Tông huấn "Amoris Laetitia" là một giáo huấn có thẩm quyền của Hội Thánh

Tông huấn "Amoris Laetitia" là một giáo huấn có thẩm quyền của Hội Thánh

Theo một bài báo trên tờ Quan sát viên Rôma (L'Osservatore Romano), Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đề tài gia đình là một ví dụ về kiểu "giáo huấn tổng quát" (ordinary magisterium) - thuộc huấn quyền giáo hoàng - mà người Công giáo có nghĩa vụ "phải tuân thủ bằng ý chí và sự quyết tâm".

Cha Salvador Pie-Ninot - một giáo sư về giáo hội học cho rằng, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không đặt huấn quyền của ngài "một cách rõ ràng" vào trong văn kiện này nhưng nó đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí điển hình của loại "giáo huấn tổng quát" mà tất cả các tín hữu của Giáo Hội phải đáp lại bằng "thái độ cơ bản là chấp nhận chân thành và tuân thủ đầy đủ".

Bài viết của linh mục người Tây Ban Nha này được đăng trên tờ Quan sát viên Rôma hôm 23 tháng 8, nhằm trả lời cho câu hỏi đặt ra về tính giá trị mà văn kiện Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang lại. Trước đó, Đức Hồng Y Raymond Burke người Mỹ cũng đã nhiều lần nói rằng văn kiện này  là "một tổng hợp của các quan điểm và giáo lý".

Cha Pie-Ninot cho biết ngài đã quy chiếu văn kiện này dưới ánh sáng của một huấn thị về ơn gọi cho các nhà thần học mà Bộ Giáo Lý Đức Tin phát hành hồi năm 1990.

Huấn thị này do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (nay là Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI) soạn thảo nhằm giải thích về ba cấp độ giáo huấn của Hội Thánh, cùng với ba cấp độ đòi hỏi sự chấp nhận tương ứng.

Cấp độ cao nhất là "những tuyên bố bất khả ngộ" (còn gọi là "tín lý"), đòi hỏi phải chấp nhận tin rằng nó được Thiên Chúa mặc khải; cấp độ tiếp theo là những lời giảng dạy "mang tính minh định" vốn được "kết nối chặt chẽ và mật thiết với sự mặc khải" và phải được chấp nhận và tuân giữ vững vàng.

Cũng theo bản huấn thị này thì điển hình của một lời giảng dạy được gọi là "giáo huấn tổng quát" ấy là "khi đấng huấn quyền không có ý định ban hành một sự 'minh định' nào cả, nhưng muốn dạy thêm về một quan điểm giáo lý nhằm giúp hiểu biết thấu đáo hơn về sự mặc khải và làm sáng tỏ thêm nội dung của nó, hoặc để nhắc lại một số giáo huấn sao cho phù hợp với chân lý đức tin, hoặc cuối cùng là bảo vệ nhằm chống lại những ý tưởng không phù hợp với chân lý, để kêu gọi tuân thủ bằng ý chí và sự quyết tâm.

Cha Pie-Ninot nhận định là Amoris Laetitia thuộc thể loại thứ ba này. Ngài nói thêm, bản huấn thị năm 1990 đã chỉ ra rằng những "giáo huấn phổ quát" có thể được Đức Giáo Hoàng phát hành khi ngài muốn can thiệp "vào các vấn đề đang được tích cực thảo luận, ngoài các nguyên tắc bất di bất dịch thì nó có thể chứa đựng ít nhiều sự ngẫu hứng và các yếu tố phỏng đoán".

Huấn thị 1990 còn lưu ý rằng "thường thì phải trải qua thời gian mới có thể phân định được nó là điều cần kíp hay là điều ngẫu hứng", mặc dù vậy, vị linh mục người Tây Ban Nha cho biết, huấn thị này còn nhấn mạnh rằng thậm chí người ta phải giả định là việc đó đã được "Thiên Chúa linh hứng" cho Đức Giáo Hoàng.

Theo Catholic Herald

Thế Vinh