Tâm tình bên mộ thánh Phêrô

Tâm tình bên mộ thánh Phêrô

 

TÂM TÌNH BÊN MỘ THÁNH PHÊRÔ
Ga 21, 15-19

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt
tại mộ Thánh Phêrô, 24-6-2009
 
Tuy đi viếng mộ thánh Phêrô và đang đứng bên mộ thánh nhân, người đã qua đời cách đây 2000 năm, nhưng tôi không cảm thấy có chút xa cách nào. Vì tôi không có cảm tưởng đứng bên mộ một người đã chết, nhưng đang đứng bên cạnh một người sống động, hiện diện mãnh liệt giữa chúng ta. Tôi cảm thấy ngài thật gần gũi. 

Ngài gần gũi vì vẫn hiện diện giữa chúng ta, trong Giáo Hội mà Chúa đã đặt ngài làm nền tảng, một nền tảng vững chắc như lời Chúa hứa (x. Mt 16, 18), dù 2000 năm qua bao thế lực đen tối không ngừng gào thét, rung chuyển để mong phá hủy, nhưng trên nền tảng của ngài, tòa nhà Giáo Hội vẫn luôn đứng vững. Ngài vẫn hiện diện trong Giáo Hội mà chúng ta được hiệp thông, đặc biệt tình hiệp thông càng mãnh liệt hơn trong những ngày này, khi Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện cuộc viếng mộ ngài và gặp gỡ Đấng kế vị của ngài. Ngài vẫn hiện diện trong ngôi nhà thờ dâng kính ngài, ngôi nhà thờ tượng trưng cho tòa nhà Giáo Hội, để đón tiếp chúng ta hôm nay, như xưa ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đến thăm nhà ngài, một cuộc viếng thăm mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho người tông đồ trưởng. 

Ngài gần gũi vì hình ảnh sống động về người môn đệ mà ngài để lại cho chúng ta. Một bác ngư phủ đơn sơ chất phác đầy nhiệt tình. Sẵn sàng theo Chúa (x. Mt 4, 18-20). Sẵn sàng phục vụ Chúa (x. Lc 4, 3). Sẵn sàng ra khơi (x. Lc 4, 4-7). Dám đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28-29). Mạnh dạn tuyên xưng đức tin (x. Mt 16, 16). Mạnh dạn cam kết không bỏ Thầy (x.Mt 26, 33-35). Mau mắn rút gươm để bảo vệ Thầy (x. Mt 26, 51). Thật là một niềm tin và tình yêu không tính toán. 

Ngài còn gần gũi chúng ta hơn nữa trong những yếu đuối của ngài. Người vừa hăng hái xin đi trên mặt nước để đến với Chúa, chỉ vài phút sau đã chìm xuống thảm hại và đã phải lên tiếng cầu cứu Chúa (x. Mt 14, 30). Người vừa tuyên xưng niềm tin và được Chúa khen ngợi, đặt làm đá tảng của Giáo Hội, ngay sau đó đã bị Chúa quở trách vì đem tinh thần của Satan can ngăn Chúa đi chịu nạn (x. Mt 16, 23). Và nhất là người vừa hứa dù mọi người bỏ Thầy con cũng không bỏ Thầy, người vừa mạnh dạn rút gươm một mình chống lại cả một đội quân, ngay sau đó đã hèn nhát chối Thầy trước mặt một tỳ nữ, không chỉ một lần mà đến ba lần (x. Mt 26, 69-75). Biết rõ con người yếu đuối tội lỗi của mình nên suốt đời ngài không ngừng kêu van: Miserere mei! Lạy Chúa, xin thương xót con! 

