Tình Yêu & Hôn Nhân - Chương Một: GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC

Tình Yêu  & Hôn Nhân - Chương Một: GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC

Tình Yêu & Hôn Nhân
 

Giới thiệu
 

Quyển sách Tình Yêu và Hôn Nhân này phản chiếu cuộc hành trình tìm kiếm của nhiều tín hữu ngày nay, tìm một mô hình linh đạo mới. Cách riêng, họ là những giáo dân kết hôn, sống mối tương quan đôi bạn và tương quan gia đình. Các đôi bạn được mời gọi diễn tả cuộc sống “bình thường” này như một con đường cứu độ và nhận ra nơi ấy một dấu chỉ ưu việt của tình yêu Thiên Chúa.
Công trình này được biên tập bởi một nhóm gồm năm cặp vợ chồng và một linh mục, nhạy cảm và kiên trì làm việc trong nhiều năm trên các đề tài nền tảng cho những ai sống đời hôn nhân - gia đình, như: giá trị và ý nghĩa của tính dục, các chiều kích của tình yêu, hướng mở đến sự phong nhiêu, những giai đoạn khác nhau của hành trình đôi bạn, sự đan xen các thời kỳ sung mãn vợ chồng và thời kỳ khủng hoảng, đôi bạn trong xã hội và trong Giáo hội, hôn nhân như con đường và bí tích ơn cứu độ, v.v… Nhóm làm việc này không làm việc đơn độc nhưng tham khảo rất rộng rãi các cặp vợ chồng khác, vốn là những đôi bạn kitô hữu đã và đang đi một hành trình dài ít nhiều kinh nghiệm, suy tư và đối diện vấn đề. Nhóm biên tập cũng như các nhóm đôi bạn được tham khảo kia, tất cả đều thuộc Phong trào gọi là Equipes de Notre-Dame, một phong trào gia đình được khai sinh ở nước Pháp hơn 50 năm qua và hiện nay đã phát triển trên nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong các phong trào linh đạo góp phần làm Giáo hội nên phong phú và tạo nên một dòng chảy từ cơ sở biểu lộ Hội thánh tham gia và dấn thân.
Công trình này được đưa ra như một dụng cụ suy tư hữu ích cho mọi đôi vợ chồng kitô hữu và cho những ai có ý nhìn nhận chiều kích huyền nhiệm có mặt trong đời sống đôi bạn và gia đình.


Chương Một


GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÍNH DỤC


1. Thân xác của người nam và người nữ 
2. Đôi chuyện về tính dục
3. Đặc tính nhân vị của tính dục
4. Đàn ông, đàn bà: sự khác biệt tính dục
5. Tại sao khác nhau?
6. Tính dục và tình yêu
PHỤ LỤC: MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
 

1. Thân xác của người nam và người nữ
Hai vợ chồng trẻ, trong ngỡ ngàng của những ngày tháng đầu yêu nhau, họ diễn tả như sau:
“Chúng tôi đã khám phá ra vẻ đẹp của thân xác với niềm vui thỏa chúng khơi dậy. Chúng tôi đã khám phá thấy rằng hiểu biết người yêu cần phải qua thân xác, nhưng chỉ với điều này, đó là: chúng tôi dừng lại chiêm ngắm nó trong thinh lặng với niềm kính trọng!”
Để bắt đầu suy tư về tình yêu và hôn nhân, chúng tôi muốn khởi đi từ một thực tại cụ thể: tính dục và ý nghĩa cùng giá trị của nó. Chúng tôi ý thức rõ sự khó khăn khi phải tách biệt tính dục và tình yêu, là hai thực tại vốn kết hợp sâu xa với nhau trong quan hệ đôi bạn, thế nhưng phải làm thế để khảo sát cả hai tốt hơn. Tính dục đã có mặt ở ngay từ đầu lịch sử đôi bạn; là dữ kiện về xác thân, không thể xem nhẹ, và đặc thù của quan hệ yêu đương.
Tính dục cũng còn có mặt ngay từ đầu của cuộc sống cá nhân của mỗi con người: giới tính không thể được coi là thứ yếu nơi mỗi nhân vị. Đúng hơn, tất cả những gì liên hệ đến thân xác con người trong đó có giới tính, không thể bị xem thường hay bỏ rơi vào quên lãng. Nhưng thân xác là gì khác nếu không phải là chính ngôi vị được hữu hình hóa, cho người ta đụng chạm tới được, và thông giao được? Làm sao có thể tách biệt ngôi vị ra khỏi thân xác của nó được?
Cần phải khám phá lại và xây dựng lại sự thống nhất của con người hiện hữu với cả hồn và xác, bằng cách làm sáng tỏ những tiềm năng của thân xác như dấu chỉ. Những khả năng tự diễn đạt và thông giao bằng thân xác là vô hạn; và sẽ là một mất mát nghiêm trọng nếu như chúng ta không nhận biết ý nghĩa của thân xác của mình và của người khác; nếu như chúng ta không biết đón nhận và quí trọng thân xác, như tặng phẩm quí giá, trong mọi biểu hiện của nó: thân xác bé bỏng và mềm mại của trẻ thơ; những thân thể teo tóp vì đói nghèo; những thân xác gầy guộc vì lao dịch và bất công; những thân xác nhẹ nhàng và thanh thoát; những thân xác vụng về và bị dập nát; những thân xác hao mòn, kiệt sức, bất động; những thân xác tập trung, bận bịu; những thân xác đang thư giãn, đang hoạt động, đang chờ đợi; những thân xác đang căng thẳng, đang chiêm niệm, đang cầu nguyện; đang giận dữ, đang bạo động, đang sục sôi thù hận; đang xáo động, đau đớn, khổ đau, dằn vặt; những thân xác trầm lặng trong tuổi già thanh bình; thân xác những người đã héo khô, hoàn toàn bị vắt kiệt: của những cụ ông, cụ bà đang hấp hối. Bao nhiêu là thông điệp muốn nói từ những thân xác! Bao nhiêu là thông điệp phải bỏ lỡ!
Nhưng, thật không may, chúng ta đã trải qua kinh nghiệm tha hóa cũng từ thân xác. Thân xác bị mất đi ý nghĩa và giá trị là hệ quả của ảnh hưởng của thế giới tư tưởng Platon mà văn hóa kitô giáo đã mặc lấy trong môi trường hy lạp - la mã đang phát triển trong những thế kỷ đầu. Những hệ luận chúng ta vẫn còn mang nhiều:
“Khuynh hướng lý trí của tôi luôn tìm cách kềm hãm lại những thái cử muốn biểu lộ tính dục của tôi. Trong tôi có một khuynh hướng nào đó muốn từ chối biểu lộ tình cảm riêng qua những hành vi tiếp xúc thể lý. Nhưng tự thâm sâu tôi nhận ra rằng mình cảm thấy những cử chỉ ấy là quan trọng, cần thiết và đem lại niềm hoan lạc.”
Trong thế giới do thái cổ, chịu ảnh hưởng của Cựu và Tân ước, thân xác mang một ý nghĩa rất khác. Cũng thế, trong nhiều nền văn hóa hiện nay thường không được hiểu đúng hoặc bị khước từ, có cái nhìn về thân xác rất khác với văn hóa Tây phương.
Trong nền văn hóa tiền kitô giáo của dân tộc do thái không thể quan niệm một tinh thần tách biệt với thân xác; không thể có linh hồn đơn độc, nhưng linh hồn luôn là một sinh hồn, hồn sống động. Nếu có phải nói về linh hồn người ta phải mô tả nó qua một hình hài nhục thể, vật chất: hơi thở. Trong các bản văn Cựu ước kinh nghiệm của con người luôn được diễn tả rất thực tế, nhất là kinh nghiệm về tính dục. Đức Giêsu Nazaret cũng là một người Do thái, quan tâm yêu thương chăm lo cho con người, con người toàn diện: Ngài tương quan với từng người và với mọi người trong thực tại toàn thể của con người xác-hồn. Đức Giêsu nói với chúng ta: con người chỉ có thể được cứu độ với toàn thể con người của mình. Ơn cứu độ, đã đến giữa chúng ta trong con người của Đức Kitô làm người, ơn cứu độ đã có mặt ở đây rồi, là để cho con người với xác thân nhục thể này, chứ không dành cho những hồn ma không thân xác.
Bởi thế không thể nói về tình yêu, hôn nhân mà không có sự giải phóng thân xác và tính dục ở chiều sâu. Sống tình yêu trong thanh bình có nghĩa là sống ngôn ngữ của thân xác với niềm hân hoan. Đức Gioan Phaolô II, quan tâm đặc biệt đến chủ đề tình yêu và tính dục, trong ba bài giáo lý về sách Diễm Tình Ca năm 1984, nói về bài tình ca này như là một “cử hành ngôn ngữ của thân xác”: không có thứ ngôn ngữ ấy “những lời sâu kín nhất của tâm linh, lời của tình yêu, của sự dâng hiến, trung thành, không thể nào diễn đạt được một cách trọn vẹn”. Đó là một lời mời gọi trở về giao hòa lại với thực tại thân xác, vật chất, với tính dục.1
Thế nên chúng ta bắt đầu suy tư này bằng một lời mời gọi khám phá tính dục như là một sức mạnh cực kỳ đưa các bản năng tiềm ẩn vào hoạt động; một kho tàng phong phú cần phải khai thác để nó vận hành một cách tự do trong mọi tương quan của chúng ta và để góp phần làm cho chúng thêm phong nhiêu và giàu sáng tạo. Một nguồn mạch của niềm vui, của các vẻ đẹp, của hoan lạc, của sự hài hòa, làm sao để học mà biết hưởng dùng một cách tự nhiên, phó thác và biết ơn. Một ân ban quí giá, được trao phó để dâng hiến trong hân hoan. Một thực tại mầu nhiệm chúng ta không thể ngừng thắc mắc. Một thực tại rất phức tạp chúng ta không thể giản lược một cách quá dễ dãi.
Chúng ta sẽ đi tìm một chút ánh sáng chỉ dẫn từ kinh nghiệm sống (chương I, 2); từ các kết quả của khoa học (ch. I, 3 4, 5); từ Lời Chúa (ch. II, 1); từ suy tư thần học và suy tư của Hội Thánh (ch. II, 2).


