Tâm tình với người Cha

 

TÂM TÌNH VỚI NGƯỜI CHA

Mùa hè của những năm tuổi thơ còn đọng lại trong tôi những kỷ niệm đẹp êm ả. Bọn trẻ vui vẻ bước vào mùa hè với những ngày rong chơi vô tư lự. Ánh nắng chói chang của vùng cát nóng duyên hải Việt Nam, bóng cây phi lao đổ dài trên bãi biển che phủ cả một góc trời, tiếng chim sáo đá và những tổ chim ghi trên máng nước nhà thờ... luôn luôn gây kích thích thú vị và óc mạo hiểm của một thời trai trẻ thái bình.

Sau mấy mươi năm xa cách, những thằng bạn gặp nhau, nhìn vào mặt nhau và đong đếm những nét nhăn cuộc đời. Thằng thì đi tu, thằng làm bố, thậm chí có thằng đã lên đời làm ông nội, ông ngoại. Thâu đêm, suốt sáng cũng không cạn tâm tư. Càng nói càng sâu đậm, càng chia sẻ, kể lệ càng nồng nàn và không gì ân hận. Tuổi trẻ chúng tôi không sinh lầm thế kỷ và không chọn lầm nơi chốn để lớn lên. Nhiều đứa trong chúng tôi đã không vướng vào nỗi bất hạnh nào trong ba bất hạnh lớn nhất của cuộc đời: một, tuổi thơ bỏ học; hai, tuổi trẻ lỡ hư; và ba, thân tàn danh bại. Cái“được” của thời “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, đối với chúng tôi sao mà đơn giản và thanh thản quá. Việc học hành đã có thầy cô chăm sóc: cơm nước đã có cha mẹ lo toan mọi bề, việc đạo nghĩa, giáo lý được sắp đặt lớp lang từ cha sở, và các soeur. Cứ thế, bọn trẻ lớn lên trong bảo bọc chở che của mọi người.

Bây giờ thì mọi sự đã khác hẳn – vài thằng nói thật tận đáy lòng, và những thằng khác cũng đồng tình im lặng: “Bây giờ là thời để trả ơn báo đáp với thế hệ con cháu vì những gì mình đã nhận được. Bây giờ sống cho con cái”. Niềm vui tinh thần nơi đàn con làm nhẹ gánh nặng gia đình. Lòng yêu thương con cái thôi thúc bố vào đời xem nhẹ chán chường mệt nhọc. Nói như thế là để định hướng cuộc đời và hành động thôi, chứ những người Bố vẫn luôn bị thúc bách bởi những câu hỏi ngàn đời: “Đâu là vai trò đúng đắn của người cha, người chồng? Khả năng yêu thương thực sự của người cha, người chồng sẽ thật sự dẫn dắt họ tới trách nhiệm gì với vợ và con cái? Tôn trọng những đóng góp của vợ, và lo cho con cái hưởng được một nền giáo dục hoàn chỉnh, đó có phải là điều quan trọng nhất trong ơn gọi làm cha, làm chồng?”

Những điều rất thực

Thực tế cuộc sống đã lôi những người bố và người chồng đi mãi với miếng cơm manh áo, với bao lo toan và nhọc nhằn. Từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, từ thuở ban đầu cho tới mút cùng thời gian, dường như đây là phận số của mọi nam nhân; nhưng chắc chắn không phải là lời chúc dữ “từ nay ngươi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt cho tới khi nhắm mắt xuôi tay” (Sáng Thế 3,13). Cách nói kiểu Semite này chỉ nhằm xác định một vinh dự và một sự thật: Thiên Chúa cần con người cộng tác để hoàn tất công trình tạo dựng. Hiệu quả của các nỗ lực này chính là con người và đồng loại được nuôi sống, phong nhiêu bởi chính những tiềm năng vô tận trong sáng tạo của Thiên Chúa. Có của gì đó để nuôi thân, nuôi con cái và gia đình là điều cần thiết và là niềm tự hào của những người Bố, người chồng. Nhưng ai đó đã nhắc nhở một vinh hạnh lớn lao hơn và do đó trách nhiệm nặng nề hơn: “một trong những điều tệ hại nhất của người đàn ông là sinh ra đứa bé mà không giúp được nó trưởng thành”. Sự trưởng thành của những đứa con là một thách đố lớn lao của lương tâm người cha, người bố trong thời hiện đại.

Các số 25 và 26 của Tông Huấn về Gia Đình (Familiaris Consortio) đã đề cập tới ý niệm này trong tương quan với người làm chồng, làm cha. Linh mục William F. Maestri trong tập “Hướng Dẫn và Học Hỏi Tông Huấn” đã dẫn giải các ý tưởng này như sau:“Nam nhân Kitô hữu có khả năng yêu thương bằng một tình yêu vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ {...}. Việc yêu thương chăm sóc thôi thúc người đàn ông dấn thân vào cuộc sống thường nhật của gia đình với tư cách là chồng và là cha. Việc lao động bên ngoài rất quan trọng, nhưng không được phép quá quan trọng đến nỗi bỏ bê những nghĩa vụ bên trong gia đình. Người chồng và người cha Kitô hữu có lòng yêu thương nghiêm túc gánh vác trách nhiệm chu cấp đầy đủ cho cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Quan trọng nhất là lo cho con cái hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh. Một nền giáo dục như thế không chỉ giới hạn trong việc thụ huấn chính thức nơi học đường. Chứng tá hàng ngày của người cha đối với con cái có gia trị rất quan trong cho công việc phát triển về mọi mặt nhân bản luân lý và thiêng liêng {...}. Tinh thần dấn thân hàng ngày của người cha trong cuộc sống lao đông mưu sinh và chu cấp nhu cầu vật chất cho cả gia đình cũng dạy cho con cái tầm quan trọng của trách nhiệm và của sự trung thành làm tốt công việc bổn phận của mình. Qua nhiều cách thức tham gia vào những việc tiêu khiển sở thích của con cái, người cha cũng dạy cho con cái biết quý trọng sự hiện diện của cha mẹ và những đóng góp mà người lớn có thể thực hiện để đào tạo cho lớp trẻ nên người.”

Vai trò của người bố trong mối tương quan chặt chẽ với con cái như thế là điều rất thật. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng của bố mẹ đã ảnh hưởng đến sự thành đạt trong tương lai của con cái là yếu tố quan trọng hơn hết mọi yếu tố.

Các con trai của bố học được nhiều bài học về trách nhiệm và tính độc lập trong cuộc sống. Và những người con gái hưởng được lòng yêu thương của bố sẽ có kinh nghiệm về một nữ tính lành mạnh. Chúng cảm nhận được sự quý giá của tình yêu và hành trang quý báu này giúp cho các cô bé lớn lên có được người chồng đáng tin cậy. Những điều này thì khó lòng có được ở nơi người mẹ.

Trái lại, thật là tai họa khủng khiếp nếu những đứa con không có được người bố, người cha, để dìu dắt và dạy bảo. Các nghiên cứu xã hội cũng chứng minh một thực trạng:

Những đứa trẻ trong gia đình không cha (hoặc cha thiếu trách nhiệm):
  • Chúng sẽ tự tử nhiều gấp 5 lần những đứa trẻ có cha.
  • Chúng sẽ bỏ nhà ra đi nhiều gấp 32 lần đứa trẻ được bố yêu thương.
  • Chúng sẽ bị rối loạn hành vi và suy nghĩ gấp 20 lần đứa trẻ bình thường.
  • Chúng có cơ hội phạm tội cưỡng dâm và các tội ác gấp 94 lần những đứa trẻ được chăm sóc hẳn hoi.
  • Chúng sẽ xử dụng các chất kích thích nhiều gấp 10 lần đứa trẻ được giáo dục gia đình.
  • Chúng sẽ bị đưa vào viện tâm thần gấp 9 và ở tù gấp 10 lần đứa trẻ có cha và mẹ.
Những con số thống kê ghê gớm này chúng tôi đọc được ỏ đâu đó trong cuốn sách dễ nhớ “Mười Điều Dại Dột Của Đàn Ông”, và đã thực sự làm cho chúng ta, những người bố lo sợ. Nhưng điều làm cho chúng ta lo sợ hơn, như Đức Giáo Hoàng G.P II nhắc nhở: “Những gia đình mà không giáo dục con cái mình một cách toàn bộ hoặc bỏ rơi chúng đã lỗi phạm một cách bất công nặng nề và phải trả lẽ trước tòa án của Thiên Chúa” (Huấn từ của ĐGH G.P. II trong ngày gặp gỡ các gia đình tại Rio de Janerio).

Mạnh dạn truyền đạt đức tin

Qua kinh nghiệm những lần thăm một số các gia đình, chúng tôi nhận ra được một điều rất thật: Để giúp cho con cái thắng được gian lao thử thách sau này, cũng như phát triển niềm vui cuộc đời, chính là khi chúng thấy cha mẹ, mọi người lớn chung quanh, sống hân hoan và nhiệt tình trong cuộc sống. Cũng vậy, gia đình và mọi thành viên không sống co quắp, đóng kín nhưng luôn cởi mở với cộng đồng, thì trẻ em cũng cảm nhận được hết mọi người là đáng yêu. Bạn tôi, một người sống ở Kansas City đã trả lời khi tôi hỏi: “Làm sao bạn giữ được nề nếp trong gia đình như vây?” “Thực ra con không có gì để truyền lại cho con cái, chúng con vừa đủ ăn là may mắn lắm rồi, vả nữa, chúng con lớn lên trong bão lửa chiến tranh, học hành không được là bao nhiêu, dạy dỗ con cái thì nhiều lúc quá khó khăn vì trình độ và ngôn ngữ – duy chỉ có một điều mà chúng con làm được từ mười mấy năm nay là giờ kinh tối vắn tắt, và một đoạn Kinh Thánh được đọc chung mỗi ngày. Hãy để Chúa dạy dỗ chúng.”

Người bạn tôi chắc chẳng hề lý luận sâu xa trừu tượng về việc truyền đạt đức tin trong gia đình là gì; và chắc cũng không quá đắn đo suy tính cách truyền đạt thế nào cho có hiệu quả đối với con người thời đại. Chắc chắn cũng không làm một cuộc phân tích tâm sinh lý tuổi trẻ để đưa ra mhững giải pháp chọn lựa. Bạn chỉ áp dụng một cách chân thành như bạn đã sống, đã cảm nghiệm những cách thế cổ điển đơn sơ: một giờ kinh chung gia đình, và một đoạn Kinh Thánh được đọc (không giải thích). Bạn ấy đã được ĐGH G.P.II trong ngày họp mặt Gia đình Quốc Tế 2006 tán thưởng “một cách hay nhất để các gia đình và con cái thắng vượt được chủ nghĩa khoái lạc đang bành trướng và làm méo mó các mối quan hệ trong gia đình là việc loan truyền Phúc trong gia đình. Nhờ việc rao giảng này mà cảm tính và bản chất hôn nhân gia đình được củng cố vững mạnh, cũng như giúp con cái phát triển về tinh thần và thể xác, thiêng liêng cũng như nhân bản”.

