo lớn cần phải bị loại bỏ như là những sáng chế của con người – những sản phẩm thiên lệch của văn hóa loài người – và ĐTLA phải được đón nhận như một quà tặng của Thiên Chúa.    

Tuy nhiên, dù cho ĐTLA được quyết định bởi lý do sinh học đi nữa, điều này, theo những người có nhận thức thần học, sẽ đưa đến khả thể là Thiên Chúa “tạo dựng nên họ là đồng tính”, điều này vẫn không đưa tới chuyện Ngài muốn họ dấn mình vào lối sống ĐTLA, không hơn chút nào chuyện Ngài muốn một người vốn bẩm sinh có một sinh lý khiến họ dễ bị nghiện rượu hoặc béo phì hoặc nổi giận không tài nào kiểm soát được lại dấn thân vào những hành vi ấy. Những người nào gặp những vấn đề như thế thường phải cố gắng vất vả và tìm kiếm những sự nâng đỡ từ bên ngoài giúp họ vượt thắng những khuynh hướng sinh học của họ; họ đâu có ôm lấy những vấn đề đó bằng cách cứ nại ra là thánh ý Chúa.    

Hẳn nhiên, có những người cứ khẳng định rằng Chúa đã đoái nhìn xuống và đã long trọng ra lệnh cho những người nào đó phải làm “người đồng tính” vô phương thay đổi, và thường cũng chính những người này cứ nằng nặc cho rằng tất cả hoàn vũ này đã tiến hóa mà không cần đến bất cứ một sự can thiệp nào của Thiên Chúa cả. Chính sự tiền hậu bất nhất điển hình này gợi ý “Thiên Chúa sinh tôi ra là đồng tính” là một chiến lược chính trị hơn là một tuyên bố thần học.

Và có lẽ còn có một động cơ khác nữa mang tính cấp tiến, ở đằng sau sự khẳng định “Thiên Chúa sinh tôi ra là đồng tính”: động cơ này đặt ĐTLA dưới một ánh sáng tích cực hơn. Ngược lại, một giải thích về mặt sinh học liên quan đến sự biến đổi và luật đào thải tự nhiên có thể dẫn tới kết luận rằng đó là chuyển biến bất lợi của gien: một khuyết điểm từ lúc chào đời. Nếu chứng minh được ĐTLA là do một gien bị biến đổi gây ra, thì một gien như thế có thể nhận dạng được, khi đó cha mẹ có thể yêu cầu một cuộc xét nghiệm tiền sản và bỏ di những thai nhi “khuyết tật”, như thế sẽ có một sự loại bỏ nghiêm trọng số người đồng tính trong thế hệ tương lai.

Nhà hoạt động đồng tính Larry Kramer từng một lần nói rằng nếu người ta khám phá ra được một thứ gien đồng tính, thì cái quyền mang tính tôn giáo sẽ trở thành sự ủng hộ chọn lựa[23].  Những lời bình luận như thế là cả một sự vu khống đối với những người bảo vệ sự sống, là những người sẵn sàng tranh đấu để bảo vệ những thai nhi như thế một cách cũng mạnh mẽ như họ đang làm hôm nay để bảo vệ những thai nhi mắc những khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng. Nhưng kịch bản này, mặc dù chỉ thuần túy là giả định thôi (cái “gien đồng tính”sẽ chẳng bao giờ có được), cũng đặt ra vấn đề về những gì Cánh tả về Giới tính sẽ làm nếu họ bị dồn vào thế phải lựa chọn giữa việc bênh vực những quyền của người đồng tính hay việc phá thai theo yêu cầu.

❃ Ý thức hệ theo Cấu trúc luận

Khi lắng nghe cuộc tranh luận về hôn nhân như được trình bày trong giới truyền thông chủ đạo, người ta sẽ rời khỏi cuộc tranh luận với ấn tượng rằng không phải chỉ có quan điểm theo Yếu tính luận mới là cách giải thích mang tính khoa học chững chạc về ĐTLA đâu, nhưng tất cả mọi người ĐTLA đều chấp nhận quan điểm ấy.    

Quả thực, đối với công chúng, các nhà tranh đấu đồng tính hầu như luôn tỏ ra họ là những người theo Yếu tính luận và họ nói về những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, và người bình thường cứ như thể tất cả những người này đã được định nghĩa rõ ràng, đều là những loại người lúc nào cũng thế, từ khi được sinh ra và cứ phải như thế mãi. Tuy nhiên, mặc dù các nhà hoạt động đồng tính và các học giả có thể công khai tán thành Yếu tính luận, bởi vì đó là một chiến lược hữu dụng, nhưng xét theo ý thức hệ thì nhiều người vẫn tự coi mình thuộc về Cấu trúc luận.     