2. Đôi chuyện về tính dục
Sau đây là những chứng từ do các đôi bạn, chia sẻ kinh nghiệm sống của mình, đã đóng góp vào tiến trình hình thành nên quyển sách này. Những kinh nghiệm này không có tham vọng nêu lên đầy đủ các vấn đề. Thế nhưng chúng cho ta một toàn cảnh về giáo dục giới tính ngày nay khá đa dạng và năng động; về cách cảm nhận và sống tính dục trên bình diện cá nhân; về các quan hệ tính dục của đôi lứa.
Nền giáo dục giới tính đã hấp thu. Khó có kinh nghiệm tích cực được, đang khi có rất nhiều đôi bạn đồng thanh ta thán rằng họ đã được giáo dục về chuyện giới tính theo lối cổ xưa mang tính chất “tiêu cực”, “hà khắc”, “qui tắc”. Nghĩa là một thứ giáo dục coi giới tính “vắng mặt”, bắt tính dục phải “im lặng”, giáo dục với những “người mẫu vô tính”. Một thứ giáo dục kiểu “nặng luân lý” luôn coi tính dục gắn liền với “tội lỗi”; một lối giáo dục với hai tầng luân lý: cho những người nam (với “các ông bố và ông chồng gia trưởng”) và cho những người nữ (với “các bà vợ và bà mẹ phụ thuộc”).
Lối giáo dục này thường đưa đến tình trạng thiếu hài hòa, khó khăn ít nhiều nghiêm trọng, thất bại có thể bi thảm.
Cách thức cảm nhận và sống tính dục. Có những người sống tính dục của mình chủ yếu như vai trò mà nền văn hóa truyền thống đã qui định cho từng giới và cảm thấy khó chuyển qua được một vai trò ít khắt khe hơn.
Có không ít người có một cảm thức rất rõ ràng về tính dục như là một “kho tàng phong phú” và như là một “tặng phẩm”, đặc biệt là để tăng triển khả năng thông giao. Ngược lại, có những người khác, dẫu trí tuệ họ xác quyết về ý nghĩa và giá trị đó của tính dục, nhưng vẫn còn cảm thấy bị kềm hãm và ngăn chặn khi “bộc lộ tình cảm” (thường xảy ra nhiều hơn nơi người nam) và khi “chấp nhận thân xác của mình như là tặng phẩm cho người bạn kia” (thường xảy ra nhiều hơn nơi người nữ).
Cũng có những người cho tới nay vẫn còn chưa nhận ra hoạt động sinh dục (tính dục được biểu lộ qua hành vi có liên quan đến cơ quan sinh dục) chỉ là một phần của tính dục. Những người ấy không ít.
Quan hệ tình dục. Một số đôi bạn có thể nói, với vẻ nhiệt thành và hân hoan, họ sống cuộc sống tình dục “với một sự hấp dẫn thường xuyên”, một cách “đơn giản”, “tự do”, “phó nhượng”, “tùy hứng”, (mặc dù được giáo dục theo truyền thống). Một số đôi bạn khác, điềm tĩnh hơn, khẳng định mình kinh nghiệm “những tiềm lực tính dục luôn đổi mới nhẹ nhàng và sự hòa điệu trong cử chỉ và nhịp điệu mỗi ngày một sâu sắc hơn”. Đang khi đó, những cặp khác trẻ hơn xác nhận mình “cảm nhận chuyện ấy rất cuốn hút, nhưng vẫn còn đang đi tìm sự hòa điệu với nhau”.
Một số đôi bạn kinh nghiệm hành vi tình dục như là “lúc để tha thứ và xây dựng lại”; những người khác thì như là một sự “chia rẽ”.
Một số đôi đã khám phá niềm “hoan lạc” cho đi hoặc đón nhận rất quan trọng đối với “sự hiến ban”; được “thỏa mãn đầy đủ” và “ân ái tốt đẹp” cũng quan trọng cho sức khỏe và hạnh phúc của vợ chồng; một số khác còn phải tìm cách để đạt tới một gặp gỡ thân xác vừa ý.
Cũng có những cặp tôn vinh lối sống tính dục “chạy theo khoái lạc, theo những kiểu mẫu tiêu thụ hiện thời”.
Nhiều đôi bạn có khả năng nhìn lại, đọc lại những chặng đường đi qua của quan hệ tính dục của họ: từ “tình yêu phấn khích thuở ban đầu”, đến thời kỳ “khủng hoảng sâu xa”, cho đến thời kỳ phục sinh với “một cuộc gặp gỡ giữa các thân xác đẹp đẽ và sung mãn hơn”; từ sự “phải lòng say đắm nhau dữ dội” đến chỗ lấy lại được sự bình ổn sau “kết cuộc đau buồn của giai đoạn ấy”; từ “những năm đầu khó hòa hợp tình dục” đến “đỉnh hòa điệu”. Một số đôi bạn biết nhìn “đời sống tính dục của mình diễn tiến lúc thăng lúc trầm” một cách thanh thản.
Cuối cùng cũng không thiếu những người bận tâm đến “ảnh hưởng trực tiếp của hoàn cảnh bên ngoài” trên tiến trình hướng đến sự hòa hợp tính dục. Người ta muốn nói tới văn hóa tiêu thụ và phân mảnh rời rạc, tới những quan hệ trong công việc khiến ta bị vong thân, tới nhịp sống dồn dập căng thẳng, tới không gian chật hẹp dành cho con người trong các căn hộ ở đô thị (x. ch. VI).


3. Đặc tính nhân vị của tính dục
Giới tính và tính dục ngày nay được hiểu biết rất nhiều hơn thời gian chỉ trước đây không lâu. Bởi khoa học hiện đại, với những quan sát nghiêm ngặt không có liên hệ gì đến các truyền thống thần thoại, đến việc sử dụng biểu tượng mang tính triết học và văn hóa tôn giáo, mà ngày nay người ta ít có khả năng gán những điều người ta biết ấy cho sức mạnh siêu nhiên. Chỉ cần nghĩ đến hai điều này là đủ: chỉ mới đầu thế kỷ mười chín này người ta mới biết rõ quá trình sinh sản xảy ra như thế nào, và thế kỷ hai mươi biết mối tương quan chặt chẽ giữa tính dục và ngôi vị tính hay nhân cách.
Chúng ta không thể không biết đến những kiến thức này nhưng cũng ý thức rằng những câu hỏi lớn nhất vẫn còn chưa được giải đáp. Lãnh vực sâu nhất của tính dục là lãnh vực mầu nhiệm: nghĩa là, đang khi thực tại ấy vẫn có thể và phải tiếp tục được khảo sát với mọi phương tiện có trong tay, ta biết rằng chúng ta vẫn chưa hiểu và vẫn sẽ mãi không hiểu hết ý nghĩa sâu thẳm nhất của tính dục.
Chúng ta bắt đầu với nhận xét rằng không có con người trừu tượng: có một người nam, người đàn ông này; có một người nữ, người đàn bà này. Trong mỗi người chúng ta căn tính (tôi là ai?) hoàn toàn gắn kết với giới tính (nam/nữ) của mình, mà giới tính thì không phải là một thực tại bộ phận có thể tách biệt được2, nhưng là cách thế duy nhất để làm một nhân vị cụ thể. Một người không thể biểu lộ cái tôi mà không thông qua giới tính của mình3.
Thật ra sự khác biệt tính dục là yếu tố định hướng toàn thể sự tiến triển tình cảm kể từ lúc sinh ra đời, nhờ đó mà con người dần dần ý thức về chính mình. Sự khác biệt tính dục không chỉ giới hạn trong phạm vi cơ thể và sinh học, nhưng khắc ghi dấu ấn sâu đậm trong toàn hữu thể con người. Đó là một khía cạnh cấu thành toàn vẹn của ngôi vị và phơi mở ngôi vị, luôn có mặt, luôn hoạt động. Đàn ông và đàn bà, được phân chia giới tính (nghĩa là mỗi bên có đặc trưng một giới tính nhất định) khác nhau không chỉ nơi các cơ quan sinh dục, không chỉ nơi cấu trúc của thân xác của họ, nhưng họ khác nhau trong toàn thể con người của họ; kể từ lúc sinh ra, trước cả khi tính dục hoạt động trong các quan hệ riêng tư một cách có ý thức, trước khi tính dục trở nên hoàn toàn chín muồi. Những biểu lộ của tư tưởng, ý muốn, quyết định, cảm xúc và tình cảm, hành động, việc làm đều được ghi dấu bởi sự kiện mình thuộc về giới tính của mình và bởi lịch sử phát triển tính dục của mình. Cũng như thế trong tương quan với những người khác: cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con, bạn hữu, đồng nghiệp, người bạn đời, và cả tương quan với chính Thiên Chúa. Đặc biệt, những biểu lộ của tình cảm, tình bạn, sự ân cần, tình ái, tình yêu đều thể hiện giới tính.
Nói chung, mọi tương quan của chúng ta đều hiển lộ giới tính cách nào đó cho dù không có biểu hiện tính dục trực tiếp: từ những quan hệ rất đẹp, rất phong phú, đậm tính nhân bản, đến những quan hệ không gì đẹp đẽ, mờ ám, nghèo nàn, thiếu hòa điệu, thiếu nhân tính. Mọi quan hệ đều biểu lộ ít nhiều trực tiếp tính dục của chúng ta: tròn đầy, chín chắn, ý thức, toàn vẹn, nguồn tạo ra tính xã hội và đối thoại của tình yêu. Hoặc ngược lại, vẫn còn biểu hiện tính bản năng, thô lỗ, kềm nén, lẫn lộn, mơ hồ; có thể là nguồn của hoan lạc, nhưng thiếu khả năng đối thoại và dâng hiến.


