Thiên Chúa trao ban sự sống vào dịp Lễ Giáng sinh
Trong Thánh lễ đêm Vọng Giáng Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phôrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng sự giáng sinh của Chúa Giêsu trong máng cỏ dạy chúng ta chia sẻ đời sống của mình với những anh chị em khốn khó.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói rằng “Trong hang Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, mà là trao ban sự sống. Ngài cho hay nơi Chúa Giêsu ra đời đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử.
Ngôi nhà của bánh
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Bêlem có nghĩa là “ngôi nhà của bánh”, và Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu vào máng cỏ. Như thể Ngài muốn nói: “Tôi đây, là phần lương thực của các con”.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu ban cho chúng ta chính bản thân Ngài, dạy chúng ta sống đời sống của mình theo một cách mới: “không phải bằng cách ăn uống ngấu nghiến và tích trữ, mà bằng cách chia sẻ và cho đi”. Chúng ta được nuôi dưỡng nhờ Chúa Giêsu, bánh của sự sống và được tái sinh trong tình yêu, phá vỡ vòng luẩn quẩn của giành giật và tham lam.
Đức Thánh Cha cho hay trong Kinh thánh, tội nguyên tổ của loài người là hái và ăn trái cấm. “Nhân loại trở nên tham lam và ham mê ăn uống”. Ngay cả ngày nay, một ít người thường ăn những bữa ăn xa xỉ trong khi biết bao nhiêu người khác thậm chí không có đủ lương thực cần thiết để sống còn. Ngài nói: “Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của cuộc sống không phải là giàu có về vật chất mà là tình yêu, không tham lam mà là bác ái, không phải phô trương mà là đơn sơ”.
Chia sẻ với tha nhân
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hàng ngày, vì vậy Ngài tự hiến mỗi ngày trong cuộc đời. “Hôm nay cũng vậy, trên bàn thờ, Ngài trở thành lương thực cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà chúng ta, để vào ăn với chúng ta”.
Nếu chúng ta tiếp đón Chúa vào lòng mình và để Ngài ngự ở đó, lịch sử sẽ thay đổi. “Vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong lòng chúng ta, trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã hung ác và ích kỷ của tôi, mà là Đấng được sinh ra và sống vì tình yêu”.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vào mùa Giáng sinh hãy nhanh chóng đứng dậy khỏi bàn để phục vụ tha nhân, chia sẻ cơm bánh của mình cho những người không có gì để ăn.
Đừng sợ
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nói rằng Bêlem còn được gọi là thành của vua Đavít. Trước khi trở thành vua, Đavít là một vị mục tử mà Thiên Chúa đã chọn để chăn dắt và lãnh đạo dân của Ngài.
Vào đêm Giáng sinh, các mục đồng đã chào đón Chúa Giêsu bước vào thế gian. Một thiên thần xuất hiện và nói với họ: Đừng sợ. Chúng ta nghe thấy cụm từ này rất thường xuyên trong Tin Mừng vì Chúa biết chúng ta sợ hãi do tội lỗi của chúng ta.
“Bêlem là phương thuốc cho nỗi sợ hãi này, bởi vì mặc dù con người lặp đi lặp lại từ ‘không’, nhưng Chúa không ngừng nói có. Ngài sẽ luôn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa làm cho chính Ngài trở thành một trẻ nhỏ để không làm chúng ta sợ hãi.
Chờ đợi hay mong muốn?
Các mục đồng không được ngủ khi thiên thần đến; họ đang tỉnh thức. Đức Thánh Cha nói rằng đời sống của chúng ta có thể được đánh dấu bằng cách chờ đợi hoặc bằng cách mong muốn. Nếu chúng ta chờ đợi Chúa giữa lúc gặp phải sự ảm đạm của những vấn đề của chúng ta, chúng ta sẽ nhận được sự sống của Ngài”.
Nhưng nếu chúng ta chỉ dành cả cuộc đời cho những ham muốn ích kỷ, “nơi mà tất cả những gì quan trọng chì là sức mạnh và khả năng của chúng ta, thì ánh sáng của Chúa bị ngăn cản đến với con tim chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết các mục đồng lên đường ngay lập tức và họ mạo hiểm vì Thiên Chúa bằng cách để đàn chiên của họ không được bảo vệ. Sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu, họ ra đi để công bố sự ra đời của Ngài. “Tỉnh thức, ra đi, mạo hiểm, kể lại vẻ đẹp: tất cả điều là hành động của tình yêu”.
Yêu thương anh chị em chúng ta
Đức Thánh Cha kết luận rằng vào dịp Giáng Sinh, tất cả chúng ta đều muốn lên đường đi Bêlem. “Ngày nay cũng vậy, con đường trở nên khó khăn: đỉnh cao của sự ích kỷ của chúng ta cần phải được vượt qua, và chúng ta không được lạc lối hoặc trượt chân vào tính chất thế gian và chủ nghĩa tiêu thụ”.
Vì vậy, chúng ta phó thác đời mình cho Chúa: “Hãy đặt con lên vai, vị Mục tử nhân lành; được Chúa yêu, con sẽ có thể yêu anh chị em của mình và nắm lấy tay họ”.
Tạ Ân Phúc