Sự thiếu hụt uy quyền trong gia đình
SỰ THIẾU HỤT UY QUYỀN TRONG GIA ĐÌNH
Trẻ em có nhu cầu về tình cảm thì ai cũng thấy rõ, nhưng trẻ còn có nhu cầu về uy quyền – một điều khó nhận thấy hơn. Thậy vậy, ngay cả trong trò chơi, bao giờ cũng có bóng dáng của uy quyền. Đứa trẻ muốn có thứ bậc: đứa này làm chỉ huy cao nhất, rồi một đứa “ cao” vừa, và có những đứa làm “quân lính”; hoặc trẻ đóng giả mẹ con, cha con. Đứa dưới phải nghe lệnh đứa trên. Uy quyền không chỉ thể hiện bằng thứ bậc, mà còn là những luật lệ đặt ra trong trò chơi, là những nguyên tắc, những quy định của chúng khi mô phỏng cuộc sống xã hội. Trẻ thích bên trên chúng có một uy quyền được bảo vệ. Dường như, lúc đó chúng cảm thấy yên lòng hơn, chẳng khác gì người lớn đòi hỏi xã hội phải có kỷ cương, luật pháp để đảm bảo an ninh cho mỗi cá nhân vậy.
Uy quyền của người cha
Trong gia dình, người cha thường tượng trưng cho uy quyền. Nhiều đứa trẻ (nhất là con trai), thường tự hào về sự mạnh mẽ và kiên quyết của bố. Các nhà tâm lý học cho rằng, lúc dưới 7 tuổi đứa trẻ chịu ảnh hưởng của mẹ là chủ yếu. Từ 7 tuổi trở đi, cha mẹ ảnh hưởng ngang nhau. Vai trò của người cha lúc này quan trọng hơn mấy năm trước đây. Tuy nhiên vị trí của người cha trong gia đình khá tế nhị, có khi khó nhận thấy. Vì nhiều trường hợp người cha không tác động trực tiếp đến con cái, ngay cả khi họ không xa nhà. Người cha đôi khi “vô hình” , nhưng lại đại diện cho uy quyền, cho kỷ cương, cho nếp nhà.
Người cha còn ảnh hưởng đến con thông qua người mẹ. Trong thực tế, người mẹ được chồng yêu cư xử với con sẽ khác với người mẹ bị chồng hất hủi, bạc đãi. Người cha thường không dính dáng trực tiếp đến những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, nhưng đứa trẻ vẫn cảm thấy “bàn tay” của cha. Dường như người cha đứng cạnh mẹ, đứng đằng sau mẹ, cũng có thể qua những câu đe nẹt của mẹ: “Mẹ sẽ mách ba” hoặc “nhanh lên ba về đấy”, hoặc “yên cho ba ngủ”… Điều này cũng có thể qua những thứ rất “vô hình”, ví như cái cách mọi người đi lại trong nhà, cách làm cơm tận tụy của mẹ, sự ngăn nắp trong nhà…
Cũng chính vì người cha ít trực tiếp chăm sóc và giải quyết các việc lặt vặt của con cái, khiến cho người cha có một… lợi thế. Đó là cảm giác của cái về người cha “quan trọng” hơn. Cho nên, mỗi khi người cha “phê chuẩn” một cái gì đó trong gia đình, thì con cái cảm thấy cha của nó có lý và công bằng hơn. Con cái nhìn người cha bằng con mắt kính trọng hơn…
Đó là những gia đình thuận lợi. Cũng có nhiều người không đảm đương được vai trò người cha. Không kể những gia đình do điều kiện này khác, người cha luôn vắng mặt, như công tác xa, hoặc chết, hoặc ly hôn…
Trong những trường hợp này, người mẹ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng người mẹ lại có toàn quyền quyết định thay thế người cha. Còn một khi trong gia đình có sự hiện diện của người cha, nhưng “cha không ra cha” thì lại gây nên tình trạng mập mờ, mâu thuẫn trong gia đình, mà đứa trẻ phải chịu nhiều hậu quả.
Người cha đánh mất vai trò cầm cân nẩy mực, khiến gia đình có sự thiếu hụt uy quyền. Người chồng mất vai trò trong quan hệ với vợ, sẽ dẫn đến sự rối loạn tâm lý ở đứa con. Đứa trẻ thường xuyên được nghe nói và chứng kiến “cha mày chẳng ra gì”, trong khi uy quyền là chức năng hàng đầu của người cha, cũng như yêu thương là chức năng hàng đầu của người mẹ. Một người cha nhu nhược còn hại hơn một người mẹ nhu nhược, cũng tương đương như một người mẹ thiếu tình yêu thương con cái thì nguy hại cho đứa trẻ nhiều hơn là người cha ít yêu thương con.
Ứng xử của người mẹ
Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố khiến cho người cha không thực hiện được vai trò của mình. Có thể do tính tình người cha ấy vốn yếu đuối, ủ dột, thụ động, hoặc do không gặp may trong cuộc đời, không kiếm được tiền, thu nhập kém hơn vợ, hoặc có thể do sức khỏe, thậm chí cả năng lực làm việc kém nên thường xuyên có mặc cảm tự ti, tự cho mình là thấp kém… Cộng thêm vào đó, người vợ lại mạnh mẽ, năng động, hoạt bát hoặc có địa vị xã hội cao hơn chẳng hạn. Nhiều người vợ không biết điều, hiếu thắng, thường hay khía sâu vào những thua thiệt, yếu kém của chồng. Người vợ ấy thường hay nắm lấy quyền điều hành, chỉ huy con cái. Những bà vợ như thế này thường kêu ca là mình khổ, nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm tự hào rằng mình là tài ba, là trụ cột không thể thiếu vắng trong gia đình?! Dù lộ liễu hay tế nhị, những bà vợ – bà mẹ thường hay “hạ thấp uy thế” của người chồng – người cha trước mặt con cái của mình.
Sự mất uy quyền của người cha tác hại nhiều hơn cả đến đứa con trai. Chúng thường cảm thấy không yên ổn, bị ám ảnh vị trí tương lai của nó và lo sợ vô cớ. Trên nguyên tắc chung, những thiếu niên khi không tin ở mình thường tìm cách giảm nỗi sợ hãi đó bằng cách tỏ ra ương bướng, hỗn láo để tìm một lối thoát cho mình. Thiếu uy quyền, bọn trẻ sẽ thiếu mất cái phanh hãm cần thiết. Đứa trẻ thường hành động tự do và một cách vô ý thức, chúng tìm đến những người đàn ông khác thể hiện được sức mạnh quyền uy. Thật tai hại nếu “hình ảnh lý tưởng” đó là những kẻ xấu, có thể ngoài đời, có thể trong sách báo, phim ảnh đồi trụy…
Ở những gia đình này, các ông bố bà mẹ, nhất là các bà mẹ không ý thức hết tác hại trên. Người vợ phải thấy rằng, nếu mình không có thái độ tôn trọng người chồng, giúp họ giữ vững cương vị của mình trong gia đình, thì người chịu nhiều thiệt thòi nhất không ai khác là ngoài những đứa con. Hậu quả xa xôi của sự thiếu hụt uy quyền còn đáng sợ hơn những hậu quả tức thời. Nhân cách của những con người trưởng thành từ một gia đình thiếu hụt quyền uy thường bị méo mó, sai lạc.
Nguyễn Xuân Huệ