4. Đàn ông, đàn bà: sự khác biệt giới tính
Khởi đầu của mọi chuyện tình yêu đều có hai người, một nam một nữ; họ khác nhau về nguồn gốc, lịch sử, về nhân cách.
Nhưng trong mọi nét khác biệt, cái khác biệt đầu tiên là khác biệt tính dục. Đó là dữ kiện khách quan và đặc thù của sự khác biệt nam nữ nơi đôi bạn. Chúng ta sẽ nói đến sự khác biệt, như là sự kiện cơ bản của tình yêu, ở chương IV. Điều chúng ta quan tâm ở đây là sự khác biệt tính dục, yếu tố đặc thù làm nền tảng của đời đôi bạn.
Chúng ta nên khởi đi từ dữ kiện sinh học, từ sự khác biệt tính dục của hai thân xác để tự hỏi có hay chăng một mối liên hệ nào giữa sự khác biệt về mặt sinh học và sự khác biệt trên bình diện nhân cách: thế nào là tính đàn ông? Thế nào là tính đàn bà? Cái gì làm nên dị biệt tính của người phụ nữ? Cái gì làm nên dị biệt tính của người đàn ông?
Thuộc tính riêng của nam giới xem ra nằm ở chỗ đặt người đàn ông vào cái thế phải có sáng kiến, thám hiểm, phóng tới, trao tặng. Thực tại này dường như không chỉ là sự tiêu biểu mà ở tây phương nó còn là nền tảng cụ thể của một số tính khí được nhìn nhận như là của riêng nam giới: phát huy sáng kiến, tìm kiếm cái mới, hay di động, táo bạo; thám hiểm thực tại, tìm cách nắm bắt các cấu trúc và tình trạng rõ ràng và chính xác của thực tại; không để cho đời sống cảm xúc hay tình cảm khống chế và làm tê liệt mình, trong khi lại thích được sống theo những ý tưởng nhất định khả dĩ áp đặt và thúc con người hành động.
Nữ tính có vẻ mầu nhiệm hơn và cũng phức tạp hơn: cơ quan sinh dục của họ không thấy được, ở trong cơ thể của họ. Hơn nữa người nữ xem ra bị chìm ngập trong tính dục của mình: những hoạt động của các kích thích tố (hormone) phức tạp hơn, những chu kỳ kinh nguyệt, việc làm mẹ, v.v… Trong quan hệ tính dục người nữ bị đi vào trong thâm cung của mình; bởi thế là kẻ nhận lãnh. Đâu là những đặc tính của nữ giới có thể rút ra từ đó? Phải chăng đó là sự thân tình, tính chất bí ẩn; khuynh hướng hay thiên hướng bước vào tương quan; xu hướng thu nhận (khác với tính thụ động). Người nữ làm việc trong âm thầm; dễ tuân theo những cảm xúc; nhận biết bằng trực giác và linh cảm hơn là bằng lý trí và suy tư4.
Đó có thể là một số đặc điểm thuộc xu hướng của người nam và của người nữ liên hệ với những khác biệt của hai giới trên bình diện sinh học, do nền văn hóa tây phương đã nặn ra. Không thể dừng ở đó mà không phải chịu hậu quả của việc đơn giản hóa mọi sự cách phi lịch sử, phi khoa học, không chấp nhận được.
Trước hết khoa nhân học văn hóa đã cho chúng ta biết rằng những cách thức cụ thể mà người nam và người nữ diễn tả không hề bị tất định không thay đổi. Đó là sản phẩm của văn hóa. Trong bước tiến hóa chầm chậm từ động vật có vú đơn thuần thành người thông minh (homo sapiens), con người từ chỗ là thành quả của loài, từ bản tính động vật của mình, đã trở thành trong phạm vi ngày một rộng lớn hơn tạo hóa của chính mình, tự tạo ra những hình thức sống riêng, cá nhân cũng như cộng thể. Nghĩa là tự mình tạo ra lịch sử. Thiên nhiên tạo ra trống mái, lịch sử, văn hóa tạo ra đàn ông đàn bà. Bởi thế, tính dục, như kinh nghiệm con người, được cảm nghiệm và được sống với những sắc thái khác nhau trong những văn hóa khác nhau và với sự tiến hóa theo dòng lịch sử. Chúng ta đã ý thức rõ hơn sự đa dạng và thay đổi liên tục ấy trong thời gian qua nhờ những nghiên cứu của các nhà nhân học, nhờ những điều tra về quá khứ, nghiên cứu những nền văn hóa thời kỳ nguyên thủy của họ5. Thế nên người ta không thể đóng kín tính dục trong những khuôn khổ cố định và bất biến.
Vậy mà trong một thời gian dài sự khác biệt tính dục được diễn dịch như là dấu chỉ của sự ưu việt và thống trị của giới này ngược lại với sự thấp kém, khuất phục, thụ động của giới kia. Quan niệm ấy là sản phẩm của lịch sử; có thể được thay đổi, đúng hơn nó đã thay đổi: quả thực khác biệt tính dục không còn có thể được giải thích theo kiểu đối kháng giữa sự ưu việt và sự thấp kém nữa. Người đàn bà thấp kém hơn đàn ông, đó là một lịch sử dài; người ta nhận ra điều ấy nơi phần lớn các xã hội nguyên thủy, cổ đại khi so với lịch sử cận đại. Chuyện đó không thay đổi bao nhiêu và đã được chuyển trao đến xã hội chúng ta cho đến thế kỷ vừa qua, cuối cùng xã hội cũng đã nhận ra được sự bình đẳng về giá trị và phẩm giá giữa người đàn ông và người đàn bà6.
Một khía cạnh nữa, còn ít được biết tới, nhưng rất quan hệ với sự khác biệt tính dục. Khám phá ra nó và đảm nhận nó sẽ giúp ta tiếp cận tốt hơn tính dục của chúng ta và của người bạn đời, của mọi người khác; giúp ta tương quan với họ với một thái độ chăm chút mới và với những tiềm lực mới.
Sự khác biệt tính dục không chỉ được kinh nghiệm bên ngoài chúng ta. Nó đi qua mỗi người trong nơi thâm sâu kín đáo nhất của người ấy; không ai được hoàn thành một cách đầy đủ trong tính dục của mình; điều đó có nghĩa là không ai tuyệt đối chỉ là nam, hay tuyệt chỉ là nữ: trong mỗi người đều cùng tồn tại cả những yếu tố, những mặt thuộc giới tính kia, cần phải khám phá, nhận ra, trân trọng và tháp nhập vào con người của mình. Con người, tự bên trong có cả nam lẫn nữ tính, và tiến trình trưởng thành nhân cách phải trải qua quá trình nội tâm hóa những yếu tố nam và nữ này. Nhìn nhận nơi mình có cả hai yếu tố đó đang đối thoại và kết nhập với nhau là một cuộc hành trình lý thú đồng thời giúp ta có khả năng đối thoại với tha nhân khác phái.


