ĐTGM Fulton J. Sheen: Hôn nhân là một biểu tượng của hôn lễ giữa Đức Kitô và Hội Thánh
ĐTGM Fulton J. Sheen: Hôn nhân là một biểu tượng của hôn lễ giữa Đức Kitô và Hội thánh
Hôn nhân trong tư cách là một bí tích thuộc về một cấp bậc hoàn toàn khác so với sự kết hợp đơn thuần giữa người nam và người nữ thông qua một khế ước dân sự. Về cơ bản, hôn nhân giữa người vợ và người chồng được xem là những biểu tượng của một cuộc hôn nhân khác; cụ thể đó là cuộc hôn lễ giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người.
Điểm tương đồng về hôn lễ trên trời này có sự quy chiếu về Cựu Ước, nơi Thiên Chúa xuất hiện với tư cách là Chàng Rể, và dân Israel xuất hiện với tư cách là cô dâu. Khi Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô, Người đã tự nhận và được gọi là Chàng Rể; chính dân Israel mới, hay Hội Thánh, trở thành cô dâu hay hiền thê của Người. Người ta thường quên rằng Chúa Giêsu đã tự gọi mình là Chàng Rể. Khi Chúa Giêsu được hỏi tại sao các môn đệ của Gioan lại ăn chay, nhưng môn đệ của Người thì không, thì Người đã trả lời rằng: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.”(Mc 2,19).
Gioan Tẩy Giả đã tự gọi mình là “bạn của chàng rể” (Ga 3,29), hay có thể nói theo ngôn ngữ hiện đại là “phù rể”. Tước hiệu Chàng Rể, thuộc về Đức Kitô, vốn không được chia sẻ cho ai khác, như chính Gioan đã nói: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; còn người bạn của chàng rể đứng đó và lắng nghe chàng, thì cũng hớn hở vui mừng vì được nghe giọng nói của chàng.”(Ga 3,29).
Mặt khác, mối quan hệ của người vợ với người chồng còn là mối quan hệ của Hội thánh với Đức Kitô. Đó là lý do tại sao khi bàn về hôn nhân, thánh Phaolô lại nói: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh.”(Ep 5,32) Sự viên mãn sau cùng của cuộc hôn lễ này giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người sẽ được tìm thấy nơi biến cố phục sinh, khi Hội thánh “không có vết nhăn hay tỳ ố” sẽ xuất hiện “như tân nương điểm trang để đón tân lang” hay như “hiền thê của Con Chiên” (Ep 5,27; Kh 21,2.9; x. Kh 22,17).
Bí tích Hôn phối
Bí tích Hôn phối không phải là một phần phụ đạo được thêm vào khế ước hôn nhân; đúng hơn Bí tích Hôn phối là việc nâng cao một khế ước hôn nhân tự nhiên lên cấp bậc ân sủng, trong đó người chồng yêu thương người vợ, như Đức Kitô yêu thương Hội thánh, và người vợ yêu thương người chồng như Hội thánh yêu thương Đức Kitô. Người chồng và người vợ không chỉ là biểu tượng của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh; mà họ còn được dự phần thật sự vào sự kết hợp đó. Như Đức Kitô sống trong Hội thánh và Hội thánh sống trong Đức Kitô, nên người chồng cũng sống trong người vợ và người vợcũng sống trong người chồng, và cả hai cùng nên một xương một thịt.
Vai trò của linh mục trong bí tích này chỉ là chuẩn nhận, làm chứng và ban tặng phúc lành chính thức của Hội thánh cho những người mà từ nay Hội thánh trao quyền cho họ để sản sinh các thành viên mới cho Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Bí tích Hôn phối là một bí tích mà trong đó đôi bên kết ước chính là những thừa tác viên dành cho nhau. Nơi những lời nói và cử chỉ trao tay của người này đối với người kia, có một sự trao ban quyền lợi và đón nhận bổn phận dành cho nhau. Nhưng để trở thành một bí tích, phải có một vị đại diện của Hội thánh ở đó để làm chứng.
