Vai trò làm chồng và làm cha

VAI TRÒ LÀM CHỒNG VÀ LÀM CHA

 

Vai trò Làm Chồng

Báo phụ nữ có tổ chức một diễn đàn mang tên "chấp nhận hay không những người làm chồng vô tư ?". Ðối với những cô vợ trẻ, thật lòng mà nói, quả khó mà trả lời câu hỏi "chấp nhận hay không". Nhiều gia đình xem ra hạnh phúc, không có những chuyện xào xáo giữa vợ chồng, cuộc sống hôn nhân dường như bình thản trôi theo ngày tháng. Nhưng không phải là gia đình đó không có vấn đề. Sự bất mãn âm ỉ cháy và lớn lên ngày này qua ngày khác.

Một người vợ tâm sự: "Khác với chồng chị Dung, chồng tôi là một cán bộ, anh sống vô cùng liêm khiết và tỏ ra rất có trách nhiệm đối với công việc. Nhưng cuộc đời anh ấy hầu như chỉ để dành cho công việc, còn gia đình đối với anh dường như chỉ là một quán trọ để anh ngủ qua đêm và trú mưa tránh nắng".

Một chị khác than thân: "Còn ông chồng tôi, luôn luôn tích cực với công tác nhà xứ, quan tâm đến mọi vấn đề xã hội, lo toan đủ mọi chuyện bức xúc của anh em hàng xóm, nhưng đối với việc nhà, việc học hành của con cái, việc giúp cho gia đình giải trí vui chơi, anh luôn luôn coi đó là chuyện nhỏ, có gì đâu mà phải đặt thành vấn đề, hay mọi khó khăn bất ổn theo dòng thời gian đều sẽ ổn thôi !".

Làm sao để gia đình được ấm êm, hạnh phúc? Những yếu tố nào làm rường cột cho hạnh phúc gia đình? Gia đình nào cũng được cấu tạo bởi ba thành phần: chồng hay cha, vợ hay mẹ, và con cái. Người chồng hay người cha là chiếc mái che mưa chống nắng. Người vợ hay người mẹ là rường cột nâng đỡ cho nóc nhà. Còn con cái là tất cả những chi tiết khác làm cho mái ấm được khang trang vững bền. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào người chồng, người cha rất nhiều, một cách cụ thể tùy thuộc vào khả năng bao bọc, chở che, cần cù, can đảm, tâm lượng bao dung tha thứ, hay bản lãnh... của người chồng, người cha.

Như thế, đối với người đàn ông trong gia đình, yêu nhau, lấy nhau, chung sống với nhau chỉ là giai đoạn khởi đầu để bắt đầu bài học làm chồng, làm cha cho suốt cả đời người và trong chính cuộc sống bình dị của mình. Có như thế người chồng hay người cha mới tạo được hạnh phúc vững bền, mưu ích cho chính mình và xã hội.

1. Biết mình biết người

Biết mình biết người, từ ngữ này mới nghe tưởng chừng thật đơn giản, dễ dàng: "tôi không biết mình thì còn ai biết?", hay "vợ tôi mà tôi không biết sao?". Trong thực tế, khi đụng chuyện mới vỡ lẽ ra: "sao thế giới các bà bí ẩn quá!", "tôi không hiểu bà ấy muốn nói gì!".

Muốn hiểu thì phải thắc mắc, phải đi tìm lời giải đáp và chắc chắn phải quan tâm hơn về "cái xương sườn cụt" của mình. Mấy thằng bé trong xóm tôi cứ lải nhải ca cẩm: "Con gái nói không là có...". Hẳn nhạc sĩ Ngọc Lễ, người sáng tác bài ca ấy, đã hiểu đâu là nguyên ủy để xây dựng tình yêu đích thực với bạn tình Phương Thảo của mình.

- Ta biết ta là nam và có một người nữ đi cùng.

- Ta biết ta vô tâm, nhưng bên cạnh ta có người dễ quan tâm đến mọi vấn đề.