Với tư cách người bảo vệ quyền lợi người đồng tính, Ellen Broido nhìn nhận trong bài báo của mình mang tựa đề “Cấu tạo căn tính: Bản chất và ý nghĩa của người đồng tính nữ, người đồng tính nam, và sự phát triển căn cước song tính”,cho dù “viễn tượng xã hội theo Cấu trúc luận có vẻ là quan điểm thống soái của những ai đang hoạt động trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn”[24], khi thời điểm cho chiến lược chính trị đến, các nhà hoạt động theo Cấu trúc luận “đã tìm ra phương cách sử dụng những viễn tượng theo Yếu tính luận như là những khí cụ hữu hiệu trong công cuộc tranh đấu hòng giành lấy những quyền bình đẳng[25].    

Các nhà hoạt động đồng tính theo Cấu trúc luận có lẽ chẳng thấy gì là sai khi cứ làm bộ như mình là theo Yếu tính luận, bởi vì theo ý hệ của Cấu trúc luận, mọi quan điểm đều được “cấu tạo” bởi những kẻ ủng hộ chúng hầu mang lại cho chúng một lợi thế chính trị trên phe đối lập. Đối với những quan điểm ấy, không có chân lý nào hết, chỉ có những cấu trúc hữu ích mà thôi. Cho nên, theo quan điểm của họ, làm bộ tin tưởng vào Yếu tính luận chẳng phải là dối trá, mà là một biểu lộ bình thường của Cấu trúc luận – một đáp ứng chính trị thực dụng trước sự áp bức.

Đọc qua tài liệu của Cấu trúc luận, người ta có cảm tưởng giống như Alice nhìn qua tấm gương: sự thật và lý luận chẳng là gì khác hơn những khí cụ để tùy tiện sử dụng phục vụ cho các cứu cánh chính trị: từ ngữ không còn có những ý nghĩa rõ ràng nữa.

Điều này khiến cho việc tranh luận với những nhà hoạt động đồng tính thuộc Cấu trúc luận là cực kỳ khó khăn. Nó mang lại cho họ những chiến thuật lừa dối hết sức đa dạng. Vì họ không bị trói buộc bởi những chuẩn mực thông thường của chân lý hay luận lý, chẳng hạn: họ chẳng thấy điều gì sai trái khi nói với các bậc cha mẹ rằng những chương trình phò đồng tính lấy nhà trường làm cơ sở hiện hữu cốt để giúp đỡ cho những thanh thiếu niên vốn có bản chất là đồng tính và bất khả biến đổi, và cũng để nói với các học sinh đang bị bối rối về những cảm xúc tính dục của mình rằng chúng cần phải chấp nhận căn tính “đồng tính” của chúng đúng như con người của chúng thực sự là, cho dù chính bản thân chúng không tin là có một căn tính như vậy hiện hữu thực. Tương tự như thế, các thầy thuốc theo liệu pháp khẳng định thân chủ là đồng tính cứ nhất mực bảo họ từ bỏ mọi hy vọng biến đổi và chấp nhận rằng mình là “người đồng tính” theo bản chất, cho dù chính bản thân họ tuyên xưng một ý hệ vốn loại trừ ý niệm là mình có một bản chất cố định rồi – đồng tính, bình thường, hoặc không phải như thế.

❃ Một dạng thức của cảm xúc bị áp bức và tổn thương

Những người theo Cấu trúc luận nhìn xem tất cả lịch sử như một cuộc tranh đấu giữa những kẻ áp bức và những người bị áp bức. Sự áp bức này không cần phải mang dạng thức phủ nhận mọi quyền căn bản, mà có thể là một điều gì khiến cho một thành viên tự chỉ định nào đó của các giai cấp bị áp bức (chẳng hạn như những người đồng tính nam hay nữ, song tính, chuyển giới – gọi tắt là GLBT) cảm thấy khổ sở. Nếu tình cảm của bạn bị tổn thương, tức là bạn đang bị áp bức. Chỉ những kẻ bị áp bức mới có các quyền lợi. Mọi điều gì làm tổn thương tình cảm của những người bị áp bức đều cần phải bị trừng phạt. Nếu những sự xúc phạm tỏ tường không có sẵn, chúng phải được sáng tạo ra.

