Tình Yêu & Hôn Nhân - Chương Hai: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ

Tình Yêu & Hôn Nhân - Chương Hai: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ

Tình Yêu & Hôn Nhân


EQUIPES NOTRE-DAME - ITALIA

Chuyển ngữ: Lm. Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Trích từ sách: TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/ HĐGMVN

Chương Hai: THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ


1. Từ thuở ban đầu
2. Bản chất của quan hệ lứa đôi
3. Ơn gọi của đôi bạn
4. Tính dục là tốt nhưng mỏng manh
5. Cần giải phóng và cứu chuộc tính dục
PHỤ LỤC: CHÚNG TA ĐANG VIẾT NÊN MỘT LỊCH SỬ MỚI 

1. Từ thuở ban đầu
Mầu nhiệm về giới tính cũng cần được khảo sát dưới ánh sáng của mạc khải Lời Chúa. Có hai trình thuật về tạo dựng con người thấy ở phần mở đầu của sách Sáng thế. Hai trình thuật này là nền tảng, mà ta sẽ tham chiếu đến luôn từ nay về sau, để tìm hiểu thực tại kỳ diệu về đôi bạn, về ái tình (eros) và tình yêu, về sự phong nhiêu hay khả năng tạo sinh (fecundity). Giờ đây chúng ta xét đến tính dục, tự hỏi đâu là giá trị và ý nghĩa của nó.
Tư tưởng Đông phương cổ đại thần thiêng hóa tính dục, qua các huyền thoại và nghi lễ, như một thực tại thiêng thánh. Ngược lại, đến thời của nền văn hóa kitô giáo kế tiếp ở Tây phương, chịu ảnh hưởng một thời bởi tư tưởng Platon, lại có xu hướng coi tính dục như chuyện quỷ ma, như một thực tại tiêu cực. Cả hai trường hợp trên đều xem tính dục và giới tính là tabù, điều cấm kị.
Trong các bản văn thánh kinh trái lại ta chẳng thấy điều gì như thế cả. Thánh kinh cho một cái nhìn tích cực và độc đáo về tính dục. 
Hai bản văn St 2,18-25 và St 1,26-31 hòa hợp và bổ túc cho nhau. Bản văn cổ xưa hơn, chương 2, hình thành thời vua Salomon (tk X tCN), trình bày việc tạo dựng Ađam và Evà trong khung cảnh vườn Eđen, và giúp ta đi sâu vào bản chất của quan hệ của cặp Ađam-Evà, đi sâu vào mầu nhiệm và sự nên thơ việc kết hợp của họ. Bản văn trễ hơn, chương 1, khoảng thế kỷ VI cuối thời lưu đày (587-530 tCN), được đặt trong bối cảnh của tuần lễ tạo dựng, vào ngày thứ sáu, giúp ta hiểu ơn gọi của con người.
Trình thuật tạo dựng trong Thánh Kinh
Hai chương đầu của sách Sáng thế, cùng với chương thứ 3, tạo nên một suy tư vĩ đại về con người mọi thời đại và mọi nơi trên trái đất, và về những tương quan nền tảng của con người với Thiên Chúa, với những người khác, với thế giới. Ở đó chúng ta thấy một đàng ý định của Thiên Chúa dành cho con người, đó là một ý định yêu thương, sáng láng, hài hòa (các ch. 1 và 2); đàng khác là dự phóng con người muốn thay thế để thực hiện khi bỏ qua kế hoạch của Thiên Chúa, và những hệ quả kèm theo là sự thù địch, tha hóa, huỷ hoại mà dân Israel có thể kinh nghiệm trong lịch sử dọc dài các thế kỷ của mình (ch. 3).
Về tạo dựng con người có hai trình thuật hòa nhập và bổ túc được cho nhau: trình thuật St 2,18-25 là trình thuật cổ xưa hơn và lên tận đến thời hoàng kim của vua Salomon (tk. X trước CN), được soạn thảo bởi cái gọi là trường phái Yavist; và trình thuật St 1,26-31 được nghĩ ra và biên soạn về sau đó rất lâu, vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI, nghĩa là khoảng cuối thời lưu đày (586-530 tr.CN), bởi trường phái gọi là tư tế. Do kinh nghiệm bi thương của Giêrusalem sụp đổ và dân bị lưu đày đi Babylon, trường phái tư tế này đã suy tư lại và phác họa lại bức tranh của toàn thể lịch sử bi thương của dân, được soi dẫn bởi ánh sáng lòng thương xót và sự trung thành của Thiên Chúa cũng như bị che mờ bởi bóng tối của sự xa cách và bất trung của Israel. 
Truyền thống Yavist, cổ xưa nhất, được gọi như thế vì nó sử dụng tên Yahvê (Đức Chúa) để gọi Thiên Chúa. Nó có một văn phong lộng lẫy, sống động, nhiều màu sắc, và được nuôi bằng những hình ảnh và diễn ngữ nhân loại để nói về Thiên Chúa. Truyền thống tư tế, của các tư tế đền thờ Giêrusalem, bởi văn phong trừu tượng và rườm rà, được thiết lập thời lưu đày và chiếm ngự văn đàn sau hồi hương. Người ta còn gán cho truyền thống này việc soạn tác những bản văn liên hệ đến luật lệ, phụng vụ, đền thờ, và cả vài phần có tính trần thuật, và nhất là hình thức cuối cùng của Ngũ Thư.


