Vinh danh và tin tưởng vào Cha giữa những thử thách
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 17/4/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha, chú trọng đến các lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong ánh sáng của Tuần Thánh, khi người Công giáo trên khắp thế giới tưởng niệm mầu nhiệm trọng thể về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã chọn ra ba lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong cuộc khổ nạn của Ngài.
Vinh quang vị tha
Lời khẩn cầu đầu tiên từ Bữa Tiệc Ly, khi Chúa, "ngước mắt lên trời và cầu nguyện: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha’ - và rồi - 'xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian'' (Ga 17.1-5).
Đức Thánh Cha đã chỉ ra nghịch lý trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cầu xin vinh quang khi cuộc khổ nạn của ngày ngay trước mắt. Ngài giải thích rằng vinh quang trong Kinh thánh này là sự mặc khải của Thiên Chúa, biểu thị đặc biệt và dứt khoát về sự hiện diện và ơn cứu độ của Ngài giữa loài người. Và Chúa Giêsu chính là sự thể hiện này, mà Ngài thực hiện trong sự Phục sinh, được vinh danh khi Ngài bị giương lên cao trên thánh giá.
Do đó, Thiên Chúa mạc khải vinh quang của Ngài, gỡ bỏ tấm màn cuối cùng và làm chúng ta ngạc nhiên hơn bao giờ hết. Chúng ta khám phá ra rằng vinh quang của Thiên Chúa là tất cả tình yêu: tình yêu tinh tuyền, không bị ràng buộc và không thể tưởng tượng, vượt quá mọi giới hạn và mọi thước đo.
Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện như Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha để chúng ta có thể chấp nhận rằng “Thiên Chúa là tình yêu”. Biết bao lần chúng ta tưởng tượng Thiên Chúa là chủ chứ không phải là Cha, một vị thẩm phán nghiêm khắc chứ không phải là Đấng Cứu Độ nhân từ hay thương xót.
Đức Thánh Cha nói rằng trong lễ Phục sinh, Thiên Chúa khép lại mọi khoảng cách, tỏ lộ chính Ngài trong sự khiêm nhường của một tình yêu cầu xin tình yêu của chúng ta. Và khi chúng ta sống mọi điều bằng tình yêu và từ con tim, chúng ta làm cho Ngài vinh quang, bởi vì “vinh quang thật sự là vinh quang của tình yêu”. Chỉ có tình yêu mang lại sự sống cho thế gian.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng vinh quang này đối nghịch với vinh quang thế gian, trong đó người ta được ngưỡng mộ, ca ngợi, tung hô và trở thành trung tâm của sự chú ý. Nghịch lý thay, vinh quang của Thiên Chúa không có tiếng vỗ tay hoan hô, không có khán giả. Trong lễ Phục sinh, chúng ta thấy Chúa Cha vinh danh Chúa Con và Chúa Con vinh danh Chúa Cha - không ai tự vinh dnh chính mình. Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô hữu tự vấn xem họ sống cho vinh quang Thiên Chúa hay vinh quang của họ; dù họ muốn nhận lãnh hay trao ban.
Kêu lên “Abba” giữa những thử thách
Đức Thánh Cha nói về lời cầu nguyện thứ hai, lời cầu của Chúa Giêsu trong Vườn Gethsemani sau Bữa Tiệc Ly. Trong khi các môn đệ của Ngài đang ngủ say và Giuđa đang tiến đến với quân lính, Chúa Giêsu cảm thấy "nỗi sợ hãi và thống khổ” của sự phản bội, khinh khi, đau khổ và thất bại đang chờ Ngài. Trong vực thẳm của nỗi buồn và sự cô đơn, Ngài kêu lên Cha bằng lời dịu dàng và ngọt ngào nhất: 'Abba', nghĩa là Cha ơi.
Trong những thử thách của Ngài, Chúa Giêsu dạy chúng ta ôm lấy Chúa Cha trong lời cầu nguyện để tìm thấy sức mạnh vượt qua đau khổ. Đức Thánh Cha nói rằng giữa những thử thách, lời cầu nguyện mang lại sự nhẹ nhõm, tin tưởng và an ủi. Trong khi bị từ bỏ và hoang vắng nội tâm của mình, Chúa Giêsu không đơn độc, Ngài ở cùng Cha.
Mặt khác, trong khi ở trong “vườn Gethsemane của mình”, chúng ta thường chọn ở một mình thay vì kêu lên với "Cha" và phó thác bản thân mình cho Ngài, như Chúa Giêsu. Bằng cách đóng kín lòng mình, chúng ta đào một đường hầm bên trong, một con đường hướng nội đau đớn chỉ đi sâu hơn và sâu hơn vào trong chính chúng ta.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải là nỗi đau đớn, mà là làm thế nào để đối phó với điều đó. Ngài nói rằng đó chính là lời cầu nguyện và không cô đơn đem lại một lối thoát bởi vì cầu nguyện là tương quan và tin tưởng. Chúa Giêsu phó thác mọi việc cho Chúa Cha, mang lại cho Ngài những cảm nghĩ và trông cậy vào Cha hoàn toàn trong cuộc đấu tranh của Ngài. Nhắc rằng mỗi chúng ta đều có Gethsemani của riêng mình, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy cầu nguyện với Chúa Cha.
Tha thứ
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chú ý đến lời cầu nguyện thứ ba của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Vào thời điểm bị đóng đinh, Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ xấu xa với Ngài và những kẻ giết Ngài. Đó là thời điểm đau đớn nhất, khi cổ tay và bàn chân của Ngài bị đóng đinh và khi nỗi đau lên đến tột cùng thì tình yêu lên đến đỉnh điểm. Tha thứ, món quà của sức mạnh to lớn, phá vỡ vòng vây của sự ác.
Để kết luận, Đức Thánh Cha cổ vũ các Kitô hữu cầu nguyện cho ân sủng sống những ngày đời mình bằng tình yêu để vinh danh Thiên Chúa; để biết cách phó thác bản thân cho Cha giữa những thử thách và kêu với Chúa “Cha ơi”, và trong cuộc gặp gỡ Ngài tìm thấy ơn tha thứ và lòng can đảm để tha thứ. Chúa Cha tha thứ cho chúng ta và Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để có thể tha thứ.
Tạ Ân Phúc