Những đức tính quan trọng của một người vợ KiTô giáo

Những đức tính quan trọng của một người vợ KiTô giáo

 

NHỮNG ĐỨC TÍNH QUAN TRỌNG CỦA MỘT NGƯỜI VỢ KITÔ GIÁO
 
Một người vợ Kitô giáo trước tiên phải là một người con, người con gái của Chúa: năng lực của chị - một phụ nữ Kitô giáo - chủ yếu là để đồng hành với chồng xây dựng tổ ấm gia đình theo đường lối Chúa. Kinh Thánh mô tả nhiều đức tính phải có của một phụ nữ Kitô giáo, nhưng ở đây xin chỉ nói đến những đức tính mà tôi cho là quan trọng nhất đối với phụ nữ.

Đức tính đầu tiên là Đức tin. Những phụ nữ được Kinh Thánh đề cập đến đều có một niềm tin đặc biệt vững chắc, sâu xa vào Chúa, vào lời Ngài hứa với chính họ và gia đình họ. Mỗi khi gặp âu lo, họ tin tưởng và phó thác cho Chúa, tin rằng lời Chúa sẽ chiến thắng. Bà Sara, Hanna, Giuđích, Étte và Maria là những “phụ nữ thánh thiện biết trông cậy nơi Chúa” (1 Pr 3,5). Lời bà Isave nói với Đức Maria cũng có thể áp dụng cho các phụ nữ trên: “Chị thật có phúc vì chị đã tin rằng những Lời Chúa phán cùng chị sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Trong thư Do Thái, Thánh Phaolô cũng nói về bà Sara tương tự như thế: “… Bà tin rằng Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành với Lời Ngài hứa” (Dt 11,11)

Trong cuộc sống hiện nay hầu như ngược lại, người phụ nữ thường cảm thấy lo sợ và bất an, buồn sầu về con cái, về chồng, về tương lai. Họ có đủ mọi chuyện để lo, đủ mọi lý do để sầu khổ: nào là vật giá leo thang, nào là bạo lực hoành hành khắp nơi, hôn nhân, luân lý bị coi thường… tương lai thì đầy bất trắc và đe dọa. Nhưng ý của Chúa là muốn người phụ nữ không phải lo sợ gì cho tương lai cả, giống như người phụ nữ trong sách Châm ngôn “tươi cười khi nghĩ đến tương lai.” (Cn.31,25).

Cách duy nhất giúp người ta có thể không lo sợ, đó là tin tưởng vào Chúa. Người phụ nữ Kitô giáo ngày nay cũng cần phải có đức tin vào nơi Thiên Chúa giống như những phụ nữ trong Kinh Thánh. Các chị cũng phải ghi nhớ trong lòng và tin tưởng chắc chắn rằng: những lời Chúa hứa đó sẽ được Ngài thực hiện.

Đức tính thứ hai là Đức ái. Đức ái không chỉ khiến các chị yêu thương thắm thết gia đình mình, mà còn thúc đẩy các chị quan tâm tích cực đến các nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa nữa. Kinh Thánh đã ca tụng các phụ nữ về sự hiếu khách, lòng bác ái và tinh thần phục vụ của họ. Đặc tính của người phụ nữ Kitô giáo là “siêng năng làm mọi việc lành”, được biểu lộ qua cách các chị lo lắng cho gia đình và cho dân Chúa. Cụ thể chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong cách các chị xây dựng tổ ấm, qua các bữa ăn các chị nấu nướng, trong việc lưu tâm chăm sóc con cái. Tình yêu còn khiến các chị tự nguyện phục vụ một cách nổi bật trong cộng đoàn như “giúp đỡ người gặp đau khổ”… ( xem 1Tm. 5,10) .

Đức tính thứ ba được Kinh Thánh gọi là tinh thần thanh thản. Thánh Phêrô gọi tinh thần này là “sự kiều diễm không phai tàn… có giá trị trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 3,4). Cách hay nhất để biết một phụ nữ có tinh thần thanh thản, đó là họ có một đời sống trật tự ngăn nắp, bình an và tin tưởng vào tương quan thân thiết với Chúa và với chồng. Nhờ vậy, các chị có thể tập trung mọi năng lực để chu toàn mọi trách nhiệm của mình, chứ không hành động vì tính hiếu kỳ hoặc do áp lực tình cảm… Các chị không nói năng bừa bãi, ngược lại cần chừng mực và làm chủ lời ăn tiếng nói của mình, tin tưởng nơi chồng mình. Kinh Thánh đã dùng nhiều từ để diễn tả đức tính này của phụ nữ: “thùy mị”, “hiền hòa”, “tinh tế”, “giản dị”, “ tùng phục”.