2. Bản chất của quan hệ lứa đôi
(Đọc bản văn thứ nhất St 2,18-25)
Từ đây ta nhận được vài sứ điệp sau đây:
- Tính dục nhằm đưa con người đi vào tương quan, đối thoại, hiệp thông.
“Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18).
Ađam trong vườn Eđen không hạnh phúc, vì cảm thấy cô đơn. Con người ấy tự mình không có được sự hài hòa nội tại như đã thấy có nơi các thụ tạo khác. Thấy mình không đầy, không đủ, không mãn nguyện. Ađam cần một trợ tá giống mình mà khác mình. Các thú vật mà Yavê đã tạo dựng cho ông để ông đặt tên không thể lấp đầy khoảng trống trải và buồn bã này; ông không thấy được nơi chúng “một ai” khả dĩ là người trợ tá giống như ông, như là một đồng minh để có thể núp bóng khi những nguy hiểm tới vốn hay đe dọa những kẻ cô độc. Nỗi khát khao có một “ai đó” khác, cái khát vọng tương giao thật vô biên: ông không đi tìm một người giúp việc, cũng không tìm một ai đó để giải quyết nhu cầu sinh lý; nhưng tìm một trợ tá tương xứng với mình, một chỗ dựa giúp mình thoát cảnh cô đơn, buồn bã.
Ađam cần một người khác để nhìn nhận ông, và nhìn nhận lẫn nhau, để đối thoại với nhau. Trong tiếng Hêbrơ, chữ người tương xứng có nghĩa là người nói, bộc bạch, tiết lộ, giải thích, phản hồi. Nói chung Evà là cần thiết cho Ađam trên hết mọi sự, để biết người phối ngẫu (tương xứng) và để biết lẫn nhau, để hàn huyên, để có tương giao, để đạt tới sự hài hòa, để bổ túc cho nhau, để bước vào hiệp thông. Thế đó, lý do sâu xa của cái thực tại lưỡng giới.
- Tính dục là một mầu nhiệm
“Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi” (St 2,21).
Cả hai giới, nam và nữ, đều là một mầu nhiệm cho nhau. Hình ảnh giấc ngủ mê trong ngôn ngữ sống động của Thánh kinh có ý nghĩa một khoảnh khắc mầu nhiệm. Ađam không biết nguồn gốc của Evà, không thấy bà sinh ra; đúng hơn, hình ảnh giấc ngủ mê của Ađam đang khi Thiên Chúa dựng nên Evà cho ông muốn nói Thiên Chúa biết điều đó là tốt cho ông và Ngài làm mà không cần hỏi ý kiến của ông. Bà được trao ban, hiến dâng cho ông một cách huyền nhiệm. Đó quả là một thực tại mầu nhiệm. Tính dục là mầu nhiệm bất tận. Không thể biết hết được về nó. Các nhà dân tộc học hiện đại nói rằng tính dục chính là giao điểm của thiên nhiên và văn hóa.
- Hai giới bình đẳng với nhau
“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông” (St 2,23).
Người nam và người nữ có cùng bản tính, cùng phẩm giá, và cùng giá trị như nhau. Evà được tạo dựng từ chiếc xương sườn, nghĩa là từ cùng một xương thịt như Ađam, từ cùng một chất liệu. Nói cách khác Evà đến từ cùng một thực tại thâm sâu và bản thể như Ađam. Chính Ađam sẽ nhận ra ngay điều đó: họ khác nhau nhưng giống như nhau, nghĩa là cùng bản tính và phẩm giá. 
Trong tiếng Hêbrơ chữ đàn ông (’ ish) và đàn bà (’ ishsha) là bởi cùng một từ. Giữa hai giới có một cái gì thuần nhất, như là đồng nhất, một hiệp thông sâu xa khiến cả hai nên một cuộc sống duy nhất, một tên gọi duy nhất, một xác thịt duy nhất.
- Sự phải lòng, sự hấp dẫn giới tính (eros), khát vọng hợp hôn: một thực tại mới
“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,23)
Đứng trước Evà, sửng sốt và say mê trước vẻ đẹp của nàng, trong lòng bừng dậy nỗi hân hoan và ngưỡng mộ tràn đầy, Ađam cất lên những lời cảm thán của bản tình ca đầu tiên. Chàng cảm nhận nơi nàng một sự gần gũi, thân thiết, một tự ngã khác của mình. Bản tình ca thi vị của một kẻ đang yêu đã “phải lòng” trước vẻ đẹp rực rỡ của người yêu và ngẩn ngơ vì đã thấy điều mình tìm bấy lâu. Nàng, kẻ xứng với mình, mà sau cùng chàng đã nhận ra, có thể cũng nhận ra chàng.
Bởi một hấp lực diệu kỳ, bùa mê của ái tình tung vỡ, hai người sẽ phối ngẫu xác thân và sẽ nên một xương một thịt. Họ sẽ là một đơn vị mới tách lìa từ những hạt nhân gia đình gốc gác của họ trước đó. Sự hợp hôn của họ cũng đồng thời là một sự ly thân dứt khoát với gia đình cha mẹ. Với các cặp vợ chồng mới trong Thánh kinh thấy rất nhiều lần lặp đi lặp lại những lời lẽ đại loại như: hãy nắm lấy người phụ nữ của ngươi và đi đi. Các ngươi có con đường riêng của các ngươi, hãy đón lấy nó đi đừng chần chờ chi nữa.
- Ý nghĩa sâu xa của sự trần truồng thân xác
“Cả hai đều trần truồng mà không thấy xấu hổ” (St 2,25)
Thánh kinh rất đơn giản với khuynh hướng duy thực của nó. Vẻ đẹp của thân xác là nỗi hân hoan, là ân ban. Từ đó thấy được nó có một cái nhìn hết sức tích cực về tính dục.
Nhưng ý nghĩa sâu xa của nó là ở chỗ này: tình yêu cần sự trần trụi; tình yêu khiến mọi cái mặt nạ tự vệ phải rơi xuống, bởi mọi trang phục ta mặc là để che giấu sự nghèo nàn, những giới hạn của ta. Chính cái nhìn yêu thương của người khác sẽ che phủ sự trần trụi của ta. Xấu hổ do trần truồng thật ra có liên hệ mờ ám tới sự thiếu vắng tình yêu như chương 3 của sách Sáng thế cho thấy (St 3,7.10-11.21).


3. Ơn gọi của đôi bạn
(Đọc St 1,26-31).
Bản văn này, thuộc truyền thống tư tế, có tính chất tổng hợp và cốt yếu hơn. Nó đưa ra hai chiều kích của con người, của đôi hôn phối vừa mới được tạo dựng. Đó là mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa và phẩm giá của con người; và ơn gọi của con người trong tương quan với tạo thành và trách nhiệm của họ.
“Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của mình… Ngài tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,27).
Tạo thành hoàn tất, nhưng thiếu đỉnh điểm của nó: con người. Và thế là lần đầu tiên có một mạc khải bất ngờ làm đảo lộn tất cả: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài!”
Con người là đại diện sống động nhất của Thiên Chúa trên mặt đất. Đối với người Do thái sẽ không cần một hình ảnh nào khác để giúp hình dung ra Ngài. Trên khuôn mặt của mỗi người, dù có đáng thương và vô nghĩa thế nào đi nữa, cũng ẩn dấu những nét của dung mạo Thiên Chúa một cách nào đó. Không thể tìm kiếm ở đâu khác!
Thế nhưng, bản văn thánh kinh cho thấy rõ, hình ảnh xác thực nhất mà họa ảnh đó bộc lộ là đôi bạn, là con-người-đôi-bạn, nghĩa là con người với tư thế như là bạn đối tác nam/nữ hướng tới sự hiệp nhất với người kia: chính cái đối cực nam/nữ phong nhiêu ấy là biểu tượng trong suốt của Thiên Chúa. Có lẽ tác giả bản văn thánh có linh cảm lờ mờ rằng Thiên Chúa Tình yêu chỉ có thể là nhiều ngôi vị, không chắc chắn bởi lẽ Thiên Chúa của Isarel không thể chịu sự phân giới tính.
Phân biệt giới tính là đặc trưng hoàn toàn của con người. Thực tại giới tính triệt để thuộc phạm trù thọ tạo, trần thế, lịch sử. Nó dính líu tới con người, chứ không dính líu tới Thiên Chúa, là Đấng duy nhất, không phân giới tính. Phân biệt giới tính hay tính dục là một hồng ân của Thiên Chúa cho con người, là thành phần thực tại sâu xa nhất của họ; nó là của con người nhằm để sống trọn vẹn theo cách thức nhân bản nhất. Thật ra, những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là tốt đẹp thì có một hiện hữu và giá trị đích thực trước mặt Ngài. Thiên Chúa tôn trọng chúng!
“Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28).
Đó là lời mời gọi của Thiên Chúa, là chương trình của Thiên Chúa cho con người. Đôi bạn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì, như một cộng đồng các ngôi vị, thể hiện một sự hiệp thông tình yêu, mà còn vì từ tình yêu tương hỗ ấy thoát thai sự sống mới phong nhiêu dư tràn tiếp tục công trình tạo thành của Thiên Chúa. Bởi thế tình yêu và sự phong nhiêu là dấu chỉ, hình ảnh nhân loại của quyền năng sáng tạo và tác sinh của Thiên Chúa. Thế nên, ơn gọi của đôi bạn là sự hiệp thông tình yêu phong nhiêu thể hiện qua việc nuôi dạy những người con mới Thiên Chúa, hợp tác xây dựng thế giới, từ đó góp phần vào tương lai của tạo thành.
Như thế đó đôi bạn có thể trở thành dấu chỉ gợi tưởng nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa Sự Sống (x. các ch. IV, VIII, IX).


