Tuyên Bố Chung Kết
Văn phòng Giáo dân và Gia đình thuộc LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
Hội nghị Giám mục đặc trách Tông đồ Giáo dân (BILA) lần thứ II về Gia đình
Các Gia đình ở Á châu
- phục vụ và được phục vụ
Tổng giáo phận Kuala Lumpur, Malaysia
20-24 tháng Tư 2013
Tuyên Bố Chung Kết
Dẫn nhập
1. Chúng tôi, những tham dự viên của Hội nghị các Giám mục đặc trách Tông đồ Giáo dân (BILA) lần thứ II về Gia đình, xin tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng vì đã thiết định Hôn nhân và Gia đình và nguyện xin Người tiếp tục tuôn đổ phúc lành trên các gia đình chúng ta. Hội nghị BILA II về Gia đình này suy tư về các thực tại và những thách đố các gia đình Á châu ngày nay đang phải đương đầu trong bối cảnh rất đa dạng của các nước chúng tôi.
2. Các đại biểu và thuyết trình viên và ban tổ chức đến từ 17 quốc gia[1], trong đó gồm cả 11 đức giám mục, đã gặp gỡ nhau tại Trung tâm Mục vụ thuộc Tổng giáo phận Kuala Lumpur ở Tây Malaysia từ ngày 20 đến 24 tháng Tư 2013. Được đồng tổ chức bởi Văn phòng Giáo dân và Gia đình thuộc LHĐGMAC và Ủy ban Gia đình thuộc Tổng giáo phận Kuala Lumpur, chúng tôi đã được tiếp đón một cách hết sức ân cần và hào phóng bởi các vị chủ nhà Malaysia.
3. Hội nghị BILA I về Gia đình đã được tổ chức tại Thái lan từ ngày 11 đến 16 tháng Sáu 2007 liền sau Hội nghị Khoáng đại LHĐGMAC năm 2006 tại Hàn quốc, vốn qui hướng về chủ đề Gia đình. Cuộc gặp gỡ đầu tiên này đã thảo luận về đề tài rất thiết yếu: “ Đường lối / Phương pháp để đối phó với những Thách đố trong công tác Chăm sóc Mục vụ các Gia đình trong Thế kỷ 21”.
4. Trong Hội nghị BILA II về Gia đình lần này, chúng tôi chú trọng đến sứ mệnh của gia đình như là Giáo hội tại gia - sứ mệnh được thực hiện ngay trong chính mỗi gia đình và hướng về thế giới.
Ánh sáng
5. Cùng chia sẻ những thực tế chung về gia đình và hoàn cảnh, chúng tôi cảm thấy rất được khích lệ bởi nhiều ánh sáng và ân sủng nhận được trong thời buổi này. Chúng tôi thực sự biết ơn tất cả những gia đình nào đã can đảm và trung tín sống sứ mệnh của mình làm trường học của đức tin và tình yêu, làm những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái mình cũng như biết ý thức về trách nhiệm của mình là biến đổi xã hội. Một số lãnh vực có sự phát triển tích cực như:
1) Giáo huấn Hội thánh về Bí tích Hôn phối và về Tính dục nhân bản đã được phổ biến rộng rãi hơn.
2) Ngày càng có nhiều các Ủy ban Tông đồ Gia đình và những đoàn thể lo Mục vụ Gia đình ở các cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ.
3) Người ta ngày càng có ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình cũng như ảnh hưởng của hôn nhân và gia đình đối với xã hội.
4) Gia tăng, cả về số lượng và phẩm chất, những Cộng đoàn Kitô nhỏ (Small Christian Communities – SCC) hoặc những Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản (Basic Ecclesial Communities - BEC), chúng vốn mang lại một ‘mái ấm cho mỗi người’, tức là nơi chốn để các gia đình quy tụ lại với nhau, cùng nhau chia sẻ đức tin, niềm vui và nỗi buồn, và đón nhận được nhiều ủi an nâng đỡ của nhau.
5) Các Phong trào thuộc Giáo hội về gia đình đang có một vai trò hữu hiệu trong việc huấn luyện đức tin và biến đổi các gia đình.
6) Ngày càng có nhiều người dấn thân ủng hộ các chính sách phò gia đình, cũng như san bằng những cách biệt qua việc nâng đỡ và trợ giúp các gia đình.
7) Những sáng kiến của các gia đình quy tụ nhau lại thành cộng đoàn để liên đới và nâng đỡ những gia đình khác.
8) Quan tâm nhiều hơn đến việc huấn luyện những người tham gia Mục vụ Gia đình một cách chuyên môn và có hệ thống hơn.
9) Nhiều dịch vụ và chương trình hỗ trợ nhằm giúp đỡ và giáo dục các gia đình trong Giáo hội và Xã hội.
10) Gia tăng việc sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng / xã hội phục vụ các gia đình.