Người phụ nữ có tinh thần thanh thản luôn sống trong bình an, một sự bình an sâu xa. Chị sống an hòa với chính mình, với Chúa và với chồng con. Chị có sức mạnh và làm chủ sức mạnh đó, một sức mạnh khiến chị dễ thương vì chị biết rằng quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong chị để giúp chị thực hiện tất cả những gì cần thực hiện. Chị tùng phục chồng không phải vì chị thụ động hay sợ hãi, mà vì chị ý thức được vai trò và trách nhiệm và quyền hành Chúa ban cho chị trong nhiệm thể Chúa .

Trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay, người phụ nữ cảm thấy được thúc đẩy tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ đấu tranh để có được điều mình muốn. Nhưng Chúa lại thích những phụ nữ nào biết đợi đến giờ Ngài ấn định để xem mọi việc xảy ra. Đó là một thái độ quan trọng mà người phụ nữ nên ghi khắc khi sống đời hôn nhân gia đình: đừng lấn áp quyền chồng và cứ để Chúa hoạt động qua trách nhiệm và bổn phận của chồng.

Đức tính thứ tư là thánh thiện. Người phụ nữ Kitô giáo cần phải sống thánh thiện. Kinh Thánh nói về những phụ nữ biết kính sợ Chúa (Gđ 8,8) và luôn sống trong tâm tình “cầu nguyện cả ngày lẫn đêm” như từ ngữ Thánh Phaolô dùng (1 Tm 5,5). Kinh Thánh cũng có nói đến những đức hạnh rất đáng nể phục của nhiều phụ nữ Kitô giáo (Tt 2,3, 1 Pl 3,2). Tương giao thân thiện giữa người phụ nữ Kitô giáo với Chúa tạo nên một phần quan trọng trong tính tình và trong cuộc đời các chị.

Tự đào luyện tính tình để trở nên một người vợ Kitô giáo đúng nghĩa xem ra là việc khó nhất của một người vợ. Không có mấy phụ nữ tin rằng họ có thể trở nên thánh thiện, tin tưởng vững vàng và sống cho dũng cảm. Họ dễ chấp nhận hình ảnh người phụ nữ yếu đuối và hay thay đổi do nền văn hóa đưa ra. Nhưng tôi muốn nói lại với các chị điều mà có lần tôi đã chia sẻ với các ông chồng: “Chúa đã tạo nên trong con người các chị một cá tính riêng, Chúa đã ban cho các chị nhiều sức mạnh và ân sủng để làm một người phụ nữ. Khi nào các chị đón nhận ơn gọi và những ân sủng Chúa ban, khi nào các chị đóng đúng vai trò mà Chúa muốn các chị sống, thì “con người nội tâm thầm kín” (1 Pr 3,4) của các chị sẽ càng ngày càng biểu lộ ra ngoài. Thiên Chúacũng sẽ giúp đỡ các chị trưởng thành thành người phụ nữ Kitô giáo và người vợ Kitô giáo đúng nghĩa. Ngài sẽ tạo lập một tương quan giữa chị với Ngài để dùng Lời của Ngài dạy dỗ chị và nhờ Thần Khí của Ngài ban sức mạnh cho chị. Ngài cũng nâng đỡ chị qua chính chồng của chị, nhất là qua sự hướng dẫn của anh ấy đối với chị. Hãy nói cho anh ấy biết về cái mẫu phụ nữ mà chị muốn trở nên, và hãy đón nhận sự quan tâm dìu dắt của anh ấy. Chúa cũng nâng đỡ chị qua những chị em phụ nữ Kitô giáo khác, họ sẽ chia xẻ với chị sự can đảm, khôn ngoan và kinh nghiệm của họ để làm cho chị nên mạnh mẽ hơn. Chị nên lợi dụng mọi cơ hội để phát triển tình chị em với những phụ nữ khác, là những người đang sống chính cuộc sống mà Chúa đã mời gọi chị”.

Như vậy, hiểu cho đúng vai trò làm vợ là hiểu biết chính nền tảng cuộc sống gia đình. Tương quan thân thiện giữa vợ chồng lúc nào cũng vẫn là trọng tâm của gia đình và khi hai vợ chồng bắt đầu có con cái, Thiên Chúa sẽ còn tỏ cho họ thấy một phần mới mẻ hơn nữa trong chương trình của Ngài .
 
Giuse Nguyễn Hùng Cường