4. Tính dục là tốt nhưng mỏng manh
- Tạo thành về cơ bản là hoàn toàn tốt đẹp. Tính dục vì thế cũng tốt.
Tính tích cực của mỗi thực tại tạo thành được bày tỏ qua Lời sáng tạo của Thiên Chúa nơi chương một sách Sáng thế: sau khi đã tạo dựng vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, trái đất, cùng toàn thể vô số các sinh vật, Thiên Chúa dừng lại, vào cuối mỗi ngày sáng tạo, và biểu lộ sự mãn nguyện khi nhận thấy chúng đẹp, tốt và hài hòa: Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Đôi bạn loài người, hoa trái đầu mùa và là đỉnh cao của tạo thành, còn có vẻ đẹp, sự tốt lành, và hài hòa này ở một mức độ lớn hơn nhiều. Thiên Chúa ngưng lại, nhìn ngắm đôi nam nữ, thấy họ yêu nhau, thấy người này quan tâm đến người kia trong hòa hợp, Ngài kinh ngạc và vui thích: chúng “thật tuyệt”. Đôi bạn yêu nhau tự nơi họ có một sức thu hút rất lớn, tỏa ra một vẻ đẹp kỳ lạ, và đầy tràn sức sống: họ là một quà tặng lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người. Và cũng lớn lao, tốt đẹp biết mấy là hồng ân thân xác và tính dục con người, vốn là thành phần cấu thành toàn thể nhân vị của mỗi người và có vai trò trung tâm rõ ràng trong quan hệ yêu đương.
Bởi thế tạo thành là hoàn toàn tốt hoàn toàn đẹp tự trong cội rễ thâm sâu của nó, tự trong cái cốt yếu sâu xa và thực nhất của nó, như thế là vì nó nằm trong kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa. Chữ “Khởi thủy”, trong tiếng Hêbrơ, có nghĩa là lúc khởi đầu của thời gian, của tạo thành, của lịch sử con người, nhưng cũng có nghĩa đơn giản là tự nguồn gốc. Điều đó cũng có nghĩa ngầm nói rằng, chúng ta một cách nào đó đã là điều mà chúng ta phải trở thành, đã là điều mà chúng ta đáng ước mong, để đạt tới sự viên mãn, tầm vóc đích thực của con cái Thiên Chúa (Rm 8,18-23).
Thế nên, điều muốn nói là từ khởi thủy, hay tự căn nguyên đã định như thế, nhưng điều ấy cũng tiên báo một cùng đích và một hành trình cho toàn thể nhân loại.
- Thế nhưng nó cũng mỏng manh: và cũng mỏng manh tính dục con người.
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về sự ác, về tội lỗi, như một vết cắt kháng lực, xuyên ngang qua toàn thế giới tạo thành. Nguồn gốc của nó vẫn còn là một huyền nhiệm khôn dò.
Tự do là một ân ban quí giá được trao cho ta khi ta được gọi bước vào đời. Với tự do ta có thể đáp hoặc không đáp lại lời mời gọi của Đấng Tạo Hóa, nghĩa là trở thành những con người như Ngài đã tưởng nghĩ, tạo dựng, yêu mến.
Mỗi người chúng ta, nếu nhìn vào bên trong mình, sẽ cảm thấy mình được dựng nên như vầy: đó là ánh sáng, sự sống, vẻ đẹp, sự nhân hậu, tình yêu thương, nhưng cũng đồng thời là bóng tối, sự chết, huỷ diệt, khép kín, thù địch, ghanh đua, ích kỷ, thống trị. Cũng thế, cùng một thực tế như vậy, có phần của tính dục, các mối quan hệ tính dục hay giới tính của con người chúng ta. Cùng với tội cá nhân, tích tụ qua các tháng năm thế kỷ lịch sử, còn có tội lỗi bóng đen tập thể, là sản phẩm của não trạng và thành kiến xa lạ với ý định nguyên thủy của Tạo Hóa.
Chương 3 của sách Sáng thế là sự tự vấn lương tâm tập thể của nhân loại. Nó cho thấy tội lỗi không ở nơi ý muốn của Thiên Chúa, mà nơi ý muốn tự do của con người. Tội lỗi, một cách lạ lùng, xuất hiện trong tâm thức con người, khi nó nổi loạn không chấp nhận tình trạng thọ tạo của mình; khi con người không muốn tự do mình bị giới hạn, mà muốn cảm thấy mình hoàn toàn độc lập không lệ thuộc Đấng Tạo Hoá; khi muốn tự mình biết và quyết định điều tốt điều xấu. Xét cho cùng, tội lỗi là muốn sở hữu quyền năng Thiên Chúa, toàn quyền trên kế hoạch cho con người.
Do đó, tội nguyên tổ không phải tại nơi chuyện sử dụng tính dục, nhưng là chối từ phụ thuộc vào Thiên Chúa, không để cho Ngài chen vào tâm hồn nơi nảy sinh mọi chọn lựa tự do. Ngay cả tội liên quan đến tính dục cũng phát sinh như hệ quả của sự chối từ phụ thuộc Thiên Chúa, là một chối từ làm mòn ruỗng quan hệ không chỉ với Chúa mà cả với anh em. Chiếc lá cây vả để làm khố che thân, che đậy sự trần truồng, chỉ đến cái lý kỳ cùng là sự chối từ phụ thuộc, không chấp nhận sự trần trụi, giới hạn; thế nên thân xác không còn là nơi của gần gụi, chữa lành, nhưng là của sự cô đơn và hổ thẹn.
Riêng về quan hệ tình dục, cội rễ của tội là ở chỗ người ta đã tuyệt đối hóa khoái lạc, tìm nó chỉ vì nó. Điều đó thâu hẹp tự do vốn sâu thẳm của ta lại và cản bước mối tương quan của ta với Chúa và tha nhân; tha nhân bị chối từ vì bị đối xử như một dụng cụ hay đồ vật cho khoái cảm của ta; chết chóc là chính chỗ đó. Cùng là nguồn gốc của tội đó là sự ham muốn quyền lực: ước muốn thống trị, bá chủ người khác, bằng cách sử dụng sức mạnh của hấp lực giới tính để chứng tỏ thế thượng phong của mình. Thật không may, trong suốt thời gian dài, cái thế ưu việt của phái nam trên phái nữ đã trở thành một thứ văn hóa của sự bất công. Và sự kém cỏi hơn của phụ nữ thu hẹp chỉ trong phạm vi của vẻ bề ngoài tự nhiên. Hẳn nhiên, không gì giấu giếm, người phụ nữ có thể dùng sắc đẹp dụ dỗ như phương thế của quyền lực. Có thể thấy những ví dụ ngay cả trong Thánh Kinh.
Vì vậy, tính dục không chỉ là vô tội, như một số người chủ trương trong văn hóa đương đại; nhưng cũng không chỉ là tội lỗi, như trong văn hóa thời đã qua.