11) Chính quyền và Xã hội dân sự càng ngày càng ý thức hơn về nhu cầu cần có một sự quân bình giữa lao động và đời sống.
Bóng tối
6. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bóng tối và trở ngại. Một số trong những điều chúng tôi đã thảo luận là :
1) Mục vụ gia đình ở cấp giáo xứ và giáo phận vẫn còn chưa được khai triển đúng mức và thường thể hiện qua những chương trình, sự kiện và hoạt động còn rời rạc và manh mún.
2) Thiếu sự liên kết giữa các Phong trào Giáo hội về gia đình, những Cộng đoàn Kitô nhỏ, các loại mục vụ trong giáo xứ dưới ánh sáng của tầm nhìn và giáo huấn của Hội thánh.
3) Tình trạng phổ biến là rất nhiều người không hiểu biết về Bí tích Hôn phối như là bí tích phục vụ cho sự hiệp thông và trao ban ân sủng và ân huệ bí tích.
4) Khuynh hướng coi các gia đình như đối tượng cần được chăm sóc mục vụ hơn là những tác nhân của công cuộc Tân Phúc âm hóa.
5) Thiếu sự trợ giúp các gia đình đào sâu linh đạo Hiệp thông và sống như những chứng tá cho sự Hòa giải.
6) Tình trạng gia tăng những phim ảnh khiêu dâm như một kỹ nghệ giải trí và gia tăng hành động biến tình dục thành một thứ vật thể và hàng hóa, đã gây tác hại cho hôn nhân và ngầm phá hoại phẩm giá con người.
7) Ngày càng có nhiều người trẻ muốn trì hoãn kết hôn và có thêm nhiều người sống độc thân vì nghèo khó hoặc không muốn dấn thân vào một mối quan hệ bền lâu.
8) Chưa sử dụng một cách tích cực phương tiện truyền thông đại chúng cho đủ để phản công lại những ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện truyền thông này.
9) Các gia đình, mà cả cha lẫn mẹ đều phải làm việc lâu giờ bên ngoài, gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong việc thông truyền những giá trị sống, nhất là trong thời đại đầy thách thức ngày nay.
10) Ngày càng gia tăng nạn ly dị và luật pháp của nhiều quốc gia ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng tính.
11) Tệ nạn phá thai, an tử và nền văn hóa sự chết.
12) Sự dấy lên não trạng ngừa thai, trong đó sự sống không được xem như một phúc lành mà chỉ như một gánh nặng và một nguy cơ cần phải chống lại để tự bảo vệ mình.
13) Tại quê nhà của những người lao động di cư hoặc những người giúp việc nhà gốc ngoại quốc, các gia đình thường thiếu các phương tiện thiết yếu để sống, như lương thực, việc làm, nhà ở, thuốc men, giáo dục và những quyền tự do cơ bản nhất. Hoàn cảnh này lại càng làm gia tăng hiện tượng di dân và phân tán gia đình, khiến cho : trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh thiếu cha, mẹ, hoặc người lớn thân nhân trong đại gia đình này để thông truyền cho chúng đức tin và các giá trị sống.
Khuyến nghị
7. Dưới ánh sáng của tất cả những thách đố này, chúng tôi nhận thấy có một nhu cầu khẩn thiết phải hợp tác và làm việc một cách có hệ thống hơn nữa để “nâng đỡ, soi sáng và hỗ trợ các gia đình” ngang qua các việc Tông đồ và Mục vụ Gia đình.
1) Chúng tôi khẩn khoản xin tất cả những ai đang thực hiện các chương trình về hôn nhân và gia đình; các ủy ban / văn phòng giới trẻ, phụ nữ, gia đình và phát triển nhân bản hãy cùng cộng tác với những Cộng đoàn Kitô nhỏ và những Phong trào Giáo hội hãy chia sẻ và phát huy tầm nhìn đức tin mục vụ chung và hiểu biết bối cảnh và tầm nhìn thế giới về các gia đình, hầu làm sinh động và nâng đỡ toàn thể các gia đình một cách hữu hiệu hơn và toàn diện hơn.
2) Trong bối cảnh của sự tương liên và tương thuộc của thời hiện đại, chúng tôi khẩn khoản xin tất cả những ai đang tham gia Mục vụ gia đình hãy hợp tác và kết nối mạng một cách hữu hiệu hơn với các cơ quan của Chính phủ và Xã hội dân sự, và những tổ chức đặt nền tảng trên đức tin cùng làm việc phục vụ cho gia đình.
3) Chúng tôi hết sức khuyến khích tất cả những ai đang phục vụ các gia đình hãy để mình được hướng dẫn và cảm hứng về đường lối và mục vụ bởi giáo huấn của Hội thánh, đặc biệt là ‘Tông Huấn về Gia Đình’ (Familiaris Consortio) (1981) và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo.
