Thư cho cha
THƯ CHO CHA
Cha của con. Có lẽ chưa bao giờ hai cha con mình ngồi lại nói chuyện với nhau một cách đàng hoàng như hai người đàn ông đúng nghĩa. Là con trai, lại giống cha như đúc từ vóc dáng cứng cỏi, rắn chắc, ăn nói lớn tiếng, cử chỉ mạnh bạo, thậm chí giống đến cái tính tình hời hợt hay quên, thế nhưng từ lâu lắm rồi con nhận ra con chưa bao giờ có thể nói được với cha quá vài câu vì câu trước, câu sau thế nào hai cha con ta lại trái ý, lại cãi nhau và mẹ lại là người phân xử hộ.
Con nhớ như in ngày nào con còn nhỏ tí, chiều chiều cha ôm con vào lòng, hôn lên tóc con rồi cười hỏi: "con đẹp trai giống ai?". "Giống cha". "Lớn lên con muốn làm gì?" "Thì làm giống cha". Cái gì con cũng muốn giống cha. Mẹ nhìn hai cha con cười, nụ cười tràn đầy hạnh phúc.
Thuở ấy, con xem cha như người đàn ông mẫu mực nhất trên thế giới. Cha có nụ cười thật hiền, mỗi chiều về nhà trên xe cha lúc nào cũng lủng lẳng vài thứ quà bánh mà con thích. Con nhớ biết bao cái cảm giác mỗi chiều ngồi quanh quẩn, chờ nghe tiếng chiếc xe đạp cũ kỹ cọt kẹt dừng lại trước cửa, con sẽ chạy ùa ra và hét lên: "Cha về". Cha dừng lại, cúi xuống để con nhảy cẫng lên ôm chặt cổ cha, rồi cha cõng con trên lưng làm ngựa nhong nhong vào nhà.
Con nhớ cái ngày con mè nheo đòi cha làm cho con con diều để con tranh cùng chúng bạn. Chiều ý con, cha cặm cụi dán cho con con diều bằng giấy tập. Con thích chí cầm diều chạy ra đường thả cùng lũ bạn, dù chú diều của con chẳng thể nào bay được nhưng con vẫn thích mê tơi ( sau này con mới biết là cha chẳng biết làm diều và ông nội cũng chẳng biết làm diều).
Nhớ quá mỗi lần mẹ bận việc nên nhờ cha tắm cho con. Thật buồn cười vì lần nào tắm xong mẹ cũng bắt con cởi hết quần áo ra cho mẹ tắm lại. Bởi lẽ, cha sợ trong lúc kỳ cọ, đôi bàn tay thô ráp chai sần của cha nếu dồn sức mạnh quá sẽ vô tình làm đau con. Mẹ vừa tắm lại cho con vừa cằn nhằn, cha đứng bên cạnh cười ngượng nghịu .
Con như thứ báu vật trên đời mà tạo hóa đã ban tặng cho cha. Cha nâng niu, chiều chuộng, chăm bẵm từng ly từng tí. Ngày con đổ bệnh sốt cao. Mẹ tất bật nào đắp khăn, nấu cháo. Cha ngồi trực chiến suốt bên giường, nắm đôi tay nhỏ bé của con, nhìn con thiêm thiếp ngủ trong cơn nóng lạnh hâm hấp, cứ như thế cả đêm ( Sau này con mới nghe mẹ cứ hay nhắc lại).
Rồi thời buổi kinh tế khó khăn, lương không đủ sống, cha như con thoi cứ băng vùn vụt trong dòng xoáy hòng tìm thêm cho con đồng quà tấm bánh. Sau này con mới biết. Mỗi đêm, khi con ngủ say, cha thức dậy cùng mẹ, giao con cho bà ngoại trông rồi đạp xe về huyện mua gạo về bán. Ba bốn giờ sáng là cha mẹ đã về đến nơi, tranh thủ ngủ tiếp giấc ngủ còn lại. Đến sáng, lại cắp cặp đi làm công việc của một công chức như bao người khác. Ngày nay, việc mua bán như thế là bình thường, nhưng vào cái thời bao cấp ngăn sông cấm chợ thì việc mua bán đó, bị coi là phạm pháp. Nhưng nhờ có cái việc mua bán đó mà con có được những ngày thơ ấu sống vô tư, không lo thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Rồi nhà mình chuyển vào nơi ở mới. Cha thôi không còn mỗi đêm lén đi mua bán gạo nữa. Con học lớp 5, đang vào tuổi ăn tuổi lớn. Cha mỗi chiều đi làm về lại ra sông vớt lục bình về làm nấm. Có những ngày mưa, con thấy mẹ quay đi giấu những giọt nước mắt khi thấy cha quay về từ bờ sông, người tím đi vì lạnh. Con còn bé, nhưng đã lờ mờ nhận ra trách nhiệm của mình. Những buổi chiều không học bài, con lang thang theo cha ra bờ sông giúp cha. Bàn tay nhỏ bé của con chẳng thể giúp cha được gì nhưng cha vui lắm, nụ cười hiền hậu của cha luôn nở trên môi.