- Ta biết ta vô tư, nhưng người bên cạnh ta luôn để ý mọi chuyện lớn nhỏ trên đời.

- Ta biết ta hay trầm tư, nhưng người bạn của ta luôn luôn cần ta ngỏ lời, cho dù chỉ bằng ánh mắt.

2. Nói ngôn ngữ mà nàng hiểu

Nghe một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói, tôi thấy nó phát ra những âm thanh mà tôi không sao hiểu được. Thế mà mẹ nó phiên dịch cho tôi từng lời. Trong đời sống vợ chồng, không dễ gì làm cho nhau đổi thay, nhưng điều dễ làm hơn là chấp nhận nhau và hiểu nhau để cùng hòa hợp và làm cho đôi tim đập chung một nhịp.

Trong đời sống vợ chồng còn có cả một sức sống mãnh liệt mà Thượng Ðế ban tặng. Ðó là đời sống tình dục mà ngôn ngữ biểu tượng của nó thật xúc tích và phong phú, gắn bó sâu chặt vào sứ mạng yêu thương và làm cho mặt đất phong nhiêu hơn.

Nhưng trong thực tế, nhiều đôi vợ chồng ly tán vì không hòa hợp trong cái lãnh vực khó nói nhưng không thể thiếu trong đời sống vợ chồng ấy. Người chồng phải luôn luôn chứng tỏ lòng ưu ái đối với vợ, chăm sóc quan tâm đến vợ, lời nói dễ đón nhận nhất là lời nói phát xuất tự con tim đầy trắc ẩn, chan chứa tình cảm thân thương, nó sẽ làm cho người vợ nhớ mãi.

3. Ðồng hành với vợ

"Ðang ngủ ngon bỗng nghe tiếng khóc thét của trẻ trong đêm làm tôi thức giấc, và sau đó tôi nghe thấy một tràng than phiền của chồng: "Kỳ quá! sao em cứ để nó khóc hoài! nó khóc hoài làm sao anh ngủ được?... Bực quá! ngày mai anh còn phải đi làm nữa đấy!"".

Ðối với con cái, giữa hai vợ chồng, ai có trách nhiệm hơn ai? Ngày nay, trong cuộc vượt cạn của các sản phụ thường có sự góp mặt của các ông chồng bên cạnh. Ðó quả là một nguồn trợ lực tích cực nhất cho các bà lúc mang nặng đẻ đau.

Ở Nhật-bản, các ông chồng thỉnh thoảng lại chuyển đổi vai trò với vợ, các ông trở về nhà mình đóng vai trò nội trợ trong gia đình để hiểu những khó khăn, trăn trở của các bà trong nghề nội tướng.

Tại Tây-ban-nha, chính phủ đang chi phí một ngân sách 876.000 đô-la cho các chương trình vận động giới đàn ông trong nước làm việc nội trợ nhiều hơn. Một chương trình vận động, quảng cáo trên truyền hình chiếu cảnh một doanh nhân đang đi dạo chơi với người vợ vốn rất ít được chồng giúp đỡ việc nhà. Chương trình kết thúc với khẩu hiệu: "Ðừng chỉ nói mà thôi!" Mỗi gia đình là một trách nhiệm cần được chia sẻ. Một công trình nghiên cứu do viện phụ nữ ở Madrid thực hiện cho biết trung bình mỗi tuần các ông chồng Tây Ban Nha chỉ bỏ ra 2 giờ 30 phút để chăm sóc nhà cửa con cái, trong khi các bà vợ mất hết 9 giờ.

Nói tóm lại, khi người chồng cùng đồng hành với vợ thì mới cảm thông được những chuyện nhỏ, nhưng nhờ vậy mà làm nên cả một hạnh phúc cho mái ấm gia đình.

