Trao tặng chính mình
TRAO TẶNG CHÍNH MÌNH
Chúa Nhật 32 Tn (B) – 8-11-2009
I V, 17:10-16; Tv 146; Dt 9: 24-28; Mc 12: 38-44
Thưa quý vị,
Vương quốc Israel và Giuđa không có một quy tắc luật lệ đáng kể. Thực ra, đa số những luật lệ đó là những thất bại thảm hại. Ngay cả ngày nay, những nhà lãnh đạo chuyên chế và lệch lạc cũng thường gây ra không ít những khốn khó cho đất nước họ đang điều hành – nhất là với những người bần cùng. Điều đó lẽ ra không phải đường lối cho Israel và Giuđa; những nhà lãnh đạo đáng ra phải trung thành với Lời Chúa. Nhưng đa số những nhà lãnh đạo lại bất tín với Lời Chúa nên Ngài gởi các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về sự công chính. Elia là một ngôn sứ như thế, người phát ngôn của Thiên Chúa, không chỉ kêu gọi người lãnh đạo nhưng cũng kêu gọi tất cả những ai đã quay qua tôn thờ thần ngoại và những nghi lễ ngoại bang. Như sự trừng phạt cho tội bất trung với Thiên Chúa, vùng đất đã phải chịu một cơn đói kém, như chúng ta đọc thấy trong bài trích sách các Vua quyển I hôm nay.
Xa-rep-ta, một thành phố ở Phi-ni-xi, là vùng đất của dân ngoại, ở đó dân chúng thờ thần Ba-an. Hoàn cảnh của người đàn bà thật sự tuyệt vọng cho chính bà và con của bà. Bà có thể là một người dân ngoại nhưng Thiên Chúa đã biết nhu cầu của bà. Elia đã an ủi người góa phụ nghèo khổ nhưng, thật ra, có vẻ ích kỷ khi yêu cầu bà làm cho ông một chiếc bánh. Điều tích cực ở đây là phong tục hiếu khách của người Trung Đông – áp dụng với cả người nghèo nhất không có gì, nhưng miếng ăn, cái uống cuối cùng của họ cũng dành cho người qua đường. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu xin cái bánh là lời hứa Thiên Chúa sẽ cho bà ấy no đầy trong suốt thời gian hạn hán.
Thiên Chúa có thể thực sự làm được như thế, là cung cấp thức ăn cho chúng ta khi mà dường như không còn sự cứu trợ nào? Câu chuyện của Elia quả là một niềm an ủi cho dân lưu đày Do Thái đang sống ở Babylon. Họ đã được khuyến khích tin tưởng vào thông điệp của ngôn sứ: Thiên Chúa có thể kết thúc “cơn hạn hán” của họ - ban cho họ tất cả những gì họ cần trong suốt thời gian lưu đày và cuối cùng chấm dứt tình trạng lưu đày này, đưa họ trở về quê cha đất tổ. Bà góa và con trai bà đã có đủ thực ăn cho đến “ngày Thiên Chúa cho mưa xuống trên mặt đất.” Dân bị lưu đày cũng sẽ không bị hủy diệt ở trên vùng đất ngoại bang, vì Thiên Chúa sẽ cứu thoát họ, như Ngài đã giải thoát cha ông họ khỏi người Ai Cập.
Cái gì bảo đảm cho dân lưu đày này; điều gì bảo đảm cho chúng ta trong thời gian hạn hán? Điều mà họ và chúng ta có được là Lời của Chúa: một lời hứa được nói qua miệng ngôn sứ ngay trong cơn hạn hán: Thiên Chúa sẽ phù trợ chúng ta và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta cho đến cùng. Câu chuyện về bà góa trong bài đọc thứ nhất đưa chúng ta đến với chuyện kể về bà góa trong bài Tin mừng. Cả hai câu chuyện nói cho chúng ta rằng Thiên Chúa biết những điều không ai thấy, không ai biết, những điều bị làm ngơ. Thiên Chúa cứu những người thấp cổ bé miệng và những ai “bé mọn” trong xã hội và trong Giáo hội.
Đức Giêsu ở trong đền thờ cùng với đám đông và Người quan sát kẻ qua người lại. Ở phía sảnh dành cho phụ nữ có một cái thùng cho người ta bỏ tiền dâng cúng. Bà góa tiến đến và bỏ vào thùng “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư xu Rôma.” Đức Giêsu tận dụng cơ hội này dạy cho các môn đệ một bài học. Người gọi các ông đến và bảo các ông quan sát điều vừa mới xảy ra.