Cảm nghiệm được sự yếu đuối của mình, thánh nhân đồng thời cũng cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa. Chúa yêu thương ngài một cách đặc biệt. Ngay từ ngày đầu tiên Chúa đã đưa mắt nhìn thánh nhân và đặt tên cho ngài (x. Ga 1, 42). Việc chưa từng có tiền lệ và không một tông đồ nào khác được hưởng. Đặt tên cho một người là gì nếu không phải là định hướng cuộc đời, có một chương trình cho người đó và theo dõi chương trình đó với sự quan tâm trìu mến. Đặt tên ngài là Phêrô, Chúa đã có chương trình đặt ngài làm nền tảng Giáo Hội. Nhưng để chuẩn bị, Chúa đã cho ngài trải qua những thất bại để vừa huấn luyện đào tạo ngài, vừa có dịp bày tỏ quyền năng và tình thương của Chúa. Chúa để cho ngài thất bại, suốt đêm không đánh được con cá nào để sáng hôm sau ngài thấy quyền năng phi phàm của Chúa. Chúa để cho ngài chìm xuống mặt nước để ngài có dịp chứng nghiệm đức tin yếu kém của mình và trông cậy vào quyền năng của Chúa. Nhất là Chúa để cho ngài sa ngã, chối Chúa ba lần để ngài càng thấy rõ sự yếu hèn của mình. Và trong lúc ngài sa ngã, Chúa lại một lần nữa đưa mắt nhìn ngài để bày tỏ sự trách móc đồng thời cũng bày tỏ tình yêu thương ngài tha thiết (x. Lc 22, 61). Yêu cả trong những lúc ngài phản bội. Và khi sống lại, Chúa lại nhìn ngài và hỏi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Thật là một cuộc bày tỏ tình thương yêu sâu xa tha thiết. Và đồng thời bày tỏ một sự tín nhiệm không thay đổi khi trao đoàn chiên cho một người đã từng lầm lỗi, đã từng phản bội. Phêrô cảm thấy thế nào trong phút giây cảm động ấy? Chắc chắn Phêrô xúc động tận đáy lòng. Và một lần nữa cảm nhận sự yếu đuối vô cùng của mình và tình yêu thương vô biên của Chúa. Qua cảm nhận đó, Phêrô hiểu rằng Giáo Hội là của Chúa, chính Chúa giữ gìn. Qua cảm nhận đó, Phêrô hiểu rằng đá tảng này chỉ vững mạnh nhờ ơn Chúa. Qua cảm nhận đó, Phêrô càng hiểu rõ hơn ơn gọi là hồng ân và huyền nhiệm. Tất cả đều bởi Chúa. 

Đó là điều ta thấy rõ ràng trong cuộc đời thánh Gioan Baotixita mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Cuộc đời của ngài hoàn toàn do Chúa xếp đặt. Từ việc lựa chọn gia đình đến việc báo tin trong cung thánh. Từ việc tượng thai đến việc được tha thứ tội ngay khi còn trong lòng mẹ. Ngay cả tên tuổi và những qui định về đồ ăn thức uống của ngài cũng được Chúa quyết định và hướng dẫn rõ ràng. Mọi người tham dự lễ đặt tên cho ngài đều ngạc nhiên tự hỏi: Rồi đây con trẻ sẽ ra thế nào. Không ai biết trước vì tất cả đều nằm trong thánh ý Thiên Chúa. Từ nay ngài đi đến đâu và nói lời gì cũng đều do Chúa hướng dẫn. Vì ngài chỉ là tiếng, Thiên Chúa mới là Lời. Thiên Chúa là người nói, ngài chỉ là loa đài. Thiên Chúa là tư tưởng chỉ đạo, ngài chỉ là người phát ngôn, là ngôn sứ. Ngài hoàn toàn giống như thánh Phêrô dang tay ra để Chúa thắt lưng và dẫn đến nơi ngài không muốn đến. Suốt đời sống trong hoang địa, ngài có muốn vào cung điện nhà vua đâu. Nhưng Chúa đã dẫn ngài vào cung điện. Một người mặc áo da thú, chân không giầy dép phải vào cung điện xa hoa, gặp vị đế vương ăn mặc gấm vóc lụa là. Ngài có muốn chống đối nhà vua đâu. Ngài đâu có làm chính trị. Ngài đâu có làm cách mạng, đâu có muốn lật đổ ngai vàng nhà vua. Nhưng Chúa muốn ngài bảo vệ giáo lý tinh tuyền của Chúa, nên ngài phải lên tiếng tố cáo tội ác của nhà vua Hêrôđê, phải bảo vệ sự công bằng cho người anh của vua bị ông vua dùng quyền thế chiếm đoạt cả người vợ yêu quí. Ngài đã đến nơi ngài không muốn đến. Chúa đã dẫn đưa ngài đến tù ngục và đến cả cái chết không toàn thây. 

Hôm nay bên mộ thánh Phêrô, Chúa Kitô Phục Sinh cũng hỏi chúng ta ta: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Lòng yêu mến không phải là cảm tính nhưng phải biểu lộ bằng việc làm. Việc làm đó là phục vụ đoàn chiên của Chúa. Và nếu hôm nay ta hỏi Chúa: “Quo vadis?” - Lạy Chúa, Chúa đi đâu để chúng con đi theo. Chắc chắn Chúa sẽ nói với ta như nói với Phêrô: Con hãy dang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn đến. Hãy trở vào thành, đừng trốn chạy. Hãy vào thành để chịu chung số phận với Thầy. Hãy trở vào thành để chịu chung số phận với dân chúng. Hãy trở vào thành để làm chứng cho Thầy. 

Lạy thánh Phêrô xin cho chúng con biết noi gương ngài, hiểu biết những yếu đuối của chúng con, hiểu biết tình yêu thương của Chúa, hiểu biết sức mạnh của Chúa để chúng con phó thác, để Chúa thắt lưng và dẫn chúng con đến nơi nào Chúa muốn.
 
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt