Thầy dạy nội tâm

 

THẦY DẠY NỘI TÂM

Trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội công giáo Việt Nam, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được chọn làm ngày của giới giáo chức công giáo. Khi tự hỏi tại sao lại có sự chọn lựa như thế, bỗng nhớ đến một danh hiệu vốn gắn liền với Chúa Thánh Thần: thầy dạy nội tâm. Chúa Thánh Thần là thầy dạy về thế giới nội tâm và trường lớp của Ngài là chính trái tim con người.

Chuyện kể rằng trong khuôn viên một trường học khi trời đã chạng vạng tối, nhóm sinh viên nhìn thấy ông thầy cứ loay hoay tìm kiếm cái gì đó trước cửa nhà. Tội nghiệp ông thầy đã già, đám sinh viên chạy lại hỏi thầy tìm gì. Ông thầy bảo tìm chìa khoá vào nhà. Thế là cả nhóm sinh viên cặm cụi tìm giúp thầy. Vạch từng ngọn cỏ, lật từng viên gạch, tìm hoài vẫn không thấy. Một sinh viên mới hỏi lại thầy, thầy nhớ kỹ lại xem thầy mất chìa khoá lúc nào và ở đâu. Ông thầy thoải mái trả lời, thầy nhớ rõ là thầy để quên chìa khoá trong nhà rồi sập cửa lại! Đám sinh viên la toáng lên, thầy để quên trong nhà, sao lại đi tìm ở ngoài này? Vì ở ngoài này có đèn sáng, trong nhà không có! Đám sinh viên kêu trời khi nghe ông thầy lẩm cẩm trả lời. Nhưng lúc ấy ông thầy mới chất vấn nhóm học trò, tại sao chúng con lại cứ đi tìm chìa khoá hạnh phúc ở ngoài mà quên mất rằng chìa khoá ấy ở trong tâm hồn? Phải chăng vì thế giới bên ngoài ngập tràn ánh sáng, còn tâm hồn thì tăm tối?

Hoá ra là vậy. Chìa khoá hạnh phúc ở trong tâm hồn chứ không ở ngoài. Lại nhớ đến sứ điệp Mùa Chay 2010 của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Ngài viết về sự công chính của Thiên Chúa rồi sau đó nói đến công bằng xã hội. Đối diện với những bất công xã hội, nhiều người cho rằng cội rễ ngọn nguồn của bất công là do cơ chế. Cứ xoá bỏ những cơ chế đó đi và thiết lập những cơ chế mới, công bằng xã hội sẽ được tái lập. Dựa vào Lời Chúa, Đức Thánh Cha cho thấy tầm nhìn nói trên thật thiển cận và ảo tưởng, bởi lẽ cội rễ của bất công không ở tại cơ chế mà ở lòng người: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế, nhưng chính cái từ con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế… Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,15.21). Có thay đổi cơ chế mà lòng người không đổi thay thì đâu vẫn hoàn đấy. Thực tế xã hội cũng nói lên điều đó.

Cho nên phải quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên trong, và Chúa Thánh Thần chính là vị thầy tuyệt vời trong thế giới đó. Ở mức độ căn bản, cụ thể và phổ quát nhất, Ngài dạy dỗ con người qua tiếng lương tâm vốn là “tâm điểm sâu kín và là cung thánh của Chúa nơi con người; ở đó con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong tâm hồn họ” (MV số 16). Cho nên huấn luyện một lương tâm ngay thẳng là đòi hỏi vô cùng quan trọng và ở đây không thể không nói đến vai trò của các nhà giáo, những người cộng tác trực tiếp với Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm.

Trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, không có trường công giáo đúng nghĩa, nhưng giáo viên công giáo hiện diện trong môi trường giáo dục học đường không phải là ít. Vậy một giáo viên công giáo có thể làm gì trong môi trường giáo dục? Chắc chắn dù là giáo viên công giáo hay không công giáo, có những đòi hỏi gắn liền với danh hiệu người thầy: khả năng chuyên môn, đạo đức, tư cách. Nhưng giáo viên công giáo được mời gọi quan tâm nhiều hơn đến thế giới nội tâm của học trò. Sự kiện chọn ngày lễ Chúa Thánh Thần làm ngày của giới giáo chức nhắc nhở ta điều đó.