Thông điệp Tin mừng mang một bối cảnh là: Đức Giêsu đã tranh luận với những người Pha-ri-sêu và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Người đã lên án họ vì họ củng cố quyền lực và sự giàu sang trên lưng những người nghèo kẻ khổ, Người trách họ vì họ đã nuốt hết “tài sản của những bà góa.” Dù họ có làm thế, họ vẫn đọc những lời nguyện dài lê thê và tỏ ra mẫu mực trong việc thực hành những điều luật tôn giáo tỉ mỉ. Bà góa nghèo đóng góp phần tiền đó là để tu sửa đền thờ. Chẳng quá đáng lắm sao! Những người lãnh đạo tôn giáo và đầy quyền lực sẽ trích phần lợi tức và cấp dưỡng từ chính những người nghèo như bà góa của chúng ta.
Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu ngưỡng mộ sự quảng đại của bà góa “đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Điều đó có vẻ như một gương mẫu và sự khích lệ cho những ai bé nhỏ từ bỏ nhu cầu của họ - nếu như tách tình tiết câu chuyện bà góa và phần đóng góp của bà ra khỏi bối cảnh ấy. Nhưng phải lưu ý điều mà ngôn sứ Giêsu nói với đám đông: Người nghiêm khắc phê phán thói phô trương đạo đức của những kinh sư, “trong những bộ áo thụng”, muốn cho những người nơi cộng cộng biết, ngồi ghế danh dự phía trên trong các hội đường và trong các bữa tiệc. Chúa Giêsu còn thêm rằng họ “nuốt chủng tài sản của các bà góa” trong khi vẫn lải nhải những lời nguyện dài lê thê.
Đức Giêsu lên án những ai chỉ lo theo đuổi địa vị tôn giáo và những lời ca tụng nhưng lại làm gơ hay thậm chí bóc lột người nghèo. Những tâm hồn nhiệt thành và đạo đức đáng nể đó thực chất lại là những người chiếm đoạt tài sản của bà góa nghèo này, mà việc dâng cúng của bà có thể làm bà thêm cùng cực. Chúng ta có cho rằng Đức Giêsu khen ngợi cách trao tặng khiến cho một người đã sẵn thiếu thốn thành ra không còn gì? Theo sách luật và các ngôn sứ, cô nhi quả phụ có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim của Chúa. Niềm tin Dothái giáo đã dạy rằng người hèn yếu trong xã hội phải được bảo vệ. Những ai làm tổn hại đến họ thì đáng bị quở trách.
Câu chuyện của bà góa trong bài Tin mừng hôm nay thường được chúng ta sử dụng như cách thức để bắt đầu những chiến dịch kinh doanh hay xây dựng. Thông điệp là, “Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn lòng trao tặng cho đến cùng không?” Trước khi định soạn bài bài giảng hôm nay về việc cho đi, khích lệ lòng quảng đại khi giỏ được chuyền tay trong nhà thờ, tôi muốn chắc rằng mọi người một lần nữa nghe rõ sự quan tâm của Đức Giêsu đến những người nhỏ nhất trong xã hội và làm thế nào mà một người đạo đức lại có thể mất đi tầm quan trọng của người nghèo khổ trong con mắt Đức Giêsu. Hãy cứ để những người đó xem xét liệu họ có còn lòng quảng đại hay không; còn chúng ta hãy chắc rằng những người nghèo khi bước vào “đền thờ” của chúng ta thì phải được lưu tâm và được phục vụ.
Những lời của Đức Giêsu hôm nay dường như không giống lời khen ngợi bà góa cho bằng một lời than vãn. Người chỉ muốn khuyến cáo các tông đồ về những con người có lòng đạo mà nuốt mất tài sản của những bà góa. Khi người để ý đến bà góa, có vẻ Người muốn nói rằng “Hãy nhìn, đây là một mẫu gương khác của một người nghèo cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung.” Dù là than vãn nhưng lời của Đức Giêsu cũng chứa đựng tin mừng, vì Người cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thấu suốt cảnh khốn khổ của người nghèo. Người nghèo có thể bị tổ chức tôn giáo bỏ quên nhưng Thiên Chúa biết hoàn cảnh của họ. Chúa biết sự khác biệt giữa những gian lận tôn giáo và lòng đạo đức đích thực, và Thiên Chúa đã thực hiện điều gì đó qua Đức Giêsu. Người vô tội gặp phải cảnh trắng tay; nhưng Thiên Chúa thấy được lòng bà và đã khen ngợi bà. Cũng vậy, khi những nhà lãnh đạo tôn giáo băng hoại kia trục lợi từ lòng quảng đại của bà, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng đã thực hiện điều gì đó với họ.
