Tình yêu Cha dành cho Mẹ trong đôi mắt của Con

Tình yêu Cha dành cho Mẹ trong đôi mắt của Con

 

TÌNH YÊU CHA DÀNH CHO MẸ
TRONG ĐÔI MẮT CỦA CON

Kính thưa quý gia trưởng !

Hôn nhân là một quà tặng kỳ diệu và đầy huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Trong hôn nhân, đã có nhiều sách vở viết về khía cạnh cho và nhận của tình yêu vợ chồng. Năm tháng sống chung trong bậc vợ chồng sẽ bộc lộ nhiều ưu điểm và khiếm khuyết của nhau. Và sách vở cũng đã đề cập nhiều về hình ảnh của người này trong đôi mắt của người kia sẽ lụi tàn hoặc thăng hoa theo tháng năm. Hôm nay, chúng ta đề cập đến con mắt của con cái khi chiêm ngưỡng tình yêu của cha mẹ dành cho nhau ra sao. Riêng với gia trưởng chúng ta, hãy cùng nhau nghĩ về vấn đề : Tình yêu cha dành cho mẹ trong đôi mắt của con cái.

1. Một số lệch lạc trong quan niệm về hôn nhân hiện nay.

Xu thế vật chất hóa của thế giới hiện nay đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống tâm hồn con người, thậm chí vào trong cả tình yêu vợ chồng. Theo xu thế này, người ta đến với hôn nhân không phải vì thương nhau mà là thương chính bản thân mình. Người này tìm thấy nơi người kia một chỗ dựa, một cái phao cứu sinh trong cuộc đời gian nan sóng gió, và thế là họ lập tức kết hôn. Kết hôn như một giải pháp để giải thoát nỗi cô đơn, để xoa dịu thúc bách của bản năng và để có được sự đảm bảo về nhu cầu vật chất thường ngày. Nghĩa là, người ta chỉ nghĩ đến cái “nhận được” chứ không hề nghĩ đến cái “cho đi” vốn là bản chất tốt đẹp của tình yêu.

Chính quan niệm lệch lạc này đã chi phối cách hành xử của vợ chồng trên nhiều lĩnh vực :
 
a. Tìm lạc thú cho riêng mình : Người chồng sẵn sàng ngoại tình để tìm lạc thú cho riêng mình. Lúc đầu là lén lút vụng trộm, sau đó công khai đòi ly thân hoặc ly dị khi nhan sắc người vợ tàn phai theo tháng năm.

b. Đùn đẩy trách nhiệm cho người kia : Không bao giờ nhận trách nhiệm cho mình, mà đùn đẩy hết cho người kia. Người cha khi ấy đã không ngượng miệng khi nói với các con trước thất bại trong công việc làm ăn : “Tại mẹ mày thế này, tại mẹ mày thế kia”. Con cái có ưu điểm gì thì vỗ ngực nhận về phần mình : “Nó giống tôi”, còn ngược lại mọi khiếm khuyết của con cái là đặc điểm di truyền của … nhà vợ (!)

c. Vô trách nhiệm trước con cái :
- Để mặc con lớn lên và phó mặc trách nhiệm giáo dục cho vợ và cho nhà trường. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà,trò hư tại … thầy cô “.
- Vì lợi ích bản thân, có người chồng sẵn sàng buộc vợ tước đoạt quyền làm người của con cái mình ngay khi chúng còn là thai nhi. Sự ích kỷ đã đẩy người cha trượt dài vào hố sâu tội lỗi.

2. Sự ảnh hưởng của tình yêu cha mẹ trên con cái.

Những hạnh phúc hoặc tổn thương trong đời sống hôn nhân không chỉ tác động trực tiếp tới chồng hoặc vợ mà còn hệ lụy đến đời sống con cái. Theo tâm lý học, con cái sẽ phát triển nhân cách tốt đẹp khi được sống trong môi trường lành mạnh, cha mẹ yêu thương nhau, gia đình ấm êm hạnh phúc. Ngược lại, tâm lý trẻ sẽ què cụt, bất toàn nếu cha mẹ suốt ngày gây thương tổn cho nhau. Rõ ràng, hầu hết những can phạm trong xã hội đều xuất thân từ những gia đình xào xáo, đổ vỡ.