Sáng nay có một người đã nói với tôi với một cung giọng thất vọng khi nghe chủ trương của một giáo phận là tách lìa nhà xứ xa ra khỏi nhà thờ – “Lại một lần nữa Giáo hội bị cuốn theo trào lưu thế tục. Người ta đã đem các biểu tượng Kitô giáo ra khỏi trường học, tòa án, công sở... nay chủ trương lôi các linh mục xa khỏi nhà thờ – Các ngài chỉ đến nhà thờ, văn phòng giáo xứ như một công chức theo giờ...” Dĩ nhiên tôi hiểu được sự bức xúc của người bạn, và cũng hiểu được phần nào lý do quyết định của giáo phận kia. Trong bối cảnh thực tế đau lòng của Giáo hội Hoa kỳ đang gặp phải. “ngày nay Giáo hội đang đối đầu với xã hội đa phần bị tục hóa và phức tạp hơn, không còn được xây dựng trên những giá trị tôn giáo và còn chịu ảnh hưởng đặc biệt từ một vài khái niệm của chủ nghĩa hữu hiệu về đức tin cho những thế hệ mới mà còn làm cản trở việc lãnh hội được ý nghĩa đích thực của cuộc đời hơi họ” (Sứ điệp cho Gia đình, ĐGH G.P.II, ngày 29.9.1995).

Khi các con em lãnh bí tích Rửa Tội, ý nghĩa biểu tượng trao nến sáng cho cha mẹ và người đỡ đầu chính là nghĩa vụ truyền đạt đức tin trong gia đình. Điều này dẫn tới một nghĩa vụ bó buộc. Nghĩa vụ này bó buộc tới đâu? Một cách thẳng thắn, đây không phải là chuyện làm được tới đâu là làm, hoặc chán chường, mỏi mệt rồi bỏ bê hoặc giao phó cho kẻ khác. Theo tông huấn về Gia đình (Familaris Consortio), gia đình có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách giáo hội: nghĩa là đặt gia đinh nhằm phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, nhờ tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Bởi vây, nếu quả thật trước hết chính Mẹ Giáo Hội sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, thì đến lượt mình, gia đình Kitô hữu cũng hòa nhập vào trong mầu nhiệm Giáo hội đến độ được dự phần vào sứ mạng cứu rỗi đặc biệt của Giáo hội theo cách riêng của mình (số 49).

Kết luận:

Những ngày đầu tháng sáu, sẽ có những món quà, những bữa ăn và những lời chúc mừng từ con cái và bạn bè, người thân gởi tới những người cha, người chồng trong gia đình nhân ngày Hiền phụ. Tôi cảm nhận được đàng sau những biểu hiện bên ngoài đó là cả một tâm tình yêu thương trìu mến của những đứa con. Những người con được sinh ra, dưỡng dục chăm lo trong vòng tay cha hiền. Họ như những cây mơn mởn đâm chồi nảy lộc Phúc và Hạnh trong cuộc sống con người và tâm linh. Nhưng những ngày cuối tháng năm này, tôi cũng đồng cảm với những người con không có cha để nói lời tri ân và kêu lên: “Bố” tự đáy lòng. Nỗi bất hạnh lớn lao trong cuộc đời họ đã gánh chịu không có gì có thể thay thế và khỏa lấp được. Họ như những người đi trong một vùng trời chói chang rát bỏng mà không trông mong một bóng mây cuộc đời. Tội cho một kiếp làm con!

Quan niệm Ân-Phúc của Việt Nam đã gắn chặt cha mẹ và con cái. Con cái có hạnh phúc, may mắn, ăn nên làm ra là nhờ tới công phúc của cha mẹ. Vì thế “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Nếu con cái có gặp trục trặc trắc trở thì cũng tự yên ủi “phúc đức cha mẹ chỉ thế thôi”; một đôi khi buồn lòng cay cú, vì “đời cha ăn mặn nên đời con khát nước”. Cha ông ta vẫn thường tự nhắc bảo chính mình: “Người trồng cây Hạnh người chơi, Ta trồng cây Đức để đời cho con” và sách Gia Huấn của Tư Mã cũng viết:

“Chứa vàng cho con cháu, chưa chắc con cháu đã giữ được,
Chứa sách cho con cháu, chưa chắc con cháu đã đọc được,
Cách để lại lâu dài cho con cháu không gì bằng chứa Ân Đức ở trong cõi minh minh”
.
 
(nhachua.net)