Tình Yêu & Hôn Nhân - Chương Ba: CÁC CHIỀU KÍCH CỦA TÌNH YÊU

Tình Yêu & Hôn Nhân - Chương Ba: CÁC CHIỀU KÍCH CỦA TÌNH YÊU

Tình Yêu & Hôn Nhân


EQUIPES NOTRE-DAME - ITALIA

Chuyển ngữ: Lm. Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Trích từ sách: TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/ HĐGMVN

Chương Ba: CÁC CHIỀU KÍCH CỦA TÌNH YÊU
1. Lễ hội tình yêu 
2. Tình yêu, mọi thứ tình yêu đều đến từ Thiên Chúa 
3. Những tên gọi của tình yêu 
4. “Trái tim anh em đã chiếm mất rồi”
5. Từ phải lòng đến yêu thương
PHỤ LỤC: THÔNG GIAO - ĐỐI THOẠI

 

1. Lễ hội tình yêu
Điều duy nhất cần thiết, để sống và không có nó cuộc sống sẽ vô nghĩa, đó là tình yêu. Đó là một tình yêu cụ thể mà ta đã và đang trải nghiệm như là: tình anh em, tình bè bạn, tình yêu đôi bạn nam-nữ, tình cha mẹ-con cái, hay tình yêu của kẻ độc thân vì Nước Trời… Đối với mỗi người, yêu và được yêu là điều thiết yếu sống còn. 
Chúng ta chỉ nói cách đặc biệt ở đây về tình yêu nam nữ, một thực tế liên hệ tới hết mọi người không trừ ai.
Âm thầm chiêm ngưỡng một đôi bạn trẻ đang yêu nhau hạnh phúc, hoặc một đôi bạn cao niên đang sống một mối nghĩa tình đằm thắm, bền vững, không ai là không bị lôi cuốn bởi nét rạng rỡ, bởi vẻ đẹp và thơ mộng, bởi sự an bình và đắm đuối tỏa ra từ con người họ. Ngạc nhiên trước một sức mạnh diệu kỳ nào lại có thể chuyển hóa con người đến thế. Sự thể đó khiến ta không thể không reo mừng: ôi, tình yêu một quà tặng miễn phí; là một phép mầu; là một dấu lạ và là một mảnh sáng của vĩnh cửu diệu vợi.
Thật ý nghĩa và đáng cho ta suy nghĩ sự kịên tình yêu nam-nữ của nhân loại lại được tán dương trong cả một quyển sách trong Thánh kinh: Diễm tình ca, là bài ca của các bài ca.
Bản tình ca ấy tiếp tục được cất lên bởi những đôi nam nữ yêu nhau ở mọi thời mọi nơi. Tất cả những bản tình ca ấy đều toát ra một đường nét chung: vẻ đẹp lộng lẫy, niềm hân hoan như ngày lễ hội, nỗi lòng say đắm, mà ngược lại, cũng có lúc tăm tối của xa vắng vời vợi, bối rối, run rẩy, sợ lo. Khúc du ca ấy cũng thường mượn cảnh nói tình: rung cảm bởi vẻ đẹp xác thân, và sức mê hoặc của thiên nhiên như mùa xuân vĩnh cửu.
“Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi. Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song. Người yêu của tôi lên tiếng bảo: “Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi. Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.” Hãy bắt giúp chúng tôi lũ chồn, lũ chồn con phá phách vườn nho, ngay giữa mùa hoa nở. Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng. Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ. Trước khi ngày tàn và khí trời mát dịu, và trước khi bóng chiều buông xuống, hãy quay về, hỡi người yêu của em, hãy làm linh dương, làm nai nhỏ trên dãy núi Bethe!” (Dc 2,8-17).
Như lễ hội tình yêu: kinh nghiệm yêu đương vang vọng lại trong bài diễm tình ca được mô tả qua vẻ ngẩn ngơ, say đắm, sinh lực và vị ngọt ngào của cuộc sống, nhiệt huyết, sắc đẹp và thơ ca, cũng như ý thức về điều “bất thành ngôn” (nói không thành lời). Không phải nhờ ngôn từ người ta có thể biết tình yêu, nhưng cách duy nhất để biết tình yêu là sống tình yêu, sống tình yêu cách mãnh liệt như là kinh nghiệm sống quan trọng nhất.