5. Tại sao khác nhau?
Giờ đây chúng ta tự hỏi sự khác biệt tính dục này có chức năng gì: tại sao người ta là nam, tại sao là nữ?
Trước hết sự khác biệt tính dục làm tôi nổi bật, tách biệt tôi ra; giúp tôi xác định mình như là một nhân vị, nhận biết mình như là một chủ thể; hiện hữu khác biệt với tha nhân7.
Để hiện hữu một cách độc lập chúng ta đã cần một sự phân ly đầu tiên ra khỏi dạ mẹ. Nhưng đó không phải là kinh nghiệm phân ly duy nhất: đó là sự phân ly khiến ta chào đời, nhưng cũng là sự phân ly cho ta được sống. Chúng ta sẽ luôn cần tới kinh nghiệm ấy, mỗi khi ta bị cám dỗ quay về chui vào lòng mẹ trong những bức tường bảo bọc của một người khác không giúp ta sống tự lập.
Sinh ra, hiện hữu, và sống có nghĩa là được phân ly, và thật ra, khả năng đối thoại chỉ có nếu như người ta thật sự phân ly nhau ra, tức là nên khác biệt. Chúng ta sẽ thấy ở những chương sau nguy cơ khi không được phân ly, nguy cơ hòa tan vào nhau trong tình yêu, nghiêm trọng như thế nào (các chương IV, XI, XII).
Sự khác biệt tính dục, đang khi phân biệt và tách biệt chúng ta ra, cũng đồng thời là một sức đẩy khiến người ta đi ra để tương quan và đối thoại; nó cung ứng cho ta những nền tảng có tính hiện sinh, biểu trưng và có ý nghĩa của những “ẩn số” phong phú, để đi vào tương giao, đi vào hiệp thông. Đặc trưng cơ bản của con người là được tạo dựng để đối thoại, đối thoại với kẻ khác với mình; đặc trưng ấy đặc biệt đặt nền tảng trên sự khác biệt tính dục. Do đó, tính dục trở thành khả năng ngôn ngữ, nguồn mạch và sức thúc đẩy các thành phần của nhân loại đi vào tương giao với nhau. Khi làm chủ tính dục, người ta có thể quí trọng trò quyến rũ nhau không dứt mà tính dục ưng nhận, người ta có thể thực hiện các quan hệ liên vị rất phong phú và sâu xa để làm cho trái đất chúng ta thêm sống động. Khi nói về sự khác biệt tính dục người ta nên mở ngỏ ra với những tiềm năng làm cho cuộc sống thêm phong phú hơn là hướng đến những xung đột8.
Một cách đặc biệt hơn, sự khác biệt tính dục này, là yếu tố xác định căn tính của ta và thúc đẩy ta bước vào đối thoại, lại ở ngay khởi nguồn của mọi chuyện tình yêu. Khi phải lòng nhau sự khác biệt tính dục đóng một vai trò rất mạnh, nó khơi dậy luyến ái tính dục, tức eros. Chính sự khác biệt tính dục, dù ý thức hay không, cho ta cái cảm giác mình không thành toại, thiếu thốn một cái gì đó và đẩy ta đi tìm tha nhân của mình, một nửa kia của mình đang ở đâu đó: tha nhân ấy cùng tôi có thể tạo nên một đôi gồm một người đàn ông và một người đàn bà, hợp nhất với nhau. Và một khi đã tìm thấy người ấy, người ta nhận ra nơi chàng hoặc nơi nàng cái tự ngã của mình kia, mà nếu không có chàng/nàng cái nhu cầu, nỗi khát khao viên mãn kia của ta không thực hiện được. Sự khác biệt tính dục ấy khơi dậy sức bật đẩy ta hướng tới hợp nhất để bổ túc, thực hiện, làm phong phú cho nhau (xem ch. III).
Chức năng cuối cùng của khác biệt tính dục là khả năng tạo ra sự sống hay sự phong nhiêu. Mà trước hết là chức năng sinh sản: Sự phân ly thành hai giới tính như thế cho phép, không chỉ nơi loài người, giao phối có thể tạo ra sự sống. Đứa con là quà tặng quí giá và mầu nhiệm nhất được ban cho đôi bạn, nó ra đời là để biểu lộ sự sống, để gìn giữ sự sống, để làm sự sống triển nở, làm sự sống phong phú thêm. Nhưng đôi bạn, nhờ có khả năng quan hệ tình yêu, còn phát triển một sự phong nhiêu rộng lớn hơn nhiều, đó là: chính sự hiệp thông dần dần tăng triển giữa một người đàn ông và một người phụ nữ yêu nhau, sự hiệp thông ấy trở nên sự sống viên mãn và là nguồn sự sống (xem ch. VIII).


6. Tính dục và tình yêu
Khác biệt tính dục, vốn ở đầu nguồn mọi chuyện tình yêu, đóng một vai trò đặc biệt và cơ bản. Chiều kích tính dục, thực vậy, nhờ một chuỗi vô tận các dấu chỉ, cử chỉ, cảm xúc, tạo ra cho tình yêu một nơi chốn ưu việt để tương giao, một ngôn ngữ đặc biệt để biểu lộ và là phương thế để hợp nhất; một ngôn ngữ để diễn tả tình yêu và, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu. Là ngôn ngữ được gọi là giá trị hợp nhất của tính dục, giá trị nội tại và thường trực.
Trong số các hành vi có liên hệ đến tính dục có một hành động, duy nhất dành riêng cho đôi vợ chồng, diễn tả hết mức giá trị hợp nhất này, đó là hành động trao thân cho nhau, là diễn tả có ý nghĩa nhất của tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà, dấu chỉ triệt để nhất của sự hợp hôn của họ, cho thấy họ thuộc về nhau. Hẳn là còn có một giá trị hợp nhất thân xác khác nữa: giá trị sinh sản giúp chuyển giao sự sống, đó là giá trị con người có chung với thế giới động vật. Đó là một tặng phẩm rất đẹp, không nội tại mà cũng không thường trực như giá trị hợp nhất, mà chỉ có tính hi hữu. Đôi bạn loài người thì vượt xa hơn nhiều loài vật: con người có khả năng tương quan tình yêu, có thể làm cho phong phú thêm quan hệ tính dục của mình bởi bao nhiêu là yếu tố biểu trưng khác, để từ đó tuôn trào một sự phong nhiêu lớn rộng, phong phú hơn thứ phong nhiêu chỉ về mặt sinh học9.
Trong quan hệ đôi lứa, tính dục thể hiện ý nghĩa đầy đủ nhất của nó khi liên hệ nhiều nhất, không phải với khía cạnh sinh sản, cho bằng là với khía cạnh hợp nhất trong tình yêu; nghĩa là khi tính dục được đặt vào ngay giữa lòng tình yêu của đôi bạn, một tình yêu được biểu lộ qua ước muốn biến người bạn đời kia thành lẽ sống của đời mình. Bởi thế, tính dục không thể được được xem trọng trước hết bởi cứu cánh sinh sản của nó, nhưng bởi chính khả năng diễn tả tình yêu, nghĩa là cái khả năng chứng thực, thể hiện, làm tăng trưởng sự hiểu biết và dâng hiến, hòa hợp và hợp nhất, chính về điều này nó là dấu chỉ mạnh mẽ nhất.
Ngược lại, trong quá khứ và gần đây cũng vẫn còn có một cái nhìn rất hạn hẹp về giá trị và ý nghĩa của tính dục, nhìn về khoái cảm tính dục với con mắt ngờ vực, trong đó sự kết hợp thân xác đã được biện minh là chính đáng về mặt luân lý khi nó chỉ hướng về mục tiêu sinh sản. Thế nhưng từ nay đã rõ rằng sự kết hợp thân xác, tự nó, trước hết là một diễn tả tình yêu; rằng quan hệ tính dục không chỉ giới hạn trong lãnh vực sinh dục10. Người ta đã vượt qua quan niệm tiêu cực truyền thống, của vài thập niên trước đây thôi, đã nhìn tính dục chủ yếu từ quan điểm duy đạo đức: nó chỉ tốt, chỉ được chấp nhận khi hướng tới mục đích sinh sản11.
Sinh dục (genitalità), trong tính cách quan trọng của nhiệm vụ thông truyền sự sống, không phải là tất cả, nhưng có một vai trò sâu xa và lớn hơn nhiều trong lãnh vực mênh mông của tính dục (sexualità). Chính từ cách thức người ta sống tính dục, giữa những hành vi tính dục khác, mà sự kết hợp thân xác mang lấy ý nghĩa đích thực hơn của nó, trở thành dấu chỉ của phẩm chất của toàn thể quan hệ tính dục, đúng hơn nó trở thành tấm gương phản chiếu phẩm chất của toàn thể quan hệ của đôi bạn12.
Một nhóm các đôi vợ chồng bày tỏ về việc này như sau:
“Trong những hành vi khác nhau của quan hệ đôi bạn, quan hệ tính dục là cái hậu cảnh chung của quan hệ đôi lứa; nó liên hệ đến những khát vọng, những chọn lựa, cảm xúc, cách sống tương quan với tha nhân, là những điều rộng lớn hơn nhiều so với bình diện sinh dục hạn hẹp. Chúng tôi xác tín rằng một quan hệ tính dục không là quan hệ tính dục đúng nghĩa nếu như chỉ là quan hệ về mặt sinh dục.
Trong mức độ đậm sâu của nó tính dục bao gồm cả đối thoại, bình diện tương giao, sự chờ đợi để hòa nhịp với người bạn mình, nỗi khát khao đem lại hoan lạc cho người ấy, sự thưởng thức lạc thú do người kia dâng tặng. Trong những giờ phút thân mật thể hiện tình yêu chồng vợ dường như cũng có một chút các yếu tố sau đây: sự tha thứ, vẻ đẹp, dâng hiến, tin cậy; nhưng cũng có mặt cả những khó khăn: khó khăn của một sự dâng hiến đến tận cùng, sự ích kỷ, không biết quan tâm đến những nhu cầu của bạn mình, sợ không dám phó thác hoàn toàn trong tay bạn mình.
Như thế xem ra hành vi kết hợp tính dục vợ chồng biểu lộ tất cả mối quan hệ tính dục, đúng hơn vén tỏ cho thấy toàn thể tương quan của đôi bạn. Nó cho thấy toàn thể mức độ xa rộng và nhập nhằng của tầm nhìn của đôi bạn. Bởi thế, thời gian tính dục vợ chồng cũng là lúc học biết sơ giao với những hạn chế bản thân, khả năng cho đi giới hạn của mình. Do đó kẻ bộc lộ sự vô cầu trong những lúc như thế sẽ giúp cho người bạn mình tỉnh ngộ về những giới hạn của người ấy.”
Chúng ta sẽ còn nhiều lần quay lại chủ đề này trong những chương sau: về sự giải thoát và cứu chuộc tính dục (ch. II, 5); về giá trị nhân vị của tính dục (ch. VI, 5); về tính phong nhiêu và sự sinh sản (ch. VIII); về các mục tiêu của hôn nhân và lựa chọn những phương pháp điều hòa sinh sản (phụ lục 1 và 2 của ch. VIII); về những xung đột và nguyên nhân đổ vỡ (ch. XI, 4); về sự biểu lộ tính dục trong những giai đoạn khác nhau hành trình tình yêu (ch. XII, 4).


