Tuổi Thọ

 

TUỔI THỌ

Mừng thọ là một nét đẹp của truyền thống văn hoá Việt Nam. Một số giáo xứ ở miền Nam (tôi không biết rõ ở miền Bắc) có tục mừng thọ cho các cụ ông cụ bà trong giáo xứ trên bảy mươi tuổi trong thánh lễ sáng ngày mùng 2 Tết nguyên đán, với một lời cầu nguyện riêng (tuỳ nghi), những lời chúc tụng và tri ân, có thể kèm theo một món quà nhỏ tượng trưng dâng các cụ, và tất nhiên cha xứ không quên nhắc nhở con cháu phải hiếu thảo tôn kính đối với ông bà cha mẹ. Trong xã hội, nơi một vài cơ quan hoặc trường học, đôi khi người ta cũng tổ chức mừng thọ cho một thành viên hoặc thầy cô lớn tuổi nào đó vì công lao đóng góp đặc biệt của người ấy cho tập thể. Nhưng lễ mừng thọ thông thường là do con cháu trong gia đình tổ chức để thể hiện đạo hiếu đối với bậc sinh thành.

Theo một cách sắp xếp tuổi thọ trong văn hoá Việt Nam thì 60 tuổi là hạ thọ, 70 tuổi là trung thọ, 80 là thượng thọ, 100  là đại thọ. Nhưng người ta cũng thường coi tuổi bảy mươi đã là tuổi thượng thọ rồi. Sống thọ là một ơn Trời và là một phúc lớn, - phúc lớn ấy trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới được phụng dưỡng và thể hiện lòng hiếu thảo. Dù không phải là một điều bắt buộc nhưng mừng thọ là một tập tục thật đáng quí chuộng trong thời buổi toàn cầu hoá, thực dụng và duy vật chất ngày nay!

Bất cứ truyền thống văn hoá nào cũng dành cho người cao tuổi một lòng tôn kính trọng vọng đặc biệt. Kính lão đắc thọ. Theo quan niệm chung, người cao tuổi là người từng trải, kinh nghiệm và khôn ngoan. Vì thế tiếng nói của họ thường có uy tín trong gia đình, giữa làng nước. Ngày nay là thời của những tiến bộ và thay đổi chóng mặt, nhưng đó là nói về kỹ thuật, về công việc, về vật chất, còn về sự khôn ngoan, về cách sống và cách cư xử ở đời … thì xem ra càng ngày càng thoái lùi hơn là tiến lên. Vì thế, có lẽ gia đình xã hội vẫn cần, càng cần hơn sự hiện diện và sự khôn ngoan của bậc lão thành từng trải. Tôi thấy, ngay trong đời tu, trong một cộng đoàn gồm toàn là những anh em trẻ, khoảng từ 30 đến 40 tuổi, thì có khi chính những anh em ấy xin bề trên gởi thêm cho họ một hai người lớn tuổi, không phải để làm việc này việc kia cho bằng để hiện diện, góp ý và góp phần làm cho đời sống chung được nề nếp, ổn định và quân bình hơn. Tục ngữ nói: hơn một ngày hay một việc. Người cao tuổi cũng là một gạch nối giữa quá khứ và tương lai, liên kết hiện tại với truyền thống. Trong xã hội ta, hãy nghĩ xem, trong lúc cha mẹ lo xuôi ngược làm ăn, nếu không có người ông, nhất là người bà luôn ở gần các cháu nhỏ, chăm sóc chúng, cho chúng ăn, ru chúng ngủ, thỏ thẻ chuyện trò, chỉ vẽ cho chúng điều hay lẽ phải, (người công giáo còn dạy đạo, dạy kinh nữa)… thì  việc giáo dục các cháu vào đoạn đầu đời sẽ thiếu sót biết bao! Vú nuôi hay nhà trẻ cũng khó bù đắp được.

Những điều tốt lành như trên hoàn toàn không xa lạ với Đạo Chúa, lại còn được nâng lên cao hơn. Kinh Thánh rất trân trọng người già. Dù cuộc đời con người không thiếu đau khổ và luôn bị cái chết đe dọa nhưng sự sống vẫn là một ân huệ Chúa ban, -một ân huệ mà chúng ta không ngừng phải cảm tạ.

