Các Chính sách về Giới tính và Hôn nhân

Các Chính sách về Giới tính và Hôn nhân

MỘT NAM, MỘT NỮ
Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo
 

Phần I: Các Chính sách về Giới tính và Hôn nhân

❊❊❊

“Trong những hoàn cảnh mà các cuộc kết hợp đồng tính được luật pháp công nhận hoặc cho hưởng quy chế và quyền pháp định của hôn nhân, chúng ta có bổn phận phải bày tỏ sự phản kháng rõ ràng và quyết liệt của mình. Phải tránh mọi hình thức cộng tác làm cho thứ luật bất chính ấy thành có hiệu lực và được đem áp dụng, phải hết sức tránh cộng tác trong thực tế vào việc áp dụng thứ luật ấy. Về phương diện này mọi người có thể thực thi quyền phản đối của lương tâm”.  

                                          
                                                        Hồng y Joseph Ratzinger
                                           Giáo hoàng Bênêđictô XVI

“Hoàn cảnh ngày nay không còn như thập niên 50 của thế kỷ XX. Hiện tượng đồng tính càng ngày càng lộ diện và trở nên như bình thường và không còn ẩn mình trong bóng tối nữa”. 
                                                            Jonathan Rauch 

Gay Marriage: Why It’s Good for Gays,

Good for Straights, and Good for America.


Chương 1: Đấu tranh chính trị về định nghĩa của hôn nhân
❊❊❊

Phong trào hôn nhân đồng tính đã bắt đầu như thế nào?
Đâu là những trận tuyến pháp lý chủ chốt trong cuộc đấu tranh về vấn đề hôn nhân?
Có chăng những luật lệ hiện hành để ngăn chặn hôn nhân đồng tính trong đất nước của tôi?

Cuộc chiến hiện nay về định nghĩa hôn nhân không phải mới xảy ra. Đó là kết quả của những nỗ lực qua nhiều thập niên của những người hoạt động đấu tranh cho người đồng tính. Những người này vốn đã xác lập rõ ràng các mục tiêu từng được vạch ra, khai triển các chiến lược toàn diện và đầu tư nguồn lực đáng kể nhằm hoàn thành các mục tiêu ấy.

Phong trào đấu tranh đòi quyền cho người đồng tính ngày nay bắt nguồn từ những cuộc bạo loạn ở Stonewall, xảy ra ở thành phố New York tháng Sáu năm 1969. Đám tang của Judy Garland, biểu tượng của nhiều người đồng tính, cử hành vào sáng sớm hôm đó, và đã tạo nên một cao trào cảm xúc.

Chiều hôm ấy, một nhóm cảnh sát thành phố New York đã ập vào quán Stonewall, một “câu lạc bộ bia rượu” phục vụ cho giới đồng tính nam và những kẻ thích ăn mặc như phụ nữ. Quán này không có phép bán rượu, các khách quen của quán có lẽ đã mang rượu đến và ghi tên tại quầy tiếp tân như những hội viên – nhưng câu lạc bộ này thực ra đã bán rượu cách bất hợp pháp, cho nên việc bố ráp của cảnh sát không phải là điều bất thường. Nhưng đêm hôm ấy, đám khách quen đã đánh trả, bằng cách tấn công cảnh sát và gây náo loạn đường phố. Đám đông đã ném gạch, chai lọ và đốt lửa, cho đến khi cuộc náo loạn bị khống chế vào 4 giờ sáng, với 4 cảnh sát bị thương và 13 người gây náo loạn bị bắt giữ.

Đó là vào cuối thập niên 60, và cuộc cách mạng đang lan truyền. Nền luân lý truyền thống đã bị công kích. Sức mạnh của nhóm đồng tính kết hợp với tinh thần của thời đại, và cuộc nổi loạn Stonewall đã thành biểu tượng tập hợp của phong trào hành động của những người đồng tính. Ngày đó vẫn còn được tưởng niệm hàng năm trong các hoạt động biểu dương Niềm Tự hào của giới Đồng tính trong cả nước.

