Trái tim yêu thương

 

TRÁI TIM YÊU THƯƠNG. 
 
LỄ THÁNH TÂM

Ngày thế giới xin ơn thánh hoá linh mục
Lời Chúa: Hs 11,1.3-4,8c-9;Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37 
 
Tháng 6 hằng năm được phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu. 

Tháng Trái Tim, bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.

Tấm lòng người Công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành. Tâm tình này là một cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt mà Chúa dành cho chúng ta.

Trái tim là trung tâm điểm của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng tới Trái Tim Chúa Giêsu. 

Như trái tim.

Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa. Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết. Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu,mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít. Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu. Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét. Quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được.
    
Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ. Mỗi người với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 14.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số, điều bất ngờ không dừng ở đấy và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 14. 000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Edêkiel với toàn thể dân Do thái : “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới”. Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới.

Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới. Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự. 

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi, Người cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi đã trở thành người thiên cổ, nhưng trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa, trái tim tôi vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là tôi đang sống, đang hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi? 

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha. Lọc hiềm thù để còn yêu thương. Lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đem đến chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống tôi sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh Thần đang đổi mới cuội đời tôi. 

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng giòn yếu đuối này, tôi cần được tham dự vào sự sống của Người. 

    Hãy yêu như đang sống.
    Hãy sống như đang yêu.
   Yêu để sự sống tồn tại.
  Sống để tình yêu có mặt.

Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.

Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn  che chắn. Thiên Chúa biết tôi mỏng giòn và là bình sành dễ vỡ nên người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa khiến tôi không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Người yêu thương tôi nhưng sao Người lại đặt trái tim của Người bên ngoài lồng ngực của Người” ? 

Xin ơn thánh hoá các linh mục.

Trong lịch Phụng vụ, ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được ghi là ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục.
Chỉ mấy dòng chữ đó thôi cũng gợi cho chúng ta thấy:
- Thánh hoá các linh mục đang trở thành một nhu cầu thế giới.
- Thánh hoá các linh mục là một ơn ta phải xin với Chúa.
- Thánh hoá các linh mục được hiểu một cách cụ thể là theo mẫu gương Thánh Tâm Chúa.

Cầu nguyện cho linh mục với tâm tình kính trọng và cảm thương chân thành

Kính trọng và cảm thương nói đây là một yêu cầu đạo đức của nhân bản, của văn hoá, nhất là của Phúc Âm.

Bởi vì linh mục mang rất nhiều bổn phận quan trọng đáng kính và đáng được nâng đỡ.

Thực vậy, Ngài có bổn phận phải sống mật thiết với Chúa, Đấng đã ban cho ngài chức quyền cao quý.

Ngài có bổn phận phải hiệp thông chặt chẽ với Hội Thánh, một thực thể được Chúa thiết lập như dụng cụ và dấu chỉ của sự cứu rỗi.

Ngài có bổn phận phải cộng tác một cách khiêm nhường và hiếu thảo với Đức Giám Mục của ngài.

Ngài có bổn phận phải phục vụ cộng đoàn được trao phó. Phục vụ theo gương Chúa Giêsu, "Đấng đến không để được hầu hạ mà để hầu hạ" (Mc 10,45), Đấng nên gương phục vụ hết tình qua việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,5) trước khi tự nguyện đi vào cuộc thương khó dẫn đến cái chết trên thánh giá (x. Ga 20,21).

Ngài có bổn phận phải loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa cho mọi người, cho quê hương yêu dấu.

Kể ra bằng ấy bổn phận vẫn chỉ là phác hoạ sơ sài hình ảnh linh mục. Nhưng hình ảnh thô sơ đó vẫn mang những chiều kích thiêng liêng rất đáng kính trọng.

Những chiều kích thiêng liêng ấy là những tiếng gọi khác nhau của tình yêu Thiên Chúa.

Điều quan trọng là linh mục biết đón nhận những tiếng gọi ấy. Và khi ý thức được đúng những đòi hỏi của những tiếng gọi ấy, linh mục sẽ càng cảm thấy mình rất cần đón nhận ơn Chúa và những đỡ nâng của bất cứ ai. Bởi vì, các ngài mang thân phận con người, cảm nghiệm thấm thía những yếu đuối, những bất xứng và những giới hạn của mình.

Vì thế, dù các linh mục của ta đạo đức đến đâu, chúng ta vẫn hãy cứ cầu nguyện cho các ngài. Phương chi khi các ngài có vẻ như bị rơi vào một cảnh khó khăn nào đó, chúng ta càng cần cầu nguyện cho các ngài.

Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta hãy cầu nguyện với tâm tình kính trọng và cảm thương. Việc cầu nguyện như thế chắc chắn sẽ rất đẹp lòng Chúa. Đó cũng là một cách chúng ta tỏ lòng biết ơn và đền ơn đối với Chúa, Hội Thánh và các linh mục.

Cùng với tâm tình kính trọng và cảm thương, chúng ta còn cần cầu nguyện cho linh mục với tâm tình khiêm tốn cộng tác với Chúa.

Cầu nguyện cho linh mục với tâm tình cộng tác với Chúa

Tâm tình cộng tác với Chúa nói đây là cầu cho các linh mục được sống theo thánh ý Chúa.

Những điều Chúa muốn nơi linh mục thì nhiều. Nhưng điều Chúa muốn hơn hết nơi ngài là ngài hãy đặt đời sống thiêng liêng lên hàng đầu. Trong cuốn "Hướng dẫn sứ vụ và đời sống linh mục", Toà Thánh quả quyết đời sống thiêng liêng phải chiếm địa vị ưu tiên tuyệt đối nơi linh mục.

Đời sống thiêng liêng cốt ở sự "ở lại với Chúa" (Mt 3,14). Nó được tồn tại và tăng cường bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện liên lỉ theo gương Chúa Giêsu. Cầu nguyện thiết tha cùng nhịp với Hội Thánh.

Nhờ đời sống thiêng liêng đó, linh mục mới có thể làm chứng hữu hiệu cho Chúa qua đức ái vô vị lợi, qua đức vâng lời khiêm tốn, qua đức khó nghèo và khiết tịnh từ bỏ chính mình, qua đức nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.

Thiếu đời sống thiêng liêng, người linh mục sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh làm linh mục, chứ không thực sự là linh mục của Chúa.

Vì thế, khi cầu cho linh mục, ta nên khẩn khoản xin Chúa cho linh mục được sống theo thánh ý Chúa, tức là ưu tiên biết lo cho đời sống thiêng liêng của mình.

Nếu đời sống thiêng liêng nơi một linh mục dần dần trở nên khô cạn, rồi cả linh mục lẫn cộng đoàn của linh mục coi đó là chuyện bình thường, không chút áy náy, thì tình hình đạo nơi đó sẽ khó tránh khỏi những hậu quả đáng lo ngại.

Công bằng mà nói, nhiều trường hợp đời sống thiêng liêng nơi linh mục bị giảm sút, cũng một phần do những yếu tố bên ngoài tác động. Trong những yếu tố bên ngoài đó, không thiếu yếu tố nội bộ. Ngoài ra, ác quỷ vô hình bao giờ cũng rất hăng say tìm cách làm hư những người theo Chúa. Mưu mô của chúng thường được trá hình dưới nhiều hình thức và động lực mang màu đạo đức.

Vì thế, cầu cho ơn thánh hoá linh mục nhiều khi cũng nên kèm theo việc xin Chúa thanh luyện cơ chế, bầu khí và cộng đoàn mà linh mục cùng chung sống.

Chia sẻ trên đây của tôi chỉ là một ý kiến nhỏ về một vấn đề lớn.

Mong rằng, thao thức này cũng được kể như một lời cầu nguyện chân thành tha thiết hiệp thông. Với ý thức rằng: Vấn đề này đang và sẽ còn trở thành phức tạp. Nó sẽ là một thử thách lớn cho Hội Thánh toàn cầu nói chung và cho Hội Thánh Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vững tâm cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa, thì vấn đề này, dù khó khăn đến đâu, cũng sẽ được giải quyết tốt đẹp. Các linh mục của chúng ta sẽ được ơn phản chiếu tình yêu cứu độ của Thánh Tâm. Dù trong hoàn cảnh nào, các ngài sẽ là những linh mục của Thánh Tâm, dấn thân đưa tình yêu Chúa vào các linh hồn đang đợi chờ Nước Chúa (theo ĐGM JB Bùi Tuần) 

Mừng kính trái tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục được có con tim nhạy cảm, tấm lòng yêu thương như Chúa để các Ngài luôn trung tín, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, cho đàn chiên. 

“ Thánh Tâm Chúa Giêsu,nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng con tràn lửa say yêu một Chúa...Xin thương những người đã dám vô tình xúc phạm đến Thánh Tâm Cha “. 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An - Giáo Phận Phan Thiết