“Lạy Chúa tôi, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên tôi” …Chúng ta nhìn nhận như thế trong kinh Ăn năn tội. Và trong kinh Cám ơn: “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ tôi chẳng để tôi không đời đời, mà lại sinh ra tôi cho tôi được làm người…”… Chúa không bỏ ta không đời đời, nghĩa là hư vô đời đời. Nếu Chúa không dựng nên ta thì ta là hư vô, ta không bao giờ hiện hữu, không bao giờ có mặt trên cõi đời này để mà biết Chúa, hy vọng sống hạnh phúc nuôn đời với Chúa, cũng như ngay bây giờ được hưởng vô vàn điều tốt lành của cuộc sống, của tình yêu, của thiên nhiên vũ trụ… Chúa cho ta sống, là do lòng Chúa yêu thương ta chớ không phải như tác giả Cung Oán Ngâm Khúc chua chát trách móc Tạo hoá: “Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán, Chết đuối người [dìm chết người] trên cạn mà chơi”. Dìm chết người dưới nước thì đã là tàn ác rồi, đàng này lại dìm nó trên cạn như một trò chơi, giống như trẻ con chơi chọc một con côn trùng, hay như con mèo vồ được con chuột rồi chưa thèm ăn liền mà còn vờn nó, dỡn với nó cho đến khi nó ngắc ngoải mới chịu xơi!

Vì cuộc sống là một ân huệ của Chúa nên sống trường thọ vẫn là một điều đáng ước ao. Được sống thọ cũng như được đông con lắm cháu và giàu có sung túc là những dấu hiệu được Chúa chúc phúc (x. sách Châm Ngôn, 3,16; 10,17; 13,21-23; 16,31 và 17,6). Trong Kinh Thánh Cựu Ước, các Tổ phụ trước thời Lụt hồng thuỷ sống lâu “khủng khiếp”, như Ađam đến 130 tuổi mới sinh con là Seth (Xét), sau đó còn sống 800 năm nữa, tổng cộng 930 năm! Hay Seth sinh ra Ênốc ở tuổi 105, rồi sống thêm 807 năm nữa. Chiếm kỷ lục sống thọ là cụ Mêthusala sống đến 969 năm, hơn chín thế kỷ rưỡi! Các số tuổi khó tin này chắc không thể hiểu theo nghĩa đen được…

Kinh Thánh Cựu và Tân Ước đều dạy: Con cái phải tôn kính hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ già nua lú lẩn; khi làm như thế, chính con cái cũng sẽ được phúc lành trường thọ (x. sách Huấn Ca, 3,2-6,12-14; x.Ep 6,2-3).

Đề cao tuổi già, nhưng Kinh Thánh cũng không tuyệt đối hoá tuổi thọ ở đời. Nó chỉ là một điều đáng ước ao tương đối mà thôi. Điều đáng ước ao hơn nữa là cuộc sống công chính, thánh thiện, đẹp lòng Chúa để đáng được Người ban cho đời sống vĩnh cửu, vì nói cho cùng, cuộc đời này chỉ là bước tiến tới hạnh phúc thật đời đời. Vì thế, người mệnh yểu cũng như người hiếm muộn hay neo đơn và người nghèo khó hèn mọn không phải là người vô phúc. Người ta quen nói về tuổi già là: tuổi gần đất xa trời, người tin Chúa có thể nói ngược lại, là gần trời xa đất. Phúc-Lộc-Thọ đích thực của con người là ở nơi Thiên Chúa.

Bài thơ sau đây với tựa đề Đường Đời của thi sĩ Pháp Marie Noel, mô tả tuổi già vừa như là một sự suy giảm về mặt thể lý, tâm lý và trí tuệ vừa như một cuộc thăng tiến đi về với người Cha vĩnh cửu trên trời:

Đường đời vòng quanh như một con rắn tự ngoạm lấy đuôi.

Con người trần trụi vào đời từ lúc bắt đầu mở mắt, năm này qua năm khác học đi lên cho tới giữa cuộc đời, vào tuổi trung niên, rồi dần dần đi xuống, rốt cuộc với tấm hình hài trần trụi, trở về vị trí khởi hành.