Tháng 5 năm 1970, hai người đàn ông ở tiểu bang Minnesota là cặp đồng tính đầu tiên xin kết hôn chính thức ở nước Mỹ. Nhưng họ bị từ chối.
Năm 1972, Liên hiệp Quốc gia các Tổ chức Đồng tính đã tiến hành một đại hội tại Chicago và triển khai Cương lĩnh về Quyền của giới Đồng tính lần đầu tiên. Sau đây là một số trong những yêu sách của họ:
·“Sự khuyến khích và trợ giúp của liên bang đối với các khóa giáo dục giới tính do những người nam và nữ đồng tính soạn thảo và giảng dạy, trình bày đồng tính luyến ái như một chọn lựa hợp lệ, lành mạnh và một lối sống có thể tồn tại được giống như khuynh hướng luyến ái dị tính”.
·“Bãi bỏ mọi khoản luật ngăn cấm việc mời mọc những quan hệ giới tính tự nguyện riêng tư và những luật ngăn cấm mại dâm, cả nam lẫn nữ”.
·“Bãi bỏ mọi luật khống chế độ tuổi đối với sự ưng thuận tình dục”.
·“Bãi bỏ mọi khoản luật nhằm giới hạn việc quan hệ tình dục hoặc số người tham dự vào một đơn vị kết hợp hôn nhân; và mở rộng những quyền lợi pháp lý cho tất cả những người sống chung với nhau mà không phân biệt giới tính hoặc số lượng”.

Những người hoạt động cho phong trào nhìn nhận rằng những sự thay đổi sâu rộng đó không thể thực hiện được ngay lập tức, nhưng với những mục tiêu tối hậu này trong tâm trí, họ bắt đầu gây áp lực lên những nhà lập pháp tiểu bang và các chính quyền thành phố đồng cảm với họ để tạo ra những thay đổi nho nhỏ trong pháp luật; chẳng hạn như sự bảo vệ của pháp luật chống lại sự kỳ thị ở những khách sạn, nhà nghỉ công cộng. Những người phê bình những thay đổi này lập luận rằng các điều luật như thế là không cần thiết, vì những người đồng tính vẫn thường lui tới những nhà hàng tốt nhất, vẫn ở trong các khách sạn sang trọng nhất, và vẫn được nhận vào làm việc trong nhiều ngành nghề sáng giá. Tuy nhiên, nhiều tòa án đã chấp nhận những yêu sách này và đã thêm chữ “xu hướng tính dục” vào danh sách các tầng lớp công dân cần được bảo vệ.

Một khi những nhà hoạt động đồng tính đạt được một nhượng bộ này, thì họ lại đòi hỏi một nhượng bộ khác. Mỗi bước trong tiến trình này, họ cứ nhấn mạnh rằng những thay đổi họ đề nghị là không quan trọng – đó chỉ là những vấn đề nhỏ của sự công bằng đơn giản mà hệ quả của chúng đối với xã hội rộng lớn hơn vẫn còn chưa đáng kể. Những người phê bình họ cảnh báo rằng mục tiêu cuối cùng của họ là định nghĩa lại hôn nhân, nhưng những quan ngại này đã bị bác bỏ, bị xem như là thái độ cố chấp hoang tưởng.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động này lại gặp phải một vấn đề: yêu sách của họ càng leo thang thì các nhà lập pháp càng ít đáp ứng. Công chúng bắt đầu phản ứng chống lại việc ban cho họ những quyền đặc biệt dựa trên xu hướng tính dục. Khi vấn đề được đưa ra cho các cử tri xem xét, kế hoạch của những người đồng tính thường bị thất bại. Các nhà hoạt động cho phong trào đồng tính nhận thấy việc nhờ đến luật pháp để đạt mục tiêu của họ có lẽ đòi hỏi phải có một thay đổi lớn lao nơi ý kiến của công chúng – mà trào lưu chung không cùng hướng với họ. Vì thế, họ mượn chiến lược của phong trào đòi quyền phá thai và họ quay sang các tòa án.

