Vấn nạn luân lý về phái tính

Vấn nạn luân lý về phái tính

A. DẪN NHẬP

Ngày nay các linh mục đứng trước một thách đố rất lớn về luân lý, đặc biệt là luân lý về hôn nhân gia đình. Các chủ thuyết mới cổ võ người ta không tuân thủ các hướng dẫn của Giáo Hội cũng như các giới luật tự nhiên, luật Thiên định. Sở dĩ lý thuyết của họ lôi kéo được đám đông, vì về mặt nổi của tảng băng, văn hóa ngày nay tôn trọng đa nguyên, và hơn nữa chúng dựa vào một số sự kiện cụ thể, trước mắt, để kêu gọi tới sự ủy mị tình cảm - cái được gọi là nhân văn hay tiến bộ; còn về mặt chìm ẩn khuất, là vì nó thỏa mãn nhu cầu nổi loạn bên trong con người, theo sau chủ nghĩa tự do cá nhân hưởng thụ và tương đối. Các linh mục cần trung thành với Lề Luật Thiên Chúa, với Giáo Huấn Hội Thánh, và vừa đồng hành với nhân loại, một nhân loại đang bị phân hóa và lạc lối (Familiaris Consortio). Bài viết này chỉ phác họa sơ lược vấn nạn liên quan đến phái tính mà thôi.

B. VÀI SỰ KIỆN CẦN SUY NGHĨ

a. 02/04/2014 Úc công nhận giới tính giới tính thứ 3 hay giới tính không xác định. Norrie May-Welby (52 tuổi) người gốc Ái Nhĩ Lan, di dân sang Úc Châu. Khi sinh ra Norrie được khai là giới tính nam. Norrie đã trải qua một lần phẫu thuật để chuyển đổi sang giới tính nữ nhưng ca phẫu thuật thất bại. Do đó, Norrie vẫn không thể xác định mình thuộc giới tính nam hay nữ. Norrie đã vận động tranh cãi pháp lý nhiều lần cho tới khi được công nhận là không phải đàn ông cũng chẳng phải đàn bà.

b. Trước đó, Đức đã trở thành nước đầu tiên thừa nhận giới tính thứ ba. Ngày 07/05/2013. Họ thực hiện điều này vì cho rằng, việc xác định nhanh giới tính cho trẻ ngay khi làm giấy khai sinh sẽ gây ra những hệ lụy đau thương. Trong thực tế, con người sinh ra không phải ai cũng hoàn hảo về mặt tâm sinh thể lý, có những trục trặc, có những bất thường. Có những trường hợp rất khó xác định nam hay nữ vì những dị dạng của bộ phận sinh dục. Mục đích của đạo luật này nhằm giảm sức ép đối với cha mẹ. Cha mẹ khỏi bận tâm suy nghĩ phải phẫu thuật khẩn cấp cho trẻ sơ sinh mang giới tính nam hay giới tính nữ.

c. Mới đây, ngày 29/04 vừa qua, Kenya ký luật về đa thê polygamy. Vietcatholic cho biết HDGM của quốc gia có số Kitô hữu chiếm 82,5% dân số này đã phản đối kịch liệt trước đó, nhưng bất thành. Đạo luật về đa thê đã ra đời và người đàn ông có thể lấy bao nhiêu vợ tùy thích mà không cần sự đồng ý của vợ chính. Samuel Chepkong'a, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Các Vấn Đề Pháp Lý giải thích, theo luật này người chồng không cần phải phải hỏi ý kiến vợ cả xem bà ta có đồng ý hay không, thậm chí cũng chẳng cần thông báo cho bà ta về người vợ mới, mỗi khi thấy ông đi về nhà với người phụ nữ khác thì đó có thể là vợ mới rồi.

d. Báo chí tại Việt nam, trong một xã hội Đông Phương với truyền thống khá bảo thủ, vẫn đưa các tin tức về sự diễu hành của người đồng tính, với những lời lẽ cảm thông, đồng điệu. Rất dễ tìm thấy các bài về chủ đề này trên các báo chính thống của chính phủ. Quốc Hội Việt Nam cũng đã đề cập tới hôn nhân đồng tính và chuyển giới tính. Khi Mr. Đàm hôn môi nhà sư, rất nhiều diễn đàn lên tiếng ủng hộ anh. Đâu đó tại VN xuất hiện đám cưới đồng tính vv...

