TẠI SAO HÔN NHÂN DỄ TAN VỠ? 10 NGUYÊN NHÂN CHÍNH VÀ CÁCH NGĂN NGỪA
TẠI SAO HÔN NHÂN DỄ TAN VỠ?
10 NGUYÊN NHÂN CHÍNH VÀ CÁCH NGĂN NGỪA
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải. Đại đa số mọi người kết hôn với ý định rằng nó sẽ kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, theo Forbes Advisor, tỷ lệ các cặp đôi ly hôn ở Mỹ là 43% đối với những cuộc hôn nhân lần đầu. Những cuộc hôn nhân tiếp theo có xu hướng thất bại với tỷ lệ thậm chí còn cao hơn.
Con số này rõ ràng là đáng báo động, nhưng nó có thể phản ánh một phần những thách thức mà các cặp đôi ngày nay phải đối mặt, thường do công nghệ mới mang lại và kết quả là thế giới đã trở nên “nhỏ hơn” hơn nhưng cũng ít ổn định hơn. Sau đây là một số căng thẳng và áp lực mà các cặp đôi đang phải chịu đựng và một số cách để vượt qua chúng.
1. Lo lắng về bất ổn toàn cầu
Ngày nay, chúng ta có thể truy cập tin tức 24/7. Trong khi điều này giúp chúng ta được cập nhật thông tin, nó cũng khiến chúng ta cảm thấy lo lắng hơn về tình trạng của cả hành tinh: từ chiến tranh và xung đột đến các vấn đề môi trường, chúng ta có thể cảm thấy liên tục bất an và căng thẳng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, từ đó có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta.
Ví dụ, nếu một trong hai người cảm thấy chán nản hoặc buồn phiền, họ có thể tách mình khỏi các hoạt động bình thường và điều này có thể tạo thêm gánh nặng cho người kia, dẫn đến mức độ căng thẳng gia tăng giữa cặp đôi, theo báo cáo của NIH.gov.
Bạn có thể làm gì?
Mặc dù điều quan trọng là phải cập nhật thông tin về những gì đang diễn ra trên thế giới, nhưng những lúc hơi ảm đạm, bạn có thể khuyến khích nhau tắt tin tức một chút. Bạn cũng có thể thử theo dõi những tin tức tích cực giúp bạn có động lực hơn, như GoodNewsMovement. Điều quan trọng nhất là hãy đi dạo và nói về những điều có tác động tích cực đến bạn với tư cách là một cặp đôi.
2. Căng thẳng về tài chính
Vấn đề tiền bạc từ lâu đã là nguyên nhân gây tranh cãi và căng thẳng ở các cặp đôi. Việc chi phí sinh hoạt tăng cao đang gây thêm áp lực cho ví tiền và do đó nó càng không có lợi cho hôn nhân.
Bạn có thể làm gì?
Đầu tiên, điều quan trọng là phải nêu lên vấn đề tiền bạc và các cặp đôi phải biết tình hình tài chính của gia đình. Việc lập ngân sách gia đình phù hợp với kỳ vọng của cả hai vợ chồng cũng rất quan trọng. Nếu bạn không giỏi lập ngân sách, có những công cụ trực tuyến hữu ích để giúp đỡ bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn gặp vấn đề tài chính nan giải, việc tự giải quyết có thể rất khó khăn. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để cố gắng tìm giải pháp cho tình hình của bạn.
3. Thay đổi nơi làm việc
Một trong những mặt tích cực của đại dịch covid là sự gia tăng số lượng người có thể làm việc tại nhà. Đối với một số cặp đôi, điều này đã chứng minh được lợi ích trong việc cho phép họ linh hoạt hơn và giảm bớt căng thẳng khi đi làm hàng ngày. Tuy nhiên, đối với một số người, việc có vợ/chồng ở bên cạnh 24/7 có thể gây khó chịu và có ít ranh giới hơn trong sinh hoạt hàng ngày của bạn, nghĩa là công việc sẽ len lỏi vào cuộc sống gia đình nhiều hơn.
Bạn có thể làm gì?
Nếu bạn muốn tiếp tục làm việc tại nhà, điều quan trọng là phải xác định lịch làm việc một ngày phù hợp. Nếu có thể thì bạn cũng nên cố gắng thiết lập các khu vực làm việc riêng biệt mà không làm ảnh hưởng đến vợ hoặc chồng mình. Và mặc dù có thể rất hấp dẫn khi chỉ dùng bữa trưa ở nhà, hãy thử gặp gỡ bạn bè hoặc đồng nghiệp để bạn có thể cho vợ/chồng bạn nghỉ ngơi và bước ra ngoài thế giới.
4. Công nghệ và điện thoại thông minh
Điện thoại thông minh là một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra căng thẳng trong hôn nhân với vô số lý do! Một lý do là chúng làm bạn mất tập trung vào những việc cần phải làm ở nhà hoặc với gia đình.
Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng giúp các nhiệm vụ trở nên thuận tiện hơn và đã cho thấy giúp tiết kiệm thời gian. Bạn có thể sử dụng điện thoại của mình để mua sắm, xem phim, gọi đồ ăn và thậm chí nó còn giúp tạo thói quen cầu nguyện. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng luôn gắn chặt vào bàn tay chúng ta.