PHỤ LỤC: MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bên cạnh sự mỏng manh, nhập nhằng và tội lỗi liên hệ đến hết mọi người như là những cá nhân, đồng thời còn có cái mỏng manh, nhập nhằng và tội lỗi còn căn cơ và sâu xa hơn và là sản phẩm của nền văn hóa, kết quả của cái não trạng tập thể lắng đọng qua bao thế kỷ, thậm chí qua nhiều thiên niên kỷ. Tội tập thể cũng liên hệ tới tất cả mọi người, và bởi thế nó chỉ có thể được giải phóng bởi sự tham gia của từng cá nhân vào việc làm chuyển hóa và giải thoát nền văn hóa tập thể.
Về chủ đề tính dục, chúng ta sẽ đề cập một cách đặc biệt đến hai thực tế có liên hệ chặt chẽ với nhau, đó là: lịch sử lâu dài sự thấp kém của nữ giới so với nam giới; và, lịch sử lâu dài của sự tách biệt thân xác khỏi tinh thần, của tính dục khỏi ngôi vị.


1. Sự thấp kém của nữ giới: một lịch sử dài
Tình trạng người phụ nữ thấp kém hơn nam giới có thể được nhận thấy trong những thời kỳ khá lâu trong tất cả mọi xã hội cổ đại và cận đại. Trong xã hội tây phương tình trạng ấy vẫn tiếp tục, không thay đổi bao nhiêu, cho đến hôm nay. Con đường của nhân loại, của mỗi người nam cũng như nữ, của mỗi đôi vợ chồng, nhằm đạt tới sự bình đẳng về giá trị và nhân phẩm giữa người nam và người nữ, để có thể trở về với sự hài hòa thuở ban đầu, còn lâu dài. Thật kỳ lạ là điều ấy lại đã được mạc khải trong Cựu ước gần mười thế kỷ trước Đức Kitô, trong một xã hội trung đông nơi ấy thân phận thấp kém lệ thuộc của người phụ nữ không hề tạo thành vấn đề. Một cách khá mạnh và rõ ràng, bản văn St 2,18-24 trình bày lời Chúa về đôi bạn, một đàn ông và một đàn bà (’ish và ’ishsha) được tạo dựng bởi cùng một nhục thể, tức là bình đẳng với nhau về nhân phẩm và giá trị.
Chỉ trong thế kỷ này trong thế giới của những xã hội công nghiệp, chúng ta đang được giải thoát, nhờ sự đóng góp của phong trào nữ quyền13, đi ra khỏi một di lụy đăng đẳng về tình trạng lệ thuộc của người phụ nữ đối với nam giới; một sự lệ thuộc mà những hậu quả tiêu cực của nó vẫn còn khó loại trừ: trong một thời gian rất lâu tình cảnh thống trị của người nam trên người nữ và việc chinh phục hay phủ nhận người nữ đã được xem là tự nhiên, đang khi đó ngược lại cả hai đều là sản phẩm của văn hóa-lịch sử. Trong thời đại chúng ta, thời mà giá trị của chủ thể và nhân vị được đề cao, rốt cuộc người ta nhận thấy rằng trong những tương quan nào mà thiếu sự bình đẳng, ở đâu mà một trong hai người đối ngẫu bị hạ thấp, nghĩa là thiếu tự do và nhân vị cũng không được nhìn nhận, thì hoàn toàn không có lựa chọn; cũng không có đạo đức; lại càng không có sự hiệp thông liên vị.
Niềm hy vọng giờ đây của nhân loại chúng ta là nhờ cách suy nghĩ mới, mà cả người nam lẫn người nữ biết cùng nhau chăm chút, nhiều tiềm năng phong phú của người phụ nữ còn ẩn giấu, còn bị kềm nén, còn bị chối bỏ sẽ được giải phóng, sinh ích lợi. Như thế, nhiều giá trị mới có thể được thông lưu trong cung cách cư xử xã hội: các giá trị phi bạo lực, phi cạnh tranh, phi chiếm hữu, phi hướng hiệu năng, phi quyền lực; nhưng phục vụ, cởi mở, ân cần, vô vị lợi, dâng hiến. Và như thế mọi người - nam cũng như nữ - có thể trở nên nhân vị đầy đủ hơn, phong phú hơn và tự do hơn.
Có lẽ mô tả tình cảnh thấp kém của người phụ nữ là một điều dư thừa, vì đó là một kinh nghiệm ai cũng biết. Thế nhưng đối với một đề tài cốt thiết như thế mỗi cá nhân, mỗi đôi bạn, mỗi nhóm cũng nên kiểm nghiệm thực tế vì luôn thích đáng và hữu ích.
Đọc lại Thánh Kinh về đề tài đó sẽ thấy khá là thú vị. Thánh Kinh kể chuyện chủ yếu ở giống đực, dẫu không hề có ý kỳ thị giới tính, để phác lại một đường nét khác thuộc về giống cái, đó là: sự lựa chọn triệt để của Thiên Chúa đối với những người nghèo, những người yếu thế như trẻ em và phụ nữ. Sự lựa chọn ở tầng sâu này của Thiên Chúa là thông điệp sâu xa của Cựu ước, bắt đầu từ Xuất hành cho đến kinh nghiệm lưu đày. Sự lựa chọn ấy làm nên lịch sử con người trong cuộc đời Đức Giêsu. Người ta có thể nhận thấy dễ dàng thái độ cụ thể của Đức Giêsu đối với người nghèo, người yếu thế và nhất là đối với giới phụ nữ có tính cách mạng như thế nào, bởi Người vượt trên hệ thống đạo đức đương thời một cách đáng kinh ngạc. Đức Giêsu quan tâm đến những người phụ nữ mà Người gặp gỡ và đón tiếp họ như là những con người (Ga 4,5-26); Người biết vị trí xã hội của họ, nhưng Người vượt trên định chế ấy (Ga 8,3-11); Người trở nên gần gũi và đón nhận tình cảm yêu mến của họ, như thế là Người đã phá vỡ tập tục đã nên chai cứng của người do thái (Lc 7,36-8,3). Vả lại không phải chính các phụ nữ gần gũi Đức Giêsu nhất trên cao điểm thập giá; không phải chính họ là những người đầu tiên nhận ra Đấng Phục sinh sao?