C. TÌM HIỂU VẤN ĐỀ

Những sự kiện- hôn nhân đồng tính, vấn đề phái tính, phá thai, đa thê- được công nhận trên bình diện luật pháp của một quốc gia và được rất nhiều các phong trào trên thế giới ủng hộ, kể cả trong xã hội nặng về Khổng – Nho giáo như Việt Nam, cho thấy não trạng con người ngày nay và tính cấp bách của vấn đề luân lý. Chúng ta không dễ dàng dựa vào Lề Luật để thuyết phục họ. Không đơn giản để cá nhân hay nhóm người nào đó thấy rằng họ đã sai về mặt luân lý, rằng lương tâm cửa họ đã lầm lạc nghiêm trọng. Họ cần thuyết phục, nhưng thuyết phục sao được? Bởi họ có rất nhiều “thế lực” chống lưng:

a. Chính phủ công nhận: Đây là luận cứ rất quan trọng và thường được nại ra, bởi nó có tính pháp lý, có chỗ dựa ở công quyền. Điều này gây khó khăn cho các trường học, nhất là trường Công Giáo. Bởi các nhà xã hội học vẫn cho rằng đồng tính không chỉ là vấn đề sinh lý, di truyền nhưng có cả tác động xã hội. Rất nhiều LGBT (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transexual / Transgender: đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính luyến ái, chuyển giới) là vì phong trào, vì kinh tế, hay vì cú shock tâm lý. Và do vậy, nó có tính lây lan. Tuy vậy, khi các bậc cha mẹ không muốn cho con cái mình vào trường học nơi cổ võ đồng tính và nhận con của người đồng tính, thì bị cáo buộc là kỳ thị, một từ ngữ mà xã hội tiến bộ rất di ứng

b. Sự xuất hiện của nhiều nhóm “tiến bộ” có tên trong danh sách LGBT. Trong đó có các chính trị gia, nghệ nhân, thương gia và nhất là giới showbiz, giới celebrities với rất nhiều fans hâm mộ. Chẳng hạn Lady Gaga, một ca sĩ và nhạc sĩ chuyên gây sốc, từ cách ăn mặc cho tới ngôn từ, nhưng luôn đứng đầu rất nhiều bảng xếp hạng: nhất về doanh thu, nhất về người hâm mộ, nhất về tiếng hát trong mọi thời đại vv... và bài hát của cô “born this way” cũng đứng nhất trong thị trường CD quốc tế. ..

c. Những diễn biến thời sự cho thấy LGBT rất gắn bó, đoàn kết. Họ luôn luôn thành lập câu lạc bộ nơi họ sinh sống? Luôn kết thành nhóm và hỗ trợ nghề nghiệp, tài chính? Luôn phản ứng mạnh với các tín hiệu thuận hay nghịch với mình. Do vậy, họ ủng hộ nhiệt tình và cũng đập phá hết mình. Họ thích tập trung tại Các Vương Cung Thánh Đường lớn, không phải để tham dự thánh lễ nhưng để quậy phá, viết bẩn nhằm tạo tiếng vang lớn. Giáng Sinh năm 2010 tại thủ đô Oslo của Nauy, nhóm Fuck for Forest đã làm tình ngay trên cung thánh khi Giám Mục và đoàn rước bắt đầu tiến vô nhà thờ chính tòa.

d. Xã hội đa nguyên: Thời đại chúng ta đang sống được mệnh danh là thời hậu hiện đại. Nét đặc trưng nhất của thời hậu hiện đại là tính “đa nguyên”. Người ta không còn có một nguyên tắc chung nhất cho bất cứ lãnh vực nào. Rõ nhất là phương diện luân lý. Trong phương diện này, người ta không còn muốn tin vào những gì Giáo Hội dạy, hay những gì truyền thống để lại nữa. Họ đặt vấn đề tại sao lại chỉ có một mô hình hôn nhân duy nhất? Nhiều định chế hôn nhân khác nhau sẽ giúp bớt đau khổ hơn không? Người Bugis của Indonesia chẳng nhìn nhận có 5 giới tính (female, male, Bissu, Calabai, Calalai) và 3 phái tính đấy sao? Và xã hội này vẫn phát triển đấy thôi. Kenya sau một thời gian đấu tranh cho nữ quyền thì đã chẳng tiến lên đa thê đấy là gì vv...

Sự thương cảm: Nếu các lý luận trên chưa thể hạ gục được đối tượng thì LGBT sẽ tung ra chiêu bài tiếp theo là kêu gọi sự thương cảm. Và chiêu này cho thấy công phu rất lợi hại. Thật vậy, những phản ứng nhiệt tình và thái quá của LGBT đôi khi gây ra tác dụng ngược, làm cho nhiều người xa tránh nó, nhưng khi chúng nài van đến sự chiếu cố thì rất dễ làm chúng ta mủi lòng. Nào là LGBT cũng là con người mà, họ sinh ra đã là như thế, họ có muốn đâu, họ cũng là người tốt, họ cũng là người giỏi giang có ích cho xã hội, tại sao lại loại trừ họ? Họ cũng như chúng ta mà tại sao họ không được quyền hôn nhân? Điều này làm cho những ai nghĩ rằng mình là người tốt phải xét lại và dễ dàng rơi vào lý luận của họ là chấp nhận các định chế khác nhau về hôn nhân. Từ đó, người ta dễ có cảm tưởng rằng Giáo Hội ghét bỏ, kỳ thị người LGBT khi không cho họ kết hôn.

(còn tiếp)

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Kỳ 2: Tiếng nói của Giáo Hội về vấn đề