Tuổi già đáng gia bao nhiêu?
Tuổi già đáng gia bao nhiêu?
“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật muôn đời của kiếp nhân sinh. Đã được sinh ra trên đời ắt có ngày trở về với cát bụi. Dẫu biết là vậy, nhưng tuổi già vẫn là điều gì đó không dễ dàng để đón nhận đối với nhiều người. Sức khỏe suy yếu, vẻ ngoài nhăn nheo, tinh thần không còn minh mẫn cùng những tiếc nuối cho thời son trẻ đã khiến nhiều người phải đau khổ khi trải qua những năm tháng bên kia sườn dốc của cuộc đời. Phải chăng tuổi già là vô dụng? Hay nó còn ý nghĩa nào khác không? Có lẽ chính góc nhìn của chúng ta về tuổi già đóng vai trò định hình thái độ của chúng ta đối với nó. Vậy tuổi già đáng giá bao nhiêu?
Chúng ta đang đối diện với một thực trạng hiện nay là nhiều người già ở các nước phương Tây phải sống trong các viện dưỡng lão. Hay ở Việt Nam cũng có một số rất đông các cụ phải sống trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều người chọn vào viện dưỡng lão vì không muốn làm phiền con cái của mình, trong khi số khác lại được chính những đứa con của mình đưa vào đó. Dù là lý do gì đi nữa thì chúng ta không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh tượng những ông bà cụ sống lủi thủi nơi đó. Thực sự mà nói ai cũng muốn sống bên cạnh con cháu của mình trong những ngày gần đất xa trời như vậy. Dù cho tiện nghi nơi viện dưỡng lão có tốt đến đâu thì thứ mà các cụ cần lại là tình yêu thương từ gia đình. Họ rất cần sự động viên và giúp đỡ từ con cháu để giúp bản thân đủ sức vượt qua những đau đớn, bệnh tật và sự yếu đuối của tuổi xế chiều.
Nói đi cũng phải nói lại, vẫn còn nhiều người già được con cháu mình chăm sóc và yêu thương hết mực. Mỗi thứ bảy, tôi có dịp đi thăm các cụ già ở nơi mà tôi đang phục vụ. Các vị ấy mặc dù già yếu, đi lại hay ăn uống khó khăn những vẫn luôn có con cái của mình bên cạnh. Thật là một niềm vui và an ủi vì họ thật may mắn. Điều này giúp họ có thêm sức mạnh để đón nhận tuổi già như một món quà. Thay vì đau khổ vì bệnh tật và sự già yếu của bản thân, họ can đảm đón nhận hoàn cảnh của mình với niềm tín thác vào sự thông hiệp với đau khổ của Đấng-đã-chịu-đau-khổ-vì-họ. Đặc biệt, các cụ sẽ cảm thấy vơi đi được cảm giác mình là gánh nặng của người khác.
Hai thực trạng trên nói đến hai cách thức hay thái độ của chúng ta đối với tuổi già của ông bà cha mẹ mình. Chúng ta không nên phê phán hay ca ngợi bên này mà bỏ mặc bên kia. Ai cũng sẽ có lý do cho mình. Điều quan trọng là việc chúng ta chọn đâu là giá trị cốt lõi cho lối sống của mình. Sẽ luôn có cách giải quyết cho từng hoàn cảnh riêng biệt. Bài viết cũng không nhằm bênh vực cho bên nào cả nhưng muốn gợi ý một số điểm để mọi người cùng suy tư.
Như vậy, tuổi già có “vô dụng” không? Về mặt kinh tế - xã hội, độ tuổi này được gọi là độ tuổi ngoài tuổi lao động, tức là không còn đóng góp về mặt kinh tế cho xã hội nữa. Những người trong độ tuổi này là những người đã nghỉ hưu, không còn là trụ cột kinh tế của gia đình. Nếu xét như vậy thì đúng là tuổi già “vô dụng.” Tuy nhiên, nếu xét rộng hơn thì không phải vậy. Con người không chỉ có giá trị về mặt vật chất, con người còn là tinh thần nữa mà.
Chúng ta đừng quên người già cũng từng là những người trẻ như chúng ta. Họ từng có hoài bão, ước mơ và chí lớn để xây đắp cuộc đời. Họ cũng từng dùng năng lực của mình để tạo ra tài sản cho xã hội. Họ đã từng là trụ cột của đất nước. Sau bao năm miệt mài với sự nghiệp của mình, giờ đây họ chấp nhận sự nghiệt ngã của thời gian, chấp nhận dừng lại và lui về sau để thế hệ trẻ bước lên. Có thể nói, người già đã dạy chúng ta biết khiêm nhường để dừng lại và chấp nhận giới hạn của bản thân. Dù ý chí của họ có muốn đến đâu thì tinh thần và thể xác vẫn không cho phép. Hơn nữa, người già còn là cha mẹ ông bà của chúng ta. Nếu chúng ta xem họ là vô dụng thì chính chúng ta mới là kẻ vô ơn. Làm sao chúng ta có được ngày hôm nay nếu không có sự hy sinh của họ?