Dựa vào các thẩm phán phò các phong trào tranh đấu, vốn có thể dễ bị mủi lòng trước những yêu sách nại tới “sự riêng tư” hay “sự chọn lựa” để chấp thuận những gì các nhà lập pháp, công luận, luật pháp, tiền lệ và truyền thống đã chối từ, những nhà hoạt động đồng tính trình bày những đòi hỏi của họ như là một yêu sách về những quyền hiến định – và nếu các cử tri vẫn một mực không nhìn nhận những “quyền” này, thì các thẩm phán là những người hiểu biết hơn có thể bác bỏ lập trường của họ. Các nhà hoạt động đồng tính đã thành công trong việc đồng hóa những tranh đấu của họ với cuộc đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc và giới tính, họ tham gia liên kết với những đồng minh chính trị và chiếm được tình cảm của công chúng hơn.

Giới truyền thông chủ đạo cũng tỏ ra có thiện cảm rộng rãi với các yêu sách của các nhà đấu tranh đồng tính. Các cặp đôi đồng tính có vẻ hoàn hảo và được cảm tình của giới truyền thông, nộp đơn xin được kết hôn hợp pháp trong các tiểu bang mà họ hy vọng được xét xử thuận lợi bởi các thẩm phán thuộc phong trào tranh đấu. Khi các viên lục sự từ chối tiếp nhận đơn xin của họ thì các nhóm hỗ trợ pháp lý của các cặp này bắt đầu ra tay hành động. Các vụ kiện tụng và chống án sau cùng cũng đến được các Tòa án Tối cao của tiểu bang.

Thử nghiệm chính yếu đầu tiên của chiến lược hoạt động của những người tranh đấu đồng tính được tiến hành trong tiểu bang có khuynh hướng phóng khoáng là Hawaii vào  năm 1990, khi ba cặp đồng tính xin kết hôn chính thức bị từ chối. Họ nộp đơn kiện. Tháng 12 năm 1996, một tòa án tiểu bang cấp thấp đã xử có lợi cho họ và tuyên bố rằng quy chế dành hôn nhân cho các cặp khác giới là không hợp hiến. (Tuy nhiên, phán quyết ấy không bao giờ có hiệu lực, vì trong năm 1998, tuyệt đại đa số các cử tri bỏ phiếu thông qua một tu chính án cho hiến pháp tiểu bang duy trì hôn nhân cho các cặp khác giới).

Năm 1996, vì e ngại các tòa án ở Hawaii chấp thuận cho các cặp đồng tính hưởng định chế hôn nhân, Quốc hội Hoa Kỳ, sau cuộc bỏ phiếu kết hợp với 427 phiếu thuận và 81 phiếu chống, đã thông qua dự luật Bảo vệ Hôn nhân  (DOMA). Dự luật này được Tổng thống Clinton phê chuẩn thành đạo luật. DOMA quy định rằng không một tiểu bang nào phải thừa nhận một hôn nhân đồng tính đã được tiến hành trong một tiểu bang khác, nếu luật của tiểu bang đó ngăn cấm hôn nhân đồng tính. Đạo luật DOMA cũng định nghĩa các từ hôn nhân và người phối ngẫu theo mục tiêu của luật liên bang chỉ bao hàm các cặp gồm nam và nữ mà thôi.

Sau khi thất bại không thực hiện được mục đích của mình ở Hawaii, những nhà tranh đấu đồng tính nhắm tới tiểu bang Vermont, là tiểu bang có vẻ phóng khoáng hơn, và là nơi mà khả năng của người dân sửa đổi hiến pháp tiểu bang là hết sức giới hạn. Vào ngày 20/12/1999, Tòa án Tối cao Vermont phán quyết rằng tiểu bang phải thiết lập một hình thức tương đương với hôn nhân cho các cặp đồng tính: “các cuộc kết hợp dân sự” ban mọi quyền và đặc ân của hôn nhân mà không cần mang danh hiệu hôn nhân. Các cặp đồng tính tuôn đến Vermont để tham gia vào kết hợp dân sự. Rất nhiều lễ thức của họ có cả lễ phục của đám cưới đã được tổ chức.

Tháng 3 năm 2000, tiểu bang California bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc định nghĩa hôn nhân là một sự kết hợp của một người nam và một người nữ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan chăng khi đưa vấn đề này ra để trưng cầu ý kiến trong một tiểu bang vốn phóng khoáng về chính trị, “khoan dung” về mặt xã hội như thế. Những cuộc thăm dò trước cuộc bỏ phiếu đã cho thấy tình hình không thuận lợi cho việc tu chính, và thực tế làm cho cả những người ủng hộ lẫn những người phê phán đều ngạc nhiên như nhau trước khoảng cách lá phiếu 2 chống 1. Chiến thắng của cuộc trưng cầu dân ý này cho thấy ngay cả một tiểu bang trong đó có Hollywood và San Francisco, dân chúng cũng vẫn không muốn định nghĩa lại hôn nhân.