2. Tình yêu, mọi thứ tình yêu đều đến từ Thiên Chúa
Từ cảm nhận sự kỳ diệu của tình yêu, đôi bạn hé thấy sự mầu nhiệm khôn dò của nó, ý thức của họ được gợi mở ra trước Vô biên. Hóa ra tình yêu con người được nhận dạng như là một mảnh một phần của Vô biên: Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, là Đấng Vô biên.
Trong chính kinh nghiệm tình yêu bất toàn của mình mỗi người đều có thể linh cảm về một nguồn tình yêu toàn hảo bất tận. Tình yêu của Thiên Chúa Tạo Dựng vì yêu, của Thiên Chúa Nhập Thể vì yêu, của Thiên Chúa chết và sống lại vì yêu, tình yêu đó được bộc lộ ra trong những thời điểm của ân sủng. Trong cái thảng thốt bởi tiếng sét của tình đầu, trong niềm hoan lạc và hân hoan của kết hợp vợ chồng, trong kinh ngạc sững sờ vì mình được dự phần vào sáng tạo khi một đứa con ra đời, nếu ta nhìn ngắm con người thật sâu thật xa bằng ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa, ta sẽ có cơ may được mon men chạm tới bởi huyền nhiệm TÌNH YÊU siêu việt. Thế nên khi ta yêu ta bước vào một mầu nhiệm lớn lao, ấy là mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa. Yêu, có thể nói, là bước vào mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Thiên Chúa chỉ bộc lộ mình cách tiệm tiến như là tình yêu, như là nguồn tình yêu. Dân Do thái xưa được biết Ngài như là hesed, nghĩa là, như Lòng thương xót, sự trung thành, nhân hậu, ân cần. Đến thời của tiên tri Hôsê, thế kỷ thứ tám trước CN, bằng chính kinh nghiệm cá nhân, ông diễn tả mối tương quan của Thiên Chúa với Israel như quan hệ tình yêu Phu phụ (Hs 2,1-25). Các tiên tri khác cũng nói đến cùng một đề tài đó và làm cho thêm phong phú, nhất là Giêrêmia (Gr 31,31-34) và Êdêkien (Ed 16,1-63).
Chính trong Tân ước tình yêu Thiên Chúa mới được tỏ cho ta cách trực tiếp trong con người Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử loài người, qua đời sống, qua lời giảng dạy, và qua kinh nghiệm của những tín hữu đầu tiên về Người.
“Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em… không ai có một tình yêu lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,9-13).
“Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-26).
“Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,7-19).
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,31-39).
“Tình yêu của Đức Kitô vì Hội Thánh thật là một mầu nhiệm cao cả” (Ep 5,25-32).
Vì thế, Thiên Chúa, nguồn suối đệ nhất của Tình yêu, vì yêu mà đã kêu gọi con người vào đời và cũng mời gọi con người hãy yêu thương như Ngài. Một cách mầu nhiệm Ngài đã khắc ghi trong con người nam cũng như nữ, trong sự phối hợp không thể phân ly thân xác và tình cảm, lý lẽ và ước muốn, ơn gọi, khả năng, trách nhiệm yêu thương và hiệp nhất.