Chẳng hạn, khi nữ diễn viên Jada Pinkett Smith nói cách hào hứng về cuộc hôn nhân và con cái của mình trong một bài nói chuyện tại trường Đại học Harvard[26] thì những người đồng tính nam và nữ, những người song tính, những người chuyển giới, những người trong liên minh ủng hộ cho họ (BGLTSA) đã phản pháo lại bằng một sự phản đối đầy giận dữ. Nữ diễn viên này đã xúc phạm họ, bởi vì, theo người đồng chủ tọa Jordan Woods thuộc BGLTSA: “Phần nào nội dung bài này cực kỳ mang chuẩn mực dị tính, và như thế là khiến cho các thành viên BGLTSA cảm thấy khó chịu”.  

Đây là kiểu nói kinh điển theo Cấu trúc luận. Theo ý hệ của chủ thuyết này, chỉ cần dùng những từ như mẹngười chồng là đã gây bức xúc cho những người đồng tính rồi, bởi vì làm như thế là chứng tỏ sự chấp thuận mặc nhiên đối với thứ văn hóa áp bức có tính thiên vị giới tính, bài xích đồng tính, theo truyền thống gia tộc khiến cho giới GLBT cảm thấy bị loại trừ. Tất cả những kẻ xúc phạm như thế, tất cả những ai hỗ trợ cấu trúc xã hội “theo chuẩn mực dị tính”, nhất định phải bị sỉ nhục công khai vì “tính vô cảm” của họ.            

❃ Tự hào là môn đồ của Cấu trúc luận

Không phải tất cả mọi người hoạt động đồng tính đều là những người công khai theo Yếu tính luận và ngấm ngầm theo Cấu trúc luận cả đâu. Một số thì lấy làm hãnh diện và công khai đi theo ý thức hệ Cấu trúc luận, và chỉ trích sách lược của phe theo Yếu tính luận như là một sự phản bội vì đã thích thú với “những cấu trúc” coi như “trạng thái bình thường” và bản chất con người. Dennis Altman, tác giả cuốn The Homosexualization of America (Sự Đồng tính hóa của Hoa Kỳ), là một trong số những người chỉ trích này. Ông này viết:

Dù cho có một nền tảng di truyền cho ĐTLA đi nữa – về điều này thì tôi vẫn còn nghi ngờ – vẫn còn có một yếu tố để chọn lựa nữa là việc sống điều đó như thế nào. Tôi vẫn tin tính dục con người được kiến tạo một cách rộng lớn theo xã hội, uyển chuyển và dễ uốn nắn, và tôi cũng tin rằng tất cả chúng ta đều có một tiềm năng cho những trải nghiệm tính dục lớn hơn khả năng chúng ta có thể vào vai hành động[27].

Peter Cohen, một thành viên của Queer Nation, một nhóm cực đoan đòi quyền lợi cho người đồng tính, cũng loại trừ luận cứ coi đồng tính là bẩm sinh, cho đó là một nhượng bộ trước những người theo Cấu trúc luận “có khuynh hướng theo chuẩn mực dị tính”:

Tôi thấy bị xáo trộn bởi điều giả định rằng nếu người ta bị lập trình phải trở thành đồng tính bất kể đến ý muốn của họ, chúng ta sẽ không còn thấy điều đó là lỗi của họ và sẽ không còn kỳ thị chống lại họ nữa. Ngầm ở bên dưới điều này là giả định rằng ĐTLA thấp kém hơn dị tính luyến ái... Tôi chẳng hiểu tại sao chúng ta lại phải đi chứng minh điều gì đó có nguyên nhân sinh học để ban cho người ta các quyền của họ[28].