Bạn có thể làm gì?
Điều dễ nói là tắt nó đi. Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng điều này thật khó thực hiện. Nhưng nếu bạn nỗ lực có dự tính dành thời gian để cả hai vợ chồng đều để điện thoại ở chế độ im lặng, thì đó là một khởi đầu tuyệt vời. Hãy thử cất điện thoại thông minh của bạn vào ngăn kéo trong vài giờ và thực sự bắt đầu nói chuyện với nhau. Nếu điều đó có vẻ quá lâu, hãy thực hiện các bước nhỏ và không dùng điện thoại thông minh trong giờ ăn, chẳng hạn như vậy.
5. Mạng xã hội
Một trong những vấn đề lớn nhất với mạng xã hội là nó tạo ra những kỳ vọng phi thực tế. Nếu bạn lướt qua bảng tin của mình, bạn sẽ thấy vô số bài đăng về những cặp đôi dường như hoàn hảo với mái ấm không chê vào đâu được, những đứa con sạch sẽ và hạnh phúc, thân hình lý tưởng, những bữa ăn được chế biến một cách yêu thương và được trình bày tinh tế, cùng với những công việc cho phép họ có những kỳ nghỉ bất tận trên du thuyền ở những nơi xa xôi.
Trong khi hầu hết chúng ta biết điều này là phi thực tế, nhưng nó vẫn tạo ra cảm giác rằng có điều gì đó tốt đẹp hơn ngoài kia dành cho chúng ta. Đáng buồn thay, cỏ hiếm khi xanh hơn ở phía bên kia hàng rào, và thực tế là chúng ta cần trân trọng những gì mình đang có.
Bạn có thể làm gì?
Điều hiển nhiên là hãy giữ một khoảng cách nào đó với mạng xã hội. Nếu không, hãy cố gắng sáng suốt hơn với người bạn theo dõi. Hãy nhìn vào những người thực sự có tác động tích cực đến cuộc sống của bạn vì những gì họ làm chứ không phải bề ngoài của họ.
6. Vấn đề lòng tin
Trong khi mạng xã hội tạo ra những kỳ vọng phi thực tế, nó cũng có thể thúc đẩy sự ngờ vực ở các cặp đôi. Mọi người có thể kết nối lại với những mối tình trong quá khứ hoặc kết nối với những người hoàn toàn xa lạ mà có thể dẫn họ đi vào con đường rất nguy hiểm. Nếu vợ/chồng của bạn bận rộn tương tác trực tuyến với “bạn bè” hơn là với bạn thì điều này sẽ chỉ gây ra sự ghen tuông và nghi ngờ. Trên thực tế, chỉ riêng Facebook đã là nguyên nhân gây ra một số vụ ly hôn trong những năm gần đây, theo các luật sư gia đình.
Bạn có thể làm gì?
Trong khi một số cặp đôi chia sẻ tài khoản để tạo ra một hoạt động minh bạch trong việc sử dụng mạng xã hội, thì những cặp đôi khác vui vẻ chia sẻ những gì họ làm trực tuyến với người bạn đời của mình. Mặc dù điều này chắc chắn có lợi, nhưng một số cặp vợ chồng khao khát một chút riêng tư trong hôn nhân của họ và hôn nhân nên được xây dựng trên sự tin tưởng.
Trong trường hợp này, bạn phải cố gắng trấn an người bạn đời của mình bằng cách kết nối với họ trực tuyến, không kết nối lại với những mối tình cũ và kiên trì sử dụng mạng xã hội như một công cụ giao tiếp tích cực, tránh các tài khoản có thể dẫn đến cám dỗ.
7. Sự suy giảm giao tiếp
Bạn biết những chiếc điện thoại thông minh đó chứ? Vâng, chúng đang gây ra sự tàn phá theo rất nhiều cách. Vì chúng ta quá chú ý đến màn hình của mình, nghệ thuật trò chuyện dường như bị mất đi. Chắc chắn bạn sẽ nhận thấy khi bạn đi ra ngoài và thấy việc có một số cặp đôi đến nhà hàng và hầu như không nói một lời nào với nhau, thích liếc điện thoại của họ hơn.
Nếu mọi người quên cách giao tiếp, tình cảm cặp đôi chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm. Kết quả có thể là sự gia tăng những hiểu lầm.
Bạn có thể làm gì?
Một lần nữa, đã đến lúc cất điện thoại đi. Hãy cố gắng dành ra ít nhất một đêm trong tuần để bỏ điện thoại. Tránh mang điện thoại vào phòng ngủ bằng mọi giá, hoặc nếu có, hãy cất chúng trong ngăn kéo và cố gắng cùng dành thời gian mỗi ngày để chia sẻ tin tức của nhau.
8. Hiện tượng “tôi” chứ không phải “chúng ta”
Bất cứ nơi nào bạn nhìn trên mạng xã hội, bạn sẽ thấy vô số bài đăng của mọi người nói về việc muốn/cần “thời gian cho bản thân”. Có vẻ như các cô gái/chàng trai đi chơi đêm hoặc đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, để lại vợ hay chồng ở nhà một mình.