3. Những tên gọi của tình yêu
Thế thì tình yêu là gì? Tình yêu Thiên Chúa, được mạc khải cho chúng ta qua Người Con, nguồn của mọi tình yêu khác, là gì vậy? Tình yêu cao vời của đôi bạn tình rực rỡ trong sách Diễm ca, là gì? Tình yêu của bao nhiêu đôi bạn đang sống, với bao nhiêu sắc màu khác nhau, dọc dài cung bậc đời sống, là gì thế?
Đó là một thực tại phức tạp và mầu nhiệm, và chỉ có thể soi sáng nếu đặt mình trên những bình diện khác nhau và trên những viễn tượng khác nhau. Khởi đầu bằng cách làm sáng tỏ vài tên gọi hay chiều kích của tình yêu. Người ta nói đến Eros (đam mê); Filìa (tình bạn); Agàpe (bác ái). Đó là những từ ngữ có một lịch sử rõ ràng và bắt nguồn từ nền văn hóa hy lạp nơi mà Kitô giáo khởi sự lan tỏa ra, và do đó không thể tránh khỏi chịu ảnh hưởng một cách nào đó bởi nền văn hóa đó.
Eros
Được các học giả thế kỷ này dùng để chỉ dục tình (sexual love), vốn được diễn tả nơi thân xác. Đó là kiểu tình yêu đặc thù của đôi bạn nam nữ, so với các hình thái tình yêu khác.
Chiều kích này là của riêng con người và cho con người, nam cũng như nữ, mỗi cá nhân tự mình không đầy đủ được, khát khao được thể hiện mình đầy đủ nơi người kia, bởi thế mới cần đi vào tương quan với người kia. Đây là kinh nghiệm riêng của con người (không phải của Thiên Chúa), nhưng là ân ban của Thiên Chúa, một ân ban kỳ diệu và tuyệt vời.
Đó là tình yêu đam mê, khát khao; là sức mạnh tiềm ẩn và năng lực sáng tạo. Là sức thúc đẩy mãnh liệt hướng tới người yêu để chia sẻ thú vui tình dục và để thỏa mãn đòi hỏi được kết hợp và viên mãn.
Eros khát khao và mong đợi được đáp trả: nó không phải là tình yêu vô vị lợi, mà đòi hỏi đáp trả cùng một mức độ. Tuy nhiên, nếu nó không được liên kết mật thiết với một tình cảm dịu dàng ân cần bộc lộ nơi thân xác như đôi bạn trong Diễm tình ca, thì nhu cầu về tha nhân sẽ trở thành một khát khao chiếm hữu, biến thành tính hung hăng dễ bị thúc động bởi xung năng của mình nhằm chỉ để thỏa mãn. Tha nhân bấy giờ chỉ còn là một thứ khí cụ để thỏa mãn, một thứ đồ vật của ham muốn bản thân. Do đó eros hàm chứa, ít nhiều có ý thức, những năng lực ngầm tiêu cực. Tóm lại, là vẻ đẹp nhưng cũng mập mờ, là tính chất của eros.
Filìa
Là tình bạn. Đây không phải là chiều kích riêng của tình yêu nam nữ. Thế nhưng làm sao có thể có được một tình yêu hôn nhân thực sự mà thiếu đi chiều kích tình bạn này?
Đó là một hình thái tình yêu mang lại sự phấn khởi, động viên, trong đó thường có một sự đồng cảm nào đó với người bạn nói chung, với sự ân cần, tươi cười, và có thể cả một chút nét hài hước.
Tình bạn đích thực thì không vụ lợi, không bị ràng buộc bởi tính sở hữu. Trong tình bạn có sự tin cậy. Nó còn bộc lộ qua tính hiếu khách, năng gặp gỡ nhau, biết lắng nghe và tôn trọng người bạn như thực tế của người ấy. Thế nhưng biểu hiện thực sự của tình bạn là ở nơi sự tham dự, chia sẻ, đoàn kết. Tình bạn sẽ rất đẹp khi nó được nuôi dưỡng bằng sự thật, cái đẹp, và sự công chính mà cả hai cùng tìm kiếm.
Thế nhưng, cả tình bạn, như mọi thứ tương quan khác, cũng có thể, trong những quan hệ cụ thể, có những mặt tối và mập mờ: lợi dụng, biến thành phương tiện, ghen tương, ghen tị.
Agàpe
Là bác ái. Ngay cả chiều kích này cũng không là của riêng đôi bạn. Đó là Tình Yêu Thiên Chúa, được mạc khải bởi Chúa Con nhập thể và tất cả chúng ta được mời gọi một cách nào đó trao ban mình cho nhau.
Đây là tặng phẩm chính trọn bản thân mình, tuyệt đối và toàn vẹn; được trao ban như hiến vật không để được đền đáp, không đòi điều kiện nào cả.
Là tình yêu tuôn trào ra từ một mạch nguồn nội tâm vô tận; được dưỡng nuôi, cho dù có thể không ý thức, bằng Tình Yêu Thiên Chúa. Do đó nó là ân ban từ trên cao. Tình yêu tăng trưởng và biểu lộ ra đang khi dần dần ý thức và chấp nhận tính tương đối của các hình thái tình yêu khác. Nó nâng đỡ và bổ túc các tình yêu khác, nhưng không thế chỗ của chúng. Chúng tôi muốn gợi lên ở đây hai bài đọc mà cũng là lời cầu nguyện: bài thánh thi của thánh Phaolô ca tụng đức ái, trong 1Cr 13,1-13, và thánh thi Thánh Thần - Tình Yêu, trong cử hành phụng vụ lễ Hiện Xuống.
Trong tình yêu đôi lứa cả ba yếu tố chính yếu này, eros - filìa - agàpe, đều có mặt và đan dệt vào nhau, và độ nhấn của từng yếu tố thay đổi tuỳ theo thời điểm. Trong quan hệ cụ thể của tình yêu, không dễ dàng nhận ra chúng cách rõ ràng vì tình yêu vốn rất phức tạp và phong phú hơn nhiều cái sơ đồ đơn giản này.
Con đường hướng tới sự hài hòa, sung mãn của tình yêu lứa đôi sẽ là sự hòa hợp các thành tố khác nhau ấy, qua sự cùng nhau tìm kiếm và cùng chung trách nhiệm.


