Vượt qua nỗi sợ và đón nhận tha nhân

Vượt qua nỗi sợ và đón nhận tha nhân

Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và nhắc rằng để gặp gỡ tha nhân, trước tiên chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Chúa nhật 14/01/2018, có gì đó mang tính quốc tế hơn bình thường trong Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Đó là âm thanh từ những chất giọng trẻ trung và đa ngôn ngữ của dàn hợp xướng Hope, là những sắc màu quốc kỳ khác nhau và trang phục đa văn hóa của 49 phái đoàn các quốc gia đại diện.

Tham dự Thánh lễ còn có hơn 70 đại diện ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh Vatican và khoảng 460 linh mục từ khắp thế giới cùng đồng tế với Đức Thánh Cha.

Lời mời gọi và đón nhận

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngài muốn cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn bằng một lời mời gọi và  đón nhận. Suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan, theo đó các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về nơi Ngài sống, và Ngài đáp: "Đến mà xem".

Đức Thánh cha cho hay lời đáp này nói với chúng ta hôm nay: "Đó là lời mời gọi vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta để gặp gỡ tha nhân, chào đón, nhận biết và công nhận họ".

Bảo vệ, thăng tiến và hội nhập

Nhưng cuộc gặp gỡ đích thực không kết thúc bằng sự chào đón. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về ba hành động mà ngài nêu ra trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn: "bảo vệ, thăng tiến và hội nhập".
Trong khi những người mới đến cần phải "biết và tôn trọng luật pháp, văn hoá và truyền thống của các quốc gia tiếp nhận họ", thì cộng đồng địa phương cần phải hiểu "hy vọng và tiềm năng của những người mới đến, cũng như những lo sợ và tính dễ bị tổn thương của họ".


Sợ chạm trán

Đức Thánh Cha cho hay không dễ dàng để bước vào một nền văn hoá khác, để hiểu những suy nghĩ và kinh nghiệm của những người khác biệt so với mình. "Các cộng đồng địa phương đôi khi sợ rằng những người mới đến sẽ làm rối loạn trật tự... và những người mới đến sợ hãi sự đối đầu, phán đoán, kỳ thị và thất bại".

Sợ hãi không phải là tội lỗi

Đức Phanxicô khẳng định: "Nghi ngờ và sợ hãi không phải là tội lỗi. Tội lỗi là để cho những nỗi sợ này quyết định phản ứng của chúng ta, để hạn chế lựa chọn của chúng ta, làm tổn thương sự tôn trọng và lòng quảng đại, để nuôi sống sự thù hận và khước từ". Tội lỗi "là từ chối gặp gỡ người khác". Bởi vì mỗi lần gặp gỡ là "một cơ hội đặc ân để gặp gỡ Chúa".

Đức Thánh Cha Phanxi cô kết luận bằng cách bày tỏ hy vọng rằng "tất cả chúng ta đều có thể học cách yêu thương tha nhân, người xa lạ, như chính mình".

Tạ Ân Phúc