Thánh lễ tuyên phong hiển thánh Mẹ Têrêsa: “Mẹ là vị thánh rất gần gũi với tất cả chúng ta”

Thánh lễ tuyên phong hiển thánh Mẹ Têrêsa: “Mẹ là vị thánh rất gần gũi với tất cả chúng ta”

WHĐ (05.09.2016) – Ngay trước ngày kỷ niệm 19 năm ngày qua đời (05 tháng Chín 1997), Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh trong Thánh lễ sáng Chúa nhật 04 tháng Chín 2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, có đông đảo hồng y, tổng giám mục, giám mục và linh mục. 120.000 giáo dân từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa, cũng là ngày cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho các tổ chức thiện nguyện

Đặc biệt, còn có sự hiện diện của 13 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó có hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha. Hàng trăm người dân Ấn Độ do bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, dẫn đầu, đã đến Roma tham dự sự kiện trọng đại và đáng nhớ này đối với đất nước của Ấn giáo và đạo Hindu. Đồng thời hằng trăm người dân vùng Balkan, gồm Albania (quê hương Mẹ Têrêsa) và Macedonia, mang niềm tự hào về “vị thánh đầu tiên của vùng Balkan” đến tham dự Thánh lễ. Ngoài ra còn có sự tham dự của đông đảo nữ tu Thừa sai Bác ái trong Thánh lễ, và sau đó sẽ phục vụ bữa ăn trưa tại sảnh đường Phaolô VI cho 1.500 người nghèo do Đức Thánh Cha khoản đãi.

Nhân dịp này, hầu như mọi người đều nhắc đến những hoạt động bác ái xã hội của Mẹ, vì thế Mẹ đã từng được thế giới tôn vinh qua Giải Nobel Hoà bình 1979. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng Thánh lễ phong thánh, đã nhấn mạnh: “Mẹ được tuyên thánh vì Mẹ sống thánh thiện”.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô (từ bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana).

* * *

“Có ai biết được ý định của Thiên Chúa?” (Kn 9,13). Câu hỏi này được nêu lên trong sách Khôn ngoan chúng ta vừa nghe trong bài đọc I cho thấy cuộc đời chúng ta là một màu nhiệm và chúng ta không có chìa khoá để hiểu. Trong lịch sử luôn có hai nhân vật chính: Thiên Chúa và con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra được lời Chúa mời gọi và thực hiện điều Chúa muốn. Nhưng để thực hiện ý Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình: “Đâu là điều Chúa muốn trong đời tôi?”

Chúng ta tìm thấy câu trả lời ngay trong chính đoạn sách Khôn ngoan: “Con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Chúa” (Kn 9,18). Để đoan chắc lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải tự hỏi mình và hiểu những gì làm đẹp lòng Chúa. Các tiên tri từng nhiều lần loan báo điều gì làm đẹp lòng Chúa. Sứ điệp của các vị được đúc kết một cách đặc sắc trong câu: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13). Mọi hành động thương xót đều làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì nơi người anh em, chị em mình ra tay trợ giúp, chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa không ai nhìn thấy được (x. Ga 1.18). Mỗi lần cúi xuống chia sẻ những khốn khó của anh chị em mình, chúng ta đang cho Chúa Giêsu ăn và uống; chúng ta mặc áo cho, chúng ta giúp đỡ cho, và chúng ta viếng thăm Con Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Tóm lại, chúng ta chạm vào thân xác của Đức Kitô.

Vì vậy, chúng ta được mời gọi hãy chuyển những gì chúng ta nài xin khi cầu nguyện và tuyên xưng đức Tin thành hành động cụ thể. Chẳng có gì thay thế được việc bác ái: những ai hiến mình phục vụ tha nhân, dù không biết điều ấy, đều là người yêu mến Chúa (x. 1Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Tuy nhiên, cuộc sống Kitô hữu không chỉ mở rộng bàn tay những khi gặp người khốn khó. Chắc chắn đây là sự diễn tả thật đáng mến tình liên đới giữa con người với nhau vốn mang lại lợi ích tức thời, nhưng cũng vẫn chưa sinh hoa trái vì chưa đủ rễ. Trái lại, nhiệm vụ Chúa trao cho chúng ta là sống ơn gọi đức ái, qua đó, mỗi môn đệ Chúa Kitô hãy dâng trọn đời mình phụng sự Chúa, để mỗi ngày đều được lớn lên trong tình yêu.

Chúng ta đọc trong Tin Mừng: “Rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Hôm nay “rất đông người” này được nhìn thấy nơi đông đảo anh chị em thiện nguyện cùng nhau đến cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em thuộc số “rất đông người” đang bước theo Thầy và làm cho tình yêu cụ thể của Chúa đối với mỗi người được nên hữu hình. Tôi nhắc lại với anh chị em lời Thánh Phaolô Tông đồ: “Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, anh đã làm cho lòng trí các thánh được phấn khởi” (Plm 1, 7) Biết bao cõi lòng được phấn khởi nhờ các tình nguyện viên! Biết bao bàn tay đã được anh chị em nắm lấy; biết bao nước mắt được anh chị em lau khô; biết bao yêu thương tuôn tràn trong những việc phục vụ âm thầm, khiêm tốn và quên mình! Việc phục vụ đáng được ngợi khen này đang nói lên đức Tin – giúp đức Tin cất lên tiếng nói! – đồng thời nói lên lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đến gần bên nhưng người khốn khó.