❃ Tòa án Tối cao của Massachusetts gây khuấy động
Tháng 4 năm 2001, các cặp đồng tính từng làm đơn xin kết hôn nhưng bị từ chối ở tiểu bang Massachusetts đã đưa vụ việc của họ ra tòa án. Trong phán quyết Goodridge mang tính cách của một điểm mốc ngày 18/11/2003, Tòa án Tối cao tiểu bang Massachusetts đã đưa ra một quyết định 4 chống 3 nói rằng “không một lý do hữu lý nào” có thể khiến cho việc kết hôn chỉ dành cho một người nam và một người nữ mà thôi. Tòa ra lệnh cho bên lập pháp phải thay đổi luật lệ của tiểu bang để cho phép những người đồng tính cũng được kết hôn với nhau. Làm như vậy, tòa án đã thừa nhận (một số người có thể sẽ nói tòa án đã thích) tác dụng hủy hoại của phán quyết này: 
Chúng tôi ý thức rằng quyết định của chúng tôi đánh dấu một sự thay đổi trong lịch sử của luật pháp về hôn nhân của chúng ta. Nhiều người vẫn giữ những niềm tin tưởng sâu xa về mặt tôn giáo, luân lý và đạo đức rằng hôn nhân phải được giới hạn vào sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và rằng lối sống đồng tính luyến ái là xấu xa về mặt luân lý.
Cộng đồng xã hội đã khẳng định rằng hôn nhân đã được thiết lập để bảo vệ những đứa trẻ được thụ thai do việc giao hợp tính dục tạo nên, nhưng tòa bác bỏ lý chứng này, tuyên bố rằng: 
Chính là sự cam đoan kết hợp duy nhất và mãi mãi với nhau của đôi phối ngẫu, chứ không phải sự sinh con, là điều kiện tất yếu của hôn nhân.
Trong phán quyết Goodridge, giới tư pháp ở Massachusetts đã thừa nhận họ đang loại bỏ cái “định nghĩa về hôn nhân như đã được thừa hưởng từ quy luật chung và đã được chấp nhận bởi nhiều xã hội từ bao thế kỷ nay”. Họ nói họ cảm thấy được biện minh khi làm như thế, bởi vì “hôn nhân dân sự là một mô hình đang tiến hóa”, mà tình trạng hiện thời của nó thì tòa án khẳng định là có thẩm quyền để phán định.

Bằng ý kiến đồng tình của mình, thẩm phán Greany viết: 
Tôi hy vọng rằng phán quyết của chúng tôi sẽ được chấp nhận bởi những công dân có suy nghĩ chín chắn vốn tin rằng tiểu bang không nên chấp thuận những cuộc kết hợp đồng tính. Ở đây tôi không nói về sự chấp thuận theo nghĩa nhìn nhận một cách miễn cưỡng thẩm quyền xét xử của tòa án về một vấn đề... Những nguyên tắc đơn giản của khuôn phép bảo chúng ta rằng chúng ta cần phải để ý đến những kẻ khiếu kiện, và tình trạng mới mẻ của họ, sự chấp thuận trọn vẹn, sự bao dung, và sự tôn trọng.            Chúng ta cần phải làm như thế bởi vì đó đúng là điều chúng ta phải làm.

“Đúng là điều chúng ta phải làm”. Những người bảo vệ hôn nhân đã xem những lời này không phải như một lời kêu gọi hòa giải, nhưng như một lời đe dọa. Những ai chống lại hôn nhân đồng tính không phải chỉ là sai lầm về phương diện luật pháp, mà còn là những kẻ xấu xa, và nếu họ không chịu thay đổi, họ sẽ mắc vào tội bất khoan dung. Căn cứ những luật pháp chống lại sự kỳ thị và những tội thù ghét, thì lời cáo buộc này có thể hàm ý những hệ lụy tư pháp.