2. Một lịch sử đáng buồn của tính dục bị áp chế
Đó là một lịch sử gần chúng ta hơn và nảy sinh từ sự tách biệt rõ ràng giữa tinh thần và vật chất; nó có nguồn gốc phát sinh từ một quan điểm triết học về con người của thế giới hy lạp; hội tụ vào thế giới la mã bao la ngập chìm trong văn hóa hy lạp-hy hóa, nơi lan tỏa ra của Kitô giáo trong những bước đầu tiên, nó đã được tư tưởng kitô giáo đón nhận, vốn trước đó hoàn toàn xa lạ với nó, nhất là kể từ thế kỷ thứ II trở đi. Quan điểm đó, về sau còn được góp phần bởi những yếu tố của thuyết manicheism14, rốt cuộc xem xác thịt và thân xác là tù ngục của tinh thần. Bởi thế, trong một thời gian rất lâu người ta đánh mất ý nghĩa của con người theo Thánh Kinh, vốn là hữu thể thống nhất không thể tách biệt của tinh thần và thân xác, và bỏ mất tinh thần duy thực của truyền thống do thái chính thực mà Phúc âm bộc lộ (Mt 19,4-6).
Kể từ đó, và sau đó còn có những đóng góp thêm của những nhà tư tưởng lớn, như Augustinô và Tômasô, cho đến thế kỷ hôm nay, người ta bắt đầu nhìn tính dục với ánh nhìn ghê tởm: tội về tính dục là những tội nặng nhất (nặng hơn cả tội về bạo lực, trộm cắp, dối trá); trong khi những tội về xã hội nghịch với đức công bằng, hòa bình, liên đới thì lại không bị đánh giá nặng nề giống như thế; khoái lạc cũng ngang bằng với thờ ngẫu tượng, luôn bị coi là tội lỗi, có thể được xem như là một sự ác tất yếu. Hành vi tính dục chỉ hợp pháp khi phục vụ cho mục tiêu truyền sinh; bởi thế hôn nhân được chấp nhận do bảo tồn loài giống và - thứ đến - như là thuốc chữa vật dục. Tính dục như thế bị xem đơn giản chỉ như là sinh dục.
Do cách nhìn đó mà người ta cũng thấy cả cách thức xã hội thừa nhận sự thấp kém của người đàn bà, bởi lẽ, đàn bà thiên về bản năng và tự nhiên nên họ gần với vật chất hơn; đang khi đàn ông thiên về lý trí hơn, có khả năng thống trị bản năng của mình, thì gần với tinh thần hơn! Hơn nữa quan điểm kinh khủng này đã đặt cơ sở trên một kiến thức sai lầm về quá trình sinh sản, chỉ biết gán khả năng sinh sản cho nam giới, không biết tới trứng có thể thụ tinh nơi người phụ nữ. Chỉ kể từ thế kỷ XIX các tài liệu khoa học mới công bố về sự có mặt của yếu tố nữ tính này.
Đối với giới tính người ta giữ thái độ im lặng trong một thời gian dài. Nó cần được che giấu chớ nói tới và trở thành một đề tài cấm kị. Điều đó nói cho cùng có nghĩa là không có thông giao thật sự giữa đàn ông và đàn bà, giữa người với người. Phải chăng thái độ thinh lặng và xấu hổ đó về chuyện giới tính biểu lộ kể cả ngày nay nỗi khó khăn gặp gỡ trong bình yên giữa con người của tôi với con người của tha nhân về mặt này?
Thời đại chúng ta ngày nay như thể người ta khởi hành lại từ số không: văn hóa và thần học, bởi sự thúc đẩy của vô số đổ vỡ do thời đại gây ra, đã bắt đầu một cuộc hành trình nghiên cứu mới, với tình trạng khiếm khuyết một truyền thống đích thực, tức là không có một chuyển giao sự khôn ngoan, chuyển giao kinh nghiệm sống hòa hợp về tính dục, và cả những phản ứng gây tan vỡ, rách nát.
Quả thật, đang khi người ta tiến bộ trong việc tái khám phá và hiểu biết trở lại giá trị sâu xa của tính dục, người ta cũng nhận thấy một hình thức phi nhân bản khác của tính dục đang lan rộng (mặt trái của những thế kỷ đã qua), chắc chắn phần lớn là do phản ứng lại quá khứ nhưng cũng đối với cả một số khuynh hướng tiêu biểu của xã hội hiện nay vốn ít có liên hệ với quá khứ.
Trong thời đại chúng ta, nhất là trong những xã hội tư bản phát triển, có một số thái độ phi nhân và huỷ diệt toàn thể nhân vị và tính dục con người: thứ chủ nghĩa duy vật vô độ cho lý do duy nhất để mà sống là quyền lực - lạc thú - tiền bạc - tiêu thụ; thiếu mất những lý tưởng chung mạnh mẽ, từ đó người ta sống cuộc sống mình như là một mảnh đời mà tất cả ý nghĩa chỉ gói gọn trong giây phút họ thiêu cháy mảnh đời ấy; hay một thứ chủ nghĩa duy chủ thể cực đoan có xu hướng đóng kín chân trời lại trong cái cá nhân riêng tư của mình, đang khi không hướng tới tha nhân như cứu cánh của mình.
Những khía cạnh tiêu cực này không phải là không có hệ lụy trên cách quan niệm và cách sống tính dục: giới tính mang một giá trị tuyệt đối, tự nó, thu hút toàn bộ sự chú ý; khoái lạc, hành vi tính dục được hưởng thụ một cách tách biệt với toàn thể nhân vị và với tương quan với người khác; người bạn kia dễ trở thành một thứ đồ vật và dụng cụ cho lạc thú của bản thân, theo một nhãn quan hoàn toàn duy khoái lạc và một thực hành tính dục chủ trương vô trách nhiệm và không ràng buộc. Tính dục được mua bán và tiêu thụ, qua nhiều cách diễn tả của văn hóa hiện nay, làm phổ biến những mẫu nam tính và nữ tính tương xứng với các khuynh hướng này.