4) Chúng tôi cổ võ tất cả những ai làm việc Mục vụ Gia đình (giáo sỹ, tu sĩ và giáo dân) hãy nhìn nhận gia đình như những tác nhân chủ động và đồng sáng tạo của tình yêu và sự phục vụ, với tiềm năng Phúc âm hóa và nuôi dưỡng ơn gọi.
5) Vì gia đình phải đóng vai trò lớn hơn trong sứ mệnh Tân Phúc âm hóa vốn là vấn đề khẩn trương, chúng tôi ân cần khuyến nghị cần phải dành ưu tiên cho việc chuẩn bị và củng cố các gia đình, để gia đình trở nên những “chủ thể sáng tạo của công cuộc Phúc âm hóa” (Diễn từ của Đức Gioan-Phaolô II nói tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 1980).
6) Ước mong những ai tham gia Mục vụ Gia đình tự coi mình như những người bảo vệ sự sống và khi cần chúng ta bảo vệ sự sống con người, từ khi thụ thai đến khi chết.
7) Ước mong các việc Mục vụ Gia đình của chúng ta hướng cách đặc biệt đến việc chăm sóc các gia đình đang bị tổn thương, những gia đình nghèo khổ và sống ngoài lề xã hội, đang phải vất vả với những nhu cầu hằng ngày.
8) Các nước đang sử dụng những công nhân di cư có thể chăm sóc tốt hơn nữa những nhu cầu và phẩm giá của những cộng đồng di dân, cũng như xác định rõ hơn những tình cảnh bóc lột người di dân. Trong khi chăm sóc mục vụ cho người di dân, chúng ta cần phải xét đến việc bênh vực quyền lợi cho họ được có một gia đình và được sống với gia đình của họ. Các Chính phủ và Giáo hội cần phải thừa nhận rằng sự chia cách gia đình thì đối nghịch với thiện hảo của nhân vị và xã hội, và có ảnh hưởng tiêu cực đối với hiệu suất làm việc.
Kết luận
8. Chúng tôi muốn bảo đảm với các gia đình và đặc biệt với các bậc cha mẹ rằng họ có thể tin cậy vào ân sủng của cuộc hôn phối của họ, và họ có một vai trò bất khả thay thế là phát triển những môn đệ yêu dấu của Chúa Kitô, mà không một định chế hoặc trường học hay cơ quan nào khác có thể chu toàn được. Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để sống với gia đình, khả dĩ làm cho toàn thể gia đình có thể phát triển đến mức trưởng thành về nhân bản và đức tin Kitô giáo dựa trên nền tảng Lời Chúa (FC2).
9. Gia đình Công giáo tại Á châu đang được mời gọi sống một Linh đạo Hiệp thông sâu xa hơn. Trên nền tảng Hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa Chí Thánh, Gia đình được mời gọi sống sự hiệp thông của mình, trong Đức Giêsu Kitô cùng với Chúa Thánh Thần hướng tới Đức Chúa Cha.
10. Gia đình Công giáo tại Á châu cũng được mời gọi trở nên là chủ thể của công cuộc Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin.
11. Chúng tôi cảm thấy hứng khởi và gia tăng sức lực để rồi trở về với nhiệm vụ và tổ chức của mình, để cùng hợp tác với nhau làm việc một cách kiên quyết hơn; để nghiên cứu sâu rộng hơn các bối cảnh của chúng ta và nhu cầu của các gia đình chúng ta. Chúng tôi được thúc bách ra đi đến với tất cả các gia đình, và không chỉ phục vụ những gia đình nào đến với chúng tôi mà thôi. Sứ vụ của chúng tôi phải đem chúng tôi tới gần Chúa Kitô hơn và đến với những gia đình chúng tôi phục vụ.
12. Chúng tôi đặc biệt cám ơn vị chủ nhà đã đón tiếp chúng tôi, Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Kuala Lumpur, Murphy Pakiam, và nhóm cộng sự viên của ngài trong Ủy ban Gia đình, và Văn phòng Giáo dân và Gia đình thuộc LHĐGMAC và các ân nhân. Chúng tôi chân thành tri ân vì được sống kinh nghiệm hiệp thông và bầu khí gia đình trong những ngày Hội nghị BILA II về Gia Đình vừa qua. Nguyện xin Đức Mẹ Maria Mẹ chúng ta tiếp tục hướng dẫn các Giáo hội tại Á châu xây dựng các gia đình và cộng đoàn hằng biết yêu mến và phục vụ.
Bản dịch của UBMVGĐ/HĐGMVN
[1] Bangladesh, Hong Kong, Ấn độ, Indonesia, Nhật bản, Hàn quốc, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Phi Luật Tân, Singapore, Sri Lanka, Đài loan, Thai lan, Đông Timor và Vietnam.