5. Cần giải phóng và cứu chuộc tính dục
Toàn thể thực tại tội lỗi và sự chết đã được cứu chuộc rồi. Mọi người đều kinh nghiệm, đôi khi còn mập mờ đôi khi với ý thức chắc chắn, như giới hạn của mình, tội lỗi của chúng ta có thể được biến đổi trở nên một điều gì tích cực, có thể trở thành một cơ hội để có một đời sống mới. Quả là đẹp nếu như dần dà chúng ta có thể nhận ra cái gì làm ta sống cái gì làm ta chết, trong tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta, cả trong đời sống tình dục, và chúng ta có thể được trưởng thành dần trong đức tin với ý thức rằng tiếng nói sau cùng thuộc về sự sống, sự thiện, sự tích cực. Điều đó nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa luôn trung thành, và đã giải thoát, cứu độ chúng ta trong Người Con của Ngài bởi Ngài đã chết và phục sinh.
Nhiều người kinh nghiệm bao khổ đau mới có thể đạt tới sự hòa hợp tính dục, nhất là những người chưa có khả năng suy tư về tính dục của mình và thấy còn khó hiểu và diễn tả những gì họ cảm thấy và sống. Cần nhớ rằng mọi diễn tả tính dục là yếu tố của một tiến trình rộng lớn hơn và toàn diện hơn nhiều, không thiếu bất ổn và khủng hoảng. Bởi thế cần phải biết chờ đợi nhẫn nại.
Ý thức về những giới hạn và tội lỗi của mình, ý thức mình cần được giải phóng và cứu độ, và đồng thời hy vọng vào điều đó, trải qua cuộc hành trình không dễ để vượt trên sự trấn áp của quá khứ, hay phi nhân tính của xã hội hôm nay, tính dục của chúng ta có thể dần dà chín muồi hơn, mang đậm nhân tính hơn và đem lại tự do nhiều hơn. Tính dục, nơi ưu tiên của đối thoại và quan hệ tình yêu.
Bấy giờ, tính dục mới có thể biểu lộ được chiều kích sâu xa của cuộc sống con người như ta được gọi: hiện hữu cốt yếu là hiện hữu vì tha nhân. Tính dục bấy giờ sẽ trở thành nơi cho con người, nam cũng như nữ, nhìn nhận nhau là cần thiết; là nơi ngay trong dị biệt họ khám phá ra rằng họ không phải là nền tảng của chính mình, và từ đó mở ngỏ và đáp trả tha nhân trong một sự hiến dâng hoàn toàn cho nhau.
Như thế người ta có thể viết nên một lịch sử mới của tính dục (xem phụ lục)


