Đức Thánh Cha mời gọi xây dựng hiệp nhất Giáo Hội trong sự đa dạng

Đức Thánh Cha mời gọi xây dựng hiệp nhất Giáo Hội trong sự đa dạng

Trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu 24/10/2014 tại Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi Kitô hữu được mời gọi để làm việc cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, phải để bản thân chúng ta được soi dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra sự hiệp nhất trong đa dạng.

Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên bài đọc thứ nhất từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê, trong đó Thánh Tông Đồ - một tù nhân cho Chúa – thúc giục cộng đoàn sống một cách xứng đáng với lời mời gọi mà họ đã nhận được, cố gắng bảo vệ sự hiệp nhất về mặt tinh thần. Ngài nói rằng: "Xây dựng sự hiệp nhất Giáo Hội là công việc của Giáo Hội và của mọi Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử".

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng khi Thánh Tông Đồ Phêrô "nói về Giáo Hội, ngài nói về ngôi đền được xây bằng những viên đá sống động, đó là chúng ta". Đức Thánh Cha cảnh báo rằng đối ngược với điều này là "ngôi đền khác của sự ngạo mạn, đó là Tháp Babel". Ngôi đền thứ nhất, ngôi đền Giáo hội "mang lại sự hiệp nhất", còn ngôi đền thứ hai "là biểu tượng của sự chia rẽ, thiếu hiểu biết, sự đa dạng của ngôn ngữ".

Đức Thánh Cha nói rằng: "Xây dựng sự hiệp nhất Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội, ngôi đền này, sự hiệp nhất này của Giáo Hội: đây là công việc của mọi Kitô hữu, mỗi người trong chúng ta. Khi xây dựng một ngôi đền hay một tòa nhà, điều đầu tiên cần làm là tìm đất đai phù hợp. Sau đó, Kinh Thánh bảo rằng phải đặt viên đá tảng góc tường. Viên đá tảng góc tường của sự hiệp nhất Giáo Hội, hay đúng hơn là đá tảng góc tường của Giáo Hội, là Chúa Giêsu và đá tảng góc tường của sự hiệp nhất Giáo Hội là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: 'Lạy Cha, xin cho chúng nên một!'. Và đây là sức mạnh của Giáo Hội!".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Chúa Giêsu là "đá tảng mà trên đó chúng ta xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội", "không có đá này, tất cả các thứ khác đều không thể. Không thể có sự hiệp nhất mà không có Chúa Giêsu Kitô làm nền tảng: Ngài là sự chắc chắn của chúng ta". Sau đó, Đức Thánh Cha hỏi ai "xây dựng sự hiệp nhất này?": "Đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất có khả năng xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã gửi ngài: làm cho Giáo Hội lớn lên, làm cho Giáo Hội vững mạnh, làm cho Giáo Hội nên một". Chúa Thánh Thần xây dựng "sự hiệp nhất Giáo Hội" trong "sự đa dạng của các quốc gia, các nền văn hóa và dân tộc".

Một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra câu hỏi: Làm thế nào "xây dựng ngôi đền này?". Nói đến chủ đề này, Thánh Tông đồ Phêrô cho hay "chúng ta là những viên đá sống động trong tòa nhà này". Mặt khác, Thánh Phaolô "khuyên chúng ta đừng là những viên đá, mà là những viên gạch yếu đuối". Lời khuyên của vị Tông đồ Dân ngoại trong việc xây dựng sự hiệp nhất này là "lời khuyên yếu đuối, theo suy nghĩ của con người".

"Sự khiêm hạ, hiền lành, quảng đại: Đây là những điều yếu đuối, bởi vì người khiêm hạ dường như không có gì tốt; hiền lành, ôn hòa dường như vô dụng; quảng đại thì cởi mở với tất cả mọi người, có một con tim cao cả…" Và ngài nói thêm "Hãy khoan dung đối với tha nhân qua tình yêu. Hãy khoan dung đối với tha nhân qua tình yêu thì có gì trong tim? Giữ gìn sự hiệp nhất. Chúng ta là người yếu đuối hơn với những đức tính khiêm hạ, quảng đại, hiền lành, ôn hòa, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn như những viên đá trong ngôi đền này".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: điều này "giống như con đường của Chúa Giêsu", Đấng "trở nên yếu đuối" cho đến chết trên thập giá "và sau đó trở nên mạnh mẽ!". Chúng ta cũng vậy, làm càng nhiều: "Kiêu căng, khả năng chính mình là vô ích". Khi bạn xây dựng một tòa nhà, "kiến trúc sư đã vẽ các bản vẽ. Và bản vẽ cho sự hiệp nhất Giáo Hội là gì?".

"Niềm hy vọng mà chúng ta được mời gọi là niềm hy vọng của cuộc hành trình hướng về Chúa, niềm hy vọng sống trong một Giáo Hội sống động, trở nên những viên đá sống động, với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong kế hoạch của hy vọng chúng ta mới có thể tiến về phía trước trong sự hiệp nhất của Giáo Hội. Chúng ta đã được mời gọi hướng đến một niềm hy vọng lớn lao. Hãy đến đó! Nhưng bằng sức mạnh mà lời cầu nguyện hiệp nhất của Chúa Giêsu ban cho cho chúng ta; với sự vâng phục Chúa Thánh Thần, Đấng có khả năng làm cho những viên gạch trở nên những viên đá sống động; và với niềm hy vọng tìm kiếm Chúa, Đấng đã mời gọi chúng ta, để gặp gỡ Ngài trong sự viên mãn của thời gian".

Tạ Ân Phúc