Vai Trò Làm Cha

1. Người cha phải khoan dung, đại lượng:

Con cái cần được ai đó chứng tỏ tình yêu mà họ dành cho chúng. Cha nào mà không yêu con, thương con, mến con... Nhưng điều cần thiết là phải làm sao chứng tỏ được tình yêu của mình cho chúng thấy. Người cha sống trong gia đình cần phải luôn luôn thể hiện sự rộng lượng của mình đối với con cái, rộng lượng về tình cảm, về lòng tha thứ, không nhỏ mọn. Người cha cần phải thể hiện tinh thần quân tử, đừng bao giờ tỏ ra hẹp hòi, đừng coi trọng cá nhân mình mà không nghĩ đến người khác. Người cha cũng cần có óc phục thiện, luôn thành thật và không bao giờ giả dối.

"Ngày tôi còn bé, mẹ tôi hay nói với tôi: "Bố con là số một". Tôi không để ý cho lắm câu nói trên khi mình vẫn còn trong tuổi bồng bột. Nay đến tuổi trưởng thành, tôi mới khám phá thêm về hình ảnh cha tôi. Trước năm 1975, cha tôi là một nhà giáo. Nay cha tôi già yếu nhưng vẫn luôn luôn là điểm tựa cho mọi người trong gia đình: điểm tựa về kiến thức, về cách sống. Chưa lần nào cha tôi lớn tiếng la mắng, mà chỉ rất nhỏ nhẹ trước những lầm lỗi của anh chị em tôi. Còn gì hạnh phúc bằng có một người cha như thế !".

"Ðối với tôi, người cha luôn luôn là một biểu tượng sống động nhất trong gia đình, một biểu tượng không thể thay thế được: nghiêm khắc nhưng khoan dung, cương quyết nhưng độ lượng, thịnh nộ nhưng tha thứ, xa cách nhưng rất gần gũi, yêu thương nhưng công bằng. Người cha vừa là biểu tượng cho một thế hệ đi trước đầy kinh nghiệm sống, vừa là chiếc cầu nối giữa hai thế hệ trong gia đình".

2. Phải dành thì giờ cho con cái:

Các nhà tâm lý xã hội học, các nhà giáo dục Mỹ vừa lên tiếng báo động về quĩ thời gian dành cho việc chăm sóc con cái trong các gia đình Mỹ là quá ít. So với những công việc khác, thời gian mà các bậc cha mẹ dành để làm những việc thiết yếu cho con cái như lo cho chúng tắm rửa, ăn uống, đọc sách, chơi đùa... là quá hiếm hoi. Trung bình, một người mẹ có đi làm thường chỉ dành cho con khoảng 6, 6 giờ mỗi tuần, so với trước là 35, 1 giờ. Còn người cha có đi làm thì khoảng 2, 5 giờ, so với trước là 17, 4 giờ. Các chuyên gia về gia đình cho rằng: một trong những chức năng của cha mẹ là hướng dẫn con cái vào những lúc rảnh rỗi trong những công việc của chúng đối với gia đình, trong cách xử sự đối với bạn bè, trong những việc chúng cần phải làm. Thời gian dành cho việc chăm sóc con cái phải là "thời gian chất lượng", không thể là thời gian thừa thãi, nghĩa là những lúc mình mệt mỏi không thể làm gì khác được.

3. Phải hiểu thế giới tâm hồn của con cái:

Muốn thế, người cha phải coi mình là đứa trẻ để hiểu chúng và trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của chúng. Những giây phút chuyện trò đó đem lại niềm vui cho cả cha lẫn con. Vui chơi, giải trí đối với các em không chỉ là phương tiện để lấp đi số giờ dư, mà còn là để các em tập sống đúng hướng cho các em bước vào đời. Và qua vui chơi giải trí, người cha khám phá ra cá tính của con mình và những cái nó không thể giãi bày cho ta được.