Vào ngày 18 tháng 5 năm đó, những cặp đồng tính đã được cấp giấy hôn thú ở Massachusetts. Tuy rằng ít nhất có một bên trong mỗi cặp phải là cư dân của tiểu bang này, yêu sách này có vẻ đã bị bỏ qua, và một số cặp ở ngoài tiểu bang cũng đã được cấp giấy hôn thú, cho dù tình trạng của họ sẽ không được thừa nhận tại tiểu bang quê hương họ.
Ngày nay, mặc dù Massachusetts đã có hôn nhân đồng tính theo phán quyết của tòa án, các người chống đối thuộc tiểu bang này vẫn tiếp tục ra sức vận động cho có một tu chính hiến pháp tiểu bang bằng cách định nghĩa hôn nhân là chỉ dành cho một người nam và một người nữ mà thôi.

      
❃ Một tu chính của liên bang và thêm nhiều thách thức ở tiểu bang
Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA) của liên bang và những DOMA của tiểu bang đã được dự trù hầu ngăn ngừa điều đã xảy ra ở Massachusetts không thể xảy ra ở bất cứ đâu khác nữa, nhưng một số người cảm thấy như vậy chưa đủ. Họ tin rằng nếu không có một tu chính án hiến pháp liên bang, những tòa án liên bang hoặc tiểu bang chịu ảnh hưởng của phe tranh đấu có thể gây áp lực đòi hỏi tái định nghĩa hôn nhân tại những tiểu bang riêng rẽ hoặc trên toàn quốc, hoặc cứ đòi hỏi những tiểu bang khác phải thừa nhận các cuộc hôn nhân của Massachusetts. Sau phán quyết Goodridge, Tổng thống Bush lo lắng về những điều này, và vào tháng 2 năm 2004, ông tuyên bố ủng hộ Tu chính án Liên bang về Hôn nhân (FEMA), như sau:
Hôn nhân ở Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ bao hàm sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Hiến pháp liên bang cũng như hiến pháp của bất cứ tiểu bang nào, hoặc bất cứ luật lệ nào của liên bang hay tiểu bang đều không thể được quyền đòi hỏi tình trạng hôn nhân này hoặc những hệ lụy pháp lý của nó cho những cặp hay nhóm không kết hôn.
Trong lúc các chính khách và các nhà vận động còn tranh cãi về FEMA, thì vấn đề này đã được nêu ra trước các tòa án khác thuộc cấp tiểu bang. Ở New York, chẳng hạn, một vị thẩm phán đã bác bỏ một vụ kiện tụng bởi những cặp đồng tính muốn thách thức sự từ khước hôn thú. Vụ này được kháng cáo lên Tòa án Tối cao tiểu bang, tòa này, vào ngày 06/07/2006, đã ủng hộ phán quyết kia.

Các nhà tranh đấu đồng tính đã nêu luận cứ rằng chẳng có lý do hữu lý nào để chỉ dành hôn nhân và những lợi ích của nó cho những cặp khác giới cả, và họ nhắc lại lý luận đã dùng trong Goodridge rằng động cơ của hành động này chính là sự ngu dốt, thói cố chấp, hay sự thiên vị vô lý. Nhưng trong tháng 07/2006, trong vụ Hernandez chống Robles, New York đã phi bác luận cứ này, nói rằng: “Cơ quan lập pháp có thể tin một cách hữu lý rằng: khi mọi thứ khác đều như nhau, thì điều tốt hơn chính là để cho trẻ con được lớn lên bên cả người mẹ lẫn người cha”. Ý kiến của tòa tiếp tục như sau:
Định nghĩa truyền thống về hôn nhân không phải chỉ là một phó sản của sự bất công lịch sử… Ý tưởng rằng hôn nhân đồng tính thậm chí là khả hữu, chẳng qua cũng chỉ là một ý tưởng tương đối mới mẻ thôi. Cho đến một ít thập niên về trước, định nghĩa này là một chân lý được chấp nhận đối với hầu hết mọi người, trong bất cứ xã hội nào có hôn nhân hiện hữu, là chỉ có thể có hôn nhân giữa những người thuộc giới tính khác nhau mà thôi. Một tòa án không thể nào dễ dàng kết luận rằng tất cả những ai ủng hộ điều xác tín này đều là phi lý, ngu dốt, hoặc cố chấp. Chúng tôi không kết luận như thế.
Tòa án đã để lại công việc định nghĩa hôn nhân cho cơ quan lập pháp: 
Những nhà bất đồng chính kiến khẳng định một cách tự tin rằng “các thế hệ tương lai” sẽ đồng thuận với quan điểm của họ về trường hợp này. Chúng tôi không nói trước người ta sẽ nghĩ gì trong các thế hệ sau này, nhưng chúng tôi tin là thế hệ hiện thời sẽ có cơ may để quyết định lấy vấn đề qua những đại biểu dân cử của họ.
Tu chính của liên bang về hôn nhân đã đưa đến một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong mùa Hè 2004, nhưng tu chính ấy không được thông qua. Hiện thời, những người chống đối tu chính án ấy tranh luận rằng DOMA là đủ rồi, và không cần đến một cái gì căn cơ như một tu chính hiến pháp cả.