4. “Trái tim anh em đã chiếm mất rồi”
Kinh nghiệm yêu đương khởi đầu từ tiếng sét ái tình hay là sự phải lòng. Nhưng không dừng lại ở đấy. Kinh nghiệm và suy nghĩ chung cho thấy rằng tình yêu còn phải tiếp tục bước đi trên con đường dài hướng tới hiệp thông trọn vẹn.
Sự phải lòng và tình yêu cả hai đều là kinh nghiệm nền tảng trên hành trình của đôi bạn, nhưng chúng khác nhau:
-     Sự phải lòng là một “chuyện” xảy ra, là một quà tặng miễn phí, cốt yếu của nó là một sức thôi thúc hay xung năng bên trong, buông thả, như mất trí, bị cuốn hút cả con người;
-     Trong khi đó tình yêu lại là một ý hướng, một lựa chọn có ý thức, một quyết định sống, là dự phóng và có trách nhiệm.
Tuy nhiên cũng không thể giấu giếm là có thể có những cặp vợ chồng, bởi muôn ngàn lý do chính đáng, không trải nghiệm thời kỳ “phải lòng” nhau; hoặc cũng có khi họ không thể khắc phục được những tính nết vị thành niên. Những trường hợp như thế để bước tới yêu thương thực sự con đường còn phức tạp hơn.
Mỗi chuyện tình đều bắt đầu từ một người nam và một người nữ; hai người hai mầu nhiệm. Kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu của họ, thường họ đã phải lòng nhau, là đặc biệt hấp dẫn, tuyệt diệu, gợi tình và có sự thu hút tình dục.
Quay lại với đoạn St 2,23, tả về niềm hân hoan bùng vỡ và sững sờ của Ađam và cả của Evà (cho dù ở đây không nói tới điều ấy), đứng trước mặt nhau, đối diện với vẻ đẹp thân xác của nhau. Cũng như đọc vài đoạn trong Diễm ca (4,1-12 và 5,9-17) diễn tả niềm ngây ngất và say đắm của đôi bạn tình.
“Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới,
trái tim anh, em đã chiếm mất rồi!
Mắt em chỉ một liếc nhìn thôi,
đã đủ chiếm trọn vẹn trái tim anh.”
“Người yêu của tôi: khuôn mặt tươi sáng, 
nước da hồng hào,
nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng…
cả con người những dạt dào yêu thương.”
Chúng có thể cho ta vài nhận định sau đây.
- Sự phải lòng nhau là một kinh nghiệm rõ ràng và thấy được, không dễ dàng nhốt kín trong thâm tâm. Ai cũng có thể nhận ra ngay sự hiện diện của hai kẻ đang yêu nhau và sự thay đổi của từng người trong họ. Họ chỉ bận tâm đến đối tượng của mình, cả hai đều bị túm chặt bởi cái khát khao hoan lạc và tạo ban hoan lạc. Điều thường nhật lại trở thành ngoại thường. Đời sống riêng tư trở nên sôi nổi hơn và có sự biến chuyển về phẩm chất: toàn thể đời sống thể chất, cảm giác, cảm xúc lan tỏa ra, và nhận thức phong phú hơn; đời sống trí thức được tăng cường bởi trí tưởng tượng và đam mê do đó mà cũng sống động hơn; sức mạnh của lòng nhiệt thành đẩy cái đà sống và sự sáng tạo đi tới, thúc đẩy tìm kiếm những con đường mới.
Trong giai đoạn này họ có cảm nghiệm mình được người kia quí yêu trong nét riêng và độc đáo của mình; cùng quí trọng chính con người của nhau. Thế nhưng, đồng thời, trong khi muốn xóa bỏ mọi dị biệt họ cũng sống, đúng hơn, họ tìm cách để sống sự tan hòa trong nhau, với tất cả sự hàm hồ mà kinh nghiệm ấy bao gồm. Điều ấy sẽ được nói đến kỹ hơn ở các chương XI và XII.
- Sự phải lòng nhau là yếu tố cấu thành đôi bạn. Đôi bạn yêu nhau kinh nghiệm sự phải lòng nhau và người khác thấy được điều đó, cảm thấy mình đứng trước một thực tế mới: đó là sự thân mật, cõi riêng của hai người mà không ai khác có thể đặt chân tới được.
Đôi bạn làm nên bạn tình trên cơ sở lực hấp dẫn nhiệm mầu, là điều sẽ cụ thể hóa mệnh lệnh kết hôn ngoại tộc “lìa bỏ cha mẹ” (St 2,24) để tạo nên một đơn vị, chủ thể gia đình mới. Trong cái yếu tố quyết định dứt khoát và không thể kìm hãm được này thế thăng bằng của những quan hệ trước đó bị gãy đổ: kiên quyết chia ly với những người thân mình đã từng kết hợp để đi đến kết hợp với người mình vốn xưa nay xa lạ không quen biết. Thế, dan díu với một tình yêu mãnh liệt và mê đắm thì phải dứt khoát với quá khứ. Đúng hơn, để đôi bạn tình có một tương lai nỗi đoạn giao này cần phải dứt khoát và sâu xa.
“Xem ra vì chúng tôi đã sống và đang sống với nhau một cách hết sức đậm sâu như thế và đời sống ấy gắn liền với lực hấp dẫn nhau và toàn thể tính dục, đã phát sinh nơi chúng tôi một thứ đồng phận (complicità) trước cuộc đời. Bởi lẽ đó là một thực tại của riêng chúng tôi, chỉ chúng tôi mới biết, chỉ chúng tôi mới sống.”