Tay cha vốn gân guốc thô ráp ngày càng thô ráp hơn. Rảnh rỗi, con thích ngồi gần cha, bắt cha xòe tay ra, sờ vào những vết chai hằn trên lòng bàn tay, rồi áp bàn tay con vào tay cha mà nghe vết nham nhám cọ vào lòng bàn tay mình. Không hiểu sao chính những vết chai ấy làm con thấy thương cha đến lạ. Con mơ ước sau này lớn lên thật mạnh mẽ như cha.
Cha của con! Khi con lớn thành một chàng trai đang vào độ định hình đóng khung tính cách thì cha được cất nhắc làm thủ trưởng cơ quan. Tiệc tùng liên miên, cha về nhà trong những cơn say với mật độ ngày càng dày. Ngày nào con và mẹ cũng chờ cơm để rồi cha về mềm rũ cả người, mùi rượu đầy nhà, vất cả xe lao thẳng lên giường chẳng thiết ăn uống. Mẹ khóc, con ngồi ngơ ngác, những vốc cơm sao đắng ngắt trên môi. Tỉnh rượu, mẹ nói chuyện với cha rất nhiều. Cha hứa sẽ bớt rượu chè. Trên vách tường phòng khách cha lấy phấn ghi hẳn một câu rất to:
KHÁCH TRÀ MỜI VÀO, KHÁCH RƯỢU MỜI RA
Khách đến thấy dòng chữ ấy vỗ đùi cười sằng sặc. Nhưng cha đã lao vào guồng xoáy mất rồi, vài ngày sau lời hứa như bèo trôi đi mất. Cha lại tiếp tục những buổi tối chếch choáng, lại về khuya. Mẹ thôi không còn cằn nhằn cha nữa vì vô ích. Nhìn mẹ lặng lẽ ngày ngày trong bữa cơm chiều, niềm tin về người cha mẫu mực trong con dần vơi như cây nến, đốt cháy càng lớn càng mau tàn. Con không còn có những buổi chiều ngồi cùng cha trước thềm để cọ cọ vào vết chai mà cười, con thôi không còn ước muốn lớn lên là người mạnh mẽ như cha nữa. Từ lâu, con nhận ra nhiều khi suốt cả tuần hai cha con ta chẳng nói với nhau được một câu. Mặc kệ, thời gian trôi đi và con cứ lớn dần lên như thế.
Rằm tháng bảy năm nay, mẹ vắng nhà. Chỉ con hai cha con lủi thủi trong căn nhà rộng. Cha đã gần về hưu, né tránh các buổi nhậu nhẹt triền miên để gắng về nhà vào mỗi chiều nằm đong đưa trên võng. Con nhận ra cha đã trở về cái thuở ngày xưa, ngày mà con có thể cùng cha trò chuyện như hai người bạn. Tối qua, cha xem tivi rồi ngủ quên trên võng. Con đi phớt qua, rồi dừng lại, quay đầu ngắm cha. Lâu rồi con chưa nhìn kỹ cha. Mái tóc đen của cha ngày xưa giờ đã thay bằng màu muối tiêu, những nếp nhăn đang kéo hằn vết tích thời gian trên khuôn mặt. Bao lâu rồi con không sờ tay lên tóc cha? Bao nhiêu năm rồi cha không còn cõng con nhong nhong trên vai? Lâu quá. Mấy mươi năm rồi thì phải. Con bần thần rất lâu. Sau những nốt trầm trong cuộc sống, cha giờ nhẹ nhàng thanh thản trong cuộc sống thường ngày. Trong con lại dâng lên ý nghĩ sau này sẽ sống sao cho thanh thản như cha.
Cha của con! Cảm ơn cha đã cho con những tháng ngày thơ ấu vẹn nguyên. Cảm ơn cha đã nuôi con lớn lên bằng tình yêu thương vô hạn. Lễ Vu Lan năm nay, mọi người nói nhiều về công sinh thành của mẹ, nhưng con lại ngẫm nghĩ nhiều về công dưỡng dục của cha.
Cha! Chiều nay con sẽ về, tự tay nấu cho cha một bữa cơm. Hai cha con ta sẽ cùng nhau trò chuyện bên mâm cơm gia đình. Sẽ ấm cúng biết bao. Là con trai, con không thể như em Lan nói “con thương cha" nhưng trong thâm tâm con, cha luôn là thần tượng. Sẽ chẳng bao giờ con còn được có lại cái cảm giác ngồi kông kênh trên vai cha. Và có thể sẽ chẳng bao giờ cha đọc được những dòng này vì cha không bao giờ vào blog. Nhưng chiều nay, con trải lòng mình trên góc nhỏ này như một lời tự hào: "con là con của cha".