Tường trình sau thảo luận: lắng nghe gia đình và thảo luận các quan điểm mục vụ, với một cái nhìn hướng về Chúa Kitô

Tường trình sau thảo luận: lắng nghe gia đình và thảo luận các quan điểm mục vụ, với một cái nhìn hướng về Chúa Kitô

Bản "Tường trình sau thảo luận" của Thượng Hội Đồng khóa Ngoại thường về gia đình đã được Đức Hồng y Peter Erdo, Tổng Tường trình viên, trình bày sáng thứ Hai, 13/10/2014. Bản Tường trình tóm tắt các điểm suy tư chính của các Nghị Phụ nổi lên trong các Phiên họp Khoáng đại trong những ngày qua, và là cơ sở cho tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục.

Bản Tường trình đưa ra ba nguyên tắc chính: lắng nghe bối cảnh văn hóa xã hội mà các gia đình ngày nay sinh sống; thảo luận về các quan điểm mục vụ đã được thực hiện, và trên hết là nhìn về Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài trong gia đình.

Do đó, gia đình là "sự khẳng định và quý giá", là "nguồn mạch của niềm vui và thử thách, của những tình cảm và tương quan sâu sắc, đôi khi bị tổn thương", một "trường học của nhân bản", và trước tiên phải được lắng nghe "sự phức tạp" của nó. Chủ nghĩa cá nhân bị làm trầm trọng hơn, "thử thách lớn lao" của tình trạng cô đơn, "sự nhạy cảm ích kỷ" liên quan đến những tình cảm "mong manh", "cơn ác mộng" của tính bấp bênh ở nơi làm việc, cùng với chiến tranh, khủng bố và di dân ngày càng làm cho hoàn cảnh gia đình trở nên xấu hơn. Theo Bản Tường trình, Giáo Hội phải mang đến "niềm hy vọng và ý nghĩa" cho đời sống của nhân loại hiện đại, đảm bảo rằng "giáo lý đức tin" được biết đến nhiều hơn, nhưng giới thiệu nó "với lòng thương xót".

Trở lại cái nhìn của chúng ta hướng về Chúa Kitô "tái khẳng định sự kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ", nhưng cũng cho phép chúng ta "giải thích các giao ước hôn nhân theo tính liên tục và mới lạ". Đức Hồng Y Erdo giải thích nguyên tắc phải "tiệm tiến" đối với các cặp vợ chồng thất bại trong hôn nhân, với một "góc nhìn toàn diện" cho "các hình thức không hoàn hảo" của thực tại hôn nhân: "Do đó, thừa nhận sự cần thiết phân biệt rõ về mặt tinh thần về sự chung sống như vợ chồng, hôn nhân dân sự và những người đã ly dị và tái hôn, đó là nhiệm vụ của Giáo Hội để nhận ra những hạt giống Lời Chúa đã lan rộng ra ngoài những biên giới hữu hình và bí tích của mình... Giáo Hội trân trọng những người tham gia vào đời sống của Giáo Hội theo cách chưa đầy đủ và không hoàn chỉnh, đánh giá đúng những giá trị tích cực mà họ có chứ không đánh giá những hạn chế và thiếu sót của họ".

Do đó, xuất hiện nhu cầu về "chiều kích mới của mục vụ gia đình" có thể nuôi dưỡng những hạt giống trong quá trình trưởng thành, chẳng hạn như các cuộc hôn nhân dân sự mang đặc điểm ổn định, tình cảm sâu sắc, có trách nhiệm liên quan đến con cái, và có thể dẫn đến một mối dây hôn nhân bí tích. Sự chung sống như vợ chồng và những kết hợp thực tế thường không được quyết định bởi sự chối bỏ các giá trị Kitô giáo, mà là do các nhu cầu thực tế, như chờ một công việc ổn định. Giáo Hội, "Nhà của Chúa Cha" thật sự, một "ngọn đuốc dẫn đưa trong dân", phải đồng hành "với hầu hết những con trai và con gái mỏng dòn của mình, được ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và mất mát, bằng sự quan tâm và chăm sóc", để khôi phục lại niềm tin và hy vọng cho họ.

