Phiên họp khoáng đại thứ 9: lắng nghe giáo dân
Phiên họp khoáng đại thứ chín của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình diễn ra sáng ngày 10/10/2014, Phiên họp đã nghe 15 tham luận (6 tham luận của các cặp vợ chồng và 9 tham luận của các dự thính viên độc thân), hầu hết giáo dân đều đang dấn thân trong các lĩnh vực chăm sóc mục vụ gia đình, đạo đức sinh học và sinh thái học nhân bản. Các dự thính viên, đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới và đại diện cho hầu hết các châu lục, đã mang lại cho phiên họp những chứng tá sống động về sống tông đồ gia đình trong đời sống hàng ngày.
Trước nhất, Phiên họp đề cập đến những khó khăn mà các gia đình sống ở Trung Đông đã trải qua, nhất là tại Iraq: đa số các xung đột này gây hậu quả nghiêm trọng đến các gia đình, bị chia lìa bởi cái chết của các thành viên trong gia đình họ, bị buộc phải di dân để tìm nơi an toàn sinh sống, giới trẻ bị tướt mất tương lai vì bị loại ra khỏi học đường hay đối với người già thì bị bỏ rơi mặc cho họ tự xoay trở lo liệu. Sự hiệp nhất của gia đình Kitô hữu tại Trung Đông bị phá vỡ sâu sắc, với những hậu quả tác động đến sự hiệp nhất xã hội và quốc gia của các nước trong khu vực. Trước các thảm cảnh bi kịch này, Giáo Hội thực sự biểu trưng cho nơi trú ẩn an toàn, một “gia đình của các gia đình” đem lại niềm an ủi và hy vọng. Thật cần thiết để chuẩn bị cho các cặp vợ chồng trở thành “những người trung gian” của hòa bình và hoà giải.
Một điểm khác cũng được các dự thính viên nêu bật, đó là Giáo Hội cần lắng nghe giáo dân hơn nữa trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề của gia đình, nhất là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thân mật trong đời sống vợ chồng. Vì lý do này, thật quan trọng để có sự hiệp lực giữa giới học thuật và giới mục vụ, để không chỉ đào tạo “các kỹ thuật viên” mà là các nhân viên mục vụ hiểu biết cách thăng tiến các chủ đề về gia đình và sự sống qua viễn tượng nhân học Công Giáo toàn diện vững chắc.
Ngoài ra, các dự thính viên cũng chú ý đến sự cần thiết phải có sự đối thoại sâu rộng hơn giữa Giáo Hội và Nhà nước, cũng như qua những nỗ lực của các tín hữu giáo dân, không vì động cơ tham vọng cá nhân, biết cách cổ vũ cho việc bảo vệ các quyền của gia đình và bảo vệ sự sống trong khi đang làm việc cho Nhà nước với khuôn mặt nhân bản. Giáo dân được nhận định rằng phải tích cực và có đủ khả năng trong việc công khai bảo vệ các giá trị của sự sống và gia đình.
Các tham luận tập trung vào nhu cầu phải chuẩn bị thích đáng và thường xuyên cho các linh mục trong các chủ đề liên quan đến gia đình, nhất là liên quan đến việc đón nhận sự sống, để các ngài có thể giải thích, nói tự nhiên và rõ ràng về tình yêu vợ chồng. Phiên họp cũng lưu ý rằng nếu việc kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên được giải thích một cách sâu sắc, nêu bật giá trị tích cực của nó, nó có thể củng cố đời sống vợ chồng. Về khía cạnh này, Phiên họp nhắc lại rằng các bài giảng, nếu được chuẩn bị tốt, chắc chắn sẽ làm tín hữu tham dự đầy đủ hơn vào việc cử hành Thánh Lễ.
Một khởi điểm suy tư khác giúp thấy được tầm quan trọng của chứng từ: người ta nói rằng giới trẻ không cần lý thuyết, nhưng họ hiểu rõ tính trung tâm của gia đình nếu điều này được chứng minh ngay trong các gia đình, vốn là các nhân chứng đáng tin cậy và là chủ thể của loan báo Tin Mừng. Vì vậy, Phiên họp đã suy tư về sự cần thiết đồng hành với các cặp vợ chồng bằng sự chăm sóc mục vụ thỏa đáng cả trước cũng như sau khi kết hôn.
Sau đó, các dự thính viên nói đến sự đau khổ của những người bị mất một thành viên trong gia đình: những người góa chồng và góa vợ, những trẻ mồ côi hay các bậc cha mẹ mất con. Đối với những người này, việc đồng hành của Giáo Hội là điều căn bản, qua các nhóm hỗ trợ và chia sẻ, để họ không trở nên lạc lõng trong nỗi đau đớn sâu sắc của mất mát, và nỗi sợ một “sa mạc” xúc động, mà là bền đỗ trong đức tin.
Các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục tiếp tục nói về tầm quan trọng của “sinh thái học nhân bản” nhằm giúp chiến đấu chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa về kinh tế, vốn thường đề ra những kiểu mẫu trái ngược với giáo lý Công Giáo. Họ bày tỏ sự cương quyết lên án mọi hình thức bạo hành gia đình, nhất là đối với phụ nữ, và nhận thấy rằng việc này thường do người trẻ gây ra.
Sau cùng, Phiên họp đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của truyền thông trong gia đình, như sự chia sẻ giữa vợ chồng với nhau, cả cha mẹ tham gia vào việc giáo dục con cái, và trên hết là cầu nguyện trong gia đình, tất cả điều này góp phần vào việc củng cố gia đình.
Tạ Ân Phúc