Cohen đã chỉ ra cho ta thấy một trong những cái mâu thuẫn về mặt luận lý của luận cứ theo Yếu tính luận: đó là trong khi khẳng định ĐTLA là một tình trạng bình thường và lành mạnh, luận cứ này lại nại đến tiền đề được ẩn giấu rằng ĐTLA là thấp kém hơn, và do đó, những người ĐTLA cần có chỗ cư ngụ đặc biệt – nơi chốn riêng cho đời sống khuyết tật của họ. Họ không thể chờ mong theo những quy định áp dụng cho mọi người khác, bởi vì họ là những nạn nhân không tự lực được. Quả thực, nhiều người sẵn lòng tán thành những yêu cầu của các người tranh đấu đồng tính, không phải bởi vì họ tin rằng ĐTLA là một biến thể lành mạnh bình thường của tính dục con người, nhưng là bởi vì họ coi những người ĐTLA như những người bị thiệt hại, và thương hại những người ấy. Và mặc dù một số người hoạt động đồng tính sẵn sàng khai thác lòng thương xót ấy đi nữa, những người khác – như Cohen – vẫn cảm thấy bị xúc phạm bởi điều ấy. Vấn đề đặt ra cho xã hội vẫn là: liệu lòng thương xót có là lý do đủ để thỏa mãn mọi yêu cầu của các người hoạt động đồng tính không? Và liệu việc thỏa mãn các yêu cầu ấy có thực sự là phương cách tốt nhất tỏ lòng trắc ẩn với những người ĐTLA không?

Đa phần không muốn được nuôi dưỡng bằng những huyền thoại hoặc những điều được kiến tạo ra. Họ không muốn bị lừa dối hoặc bị điều khiển, lôi kéo. Họ muốn biết các sự kiện thực tế. Liệu chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi chính đáng của họ không? Cái gì gây ra ĐTLA?

(Còn tiếp)

Antôn Uông Đại Bằng chuyển ngữ

Trích từ sách: MỘT NAM, MỘT NỮ - Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

Phần I: Các Chính Sách về Giới Tính và Hôn Nhân: https://ubmvgiadinh.org/bai-viet/cac-chinh-sach-ve-gioi-tinh-va-hon-nhan-3874

Chương 1: Đấu tranh chính trị về định nghĩa của hôn nhân 

Chương 2: Ý thức hệ Cánh tả về Giới tính
Chương 3: Cuộc tranh luận về đồng tính luyến ái
 


 


[1] Chẳng hạn: Lv 18, 22; Rm 2, 26-27; 1Cr 6, 9-13; 1Tm 1, 8-11.

[2] Irving Bieber và các tác giả khác, Homosexuality: A Psychoanalytic Study of Male Homosexuals (New York: Basic Books, 1962), 276.

[3] Wyler, “Anything But Straight”.

[4] Ronald Bayer, Homosexuality and American Psychiatry: The Politics of Diagnosis (New York: Basic books, 1981), 5.

[5] Ibid., 136.

[6] Sari Dworkin, “Individual Therapy with LGB Clients”, Handbook of Counseling and Psychotherapy with Lesbian, Gay, and Bisexual Clients, Ruperto M. Perez, Kurt A. DeBord, and Kathleen J. Bieschke, eds. (Washington: APA Books, 1999).

[7] Jeffrey Schwarts, The Mind and the Brain: Neuroplasticity and the Power of Mental Force (New York: Regan Books, 2002).

[8] Dĩ nhiên, chính vì một tình trạng định đoạt bởi di truyền không có nghĩa là “bình thường” và không thể nào – hay không nên – được điều trị. Chẳng hạn như: các trẻ sơ sinh được thử nghiệm tìm PKU (phenylketonuria), một khiếm khuyết mang tính di truyền ảnh hưởng đến khả năng biến chế một prôtêin đặc thù. Việc chẩn đoán sớm sẽ  giúp thay đổi chế độ dinh dưỡng làm cho ta ngăn ngừa được những tổn hại nghiêm trọng ở não bộ. Nếu một sinh vật sinh ra với một đặc điểm di truyền khiến cho không sinh sản được, điều đó sẽ bị coi là một khuyết tật. Tuy nhiên bởi vì các nhà tranh đấu đồng tính lại cứ coi đây là ý thức hệ của Cánh tả về Giới tính, nên họ cứ nhất mực cho rằng sự luyến ái đồng tính là một tình trạng trung tính về thể lý, tương tự như màu của mắt vậy.

[9] Kurt Ernulf, Sune Innala, và Fredrick Whitam, “Biological Explanation, Psychological Explanation, and Tolerance of Homosexuals: A Cross-National Analysis of Beliefs and Attitudes”, Psychological Reports 65 (1989); 1003-1010.