Trong phần thứ ba, Bản "Tường trình sau thảo luận" nói đến việc đối mặt với "hầu hết các vấn đề mục vụ khẩn cấp", việc thực thi vốn được trao phó cho các Giáo Hội địa phương riêng rẽ, luôn luôn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Thứ nhất, "loan báo Tin Mừng gia đình" là "không lên án, nhưng để chữa lành tính mỏng dòn của con người". Lời loan báo này cũng liên quan đến các tín hữu: "Loan báo Tin Mừng là chia sẻ trách nhiệm của mọi người dân Thiên Chúa, của mỗi người tùy theo thừa tác vụ và đặc sủng riêng của mình. Nếu không có chứng từ vui mừng của vợ chồng và gia đình, thì lời tuyên bố, thậm chí là đúng đắn, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị nhận chìm bởi đại dương của ngôn từ, vốn là đặc trưng của xã hội chúng ta. Bản thân gia đình Công giáo được mời gọi trở nên các chủ thể tích cực của mọi mục vụ về gia đình".

Đức Hồng Y Erdo nhấn mạnh Tin Mừng của gia đình là "niềm vui", và do đó đòi hỏi "sự biến đổi truyền giáo" để không dừng lại ở việc công bố "chỉ đơn thuần lý thuyết và không làm gì với những vấn đề thực sự của con người". Đồng thời, cũng thật cần thiết để hành động liên quan đến ngôn ngữ: "Trên hết, biến đổi về ngôn ngữ để điều này có thể minh chứng là có hiệu quả về ý nghĩa. ... Ở đây không chỉ trình bày một tập hợp các quy định nhưng là đưa ra các giá trị, đáp lại những ai thấy mình ngày nay khó khăn ngay cả trong hầu hết các quốc gia tục hóa".

Chuẩn bị đầy đủ cho hôn nhân Kitô giáo cũng là điều cần thiết, điều này không đơn thuần chỉ là một truyền thống văn hóa hay một nghĩa vụ xã hội, mà là một "quyết định thuộc về ơn gọi". Không "làm phức tạp thêm chu trình đào tạo", mục đích phải là khám phá vấn đề theo chiều sâu, không hạn chế vấn đề chỉ đơn thuần là "những định hướng chung", thay vào đó là cải tổ vấn đề "đào tạo linh mục và những người điều hành mục vụ khác", với sự tham gia của chính gia đình, là nhân chứng là được ưu tiên. Giáo Hội cũng được đề nghị đồng hành với thời kỳ sau kết hôn, một thời kỳ "quan trọng và tế nhị" mà các cặp vợ chồng hoàn thiện sự hiểu biết của họ về bí tích, ý ​​nghĩa của nó và những thách đố mà nó đặt ra.

Bản Tường trình nói thêm, Giáo Hội phải khích lệ và hỗ trợ giáo dân bận tâm đến văn hóa, chính trị và xã hội, để đảm bảo rằng những yếu tố cản trở đời sống gia đình đích thực, dẫn đến phân biệt đối xử, nghèo đói, loại trừ và bạo hành bị vạch trần.

Chuyển sang vấn đề các cặp vợ chồng ly thân, những người đã ly dị, kể cả những người sau đó tái hôn, Đức Hồng y Erdo nhấn mạnh rằng "Chẳng phải là khôn ngoan khi nghĩ đến giải pháp đơn nhất hoặc lý luận "tất cả hoặc không có gì"; do đó phải tiếp tục đối thoại trong các Giáo Hội địa phương, "bằng sự tôn trọng và tình yêu", đối với mỗi gia đình bị tổn thương, với suy nghĩ rằng những người này đã chịu đau khổ bất công do bị vợ hoặc chồng bỏ rơi, để tránh thái độ phân biệt đối xử và bảo vệ trẻ em: "Thật cần thiết để thừa nhận theo đường hướng đáng tin cậy và mang tính xây dựng về những hậu quả của ly thân hoặc ly dị đối với trẻ em; đừng để chúng trở thành 'đối tượng' của mâu thuẫn và cần phải tìm kiếm các phương tiện phù hợp nhất để chúng có thể vượt qua chấn thương của tan vỡ gia đình và lớn lên theo cách bình lặng nhất có thể ".

Liên quan đến việc đơn giản hóa các thủ tục để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, Tổng Tường trình viên đã tường trình các đề xuất của khóa họp: bãi bỏ nhu cầu xác nhận kép phán quyết, để thiết lập một kênh hành chính cấp giáo phận, và giới thiệu quy trình tóm tắt trong trường hợp vô hiệu rõ ràng, và khả năng "ảnh hưởng của đức tin của những người chuẩn bị kết hôn về tính hợp lệ của bí tích hôn phối". Đức Hồng y nhấn mạnh rằng tất cả những điều này đòi hỏi hàng giáo sĩ và giáo dân phải được chuẩn bị thích hợp và các giám mục địa phương mang trách nhiệm lớn hơn.

Liên quan đến việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đối với những người đã ly dị và tái hôn với, Bản Tường trình liệt kê các đề nghị chính nổi lên từ Thượng Hội đồng: duy trì kỷ luật hiện hành; cho phép cởi mở hơn trong những trường hợp đặc biệt, để không gây sự bất công hoặc đau khổ hơn nữa; hay đúng hơn, việc lựa chọn một cách tiếp cận "sám hối": việc tham dự các bí tích có thể xảy ra khi đã trải  qua giai đoạn ăn năn tội - thuộc trách nhiệm của giám mục giáo phận - và với một cam kết rõ ràng chăm lo cho con cái. Đây không thể là một khả năng chung, nhưng là kết quả của sự phân biệt áp dụng trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, theo luật tiệm tiến, sẽ được đưa ra xem xét về sự khác biệt giữa tình trạng tội lỗi, tình trạng ân sủng và các tình tiết giảm nhẹ.

Vấn đề "rước lễ thiêng liêng", sẽ có một cuộc nghiên cứu thần học kỹ lưỡng hơn, một lần nữa đòi hỏi suy tư hơn nữa về hôn nhân hỗn hợp và "những vấn đề nghiêm trọng" liên quan đến kỷ luật hôn nhân khác biệt của Giáo Hội Chính Thống.

Liên quan đến người đồng giới, Bản Tường trình nhấn mạnh rằng họ có "ơn phúc và khả năng để cống hiến cho cộng đoàn Kitô hữu": do đó đối với họ Giáo Hội phải "chào đón vào nhà". Giáo Hội khẳng định rằng các kết hợp đồng giới không "có cùng một vị thế" như hôn nhân giữa một người nam và một người nữ và không thể chấp nhận đối với việc các tổ chức quốc tế gây áp lực lên các vị mục tử để làm cho viện trợ tài chính phụ thuộc vào việc giới thiệu các quy định lấy cảm hứng từ ý thức hệ giới tính. Tuy nhiên, "không thể phủ nhận những vấn đề đạo đức liên quan đến kết hợp đồng giới, cần lưu ý rằng có những trường hợp trong đó hỗ trợ lẫn nhau đến mức hy sinh, tạo thành sự hỗ trợ quý giá trong đời sống của bạn đồng hành. Hơn nữa, Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến trẻ em sống với các cặp đồng giới, nhấn mạnh rằng các nhu cầu và quyền lợi của những trẻ nhỏ luôn phải được ưu tiên".

Trong phần cuối cùng, Bản Tường trình trở lại chủ đề trong Thông điệp "Sự sống Con người" của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, và tập trung vào vấn đề đón nhận sự sống, xác định rõ nó là một "đòi hỏi cần thiết thuộc về bản chất của tình yêu vợ chồng". Điều này dẫn đến nhu cầu về "ngôn ngữ thực tế" có thể giải thích "vẻ đẹp và chân lý" của việc đón nhận quà tặng một đứa trẻ, cũng như nhờ vào "việc giảng dạy thích hợp về các phương pháp tự nhiên điều khiển khả năng sinh sản" và sự thông truyền "hài hòa và hiểu biết" giữa vợ chồng, trong mọi chiều kích. Hơn nữa, những thách đố về giáo dục là trung tâm, trong đó Giáo Hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các gia đình, hỗ trợ họ trong lựa chọn và trách nhiệm của mình.

Cuối cùng, Đức Hồng Y Erdo nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại trong Thượng Hội đồng đã diễn ra "trong tự do tuyệt vời và với một tinh thần lắng nghe lẫn nhau", và nhắc lại những suy tư được đề xuất cho đến nay không đại diện cho các quyết định đã được thực hiện: thực vậy, hành trình sẽ tiếp tục với Thượng Hội đồng Giám mục khóa Thông thường, một lần nữa nói về chủ đề gia đình, sẽ được tổ chức vào tháng Mười năm 2015.

Tạ Ân Phúc