“Trong thời kỳ phải lòng nhau chúng tôi cùng đảm nhận một thực tại mới. Tôi nhớ lại rằng thực tại “chúng tôi” tạo ra ngay cho cha mẹ một tác động nào đó, ngay từ buổi đầu chúng tôi đã tự trình diện như là một “chúng tôi” chứ không như là một đứa con gái cùng với chồng mình hay như đứa con trai với vợ mình. Chúng tôi đã cảm nhận thực sự mình lìa bỏ cha mẹ và cả hai nên một xác thịt, theo nghĩa tình yêu vợ chồng như là một cái gì hoàn toàn mới mẻ và khác lạ.”
Sự phải lòng trong kinh nghiệm của các đôi bạn
Nhiều cặp vợ chồng đã sống cách đơn giản và ồ ạt thời gian say đắm và thơ mộng của thuở ban đầu, thời gian của ngỡ ngàng và trong thinh lặng say mê, thời gian của ái tình tươi mới như mùa xuân, thời gian của tình yêu đối thoại đặc biệt qua thân xác. Người ta cũng có thể cảm nhận đây đó một dự báo về những mặt hạn chế, về sự tương đối của kinh nghiệm ban đầu này.
Nguồn gốc của kinh nghiệm này: do sự thiếu vắng và nỗi cô đơn. “Yêu đối với chúng tôi như là một cái gì đó thành hiện thực mà chúng tôi hằng khao khát và những tưởng rằng sẽ không thể có được: tìm được một người lấp đầy nỗi cô đơn của mình, khoảng trống vắng của mình. Thật là kỳ lạ khi cảm nhận người ấy chứ không phải ai khác có thể đến với bạn, và bạn yêu người ấy và được người ấy yêu ở những mặt vẫn còn mầu nhiệm và chưa biết.”
Nguồn gốc của kinh nghiệm này: do hấp lực mạnh mẽ của tính dục và khát khao tương giao với người khác. “Chúng tôi đã yêu nhau từ khi còn rất trẻ và đã sống những thời gian đầu rất sôi nổi, ai cũng bị thúc đẩy bới ước muốn biết lẫn nhau”. “Chúng tôi khác nhau lắm trước đây cũng như bây giờ. Điều gì đã lôi cuốn chúng tôi lại với nhau nhiều đến mức như thế quả thật đó chính là phép mầu của sự gặp gỡ, của ái tình”. “Chúng tôi đã rất thích nhau và bây giờ vẫn còn phải nói rằng sự hấp dẫn thân xác vẫn chưa vơi cạn; chúng tôi thích nhìn ngắm nhau, âu yếm ve vuốt nhau, vẫn còn biết qua thân xác của nhau, vẫn tiếp tục tương giao và cảm nhận nhau qua chúng.”
Nguồn gốc của kinh nghiệm này: do những thôi thúc vô thức. Các đôi bạn không nói ra điều đó một cách minh nhiên; nhưng những yếu tố tâm lý không thể loại trừ, không hề phụ thuộc, lập lờ trong các diễn tả của họ; chúng tôi đã yêu ai? Phải chăng yêu những mẫu hình đã có trong đầu óc chúng tôi? Phải chăng tôi yêu chính tôi là kẻ đi tìm mình trước hết trong dung mạo của người kia? Phải chăng chúng tôi yêu cha yêu mẹ mà chúng tôi hằng khát vọng? v.v… Những yếu tố ấy của lúc ban đầu, một khi tiến bước trong quan hệ đôi bạn, sẽ trở nên rõ ràng hơn dễ nhận ra hơn và khắc phục.
Niềm vui và lạc thú mạnh mẽ, sôi nổi, được khơi dậy hết sức sinh động: “Chúng tôi vẫn còn bị choáng bởi tiếng sét ái tình”. “Bởi vẻ đẹp của tính bộc phát, của sự phó thác; của nỗi hân hoan, của sức sống căng tràn, của hương vị mới của cuộc sống”. “Kỷ niệm đẹp nhất của lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là sự bất ngờ của tình yêu chúng tôi, sự ngỡ ngàng sửng sốt của khám phá, của niềm vui, của vẻ đẹp, của tin cậy lẫn nhau”. “Thời gian phải lòng của chúng tôi ngắn ngủi, nhưng mãnh liệt và đầy những kinh ngạc”.
Tính chất là tặng phẩm miễn phí, là thời gian của ân sủng của thời kỳ phải lòng: “Chúng tôi đã sống tình yêu như là ân ban chiếu tỏa người bạn mình… tình yêu say đắm cho chúng tôi nhìn nhau với ánh mắt mới, trong một viễn tượng hay một góc nhìn hết sức đặc biệt, duy nhất và khác với cái nhìn của mọi người”. “Đối với chúng tôi đó là thời kỳ của ân sủng và rạng rỡ”.
Tiếc nuối vì đã không sống cái kinh nghiệm xây dựng tình yêu này. Người ta đọc thấy điều ấy nơi một ít đôi bạn: “Quả thật cặp chúng tôi đã thiếu nhiều về mặt bản năng này của gặp gỡ, thiếu mất sự đánh mất mình trong người kia”. “Chúng tôi đã không sống thời kỳ yêu đương của mình như một thời gian của ánh sáng rạng ngời, của bốc đồng, của ân sủng, trao hiến, nhưng đã qua thời của ý muốn và quyết định sống nghiêm túc”. “Nỗ lực còm cõi hướng tới sự hợp nhất của chúng tôi, không chỉ bởi tín thác vào nhau, nhưng đúng hơn trải qua do những chọn lựa nền tảng của cuộc sống và do cách thức bộc lộ những chọn lựa ấy trong lịch sử và trong Giáo hội”.