Là người chồng, người cha trong gia đình, hãy nghĩ đến con cái trong bất cứ hành vi nào khi cư xử với vợ. Đó là những bài học, những tấm gương nhãn tiền ảnh hưởng đến các con. Con trẻ vốn trong sáng và hoàn toàn vô tội trước lỗi lầm của người lớn, đừng cuốn con cái vào trong cơn lốc dữ, đừng gieo vào lòng chúng sự hoài nghi và ác cảm về tình yêu vợ chồng, khiến chúng không còn dũng cảm bước vào đời sống hôn nhân gia đình mai sau.

3. Thái độ sống phù hợp trong tình yêu vợ chồng vì trách nhiệm trước con cái.

Tình yêu đích thực đòi hỏi một sự hy sinh đến độ quên mình. Với Thiên Chúa : Yêu là hiến dâng, là cho đi, thậm chí là chết đi cho người mình yêu. Là gia trưởng, hãy biểu hiện tình yêu của mình qua việc :
  1. Nghĩ về những điều tốt của nhau : Là chồng hãy bao dung và độ lượng trước vợ mình. Là người, ai chẳng có khiếm khuyết, ngay chính bản thân mình cũng có toàn vẹn gì đâu. Vậy thì hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp của người vợ. Cô ấy có thể hay bép xép chuyện nọ chuyện kia, có thể hay cằn nhằn chuyện tiền nong, chợ búa. Nhưng trên hết, cô ấy đã hy sinh tất cả cho mình, đã cầu xin sự bình an của Thiên Chúa cho mình nơi Thánh lễ mỗi ngày, đã đánh vật với bộn bề công việc nhà trong lúc mình nghỉ ngơi, và rất nhỏ thôi, cô ấy đã nhẹ nhàng đưa võng cho mình khi mình đang say giấc ngủ trưa…
     
  2. Cho con cái thấy vẻ đẹp của mẹ chúng : Hãy nghiêm khắc giáo dục con cái khi thấy chúng có bất cứ biểu hiện gì bất kính với mẹ. Đừng hùa theo con cái kết án mẹ chúng, bởi ngay khi hạ thấp người vợ mình, thì chính ta cũng xuống cấp trong mắt con. Trái lại, hãy kể cho con cái nghe những vẻ đẹp đằm thắm của mẹ chúng. Chúng sẽ yêu mẹ hơn, sẽ sớm học được bài học biết sẻ chia và quan tâm đến người khác.
     
  3. Tạo cơ hội cho con cái quan tâm đến mẹ chúng : Cần tạo mọi cơ hội để mọi thành viên trong gia đình biết quan tâm đến nhau. Mẹ bận việc, bố con hãy cùng nhau vào bếp. Trong lúc cha con làm bữa, hãy kể những lao khó của mẹ cho con cái nghe. Bàn cơm dọn sẵn, cả nhà cùng đợi mẹ về ăn chung. Có rất nhiều cơ hội như vậy trong đời : mẹ ốm, sinh nhật mẹ, ngày của Mẹ, lễ quan thầy của mẹ, ngày cưới của cha mẹ, … Khi ấy, tâm hồn các con sẽ rộng mở, và nhìn ta với ánh mắt thán phục : “ Trời, cha yêu mẹ xiết bao !
Tóm lại, ngọt bùi hoặc cay đắng trong tình yêu vợ chồng đâu chỉ là chuyện được hay mất của riêng hai người, mà còn lan tỏa sang con cái. Vì trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa, hãy để lại đôi mắt con trẻ một cái nhìn đầy yêu thương và thiện cảm về tình yêu cha mẹ dành cho nhau.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)