Sự Khốn Cùng, Lòng Thương Xót và Sứ Vụ: Di Sản của Chân Phúc Gioan-Phaolô II nơi Đức Phanxicô

Sự Khốn Cùng, Lòng Thương Xót và Sứ Vụ: Di Sản của Chân Phúc Gioan-Phaolô II nơi Đức Phanxicô

Sự Khốn Cùng, Lòng Thương Xót và Sứ Vụ: Di Sản của Chân Phúc Gioan-Phaolô II nơi Đức Phanxicô

Hai Vị Giáo Hoàng  và Khoa Toán Thần Học

                                                                                                             Ts. Edward Mulholland

ATCHISON, KANSAS, 21 tháng 10, 2013 (Zenith.org) – Vào ngày 22 tháng 10 này, phụng vụ nhắc chúng ta  lễ nhớ Chân Phúc Gioan-Phaolô II. Đây sẽ là lễ nhớ không bắt buộc cuối cùng được cử hành trước lễ phong hiển thánh cho ngài trong tháng Tư năm tới. Chúng ta có thể hỏi đâu là những chủ đề thuộc triều đại Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II mà vẫn còn sống động và mạnh mẽ trong triều đại mới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi nghĩ ba chủ đề cho thấy sự liên tục mạnh mẽ giữa hai Đấng Kế Vị thánh Phêrô này : đó là sự hiểu biết tính cách cao cả của con người cũng như sự khốn cùng của nó trong tình trạng sa ngã, sự công bố Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, và sự thôi thúc thi hành sứ vụ  phát xuất từ sự liên kết giữa hai thực tại trên.

Hẳn nhiên tôi không nói rằng Đức Bênêđictô ở ngoài sự liên tục chủ đề này. Ngài rõ ràng là một phần của tính cách liên tục đó, nhưng hôm nay tôi muốn tập chú vào Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô thôi.

Cả Đức Chân Phúc Gioan-Phaolô II lẫn Đức Phanxicô đều thường nói về phẩm giá con người. Trong Thông điệp đầu tiên của mình, “Đấng Cứu Độ Con Người”,  Đức Gioan-Phaolô II đã tập trung vào tư tưởng và toàn thể hành trình giáo triều của ngài. Những sáng kiến mục vụ về Năm Toàn Xá Ơn Cứu Độ, Năm Toàn Xá Thiên Niên Kỷ Mới, những cuộc gặp gỡ giới trẻ  và rất nhiều chuyến du hành,  thăm viếng của ngài, tất cả đều xoay quanh sự hiểu biết nhân thế  trong sự cao cả cũng như  trong sự khốn cùng của tội lỗi và sa ngã của họ. Ở cốt lõi của những gì ngài viết ra là sự thật sâu xa của thực tại về những nỗi khốn cùng của con người cùng với nhu cầu tối thiết một Đấng Cứu Độ.

Đối với Đức Phanxicô, ta  thấy ngài luôn luôn hướng về nhân loại đã sa ngã, những người không được ai chăm sóc và thậm chí chẳng được đồng loại để ý đến nữa: những kẻ  ở ngoài lề , những kẻ bị bỏ quên, những người tỵ nạn bị đắm tàu ở Lampedusa. Và việc những kẻ giàu có ở phương Tây dành ưu tiên cho sự sung túc và những nhu cầu thể lý thay vì cho việc chăm sóc những kẻ túng cực bị Đức Phanxicô coi như một dấu hiệu và là hậu quả của sự thiếu vắng đức tin,  vốn duy nhất mang lại một nền tảng vững chắc  cho một xã hội trong đó người ta thực sự biết chăm sóc lẫn nhau.

“Sự hiệp nhất của nhân loại chỉ có thể hiểu được dựa trên tiện ích, trên sự tính toán những lợi ích đối kháng  hay trên sự sợ hãi, chứ không phải dựa trên sự tốt lành của việc cùng  nhau chung sống,  cũng không dựa trên niềm vui  mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại. Đức tin làm cho chúng ta hiểu biết được cầu trúc của các mối tương quan nhân loại, vì đức tin biết rằng nền tảng cuối cùng và số phận dứt khoát của những tương quan ấy là ở nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Ngài, và do đó, đức tin soi sáng cho nghệ thuật xây dựng,  và như thế,  phục vụ cho công ích.” (Lumen Fidei, 51)

Sự hiểu biết sâu xa những tầm cao này mà con người có thể tăng hay giảm cùng với vực thẳm mà con người đã sa xuống  làm nổi bật, cả nơi Đức Gioan-Phaolô II lẫn Đức Phanxicô, ý niệm về Thiên Chúa vốn dĩ đầy lòng xót thương. Lòng thương xót là lời đáp trả của Thiên Chúa đối với sự Sa Ngã, và lòng thương xót ấy có một danh hiệu : Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa Nhập Thể.

Thông điệp thứ hai của  vị đại Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là một suy niệm sâu rộng về Thiên Chúa là Cha “giàu lòng xót thương.” Ngày lễ tôn phong hiển thánh cho ngài,  Chúa Nhật Lòng ChúaThương Xót,  nhắc ta nhớ lại việc ngài tiến hành thiết lập lễ này (như đã được nài xin bởi thánh Faustina mà chính ngài đã tôn phong hiển thánh) và cái chết của ngài vào hôm trước Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót 2005. Thiên Chúa, “ Đấng giàu lòng thương xót” đã được  đề cập đến trong kinh nhập lễ cử hành trong Thánh Lễ  mừng kính Chân Phúc  Gioan-Phaolô II.