Cuộc sống hôm nay của các bạn trẻ quá ồn ào và hướng ngoại. Từ môi trường sống cho đến những phương tiện truyền thông, đến cả nội dung các môn học, hầu như tất cả đều lôi người trẻ ra thế giới bên ngoài, còn thế giới nội tâm ngày càng nhạt nhoà đến nỗi hầu như không có. Mà vì không quan tâm đủ đến thế giới nội tâm nên dù tích luỹ được rất nhiều tri thức và sở hữu vật chất, nhiều bạn trẻ vẫn cảm nhận sự trống rỗng và vô nghĩa của đời sống, không tìm được sự thống nhất đời sống và niềm bình an sâu xa trong tâm hồn. Bạo lực học đường, nghiện ngập, buông thả, suy nhược, trầm cảm, tự tử và nhiều hiện tượng khác trong giới trẻ ngày nay là những dấu hiệu đáng ngại về căn bệnh tâm hồn, và luật pháp, hình phạt hay trại cải tạo không phải là phương thuốc lý tưởng.

Giáo viên công giáo được mời gọi quan tâm đến đời sống bên trong của học trò để giúp họ ý thức và vun trồng. Nhưng ta chỉ có thể làm được điều đó nếu chính mình chấp nhận làm người học trò dễ dạy của Thánh Thần. Để mượn lại hình ảnh của các thánh giáo phụ, mỗi cuộc đời con người giống như con thuyền giữa biển khơi. Biển khơi ngập gió nhưng phải giương buồm lên đón gió thì con thuyền mới được đẩy mạnh mà đi tới. Thánh Kinh vận dụng hình ảnh khí và gió để nói về Thánh Thần là để cho thấy Thánh Thần tràn ngập thế giới này và là nguồn sự sống. Vấn đề là ta phải giương buồm lên đón lấy ngọn gió Thánh Thần. Giương buồm bằng cách trở về với chính mình trong tĩnh lặng và cầu nguyện, mở lòng ra đón nhận ơn soi sáng và ơn sức mạnh của Thánh Thần.

Khi cánh buồm tâm hồn của người thầy no gió Thánh Thần, có thể chỉ là những cử chỉ bé nhỏ nhưng lại có sức khơi dậy đời sống bên trong của học trò và giúp các bạn vun trồng đời sống nội tâm. Một thầy giáo đặt câu hỏi cho sinh viên ngay trong buổi học đầu tiên: Nếu bạn chỉ sống được trong 24 giờ nữa, bạn sẽ làm gì? Một thầy giáo khác tặng cho sinh viên tấm ảnh nhỏ ngày xuân, ở mặt sau có Kinh Hoà Bình, bản kinh khiến cho một sinh viên say mê đến nỗi thuộc lòng, và chính lời kinh ấy dẫn bạn từng bước đến nhà thờ. Còn biết bao cử chỉ nhỏ bé và âm thầm khác của người giáo viên công giáo đang âm thầm góp phần khơi dậy đời sống bên trong của người trẻ, giúp các bạn khám phá thế giới nội tâm và tìm về cuộc sống lành mạnh hơn, có ý nghĩa hơn.

Yves Congar là nhà thần học lớn đã đóng góp công sức cho Công đồng Vaticanô II và đã được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng hồng y. Thế nhưng cuộc đời ngài không hề suôn sẻ. Đã từng bị cấm giảng dạy, viết sách vì bị nghi ngờ có tư tưởng cấp tiến. Trong những năm tháng tăm tối ấy, ngài kể lại là chỉ còn biết cầu nguyện, nhất là cầu nguyện bằng các thánh vịnh. Thêm một điều nữa là lời căn dặn của cô giáo từ hồi học lớp ba: Hạnh phúc là ở chỗ chu toàn bổn phận. Một nhà tư tưởng lớn nhưng lại sống dựa vào lời khuyên của cô giáo từ hồi thơ ấu. Thật lạ lùng và cũng thật quan trọng vai trò của các thầy cô giáo khi các thầy cô cộng tác với vị thầy nội tâm  để đào tạo con người.

Lễ Hiện Xuống 2010
 
Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn : WHĐ)