Qua đó, chúng ta thấy xã hội có đứng vững được cũng là nhờ nền tảng của bao thế hệ đã xây dựng nên. Dù không còn làm việc trực tiếp nữa nhưng người già chính là điểm tựa vững vàng cho xã hội và cho từng người chúng ta. Người già mang trong mình sự thông thái mà thời gian đã vun đắp cho họ. Khi cần bàn hỏi thì người trẻ cần tìm đến các bậc lão thành. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên giúp gỡ rối những vấn đề mà chúng ta gặp phải vì chính họ cũng từng trải qua mà. Đừng tự cao mà nghĩ mình có thể làm được mọi thứ mà không cần đến người khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào ảo tưởng và sự háo thắng của tuổi trẻ mà xem thường người già.
Đặc biệt, người già còn là chất keo gắn kết con cháu lại với nhau. Những ai còn cha còn mẹ là còn có nhà để về. Chúng ta còn động lực để về tụ họp mỗi dịp lễ Tết. Những ai không còn cha còn mẹ sẽ hiểu rất rõ cái cảm giác lạc lõng vì không còn nơi để về. Bởi thế, chúng ta thấy vui dường nào khi chỉ cần một cú điện thoại “Con ơi, sao lâu rồi không về?” là chúng ta cảm thấy muốn về nhà ngay lập tức. Không cần lý do gì đặc biệt, chỉ cần ở nhà còn cha mẹ và ông bà là còn lý do để về. Không cần cao sang, chẳng cần mâm to cỗ đầy, chỉ cần gia đình sum vầy bên mâm cơm ấm cúng là được. Hãy trân trọng những giây phút đầy ắp tình thân vì thời gian sẽ lấy chúng đi mà chúng ta không thể để níu kéo lại được.
Mặc dù người già như tim đèn leo lét chờ ngày trở về với cát bụi nhưng họ đã từng chiếu sáng rực rỡ và đã ghi dấu ấn của mình trên lịch sử nhân loại. Cho nên, là phận làm con cháu chúng ta cần học cách kiên nhẫn với các cụ hơn. Nếu các cụ vì tay chân run rẩy mà bất cẩn làm bể đồ đạc thì xin đừng la rầy vì chúng ta cũng từng làm đổ bể đồ đạc khi còn bé mà. Cha mẹ chúng ta có la rầy chúng ta bao giờ đâu? Hãy dùng sự ân cần và bao dung mà đối đãi với các ngài. Nếu như cha mẹ không chịu ăn thì cũng đừng khó chịu vì hồi nhỏ chúng ta cũng đã từng khó ăn như vậy mà. Nếu các cụ khó ngủ thì chúng ta cũng hãy ân cần vì các ngài cũng từng thức khuya canh từng giấc ngủ cho chúng ta, đặc biệt mỗi khi chúng ta lên cơn sốt về đêm. Hãy đối xử tốt với các ngài vì khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay rồi thì chúng ta cũng chẳng còn cơ hội nào để báo hiếu đâu! Có nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì không đối xử tử tế với họ, để rồi khi họ ra đi lại làm ra vẻ hiếu thảo khi tổ chức ma chay linh đình, xây cất những ngôi mộ hoành tráng. Những điều đó chẳng có ích lợi gì nữa!
Trở về với câu hỏi ban đầu “Tuổi già đáng giá bao nhiêu?” chúng ta có thể khẳng định tuổi già là vô giá, không gì có thể đo lường được. Sách Châm Ngôn từng nhấn mạnh “đầu bạc là một triều thiên vinh dự,” (Cn 16, 31) hay sách Khôn ngoan nói “người đầu bạc thì khôn ngoan.” (Kn 4, 7-15) Tuổi già thực sự là kho báu thông thái của nhân loại. Nó không đơn giản chỉ là số tuổi mà còn là những kinh nghiệm, bài học và sự hy sinh mà năm tháng đã tôi luyện nên. Bên cạnh đó, tuổi già còn là điểm tựa cho sự phát triển của xã hội. Nếu không có những người già, xã hội như mất đi nền tảng đạo đức. Ngoài ra, người già còn là mối dây liên kết các thế hệ lại với nhau. Chính vì vậy, hãy quý trọng người lớn tuổi vì nhờ họ mới có chúng ta của ngày hôm nay. Đặc biệt, tuổi già còn là hình ảnh báo trước tương lai của chúng ta. Ai rồi cũng già. Hãy đối xử tử tế với người già để rồi đến lượt mình chúng ta cũng được tôn trọng và đối xử tử tế như vậy.
Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Web GPVL)
https://giaophanvinhlong.net/tuoi-gia-dang-gia-bao-nhieu.html