4. Cần thiết lập những giới hạn

Ðối với con cái, cần thiết lập cho chúng những giới hạn, một cách chính xác và công bằng: "Trong các gia đình nền nếp Việt Nam, tôi thấy có cách xử phạt đáng suy nghĩ: người lớn bắt trẻ em nằm sấp trên giường, kể tội cho trẻ nghe. Có người hỏi: con đã biết tội con chưa? Có đáng đánh đòn không? Sau đó họ dùng roi quất vào mông trẻ kèm theo lời căn dặn phải chừa bỏ, và nếu tái phạm thì phải chịu đòn nhiều hơn. Mặc dù không ủng hộ roi vọt, nhưng tôi cũng thấy cách này có nhiều ưu điểm. Trước hết, nó thể hiện rõ tính nghiêm túc của công việc uốn nắn, giáo dục trẻ; thứ đến nó bảo đảm thái độ đúng đắn của bậc cha mẹ, và sau cùng nó không thô bạo, chà đạp nhân phẩm, nhân cách của trẻ".

Ðể giáo dục con cái, người cha phải là mẫu mực để giúp chúng nhận ra đâu là phải, đâu là trái, giúp chúng có thái độ chuẩn mực khi bước vào cộng đồng xã hội với một trách nhiệm xây dựng cộng đồng đó. Chính quan niệm sống hôm nay của người cha ảnh hưởng mạnh mẽ trên con cái trong tương lai. Vì thế, người cha cần phải:

- thưởng phạt công minh

- phạt vì yêu thương, vì muốn con nên tốt

- lời răn dạy thật từ tốn, nhưng chan chứa khoan dung và thăng tiến, chứ không trì chiết, chà đạp chúng.

5. Những giây phút thư giãn:

Cần phải tạo ra những giây phút thư giãn và không gian thoải mái cho con cái và gia đình: Nếu bản thân người cha luôn luôn lạc quan, đầy nhựa sống, thì điều đó sẽ tạo cho con cái những giây phút nhẹ nhàng và thoải mái. Nhờ thế, gia đình không còn là không gian trống vắng nhưng thật sự là điểm hội tụ của mỗi người. Tiếng cười sảng khoái thật dễ lây lan. Quả thật khi người ta vui, tất cả những gì người ta gặp đều trở nên thích thú, kể cả những gì hết sức bình thường. Khi người ta vui vẻ, người ta trở nên dễ cảm thông, dễ gần gũi và trao đổi hơn.

Lời Kết

Món quà đẹp nhất không đến từ những chiếc hộp mà đến từ trái tim của bố mẹ và nó sẽ tồn tại mãi trong suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ em nào cũng nằm lòng câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn". Nhưng cái gì có thể ghi khắc được tình yêu đó vào lòng con trẻ nếu không phải là thái độ của cha đối với con qua cách thể hiện ở hành động thiết thực dành cho chúng. Sau đây là một lời minh họa cụ thể:

"Cả đời tôi luôn luôn văng vẳng lời trăn trối của cha: "Con hãy luôn luôn sống cho xứng đáng với giá trị của một con người, con nhé!" Cha tôi đã vĩnh biệt trần gian với khuôn mặt thật bình yên thanh thản. Hiện nay, tôi và em gái tôi đều làm nghề dạy học, nghề mà cha tôi hằng quí trọng. Em gái tôi đã có chồng và đã có mái ấm gia đình riêng. Mẹ tôi vẫn ở chung với tôi. Tôi đã có vợ và hai con như một qui luật tự nhiên. Giờ đây tôi lại đặt niềm hy vọng và mơ ước nơi các con tôi. Tôi lại thấy mình phải có bổn phận và trách nhiệm đối với các con".

Con cái chúng ta chính là bản thân tương lai của chúng ta, là "cái tôi" khác của chúng ta. Và chúng ta sẽ sống mãi với thời gian trong con cái, trong những thế hệ mai sau của chúng ta. Vì thế, những gì chúng ta làm cho con cái, là chúng ta làm cho chính chúng ta, cho bản thân tương lai của chúng ta.