5. Từ phải lòng đến yêu thương
Sự phải lòng nhau hẳn là một kinh nghiệm nền tảng cho đôi bạn. Thế nhưng tự nó không đủ vì đôi bạn còn phải tiếp tục hành trình tình yêu. Ai cũng nghiệm thấy được sự phải lòng hay cái lưu luyến ban đầu ấy mong manh tương đối dường nào.
Có những dấu hiệu hàm hồ và mỏng manh trong chính kinh nghiệm này. Đó là: sự mập mờ của những động cơ ở đáy sâu vô thức không dễ dàng nhận thức được trong giai đoạn phải lòng này; sự mịt mùng của khuynh hướng không tránh khỏi làm vừa lòng nhau nhưng quá trình ấy tự nó tiềm ẩn một sự thoái hóa; điên vì yêu hay tương tư, như người ta vẫn nói; cái cảm tưởng hòa tan mà đôi bạn tình cảm thấy khi yêu nhau chắc hẳn không giúp ích nhiều để nhìn nhận tha nhân thực sự; đôi khi cũng có một kiểu narcissism nào đó: yêu người bởi yêu mình. Những dấu hiệu mù mờ này dần dần xuất hiện, và điều quan trọng là chúng phải được nhận dạng và vượt qua. Chúng ta sẽ nói về điều ấy nhiều hơn ở các chương XI và XII. Một đôi bạn nói hết sức đơn giản:
“Chúng tôi thích nhớ lại thời gian chúng tôi phải lòng nhau. Cả hai chúng tôi bấy giờ đều cảm thấy hài lòng vì được quan tâm chăm chút của người kia. Thế nhưng chúng tôi cũng phải nói rằng, do chủ yếu sống theo xúc cảm của con tim, chúng tôi đã không lưu tâm và thậm chí coi thường những khía cạnh tiêu cực của người bạn đời.”
Nói thế không có nghĩa sự phải lòng chỉ có ở thuở ban đầu. Thực ra nó tiếp tục và có thể tiếp tục trong suốt cuộc đời đôi bạn. Nó cần phải tiếp tục nhưng phải được chuyển hóa nơi một số hình thức ban đầu, thay đổi dần lý lẽ của nó trong một chiều kích mới và trưởng thành hơn, đó là điều thật quan trọng. Nghệ thuật yêu chính là ở tiến trình đó.
Say mê, ân cần, phóng túng, thi vị, mơ mộng là những đặc tính của riêng thời kỳ này sẽ luôn đi theo đôi bạn tình. Sẽ thật là buồn nếu như với thời gian chúng nhạt nhòa dần và héo tàn đi. Cũng cần mạo hiểm tình yêu trở lại, sau mỗi lần gặp gỡ, mỗi ngày như đôi bạn tình không ngừng ngỡ ngàng ở trong Diễm tình ca. Mỗi lần kết hợp không là đích đến mà chỉ là khởi đầu cho một kinh nghiệm tình yêu luôn luôn mới. Làm sao để với tháng năm vẫn quyến luyến nhau tự do như thuở ban đầu. 
Con đường tình ta đi phải trải từ mộng mơ, đắm đuối, ngây ngất tan hòa trong người tình, đến chỗ yêu đương sáng suốt, lựa chọn như một quyết định nghiêm túc, gắn bó hoàn toàn và tự nguyện với người yêu. Từ chỗ tự động tự phát của bản năng, con tim, và tình dục thường xuyên sẽ phải đạt đến mức cân bằng giữa các yếu tố này và các yếu tố của trí tuệ và ý chí, suy tư phản tỉnh, dấn thân, trách nhiệm.
Khoa nhân học mới, được đón nhận bởi Công đồng, dạy rằng con người được tạo dựng như một toàn thể thân xác và tâm hồn, trí tuệ và ý chí. Là như thế trong tất cả mọi biểu hiện, trong mọi tương quan. Cả ở trong tình yêu cũng vậy. Tình yêu như thế trở thành một vấn đề nghiêm túc bởi nó khiến người này hiến ban dứt khoát chính bản thể sâu xa nhất của mình cho bạn tình kia; họ trở thành có chung một kế hoạch đời sống, kế hoạch liên hệ đến những chọn lựa có ý nghĩa nhất và cách thức diễn tả chúng ra trong lịch sử.
Khả năng vượt qua đoạn đường từ sự phải lòng đến tình yêu đích thực có liên hệ mật thiết với tiến trình trưởng thành nhân vị. Sự trưởng thành nhân vị là một lãnh vực rất rộng và phức tạp, nhưng ở đây chỉ cần biết rằng điều đó đặt nền tảng trên sự dự trữ tình cảm đón nhận suốt thời thơ ấu, chính nó giúp ta khả năng biết yêu thương, và trên đoạn đường chuyển tiếp từ thiếu niên sang người lớn. Và trưởng thành nhân vị cũng liên hệ đến ý thức căn tính của ta và của người khác, sự giải phóng con người khỏi mọi thứ ràng rịt, và huấn luyện lương tâm.