PHỤ LỤC: CHÚNG TA ĐANG VIẾT NÊN MỘT LỊCH SỬ MỚI


Suy nghĩ về sự áp chế tính dục của quá khứ và về những xu hướng làm tính dục thành phi nhân của ngày nay, là một điều hữu ích. Điều đó có ý nghĩa là giúp ta đọc tốt hơn lịch sử của chúng ta. Thế nhưng sẽ có ích hơn nếu người ta nhìn vào những tích cực đang xuất hiện, để xây dựng cái mới, để viết nên một lịch sử tính dục mới bắt đầu từ chính những mặt tích cực mà nền văn hóa hôm nay đang có. Chẳng hạn như:
- xem con người (nhân vị) là trung tâm điểm: mọi người, nam cũng như nữ, là một hữu thể thống nhất với thân xác, tâm hồn và trí óc, làm nên bởi rất nhiều yếu tố phải được yêu quí và hòa nhập tất cả;
- quan tâm đến những nhu cầu sâu xa nhất của con người, đó là những nhu cầu bộc lộ mình, tương giao, tương quan với xã hội, yêu và được yêu; cũng như những nhu cầu về tình cảm, cảm xúc, thân xác, lạc thú, được chiều chuộng, âu yếm, tình thân mật, hoạt động của trí tưởng tượng, chơi (những điều này được khám phá lại bởi nền văn hóa mới trẻ trung được biểu lộ từ những năm ’60);
- giá trị ngôi vị tính của tính dục, như là khía cạnh nguyên thủy và cấu thành ngôi vị toàn vẹn, như là nền tảng cho nhân vị trưởng thành, để gặp gỡ và đối thoại với những người khác, với người bạn đối ngẫu của mình.
Những khía cạnh này cùng nhau làm thành những dấu chỉ của khuynh hướng xây dựng lại một ngôn ngữ tính dục đầy đủ hơn khả dĩ giúp cho các tương quan giữa người với người, tương quan giữa người nam và người nữ, được chân thực và viên mãn hơn. Một đôi bạn nói thật hay: 
“Sự việc đang thay đổi đối với con cái chúng tôi. Chúng có thể tăng trưởng và sống tính dục của mình mà không làm bộ, không xấu hổ, không theo kiểu đạo đức nặng nề mà cũng không giả hình. Nền giáo dục mới về tính dục là một giáo dục tri thức và giáo dục biết chọn lựa có tự do và có trách nhiệm.”
Cả Giáo hội, dân Thiên Chúa, Huấn quyền, các nhà thần học, trong khi lắng nghe những dấu hiệu này, được thúc đẩy bởi cái nhìn mới về con người, cũng đã bắt đầu đọc lại các bản văn Kinh Thánh để lần tìm dấu vết nắm bắt được các cơ sở của quan điểm nhân vị về tính dục. Khúc quanh thật sự đã bắt đầu với Công Đồng chung Vatican II (1962-1965) đã dứt khoát vượt qua mọi suy nghĩ nhị nguyên giữa thân xác và linh hồn; giữa nội tại và siêu việt; giữa hiện tại và tương lai; giữa Giáo hội và thế giới.
Đặc biệt, trong Hiến Chế “Giáo hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes), số 3, toàn thể các giám mục trên thế giới tại Công Đồng đã định nghĩa khái niệm về con người, đã hình thành nên một nhân học mới: một con người toàn diện, hữu thể thống nhất xác hồn, con tim và ý thức, trí tuệ và ý chí. Điều đó, một cách đặc biệt, còn có nghĩa là tính dục, trong tất cả các hình thức bộc lộ của nó, phải được đặt trên nền tảng nhân vị và giá trị của nó nằm ở khả năng giúp cho sự phát triển nhân vị theo nghĩa toàn diện, giúp phát triển tương quan với tha nhân và hòa nhập xã hội.
