Sức khỏe phụ nữ là tài sản lớn nhất của gia đình

Sức khỏe phụ nữ là tài sản lớn nhất của gia đình

 

SỨC KHỎE PHỤ NỮ LÀ TÀI SẢN LỚN NHẤT CỦA GIA ĐÌNH




GS-TS Katherine Camacho Carr
GS-TS Katherine Camacho Carr, chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh, đang giảng dạy tại Đại học điều dưỡng, Đại học Seattle bang Washington - Mỹ, vừa đến TP.HCM, nhằm chia sẻ chuyên môn với các đồng nghiệp. Trong chuỗi chủ đề về sức khỏe sinh sản, một nội dung rất được quan tâm, là vai trò của người mẹ trong công tác chăm sóc sức khỏe gia đình. Báo Phụ Nữ đã có cuộc gặp gỡ với GS-TS Katherine

Thưa giáo sư, ngày nay, người phụ nữ được động viên đóng góp công sức cho xã hội, thế tại sao họ vẫn phải đảm trách vai trò chăm sóc sức khỏe cho gia đình?

- Thời nay, người phụ nữ không chỉ tập trung vào gia đình, nhưng gia đình thì không thể thiếu vai trò của người phụ nữ. Một số công việc trong gia đình, phụ nữ thực hiện sẽ thuận lợi hơn như: cung cấp nguồn dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho chồng, con, người thân...

Từ việc phải chăm lo sức khỏe gia đình, người phụ nữ ý thức được rằng: trước hết phải chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đừng để đến lúc ngã bệnh mới cuống lên tìm cách chạy chữa. Sang Việt Nam, tôi mang đến cho các bạn một thông điệp: phụ nữ phải sống khỏe mạnh, và tự do đưa ra các quyết định. Có như thế, họ mới biết cách và đủ sức bảo vệ gia đình mình.

Trong cuộc đời, lúc nào thì người phụ nữ cần chăm sóc bản thân nhất?

- Đó là lúc mang thai và lúc già. Đây là giai đoạn họ dễ thiếu máu, dễ mắc bệnh.

Thưa giáo sư, nghỉ ngơi cũng là cách chăm sóc bản thân. Theo bà, với người phụ nữ, thế nào là nghỉ ngơi?

- Tôi cũng mong tìm được câu trả lời cho chính mình. Cuộc đời của người phụ nữ có nhiều giai đoạn: mang thai, con nhỏ, cha mẹ già yếu... khiến họ rất bận rộn. Nhưng theo thời gian, con cái lớn lên, cha mẹ qua đời... gánh nặng của người phụ nữ sẽ nhẹ đi. Quan trọng là trong khoảng thời gian bận rộn nhất, họ nhận được sự hỗ trợ của ông chồng cũng như các thành viên khác. Sức khỏe của người phụ nữ là "tài sản" rất lớn, rất quý, tác động đến kinh tế gia đình.

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, cùng với niềm vui được làm mẹ, nhiều phụ nữ đã lo sợ mình không có khả năng chăm sóc con nhỏ, không tròn trách nhiệm làm vợ, làm con dâu, vóc dáng thay đổi, bị cô lập... Làm thế nào để vượt qua những nỗi lo sợ này?

- Phụ nữ lo cả đời, có bầu, thì lo có mẹ tròn con vuông không? Sinh con ra, thì lo con có phát triển bình thường không? Con lớn, thì lại lo nó lái xe có an toàn không... Nhiều nỗi lo khiến bạn cạn kiệt năng lượng. Ở Việt Nam, độ tuổi sinh con lần đầu khoảng 25 - 27 tuổi. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng. Bởi đó là độ tuổi rất tốt cho việc sinh sản. Tuy nhiên, chỉ khi có kiến thức, hiểu biết về cách chăm sóc sức khỏe, thì bạn mới thật sự không còn lo lắng.

Được biết, bà cũng là chuyên gia tư vấn quốc tế về kỹ năng sống trong gia đình. Bà có thể giải thích đây là những kỹ năng gì?

- Đó là các phương pháp và kỹ thuật nhằm duy trì sự sống cho trẻ em và phụ nữ tại gia đình. Đối tượng được huấn luyện kỹ năng này là các nhân viên y tế, người giữ trẻ tại nhà và các bà mẹ... Sau khi được huấn luyện, họ có thể hiểu biết và can thiệp những trường hợp như xuất huyết khi mang thai, đứa trẻ không thở được... Vì thế, đây còn được coi là sự phối hợp nhịp nhàng ở cộng đồng. Người phụ nữ có kỹ năng sống, khi gặp vấn đề về sức khỏe, được đưa đến bác sĩ, dễ khai báo tình trạng của mình, và ít nhiều cũng biết được cách điều trị.

Bà có thể cho biết đôi nét về vai trò làm mẹ của mình?

- Vài tháng nữa tôi sẽ bước vào tuổi 60. Ông xã tôi cũng là bác sĩ. Con trai đầu của tôi 33 tuổi, đã lập gia đình, và tôi được lên chức bà nội. Con trai út sắp tốt nghiệp đại học. Để làm tốt việc bảo vệ sức khỏe gia đình, tôi có hai "đồng nghiệp" rất tích cực. Đó là mẹ chồng và cô con dâu. Chúng tôi đang cùng sống chung dưới một mái nhà. Ông xã và con trai cũng rất hợp tác với cánh phụ nữ trong nhà. Có lẽ do tôi may mắn được sống trong một môi trường tốt đẹp.

Hạnh Nhơn  (thực hiện)
( Phụ Nữ 07/07/2009)