Giáo huấn và gương mẫu của Đức Phanxicô đặt nền tảng trên mệnh lệnh trung tâm là bắt chước  Đức Kitô mà đem lòng thương xót tha nhân. Và điều này lại đặt cơ sở trên khái niệm về Thiên Chúa  là Cha giàu lòng xót thương. Tất cả những khái niệm khác về Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa, Đấng Ban Lề Luật, Đấng Phán Xét – đều phải được hiểu dưới ánh sáng của tình yêu lân tuất. Nội dung nền tảng của đức tin là là sự tin tưởng vào vào một Thiên Chúa Tình Yêu. Điều này đóng khung  trọn cả chương thứ nhất của Thông điệp Lumen Fidei (Ánh Sáng Đức Tin). Đức Thánh Cha Phanxicô hiếm có khi nào lên tiếng mà lại không nói đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đối với cả Đức Gioan-Phaolô II lẫn Đức Phanxicô , mệnh lệnh thi hành sứ vụ phát sinh từ  sự hiểu biết sâu xa tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu con người. Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ,  Đấng vốn là tình yêu Thiên Chúa Nhập Thể giáng trần để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta và phục hồi sự cao cả của chúng ta. Tội lỗi và sự sa ngã của chúng ta không phải là sự kết thúc của câu chuyện chúng ta; nhân sinh không phải là một thảm kịch; điều lạ lùng nhất và bất ngờ nhất đã xảy ra : Thiên Chúa đã đích thân trả món nợ lớn lao vô hạn của chúng ta cho phép công thẳng của Thiên Chúa bằng cái giá khổ đau làm người.

Sứ vụ chúng ta như một Giáo hội là phải công bố Tin Mừng ấy, phải cử hành Tin mừng ấy trong phụng vụ, phải nuôi dưỡng mình bằng sự tươi mát không hề phai lạt của Tin mừng trong các bí tích, và phải sống Tin mừng ấy trong cung cách vui tươi và mời gọi mà  những người khác sẽ được cuốn hút vào chiều sâu chân lý trung tâm ơn cứu độ của chúng ta. Mỗi khi  điều ấy xảy ra,  danh hiệu cho nơi chốn Lời Chúa Kitô được công bố, Thân Mình Người được hiến tế, Ân Sủng Người được chia sẻ, tình yêu Người được trải ra cho tất cả là Giáo Hội, bất kể điều đó được thực hiện trong một ngôi nhà hay qua đôi tay của một người tình nguyện trên một cánh đồng truyền giáo nào đó không còn được  ai nhớ đến. Chúng ta chỉ là Kitô hữu khi nào chúng ta thể hiện sứ vụ của Đức Kitô và chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, nam hay nữ, giống như chính  chúng ta, cũng đang hết sức cần đến ân sủng của Thiên Chúa.

Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên) của Đức Gioan-Phaolô II, liền sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, có nguyên một chương nói về con người như “con đường của Giáo hội”. Sự thôi thúc của sứ vụ không dừng lại ở việc giảng thuyết mà còn đi xa hơn. Lời Chúa phải nhập thể trong cả những hệ thống chính trị kinh tế. Tháng 10 năm 1978, hồng y Karol Wojtyla đã khởi sự triều đại giáo hoàng của ngài bằng cách nói với mọi người “Đừng sợ hãi” việc mở rộng các cánh cửa cho Đức Kitô, những cánh cửa của con tim chúng ta, mà cả những cánh cửa  của các hệ thống chính trị và kinh tế nữa. Đối với Chân Phúc Gioan-Phaolô II, việc sống một đời sống trong đó tất cả chúng ta biết giúp đỡ mọi người chúng ta gặp gỡ để trở nên tốt đẹp hơn, là một nhân đức mà cũng là một nguyên tắc xã hội : tính liên đới.

Đối với Đức Phanxicô cũng vậy, đây chính là cốt lõi sứ vụ của Giáo hội. Bất cứ sự cải cách nào, bất cứ sự bổ nhiệm giám mục nào, bất cứ hành động nào đi nữa của Vị Đại Diện Chúa Kitô, đều được phán định theo một tiêu chuẩn tối hậu : liệu quyết định này có giúp cho Giáo hội sống sứ vụ của Đức Kitô tốt hơn không ? Người không muốn có nhiều người ngồi đầy trong các nhà thờ cho bằng là Người muốn có những vị tông đồ năng động chịu khó ra khỏi bãi đậu của Giáo hội. (Chỉ làm cho các băng ghế trong nhà thờ có đầy người ngồi mà thôi có thể đàng sau đó là một sự thiếu khả năng nhiệt thành loan báo tin mừng làm cho người ta trở thành môn đệ Thầy).

Không kể những dị biệt về phong cách và cá tính, trái tim của hai vị giáo hoàng  này cực kỳ giống nhau. Bằng nhiều cách, đó chính là sự thể hiện tinh thần của Công Đồng Vaticanô II vốn được triệu tập bởi Chân Phúc Gioan XXIII.

Đức Phanxicô học khoa toán thần học của ngài từ  Chân Phúc Gioan Phaolô II vĩ đại :

                                  Sự Khốn Cùng + Lòng Thương Xót = Sứ Vụ.

 

                                                                       Antôn Uông Đại Bằng