Mặc dù việc nghỉ ngơi là quan trọng, nhưng điều quan trọng nữa là “thời gian cho bản thân” không được gây bất lợi cho cặp đôi. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta xem xét mức độ chú ý của chúng ta dành cho sự phát triển cá nhân. Một lần nữa, với tư cách cá nhân, tất cả chúng ta nên tìm cách không ngừng phát triển và cải thiện bản thân, nhưng thách thức thực sự là đảm bảo vợ/chồng của bạn cũng là một phần của sự phát triển đó.
Bạn có thể làm gì?
Mặc dù việc dành thời gian nghỉ ngơi là quan trọng, nhưng điều cũng thiết yếu là phải trân trọng người bạn đời của bạn và dành thời gian cho họ. Nếu bạn có gia đình có thể giúp đỡ, hãy cố gắng tìm thời gian trong năm để có thể tập trung vào bản thân xét như một cặp đôi. Ví dụ, một chuyến tĩnh tâm có thể là nguồn cảm hứng thực sự cho nhiều cặp đôi.
9. Thiếu hệ thống hỗ trợ
Ngày càng có nhiều cặp đôi rời xa quê hương của họ. Điều đó có nghĩa là họ cũng đang rời xa những người thân có thể giúp đỡ chăm sóc con cái, giúp đỡ việc sửa chữa hoặc chỉ đưa ra lời khuyên và một tách trà thân thiện khi mọi thứ khó khăn.
Bạn có thể làm gì?
Vâng, nhờ có điện thoại thông minh, chúng ta có thể liên lạc với những người thân yêu của mình chỉ bằng một cú chạm. Điều quan trọng là phải thường xuyên liên lạc với người thân và thậm chí bạn có thể xác định thời gian để trò chuyện đều đặn. Bạn cũng có thể đảm bảo rằng mình trở thành một thành viên tích cực của giáo xứ và bạn sẽ sớm tìm thấy không chỉ những người bạn có cùng giá trị mà còn chắc chắn còn một số người sẵn lòng trông trẻ.
10. Áp lực vô tận đối với cha mẹ
Việc nuôi dạy con cái ngày nay khác xa với cách cha mẹ hoặc ông bà nuôi dạy chúng ta. Có vô vàn áp lực để trở thành cha mẹ hoàn hảo. Trường học dường như tạo ra những dịp mà con bạn cần đến lớp để có được thêm những thứ gì đó. Ngoài ra, còn có những cơ hội khác dành cho con bạn mà có thể khiến bạn cảm thấy ngập ngụa về mặt tài chính và thời gian.
Và thêm vào đó, bạn cũng sẽ rất lo lắng đảm bảo rằng con bạn tránh xa mạng xã hội và không vừa nhắn tin vừa lái xe. Có thể hiểu được tại sao điều này có thể gây căng thẳng cho bất kỳ cặp đôi nào.
Bạn có thể làm gì?
Đầu tiên, bạn cần phải chấp nhận rằng bạn không thể làm mọi thứ cho con mình. Bạn chỉ có thể làm tốt nhất có thể. Tìm hiểu những trận chiến nào đáng để chiến đấu, đừng tìm kiếm sự hoàn hảo và đừng cảm thấy mình kém cỏi so với tất cả những gì bạn thấy trên mạng xã hội. Cuối ngày, con bạn muốn cha mẹ của chúng hiện diện và không coi việc làm cha làm mẹ là một gánh nặng. Hãy tắt máy, học cách nói không và cùng nhau đón nhận niềm vui/sự hỗn loạn của cuộc sống gia đình – và đừng quên nhờ giúp đỡ khi mọi thứ trở nên khó khăn.
Lời khuyên của Đức Giáo hoàng
Trước đây, các Giáo hoàng đã nhắc lại tầm quan trọng của hôn nhân, không chỉ đối với cặp vợ chồng và gia đình họ, mà còn đối với Giáo hội và cộng đồng nói chung. Như Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ, hôn nhân là một món quà từ Chúa, Ngài nói rằng:
“Hôn nhân luôn là một món quà! Lòng chung thủy vợ chồng dựa trên lòng trung thành với Chúa; hoa trái của vợ chồng dựa trên hoa trái mà Chúa ban cho.”
Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng:
“Tình yêu hôn nhân không thể tách rời khỏi hôn nhân, nơi tình yêu mong manh và hạn hữu của con người chạm với tình yêu thần linh, một tình yêu luôn trung thành và đầy lòng xót thương”.
Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ rằng vào những lúc gặp khó khăn trong hôn nhân, các cặp đôi nên nương tựa vào Chúa Thánh Thần để tránh phá hủy sự hiệp nhất.
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Cerith Gardiner
Chuyển ngữ: Huyền Đào | CTV Jescom – Truyền Thông Dòng Tên
https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/tai-sao-hon-nhan-de-tan-vo-10-nguyen-nhan-chinh-va-cach-ngan-ngua.html