Chuyển ngữ: Lm. Louis NGUYỄN ANH TUẤN
EQUIPES NOTRE-DAME - ITALIA
Trích từ sách: TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH/ HĐGMVN

1. A. Lowen, Il linguaggio del corpo, Feltrinelli, 1978; B. Borsato, Vita di coppia, EDB, 1993; X. Lacroix, Il corpo e lo spirito, Comunità di Bose, 1996.

2. Lịch sử của tính dục bị câm nín, trên bình diện thần học và triết học, thoát thai từ sự tách biệt rõ ràng giữa thân xác và linh hồn. Bởi thế, chuyện giới tính bị coi như cái gì ghê tởm và tội lỗi. Khoái lạc bị lên án và hành vi tính dục chỉ được chấp nhận với mục đích truyền sinh. Về vấn đề này, xin xem phần phụ lục: một cái nhìn lịch sử.

3. Chữ giới tính hay tính dục (sessualità) thông thường diễn tả cách thức thể hiện bản thân của một nhân vị như là con người cụ thể với giới tính của mình, nghĩa là được đặc trưng bởi một phái tính nhất định hoặc là nam hoặc là nữ. Cách thức thể hiện tính dục của con người phần lớn phụ thuộc vào văn hóa. Còn giới tính (sesso) chỉ toàn thể những tính chất thuộc cấu trúc cơ thể và tâm-sinh-lý phân biệt các cá thể của cùng một loài, những người nam khác những người nữ.

4. M. Oraison, Il mistero umano della sessualità, Borla, 1967.

5. M. Mead, Maschio e femmina, Il Saggiatore, 1976. Trong khảo cứu nổi tiếng này, tác giả cho một cái nhìn toàn cảnh rất rộng về những lối sống vai trò của người nam, vai trò của người nữ, trong một loạt những văn hóa nguyên sơ chưa bị nhiễm bởi các nền văn minh kim tiền. Về chủ đề này nên xem: C. Levy-Strauss, La famiglia, in Razza e storia, Einaudi 1967 và R. Tannahill, Storia dei costumi sessuali, Rizzoli, 1980.

6. X. Phần Phụ lục Một cái nhìn lịch sử.

7. Chữ giới tính trong các tiếng châu âu (sex, sesso), từ tiếng la tinh sectus, liên hệ chặt chẽ với ý nghĩa bị tách rời, phân chia, chis cắt. Về mặt thần thoại, trong nhiều nền văn hóa, có thể nhận thấy một liên hệ tương tự giữa giới tính và sự tách biệt. Từ chỗ đó mà có khát vọng tái hợp với một nửa của mình đã bị chia cắt mất.

8. G. Cereti, Amore, amicizia, matrimonio, Marietti, 1987, 84.

9. Kinh nghiệm của loài người cho thấy giá trị kết hợp và giá trị sinh sản có thể xung khắc nhau trong thực tế. Sẽ được nói tời ở ch. VIII.

10. Sinh dục ở đây được hiểu là khía cạnh tính dục mà hai người phối ngẫu hướng đến đối thoại qua việc kết hợp thân xác.

11. Dấu chỉ của sự vượt qua quan niệm cổ hủ này không cần tìm thấy ở đâu xa ngoài chính thông điệp Humanae Vitae của đức Giáo hoàng Phaolô VI (ngày 25.7.1968) khi nói về sự điều hòa sinh sản trong phần giáo thuyết, ở số 11 và 12, ngài khẳng định “không thể tách biệt hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản; vì Thiên Chúa đã muốn thế và không người nào có thể phá vỡ được sáng kiến ấy của Ngài”; ngài còn khẳng địmh rằng những hành vi tính dục, dù không thể thụ thai do nguyên nhân ngoài ý muốn của đôi vợ chồng, “vẫn hợp pháp khi để biểu lộ và củng cố sự kết hợp vợ chồng”.

12. “Như là một tinh thần nhập thể, nghĩa là linh hồn biểu lộ mình ra trong một thân xác và là thân xác được mô hiệp bởi một tinh thần bất tử, con người được kêu gọi hướng tới tình yêu được sống trong toàn thể con người thống nhất hồn-xác ấy. Tình yêu còn ôm trọn cả thân xác con người và thân xác được tham dự vào tình yêu tinh thần… và do đó tính dục, nhờ đó mà một người đàn ông và một người đàn bà trao hiến cho nhau với những hành vi thuộc riêng bậc vợ chồng, không bao giờ là một điều gì chỉ mang thuần tính sinh học, nhưng liên hệ đến cõi thâm sâu nhất của con người như là một nhân vị. Tính dục được thể hiện một cách hoàn toàn nhân văn chỉ khi nào nó là thành phần cấu thành trọn vẹn của tình yêu mà người nam và người nữ hoàn toàn dâng hiến cho nhau cho đến chết” (Gioan-Phaolo ii, Familiaris Consortio, s.11, 1981)

13. Dĩ nhiên chúng ta không đồng ý với một số hình thức nữ quyền cực đoan hoặc một số lý thuyết nào đó mà chính phong trào nữ quyền hiện nay cũng chỉ trích nhiều.

14. Một tôn giáo đông phương xuất hiện thế kỷ III sau CN, đặc biệt dựa trên sự đối lập rõ ràng và dứt khoát giữa sự thiện và sự ác: tất cả những gì thuộc con người, tức nhục thể (!) đều là xấu, con người phải tự giải thoát mình khỏi thế giới đó để trở về với ánh sánh của Thiên Chúa