Bước theo Chúa Giêsu là cả một cuộc dấn thân nghiêm túc, đồng thời, chan chứa niềm vui; nhưng cũng đòi phải có sự táo bạo nhất định và can đảm để nhận ra Thiên Chúa, vị Tôn Sư, nơi người nghèo cùng cực nhất và những ai bị gạt qua một bên, rồi hiến thân phục vụ họ. Để làm được như thế, những tình nguyện viên, đem tình yêu Chúa Giêsu phục vụ người nghèo khổ và cùng cực, không trong mong được trả ơn hoặc tưởng thưởng nào, nhưng khước từ tất cả điều này chỉ vì đã nhận ra tình yêu đích thực. Mỗi người chúng ta có thể nói lên: “Vì Chúa đã đến với tôi và hạ mình ngang hàng với tôi lúc tôi khốn khó, nên tôi cũng đến gặp Chúa, hạ mình trước những ai đã mất đức Tin hoặc sống như không hề có Chúa, trước những người trẻ không tin vào các giá trị và lý tưởng, trước các gia đình đang khủng hoảng, trước người đau ốm và bị cầm tù, trước người tị nạn và di dân, trước những người yếu thế và không được bảo vệ về thể xác và tinh thần, trước trẻ em bị bỏ rơi, trước người già cô đơn trơ trọi. Bất cứ nơi nào có người đang đến gần xin giúp một tay nâng họ đứng dậy, nơi đó phải có sự hiện diện của chúng ta – và sự hiện diện của Giáo hội mang lại sự nâng đỡ và niềm hy vọng”. Làm vậy tôi mới không quên những lúc khốn khó Chúa đã đến với tôi.

Mẹ Têrêsa đã hiến trọn đời mình làm người phân phát quảng đại lòng thương xót của Chúa, tự nguyện dành bản thân mình cho mọi người qua việc đón tiếp và bảo vệ sự sống con người, sự sống của những trẻ chưa được sinh ra và của những trẻ bị bỏ rơi và bị vất bỏ. Mẹ đã dấn thân bảo vệ sự sống, không ngừng loan báo “trẻ chưa sinh ra là người mong manh nhất, bé nhỏ nhất, yếu thế nhất”. Mẹ đã cúi xuống trước những người đang thoi thóp, bị bỏ mặc nằm chờ chết nơi vệ đường, và Mẹ nhìn ra nơi họ là cả một phẩm giá được Chúa ban cho; Mẹ đứng trước mặt những người nắm quyền lực trần gian và cất lên tiếng nói để buộc họ phải thừa nhận trách nhiệm về tội ác – những tội ác! – đã gây ra cảnh đói nghèo. Đối với Mẹ Têrêsa, lòng thương xót là “muối” mang lại vị đậm đà cho việc Mẹ làm, là “ánh sáng” dọi vào bóng tối cuộc đời nhiều người không còn nước mắt khóc cho cảnh nghèo túng và khổ đau của mình.

Sứ mạng của Mẹ đến với những vùng ngoài rìa các thành thị và cuộc sống để lại cho chúng ta cả một chứng từ hùng hồn về Thiên Chúa đang ở bên những người nghèo khổ nhất. Hôm nay, tôi trao cho toàn thể anh chị em làm việc thiện nguyện một gương mặt có giá trị biểu tượng của nữ giới và của đời sống thánh hiến: mong anh chị em hãy nhận lấy mẫu gương sống thánh thiện của Mẹ! Tôi tin rằng, hẳn chúng ta cũng có chút khó khăn khi gọi Mẹ là “Thánh Têrêsa”: sự thánh thiện của Mẹ quá gần gũi với chúng ta, quá dịu dàng và sinh nhiều hoa trái đến nỗi chúng ta vẫn cứ rất tự nhiên gọi Mẹ là “Mẹ Têrêsa”. Ước gì con người không ngừng thực thi lòng thương xót này giúp chúng ta ngày càng hiểu rằng tiêu chí duy nhất cho những việc chúng ta làm là tình yêu nhưng không, không bị lệ thuộc vào mọi ý thức hệ và tất cả những trói buộc, để quảng đại trao cho mọi người không phân biệt ngôn ngữ, văn hoá, chủng tộc hoặc tôn giáo. Mẹ Têrêsa vẫn thường nói: “Hẳn tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có nụ cười”. Chúng ta hãy mang nụ cười của Mẹ trong trái tim mình và trao nụ cười ấy cho những người mình gặp gỡ trong cuộc sống, nhất là những người đang chịu đau khổ. Nhờ đó, chúng ta sẽ mở ra những cơ hội tìm lại niềm vui và hy vọng cho nhiều anh chị em đang chán nản và cần được cảm thông, vỗ về”.

 

Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: Website Hội đồng Giám mục  Việt Nam