Phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận "hôn nhân" đồng tính là một sai lầm bi thảm

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận "hôn nhân" đồng tính là một sai lầm bi thảm

Hôm thứ Sáu 26/6, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết công nhận "hôn nhân" đồng tính trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Năm trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện ra phán quyết ủng hộ, trong khi bốn thẩm phán phản đối. Phán quyết này sẽ lật ngược lệnh cấm của các tiểu bang về "hôn nhân" đồng tính, nhưng nó cho phép những người phản đối có ba tuần để yêu cầu xem xét lại.

Thẩm phán Anthony Kennedy thuộc phe đa số ủng hộ viết: "Họ yêu cầu phẩm giá bình đẳng trong con mắt của pháp luật. Hiến pháp trao cho họ quyền đó".

Tuy nhiên, đứng về phe phản đối, Chánh án John Roberts lập luận rằng đối với vấn đề "hôn nhân" đồng tính, "chẳng có gì để làm" với Hiến pháp. Ông viết: "Cho dù hôn nhân đồng tính là một ý tưởng tốt thì cũng không liên quan đến chúng tôi. Theo Hiến pháp, các thẩm phán có quyền nói những gì luật pháp là, chứ phải những gì nó nên là".

"Quyền cơ bản để kết hôn không bao gồm quyền bắt buộc các bang thay đổi định nghĩa về hôn nhân. Và quyết định của một bang duy trì ý nghĩa của hôn nhân đã tồn tại trong mọi nền văn hóa trong suốt lịch sử loài người khó có thể được gọi là bất hợp lý. Trong ngắn hạn, Hiến pháp của chúng ta không cần ban hành bất kỳ một lý thuyết nào về hôn nhân. Người dân của một bang có quyền tự do mở rộng hôn nhân bao gồm các cặp đồng tính, hoặc giữ lại định nghĩa lịch sử".

Chánh án Roberts tiếp tục nói rằng phán quyết của đa số sít sao để công nhận "hôn nhân" đồng tính "không là hành động xét xử của pháp luật". Ông cũng đặt câu hỏi liệu trong một nước dân chủ cộng hòa, một quyết định như vậy nên được thực hiện bởi người dân thông qua các đại diện được bầu của họ "hay chỉ với năm luật sư tình cờ nắm giữ phận sự cho phép họ giải quyết các tranh chấp pháp lý theo quy định của pháp luật".  Ông kết luận: "Hiến pháp không chút hoài nghi về câu trả lời".

"Một sai lầm bi thảm"

Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng bất kể quyết định của Tối cao Pháp viện, "bản chất của con người và hôn nhân vẫn không thay đổi và không thể thay đổi". Ngài viết thêm: "Cũng như Roe v. Wade đã không giải quyết được vấn phá thai hơn bốn mươi năm trước đây, Obergefell v. Hodges không giải quyết được vấn hôn nhân ngày nay. Không quyết định nào bắt nguồn từ sự thật, và hậu quả là, cả hai cuối cùng sẽ thất bại".

Đức Tổng Giám mục Kurtz gọi quyết định của Tối cao Pháp viện là "sai lầm và vô đạo đức", nhấn mạnh rằng nó không công bằng khi buộc chính phủ Mỹ "tuyên bố rằng hai người cùng giới tính có thể tạo thành một cuộc hôn nhân".

Trích dẫn thông điệp Laudato Si mới đây của Đức Thánh Cha,  Đức Cha Chủ tịch nói rằng bảo vệ ý nghĩa của hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ "là một chiều kích quan trọng của 'toàn bộ sinh thái' mà Đức Giáo hoàng Phanmờixicô đã mời gọi chúng ta thăng tiến"

"Việc bắt buộc định nghĩa lại hôn nhân trên khắp đất nước là một sai lầm bi thảm làm tổn hại đến lợi ích chung và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, nhất là trẻ em. Luật pháp có nhiệm vụ hỗ trợ các quyền cơ bản của mọi đứa trẻ được nuôi dưỡng lớn lên, nếu có thể, bởi cha mẹ chúng trong một gia đình ổn định".

Kết thúc phát biểu của mình, Đức Tổng Giám Mục Kurtz khích lệ người Công giáo tại Hoa Kỳ tiếp tục tiến về phía trước trong đức tin, hy vọng và tình yêu: "Đức tin vào chân lý bất biến về hôn nhân, bắt nguồn từ bản chất bất biến của con người và được xác nhận bởi sự mặc khải của Thiên Chúa; hy vọng rằng những sự thật này sẽ một lần nữa chiếm ưu thế trong xã hội của chúng tôi, không chỉ bởi logic của chúng, mà bởi vẻ đẹp tuyệt vời của chúng và bộc lộ sự phục vụ vì lợi ích chung; và tình yêu dành cho tất cả những người thân cận của chúng ta, ngay cả những người ghét chúng ta hoặc sẽ trừng phạt chúng ta vì đức tin và những xác tín đạo đức của chúng ta".

Tạ Ân Phúc