Việt Nam: việc phá thai là hệ lụy của tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’
Anh Hoàng Văn Thái rất mong chờ “tin vui” vì vợ anh đang mang thai một đứa con trai. Hồi năm ngoái, anh ta đã bắt vợ mình đến bệnh viện phá thai (đã được 5 tháng) sau khi siêu âm cho thấy cô có mang đứa con gái thứ ba.
Thái cứ cố gắng để có cho bằng được một đứa con trai nhằm ‘duy trì nòi giống’ cho gia đình. Anh ta đã có hai cô con gái 7 tuổi và 8 tuổi, hiện cả gia đình sinh sống ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người đàn ông 38 tuổi này làm nghề lái xe ôm trong khi vợ anh bán rau ở ngoài chợ. Thái cho biết bố mẹ anh có bốn người con trai và một người con gái. Anh trai cả của Thái hiện rất hạnh phúc vì đã có hai đứa con trai và một đứa con gái. Những người anh em khác, giống như Thái, đều chỉ có con gái.
Áp lực đối với các gia đình phải có ít nhất một đứa con trai là chuyện thường xảy ra ở Việt Nam.
Chẳng hạn như Chị Anna Nguyễn Thị Ngọc ở Sài Gòn, cho biết cha mẹ chồng của chị là người ngoài Công Giáo, họ từng bắt chồng chị phải ly dị vì chị không có thai sau ba năm đã kết hôn.
Ngọc cho biết, phía cha mẹ chồng nói với chị là họ cảm thấy có tội khi không có cháu trai để ‘nối dõi tông đường’ vì chồng chị là con trai trưởng.
Ngọc kể: “Cha mẹ ruột của em đã cứu cuộc hôn nhân của chúng em bằng cách chạy vạy, vay tiền người khác để em có thể thụ tinh trong ống nghiệm”.
Người phụ nữ 35 tuổi này cho biết cha mẹ chồng đã thay đổi thái độ đối với chị sau khi chị may mắn sinh được một bé trai vào năm 2017. Bây giờ ông bà dành phần lớn thời gian để chăm nom cho đứa cháu đích tôn.
Ngọc vốn chỉ là một thợ làm tóc, chị và chồng phải làm việc cật lực để trả khoản nợ 200 triệu đồng chi phí thụ tinh ống nghiệm và sinh nở nhằm bảo vệ cuộc hôn nhân của họ khỏi đổ vỡ tan tành.
Việt Nam vẫn còn tồn tại tư tưởng gia trưởng của Nho giáo. Con trai, nhất là trưởng nam, được coi là người ra quyết định tối cao trong gia đình, họ có quyền thừa kế và lãnh trách nhiệm chung trong việc thờ cúng tổ tiên cũng như sự tồn vong của cả gia tộc.
Theo các chuyên gia dân số, những quan niệm sai lầm về giới tính như thế này là một nguyên nhân chính gây ra sự mất cân bằng giữa số lượng trẻ nam và nữ được sinh ra ở Việt Nam.
Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh năm 2018 là 115,1 bé trai trên 100 bé gái - tăng 3% so với năm 2017. Đáng chú ý, ở một số tỉnh, tỷ lệ này là 120 bé trai trên 100 bé gái.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sự mất cân bằng giới tính sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số ở Việt Nam, khiến cho đến năm 2050, ước tính sẽ có 2,3 đến 4,3 triệu nam giới nước này không thể tìm được cô dâu.
Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Maria Nguyễn Thị Nhung hiện là thành viên của một nhóm phò sự sống ở Tổng giáo phận Huế cho biết nhiều vụ phá thai là hệ quả của việc lựa chọn giới tính.
Hằng tuần, các thành viên trong nhóm đã thu thập trung bình khoảng 5 thai nhi bị phá tại các bệnh viện. Sau đó, các chị em đã đem các sinh linh bé bỏng này chôn cất tại một nghĩa trang thai nhi của Giáo hội Công giáo. Hiện nơi đó có hơn 45.000 phần mộ thai nhi bị phá.
Việt Nam ghi nhận có từ 250.000 đến 300.000 ca phá thai mỗi năm, theo số liệu chính thức.
Bà Lucia Đoàn Thị Mai hàng năm vẫn đến viếng, cắm hoa và thắp nhang trước ngôi mộ đứa con gái chưa được sinh của bà tại một nghĩa trang ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Mai đã phá bỏ đứa con gái (ở 5 tháng thai kỳ) vào năm 1982 theo yêu cầu của chồng.
Bà Mai hiện đã 69 tuổi, có bốn người con gái. Chồng bà là con trai duy nhất trong gia đình, vì vậy ông muốn có một đứa con trai để duy trì huyết thống.
Đứa con trai duy nhất của ông bà sinh năm 1985, nhưng được chồng bà nuông chiều và bảo vệ quá mức. Còn những người chị gái của anh ta đã phải nghỉ học khi vừa xong cấp tiểu học rồi đi lao động phụ giúp gia đình.
Bà Mai cho biết đứa con trai nghịch tử của vợ chồng bà cũng bỏ học sớm, chuyển vào Sài Gòn ở, rồi lao vào nghiện ngập và trộm cắp.
“Chúng tôi đã đưa nó vào trung tâm cai nghiện hai lần nhưng nó vẫn trốn khỏi trung tâm và tiếp tục nghiện ngập, sau đó nhiễm HIV/AIDS”, bà Mai chua xót kể lại.
“Tôi rất thất vọng với đứa con trai hư đốn này”, bà tủi thân và thừa nhận rằng mình đã sai lầm khi làm hư hỏng nó.
Còn ông Antôn Đặng Xuân Tiệp ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thì cho biết đứa con trai duy nhất của ông vì được nuông chiều quá thì trở nên lười biếng. Anh ta bị bắt vì phạm tội ma túy vào năm 2010 và hiện đang thụ án tù.
Bây giờ, vợ chồng ông Tiệp đều trông cậy vào hai cô con gái phụng dưỡng, sau khi gia đình ông phải bán hết đất đai, ruộng vườn để giúp cho đứa con trai bị tù tội.
Vợ ông Tiệp cũng một lần phá thai đứa con gái trước khi họ có đứa con trai hư hỏng này.
Ông Tiệp cho biết vợ ông giờ đây vô cùng đau khổ trước hành vi của đứa con trai và bà đã vào chùa đi tu. (Khánh Vinh, UBMVGĐ/UCANews, 08.07.2019)