[10] Julie Piskur và Douglas Degelman, “Effect of Reading a Summary of Research about Biological Bases of Homosexual Orientation on Attitudes Toward Homosexuals” Psychological Reports 71 (1992): 1219-1225. Piskur viết: “Phát hiện chính của cuộc nghiên cứu này là việc đọc một bản tóm lược cuộc khảo cứu hậu thuẫn cho những yếu tố sinh học quyết định về xu hướng ĐTLA có thể ảnh hưởng đến số điểm lượng giá thái độ đối với người ĐTLA khi được kiểm nghiệm ngay sau khi họ đọc tài liệu đó”. (trg 1223).

[11] Simon LeVay, “A difference in the Hypothalamic Structure between Heterosexual and Homosexual Men”, Science 253 (1991): 1034-1037. Về sự phản luận có tính khoa học đối với những điều khẳng định của LeVay, xin hãy xem William Byne và Bruce Parsons, “Human Sexual Orientation: The Biologic Theories Reappraised”, Archives of General Psychiatry 50 (Tháng 3/1993): 228-239. Cũng xem John Horgan, “Gay Genes Revisited: Doubts Arise over Research on the Biology of Homosexuality”, Scientific American (Tháng 11/1995): 28.

[12] Dean Hamer và các tác giả khác, “A Linkage Between DNA Markers on the X Chromosome and Male Sexual Orientation”. Science 261 (1993): 321-327.

[13] George Rice và các tác giả khác, “Male Homosexuality: Absence of Linkage to Microsatellite Markers at Xq28”, Science 284, (1999): 665-667.

[14] Edward Stein, The Mismeasure of Desire: The Science, Theory and Ethics of Sexual Orientation (New York: Oxford University Press, 1999), 221.

[15] Charles C. Mann, “Genes and Behavior”, Science 264 (1987).

[16] John Michael Bailey, Michael Dunne, và Nicholas Martin, “Genetic and Environmental Influences on Sexual Orientation and Its Correlates in an Australian Twin Sample: Personality Processes and Individual Differences”, Journal of Personality and Social Psychology 78, số 3 (2000): 524- 536.

[17] Richard Green, Sexual Identity Conflict in Children and Adults (Baltimore: Penguin, 1974), 206-207.

[18] Richard Friedman, Male Homosexuality: A Contemporary Psychoanalytic Perspective (New Haven: Yale University Press, 1988), 28-29.

[19]  Những cuộc phỏng vấn riêng.

[20] Joseph Nicolosi, A Parent’s Guide to Preventing Homosexuality; James Dobson, Bringing Up Boys; Fr. John Harvey, Same-Sex Attraction: A Parent’s Guide; Don Schmierer, An Ounce of Prevention: Preventing the Homosexual Condition in Today’sYouth.

[21] Một số nhà tranh đấu tránh né chứng lý này, vốn có thể bị sử dụng như một sự mặc nhiên thừa nhận rằng ĐTLA là một tình huống hạng nhì.

[22] Tiếc thay, đôi khi những người bảo vệ hôn nhân và luân lý truyền thống đều phạm cùng một sai lầm và tự ép buộc mình vào tư thế khó khăn là bảo vệ ý tưởng rằng ĐTLA là một hành vi mình “được chọn lựa”, thuần khiết và đơn giản.

[23] Chandler Burr, Separate Creation (New York: Hyperion Books, 1997), 280.

[24] Ellen M. Broido, “Constructing Identity: The Nature and Meaning of Lesbian, Gay, and Bisexual Identity Development”, Handbook of Counseling and Psychotherapy with Lesbian, Gay, and Bisexual Clients, Ruperto M. Perez, Kurt A. DeBord, and Katyhleen J. Bieschke, eds. (Washington: APA Books, 1999).

[25] Celia Kitzinger, “Social Constructionism: Implications for Lesbian and Gay Psychology”, in Lesbian, Gay, and Bisexual Identities Over the Lifespan. A. D’Augelli and C. Patterns, eds. (New York: Oxford University Press, 1995), 136-165.

[26] Trong tháng 3 năm 2005, nữ diễn viên Hollywood là Jada Pinkett Smith được tôn vinh là Diễn viên của Năm tại Đại học Harvard.

[27] Stephen Brown, “Defying Gravity: An Interview with Dennis Atman on the 30th Anniversary of Homosexual: Oppression and Liberation”, Sexualities 3, số 1: 97-107.

[28] C. Eugene Emery, “New Study: Homosexuality Genetic”. Providence Journal (30/12/1991). Bình luận về J. M. Bailey và R. C. Pillard, “A Genetic Study of Male Sexual Orientation”, Archives of General Psychiatry 48 (1991): 1089-1096.