Xây dựng những nhịp cầu qua phục vụ hy vọng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi triều yết chung hôm thứ Tư 3/4 để nói về chuyến tông du Marốc của Ngài mới đây. Dựa trên chủ đề của chuyến tông du “Người tôi tớ của niềm hy vọng”, ngài nói với các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô rằng “phục vụ hy vọng trong thời đại của chúng ta là xây dựng những chiếc cầu giữa các nền văn hóa”.
Buổi triều yết chung hôm thứ Tư là cơ hội để Đức Thánh Cha Phanxicô cảm tạ về chuyến tông du đến Ma-rốc vào cuối tuần trước. Đặc biệt, ngài bày tỏ lòng biết ơn sự tiếp đón nồng hậu của Quốc vương Mohammed VI. Trên hết, ngài cảm tạ Chúa vì “đã cho tôi tiến thêm một bước trên con đường đối thoại và gặp gỡ các anh chị em Hồi giáo của chúng ta, với tư cách là một “Người tôi tớ của niềm hy vọng” trong thế giới ngày nay”.
Xây dựng những chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa
Đức Thánh Cha nói thêm “Để phục vụ hy vọng trong thời đại của chúng ta là xây dựng những chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa, và đó là niềm vui và vinh dự cho tôi khi được làm điều này ở Vương quốc Marốc, gặp gỡ với cả người dân và và các vị lãnh đạo chính trị”. Ngài nhớ lại rằng cả ngài và vua Mohammed “đều nhắc lại vai trò thiết yếu của các tôn giáo trong việc bảo vệ phẩm giá con người, thúc đẩy hòa bình và công lý, và trong việc chăm sóc cho sự sáng tạo, ngôi nhà chung của chúng ta”.
Di dân
Đức Thánh Cha nói rằng một chủ đề khác có tầm quan trọng to lớn là vấn đề về di dân. Ngài lưu ý đến sự dấn thân của Giáo hội tại Marốc đối với người di dân và ngài nhận xét rằng nhiều người làm chứng đã nói rằng “đời sống của những người di dân thay đổi và trở lại thành người khi họ tìm thấy một cộng đoàn tiếp đón họ như một con người. Đây là điều cơ bản”.
Tiếp tục với chủ đề di dân, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người nhớ đến "Hiệp ước Toàn cầu về di dân an toàn, có trật tự và hợp pháp" đã được phê chuẩn ở Marrakech, Marốc, vào tháng 12 năm ngoái. Đức Thánh Cha nói rằng “chúng ta đã cống hiến sự đóng góp của mình được tóm gọn trong bốn động từ: chào đón người di dân, bảo vệ người di dân, thăng tiến người di dân và hòa nhập người di dân. Đó không phải là vấn đề đưa ra các chương trình phúc lợi, mà là cùng nhau tạo ra một đường hướng thông qua bốn hành động này, để xây dựng các thành phố và các quốc gia, trong khi bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn giáo tương ứng của họ, mở ra sự khác biệt và biết cách xem trọng họ trong dấu chỉ của tình huynh đệ”.
Tại sao có quá nhiều tôn giáo?
Trong phần phát biểu ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói rằng một số người có thể tự hỏi “tại sao tôi lại đi thăm người Hồi giáo chứ không chỉ thăm người Công giáo? Tại sao có quá nhiều tôn giáo như vậy?” Ngài trả lời những câu hỏi này bằng cách nói rằng "với người Hồi giáo, chúng ta là hậu duệ của cùng một tổ phục Áp-ra-ham”.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Thiên Chúa cho phép nhiều tôn giáo vì ý muốn cho phép Ngài; Ngài muốn cho phép thực tại này: “có rất nhiều tôn giáo, một số được sinh ra từ văn hóa, nhưng họ luôn nhìn về phía bầu trời, chiêm ngắm Thiên Chúa”.
Ngày Thế giới Thể thao vì Hòa bình và Phát triển
Khi kết thúc buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha nhắc rằng 3 tháng Tư là Ngày Thế giới Thể thao vì Hòa bình và Phát triển lần thứ VI của Liên Hiệp Quốc. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát bao trùm tất cả các dân tộc và giúp vượt qua mọi xung đột và đoàn kết mọi người”. “Thể thao cũng là một nguồn vui và cảm xúc tuyệt vời, đó là một ngôi trường nơi mà các đức tính được rèn giũa cho sự phát triển của con người và xã hội của các cá nhân và các cộng đồng. Tôi chúc anh chị mọi điều tốt đẹp nhất trong cả cuộc sống và thể thao”.
Tạ Ân Phúc