Trong khi đó, các nhóm ở địa phương đang tìm cách ngăn ngừa một vụ Goodridge có thể xảy ra cho họ, nên đã bắt đầu đưa ra một tu chính hiến pháp trong các tiểu bang của họ. Kể từ đầu  năm 2007, mười tám tiểu bang đã thông qua các tu chính về hôn nhân, kể cả hai tiểu bang Hawaii và Oregon vốn được coi là có khuynh hướng phóng khoáng. Chỉ tại tiểu bang Arizona là có chuyện cử tri bác bỏ một tu chính án như thế.
Nhưng ngay cả những tu chính hiến pháp của cấp tiểu bang đã được thông qua với sự hậu thuẫn áp đảo của cử tri cũng đang phải đương đầu với những thách thức tư pháp từ phía những người tranh đấu đồng tính. Trong tháng 5 năm 2005, một thẩm phán liên bang đã hạ gục một tu chính án về hôn nhân của tiểu bang Nebraska, mặc dù tu chính án này đã được thông qua với 70% cử tri. Tháng 5 kế tiếp, một thẩm phán miền quê trong tiểu bang Georgia đã hạ gục tu chính bảo vệ hôn nhân của tiểu bang này về phương diện kỹ thuật, mặc dù tu chính này được thông qua với tỷ lệ 76%.
Những phán quyết này về sau đã bị đánh đổ, nhưng trận chiến tại các tòa án cứ tiếp tục, vì những người tranh đấu cứ ra sức giành lấy từ tay những thẩm phán thuộc phong trào tranh đấu điều họ không thể giành được từ các cử tri.
Xét theo những kết quả các cuộc trưng cầu dân ý này, đa số người dân Hoa Kỳ vẫn chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân. Tuy nhiên, đa phần những người này cảm thấy bối rối khi giải thích tại sao họ lại giữ niềm tin đó. Họ có thể nói: “Ồ, đó là vì vẫn luôn luôn như thế” hoặc “Đó là điều tự nhiên” hoặc “Điều này là truyền thống rồi”, nhưng họ không thể nói rõ ràng được tại sao điều đó lại luôn luôn là như thế, hoặc tại sao điều đó là tự nhiên hay có tính cách truyền thống. Niềm tin vào hôn nhân truyền thống có thể mang tính cách phổ biến, nhưng sự hiển nhiên mang tính giai thoại khiến người ta nghĩ rằng điều ấy không có gì sâu xa đặc biệt cả. Nếu không có sự hiểu biết sâu xa hơn những vấn đề và các lý chứng này, người ta sẽ không thể nào chống đỡ mãi được trước những cuộc tấn công liên lỉ lại hôn nhân. Nếu chúng ta muốn thắng lợi, chúng ta cần phải hiểu biết ý thức hệ và các sách lược của những nhà tranh đấu vốn đã kiên định đòi hỏi không chỉ việc tái định nghĩa hôn nhân mà thôi, nhưng còn muốn phá hủy chính nền tảng của xã hội chúng ta nữa.

Antôn Uông Đại Bằng chuyển ngữ

Trích từ sách: MỘT NAM, MỘT NỮ - Chỉ Nam Bảo Vệ Hôn Nhân Công Giáo

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
(Còn tiếp)