PHỤ LỤC: THÔNG GIAO - ĐỐI THOẠI
Nghĩa vụ ngồi xuống rút ra từ đoạn Tin Mừng Lc 14,28-31, mời gọi chúng ta ngồi xuống để suy nghĩ trước khi phải đối phó với một công việc khó khăn. Vấn đề là phải ấn định trước một cuộc gặp gỡ, ít nhất một tháng một lần, để nói với nhau những điều sâu lắng và với sự hiện diện của Chúa, nhằm mục đích xác định rõ tình hình, dự phóng tương lai dưới ánh sáng của những mục đích mà dần dà chúng hiện ra trước chúng ta và thỏa thuận với nhau từng bước phải đi tới trên cuộc hành trình.
Tại sao nói chuyện, đối thoại với nhau lại quan trọng đến thế?
Tiếp xúc, đối thoại với nhau là một điều kiện để tiến bộ và khơi động trong mỗi giai đoạn của đời đôi bạn; nhưng nó lại hết sức cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp từ tình trạng phải lòng đến yêu thương thật sự, để xây dựng tình hiệp thông.
Con người được dựng nên không phải để sống một mình, nhưng để sống với, để không ngừng đi vào và sống tương quan.
Con người không chỉ cần được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất, tìm kiếm những gì cần thiết để sống còn, nhưng còn phải thỏa mãn những nhu cầu cao hơn, như biết mình và biết người, để có ý thức về căn tính của mình và căn tính của người khác (“khác-với-mình”).
Sống tương quan, trước hết là tìm cách tiếp xúc và giữ mối liên hệ, là điều kiện thiết yếu để thông giao, đúng hơn để gởi và nhận các thông điệp. Thông giao sử dụng các phương tiện rất khác nhau, những phương tiện không lời đến phương tiện của riêng con người: đối thoại bằng lời. Con người trước hết là lời. Điều đó có nghĩa là để là người ta được mời gọi bộc lộ chính mình; chúng ta có thể nói một cách nào đó “chúng tôi hiện hữu” vì “chúng tôi bộc lộ” chính mình, vì chúng tôi góp nhặt những bộc bạch của những người đang sống chung quanh mình.
Khi chúng tôi nói về thông giao chúng tôi ám chỉ đến tất cả mọi loại thông điệp nhờ đó con người có thể bộc lộ chính mình: tư tưởng của mình, ý muốn của mình, nội tâm của mình. Điều đó không có nghĩa là thông giao chỉ là nói: một cử chỉ yêu thương nói hơn rất nhiều bao nhiêu bài diễn văn. Con người bộc lộ mình bằng các biểu tượng, thông giao bằng thinh lặng, bằng cử chỉ, thậm chí bằng sự khiếm diện, khi điều đó gây chú ý mạnh.
Thông giao quan trọng không chỉ để thông truyền những gì chúng ta sống, mà còn để hiểu ta là ai. Thật vậy, không có khả năng đối thoại và thông giao mình cho người khác thì căn tính của chúng ta sẽ bị phân tán. Chúng ta không tài nào biết được mình là ai nếu chúng ta không có một ai đó để thông đạt những “giả thuyết”, những lý giải, những suy nghĩ về những gì ta đang sống. Chúng ta cũng sẽ không thể biết mình là ai, đi về đâu, nếu chúng ta không có ai đó để mình có thể thu thập những “giả thuyết”, những lý giải, những suy nghĩ về những gì ta đang sống. Do đó, thông giao không phải là một nghĩa vụ thêm vào để có thể hiểu tha nhân, biết tha nhân, quí trọng tha nhân, nhưng là một nhu cầu tất yếu sống còn của mỗi người chúng ta.
Nếu điều này là đúng cho mỗi con người - được kêu gọi để thực hiện và hiểu chính mình trong thông giao với người khác - thì chắc chắn cũng rất quan trọng trong đời sống đôi bạn: không thể có chuyện tình yêu giữa hai người mà lại thiếu thông giao. Thật vậy, trái với những gì người ta nghĩ, tình yêu không được hiểu cho đúng: cần phải bày tỏ tình cảm yêu thương vì tình yêu được nuôi dưỡng bởi việc làm sáng tỏ chính mình. Bày tỏ tình cảm yêu thương không chỉ thiết thực trong giai đoạn phải lòng, nhưng cần phải không ngừng tái thiết bởi lẽ mối tương quan giữa hai người, cũng như bất cứ tương quan nào, hiện hữu chính lúc bắt đầu có thông giao và sống nội dung của nó.
Chính vì thế cần phải coi trọng cách thức chúng ta giao tiếp và đối thoại. Coi trọng thông giao hay việc giao tiếp và đối thoại đòi hỏi ta trước hết cả một thái độ mà chúng ta có thể định nghĩa như là “nhường chỗ”, “để mình được nắm lấy”, một cách nào đó là “lùi bước”. Vấn đề không phải là để cho ước muốn của chúng ta hoàn toàn được thực hiện, để ta được lắng nghe bằng mọi giá, để trình bày những lý do của ta, để sống cuộc gặp gỡ như một cuộc tranh đua. Thật ra, đó không phải là đối thoại cũng không phải là thông giao, mà là một sự thất bại chung cho cả hai bên.
Thông giao bắt đầu nơi nào người ta không chỉ đòi yêu sách mà biết nhường không gian cho việc lắng nghe. Nhưng lắng nghe không chỉ có nghĩa là không nói, nhưng là chú tâm, với tâm trạng không có sợ hãi và cũng không lý luận, thực sự ước muốn người kia tự bộc bạch và có thể tìm thấy nơi chúng ta một bầu khí đón tiếp, ân cần, giúp đỡ. Người bạn kia chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây - nếu chúng ta có thể ban tặng điều này - sự tự do bộc lộ mình mà không sợ hãi và, đồng thời có thể tìm thấy được khả năng tăng triển, bởi vì, khi người ta được lắng nghe, nói tức là nói về mình những điều mà trước đó mình không biết. Trong không gian đón tiếp này mọi thông giao đều xây dựng ngôi vị.
Bên trong đôi bạn một chỗ chủ yếu được dành cho thông giao và gặp gỡ tính dục. Cũng nơi đây cử chỉ có một giá trị quan trọng hơn lời nói. Biểu lộ những ân cần, quan tâm đến ước muốn của người kia, lắng nghe nhu cầu của người ấy cũng như của bản thân, tất cả có thể được hòa hợp trong lúc kết hợp sâu đậm với nhau. Gặp gỡ tính dục không chỉ là một đòi hỏi của thân xác: đó là một gặp gỡ giữa hai ngôi vị trao hiến cho nhau và nói với nhau rằng cuộc sống không thể được hoàn bị, không thể được cứu vãn, nếu không có một tha nhân đón nhận ta trong cái nghèo nàn của ta. Bởi thế cả ở đây nữa cũng cần dành không gian để lắng nghe và tiếp đón.
Mọi thông giao đều cần thái độ lắng nghe này, không lợi dụng, mong đợi người kia bộc bạch và mong đợi có được một bầu khí tiếp đón để thực hiện thông giao.
Bởi thế mọi thông giao, thông giao nơi đôi bạn càng hơn thế nữa, đòi hỏi một hành trình trưởng thành đời sống đâm rễ từ xác tín này là tự mình chúng ta không đầy đủ, nhường nhịn thì hơn là chiến thắng, đón tiếp thì hơn là xâm lấn.

Xin đọc thêm:

Chương Một: GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC

Chương Hai: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