Bí tích Hôn phối, dựa trên sự gắn bó lẫn nhau giữa người nam và người nữ, chỉ đóng một vai trò nhỏ bé trong việc phản ánh hôn lễ lớn lao hơn giữa Đức Kitô và Thân Thể của Người, là Hội thánh. Từ “thân thể” được dùng khắp nơi trong Kinh Thánh để biểu thị không chỉ thân xác con người, mà còn là Mình Thánh Chúa hay Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô, và còn là Nhiệm Thể là Giáo hội.
Ở một khía cạnh nào đó, cả ba đều thống nhất với nhau. Trong buổi lễ hôn phối, chàng rể tuy không nói rõ ràng nhưng vẫn hàm ý với cô dâu rằng: “Đây là mình tôi; đây là máu tôi.” Cô dâu cũng nói với chàng rễ như vậy. Đó là một dạng “dâng hiến” ở cấp độ thấp hơn. Khi trong Thánh lễ, họ nghe biết những lời Truyền phép, “Đây là Mình tôi; Đây là Máu tôi”, thì họ cũng dâng chính mình cho Đức Kitô trong cùng một hành động, và như thế họ cũng dâng chính mình cho nhau. Bài Thánh thư trong Thánh lễ hôn phối nhắc nhở họ về sự ràng buộc như thế đối với Hội thánh:
Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. (Ep 5,22-24)
Người chồng là “đầu” của người vợ, như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh. Với tư cách là Đầu, Đức Kitô đã làm gì cho Hội thánh? Người đã chết vì Hội thánh. Vì vậy, những người chồng cũng phải thể hiện tình yêu đối với vợ mình. “Địa vị làm đầu” không phải là địa vị làm chủ tể, mà là yêu thương đến mức hiến mình. Về phần mình, người vợ cũng sẽ bày tỏ cho người chồng thấy lòng tận tuỵ và tình yêu mà Hội thánh đã dành cho Đức Kitô.
Thánh Tôma Aquinô
Để làm rõ thêm về việc Giáo hội xem hôn nhân là biểu tượng của Chúa Kitô và Hội thánh cách hệ trọng đến mức nào, thánh Tôma Aquinô phân biệt giữa một cuộc hôn nhân chỉ đơn thuần được chuẩn nhận tại bàn thờ với một cuộc hôn nhân được chuẩn nhận và hoàn hợp, khi vợ chồng trở thành một xương một thịt. Giáo hội luôn phân biệt điều này về phương diện giáo luật liên quan đến hôn nhân. Một cuộc hôn nhân chỉ được chuẩn nhận tại bàn thờ, nhưng không được hoàn hợp, tiêu biểu cho sự kết hợp của Đức Kitô với linh hồn nhờ ân sủng. Một cuộc hôn nhân được chuẩn nhận tại bàn thờ và được hoàn hợp trong hành vi hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp của Đức Kitô và Hội thánh.
Cuộc hôn nhân chỉ được chuẩn nhận là một biểu tượng về sự kết hợp riêng tư của linh hồn với Đức Kitô nhờ ân sủng. Sự kết hợp này có thể bị phá vỡ bởi tội lỗi. Vì vậy, nếu một cặp vợ chồng ly thân ngay sau cuộc hôn lễ tại cửa nhà thờ, và không bao giờ hoàn hợp cuộc hôn nhân của mình, thì cuộc hôn nhân đó có thể bị phá vỡ trong những điều kiện nhất định, bởi vì nó chỉ là biểu tượng của sự kết hợp giữa linh hồn và ân sủng. Nhưng dây hôn nhân của một cặp vợ chồng có rửa tội đã được hoàn hợp thì hoàn toàn không thể phá vỡ được, vì sự kết hợp của Chúa Kitô và Hội thánh là không thể phá vỡ.
Tác giả: Fulton J. Sheen - Nguồn: catholicexchange.com (30/7/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/dtgm-fulton-j-sheen-hon-nhan-la-mot-bieu-tuong-cua-hon-le-giua-duc-kito-va-hoi-thanh.html