Dĩ nhiên mẫu gương quảng đại của bà góa là một lời nhắc nhở và đòi hỏi chúng ta về lòng quảng đại. Nhu cầu trong thế quanh ta là rất lớn. Chúng ta đã từng bị đòi hỏi phải cho đi, không chỉ những dư thừa của chúng ta, mà từ chính nhu cầu của chúng ta chưa? Và đó không chỉ là tiền của: có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của chính chúng ta. Chúng ta có quá ít thời gian. Đôi lúc cho đi ít tiền lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi chính tài năng và khả năng của chúng ta. Như một người kế toán bận rộn, tôi biết ai giúp những gia đình nghèo chuẩn bị thuế của họ. Quảng đại – chẳng phải là những gì chúng ta được đòi hỏi cho đi trong mối tương quan bạn bè, hôn nhân, gia đình và những người thân cận hay sao? Đức Giêsu để ý đến bà góa nghèo, lòng trắc ẩn của Người dành cho bà góa cũng gợi lên trong ta một lòng trắc ẩn tương tự cho những “bà góa nghèo” mà hằng ngày chúng ta bắt gặp.
Đức Giêsu đưa ra hình ảnh bà góa như một ví dụ về người đã đóng góp hết tất cả những gì mình có. Trong tháng này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Chúng ta đã mừng lễ Các Thánh và Kính nhớ những tín hữu đã qua đời. Khi chúng ta mừng lễ nhớ những người quá cố chúng ta cũng biết rằng ngày nào đó mình cũng sẽ chết; chúng ta cũng sẽ được yêu cầu từ bỏ tất cả những gì thuộc về chúng ta để đặt mình trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể mang theo vàng hay danh vọng. Như bà góa, chúng ta dâng hiến tất cả những gì thuộc về chúng ta trong sự tín thác. Chúng ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho giây phút đó? Chúng ta sẽ chết theo cách mà chúng ta đã sống. Khi chúng ta theo đức Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta cũng được mời gọi cho đi cuộc sống của mình theo cách Người đã làm, để phục vụ anh chị em chúng ta. Điều này đòi hỏi nhiều lần chết từng chút trước khi chúng ta đối diện với cái chết cuối cùng của mình. Có lẽ đó là cách mà chúng ta chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta. Từng bước trong suốt cuộc hành trình, với ân sủng trao ban chính mình của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy bỏ đi tất cả những gì ngăn cản chúng ta phụng sự đức Kitô: trao tặng chính mình cho những ai chúng ta được mời gọi để phục vụ họ. Một tinh thần tông đồ như thế là một lời “Xin vâng” suốt đời trên cuộc hành trình, để chúng ta có thể nói, trong niềm tin, lời “Xin vâng” tại cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem cùng với Đức Giêsu.
Nói đến “đồng xu” – tôi mới giảng tại một giáo xứ ở đó có một thùng quyên góp đề là “Tiền lẻ cho người nghèo.” Trong các lớp giáo lý, trẻ em được dạy về sự nghèo khó và được khuyến khích đóng góp những đồng tiền lẻ của chúng – đó là một bài học vỡ lòng thật tốt vầ lòng bác ái. Trong khi đó, cha sở không ngừng nhắc nhớ cộng đoàn về cái thùng ở cuối nhà thờ và đảm bảo với họ rằng tất cả số tiền thu được sẽ trao thẳng cho người nghèo; không lấy đồng nào cho việc tu sửa nhà thờ, cho việc quản trị, hay thuế giáo phận, … Sẽ có những khoản thu khác cho những nhu cầu này! Mỗi tháng thu được khoảng 500 đến 900 đô la trong thùng “Tiền lẻ cho người nghèo.” Tôi hỏi cha sở: “Chỉ tiền lẻ thôi ư?” Ngài trả lời: “Không. Người lớn cũng đóng góp cùng với trẻ em, vì họ biết chúng tôi dùng tiền đó để giúp đỡ những ai cần giúp: người thất nghiệp, những bà mẹ độc thân, người bệnh, …” Đó là một mẫu gương khác mà giáo xứ thực hiện: như đức Giêsu, họ quan sát những người nghèo bước vào đền thờ. Amen.
Lm.. Jude Siciliano, OP
chuyển ngữ Quốc Vinh, op