Sau đó, đức Phaolô VI, trong thông điệp Humanae Vitae (1968), khẳng định hai mục đích của hôn nhân, kết hợp và sinh sản, là có giá trị ngang nhau. Điều đó có nghĩa là sự tốt lành của hành vi tính dục không còn chỉ được đặt trên cơ sở mục tiêu sinh sản.
Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhiều lần bày tỏ sự chú ý quan tâm, mà trước đây trong Giáo hội còn chưa biết tới, về tính dục, tình yêu, nữ giới để tìm hiểu chúng lại dưới ánh sáng của các dấu chỉ thời đại.
Điều đó được thấy cụ thể trong Tông huấn Familiaris Consortio, năm 1981, kết quả làm việc của Thượng Hội Đồng các Giám mục năm 1980 về Hôn nhân và Gia đình trong thế giới ngày nay; trong những bài giáo lý dài ngày tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần (1978-1981) nói về chủ đề mà chính ngài đã gọi là “thần học thân xác”; trong bài chú giải rất hay về Diễm tình Ca (tháng năm/sáu ’84); trong thông điệp Mulieris Dignitatem (tháng 8 năm ’88).
Chúng ta có thể nhắc lại ở đây hai đoạn từ những bài diễn văn thứ tư hàng tuần. Một bài định nghĩa tính dục như sau: đó không phải là thuộc tính của nhân vị nhưng là yếu tố cấu thành nhân vị (21/11/79); bài kia định nghĩa thân xác con người: là thân xác có giới tính, là nam hay là nữ, và đó không chỉ là nguồn mạch của sự phong nhiêu và sinh sản như trên toàn thể bình diện tự nhiên, nhưng còn bao hàm khả năng biểu lộ tình yêu (16/1/80). Tưởng cũng nên nhắc đến tài liệu mới đây của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình: “Tính dục con người: sự thật và ý nghĩa” (12/1995).
Nhưng chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đó. Ngoài những than phiền về sự bóp méo tính dục của ngày hôm qua, ngoài những ta thán về những thói hư đốn của ngày hôm nay, toàn thể Hội thánh (dân Chúa, Huấn quyền, các nhà thần học, các phong trào đôi bạn và gia đình) vẫn tiếp tục nghiên cứu cùng với những người thiện chí khác bằng những con đường mới còn chưa khai phá và tuyệt đối không dễ dàng. Quả vậy, giữa hai cực phi nhân hóa tính dục (thái độ im lặng hay trấn áp tính dục và tôn vinh tính dục như một giá trị tuyệt đối) phải chọn đi con đường không dễ dãi coi tính dục là thành phần cơ bản cấu thành một nhân vị đầy đủ, là yếu tố cốt yếu của sự tăng trưởng trong xã hội, sức bật mạnh mẽ hướng tới hiệp thông tình yêu.
Như thế người ta sẽ khám phá lại tính nghiêm túc cội rễ của tính dục và của mỗi hành vi tính dục.

Xin đọc bài trước: 

Chương Một: GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC

https://ubmvgiadinh.org/bai-viet/tinh-yeu-hon-nhan-3873