Dần dần con người đã tăng trưởng, tầm vóc cao lên, rồi dần dần con người lưng thêm cong, gối thêm mỏi, thân hình thấp dần, cuối cùng cúi xuống cát bụi.

Dần dần con người đã phát triển ngũ quan, mở rộng tầm nhìn, tầm nghe, những quan năng khác tăng tiến hoàn chỉnh, như thể buổi sáng mở rộng các cánh cửa sổ, rồi mỗi ngày mắt thêm mờ, tai thêm lãng, khép ngũ quan lại như thể đóng cửa về đêm.

Mỗi ngày một chút, kiến thức đủ loại tích lũy trong trí nhớ, đến lúc về già, nói trước quên sau, để đâu quên đấy.

Mỗi ngày một chút chân thêm vững, tay thêm khéo, miệng thêm lưu loát, tới ngày xế bóng tay chân run rẫy, vụng về, nói năng chậm chạp lúng túng.

Một ngày trước kia, rời vòng tay mẹ, chập chững biết đi, một ngày sau này không còn sức một mình xê dịch, phải vịn cánh tay con cháu.

Thuở còn nằm nôi, mẹ cho bú mớm, thay lót đổi tã, rồi sẽ tới ngày nằm liệt giường, con cháu chăm nom, lau mặt thay áo, xúc cơm đổ thuốc.

Một ngày trước kia, mở mắt chào đời, làm quen với thế giới xung quanh, rồi sẽ tới ngày nhắm mắt buông xuôi, vĩnh biệt dương thế.

Một ngày trước kia, lần đầu hô hấp, con người sinh ra, rồi sẽ tới ngày thở ra lần cuối, đi vào cõi chết.

Một ngày xa xưa, trước khi ra đời, chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ ấm áp, thêm thịt, thêm xương, hình thành cơ thể. Tới ngày cuối cùng đi vào lòng đất lạnh giá, hình hài dần dần  phân hóa, thịt xương trở về cát bụi.

Một ngày xa lắm, con người xuất phát từ cha như một hạt giống truyền sinh. Tới ngày chấm hết cuộc đời trần thế, con người lại trở về trong Cha của mọi người cha phàm trần, để tái sinh trên cõi trường sinh.

Tới lúc đó, trong một bản thể mới, tất cả lại bắt đầu.

Một nét đẹp của tuổi già là sự bình an thanh thản trong tâm hồn sau khi đã cố gắng sống tốt cuộc đời theo các điều kiện riêng của mình và làm xong các bổn phận mình ở đời. Một người già có đức tin cũng vậy, nhưng sự bình an thanh thản của họ còn có một nền tảng khác sâu xa hơn, đó là sự phó thác cho tình yêu và lòng thương xót của Cha trên trời, phó thác ngay cả những lỗi lầm yếu đuối của mình. Đọc thơ của thi sĩ Xuân Ly Băng, tức linh mục Lê Xuân Hoa, Tổng Đại diện giáo phận Phan Thiết, tôi thấy đó chính là tâm tình của ngài  trong bài Lên Tám Mươi, xin đọc vài câu:

Sáng ngày con thức dậy, Bảy chín lên tám mươi, Lạy Chúa trăm muôn lạy, Cảm tạ Chúa muôn đời. - Con có là gì đâu, Mà Chúa ban tuổi thọ, Con nằm dưới vực sâu, Giữa tro tàn phân thố.- Cho con sống đức mến Hôm nay và ngày mai,  Bão giông đời lắm chuyện  Chỉ sống phó thác thôi.-  Vĩnh hằng là của Chúa  Cát bụi là thân con, Con không xin gì nữa, Ý Chúa miễn vuông tròn. 

Hạnh phúc của tuổi già có lẽ là tiếp tục được sống bình an, thanh thản và hạnh phúc giữa đàn con cháu trong khi vẫn luôn sẵn sàng ra đi bất cứ khi nào Chúa gọi. Người công giáo chúng ta chẳng quen nói: “chết là trở về Nhà Cha” đó sao?

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM