Phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ

Phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ

 

PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA PHỤ NỮ

Bản tóm lược Tông Thư  MULIERIS DIGNITATEM
của ĐTC GIOAN-PHAOLÔ II nhân dịp NĂM THÁNH MẪU 1988
 
 
I. GIỚI THIỆU : MỘT DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI
 
“Phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ - vốn là môt chủ đề quen thuộc, muôn thuở của con người và của suy tư Kitô giáo - đặc biệt trong những năm gần đây, đã trổi lên một cách khác thường ... Hiện nay nhân loại đang trải qua một giai đoạn chuyển biến rất sâu xa, nên người phụ nữ nào thấm nhuần tinh thần Phúc Âm đều có thể làm được nhiều việc để giúp nhân loại khỏi cảnh suy đồi, sa đọa ...
           
Ngay từ buổi ban đầu, đối với Kitô giáo, phụ nữ đã có một phẩm giá đặc biệt hơn nhiều so với các tôn giáo khác”.
 
Đức Maria - người phụ nữ trong Kinh Thánh - có một mối liên hệ mật thiết sâu xa với mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô ... Phải chăng ‘sứ điệp’ của Đức Kitô chứa đựng trong Tin Mừng đã không thể nói được với Giáo Hội và với nhân loại nhiều điều về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ hay sao ?
 
NHỮNG TƯ LIỆU VÀ TUYÊN NGÔN NÀO CỦA GIÁO HỘI ĐƯỢC NHẮC ĐẾN TRONG TÔNG THƯ ĐỀ CAO PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA PHỤ NỮ NÀY ?
 
a) Các diễn từ của Đức Piô XII
Ngỏ lời với Phụ Nữ Ý (Tháng Mười 1945)
Ngỏ lời với Hiệp Hội Thế Giới các Tổ Chức Phụ Nữ Công Giáo (Tháng Tư 1952)
Hội Nghị Quốc Tế lần thứ 14 của Hiệp Hội các Tổ Chức Phụ Nữ Công Giáo     (Tháng 9/1957)

b) Với Đức Gio-an XIII
Thông Điệp Hòa Bình trên Trái Đất (Tháng Tư 1963)

c) Với Đức Phao-lô VI
Tuyên phong Thánh Nữ Têrêsa thành Avila và Thánh Nữ Catarina thành Siena là “Tiến Sĩ Hội Thánh” (Tháng Chín và Tháng Mười 1970)
Thành lập một Ủy Ban đặc biệt để góp phần thăng tiến phẩm giá và trách nhiệm của phụ nữ. “Hiển nhiên là ngày nay phụ nữ có vai trò dự phần vào việc hình thành nên cơ cấu sinh hoạt của Kitô giáo”.

d) Với Đức Gioan - Phaolô II
Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Tháng Ba 1987) cập nhật những giáo huấn của Công Đồng Vatican II chứa đựng trong Chương 8 của Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân”.

II. NGƯỜI NỮ - MẸ THIÊN CHÚA (Theotokos)
 
“Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài, sinh bởi người nữ.” Người Con ấy, chính là Ngôi Lời cùng một bản thể với Chúa Cha, nay trở thành con người, sinh bởi người nữ “khi đến thời viên mãn”. Biến cố này đã dẫn tới một khúc ngoặt trong lịch sử con người trên trái đất, xét như là lịch sử cứu độ.
 
Thế nên, chính trong  thời viên mãn này đã bộc lộ ra hết tất cả mọi vẻ cao cả khác thường nơi phẩm giá phụ nữ. Một đàng, phẩm giá này là do việc người nữ được nâng lên trên bình diện siêu nhiên tới chỗ kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, vốn là mục đích tối hậu của mọi sinh linh. Người nữ ở đây chính là đại biểu và là kiểu mẫu của toàn thể nhân loại: là đại biểu cho nhân tính trong từng con người cả nam lẫn nữ. Đàng khác, chính cái biến cố ở làng Na-gia-rét đã soi dọi một hình thức kết hợp mới với Thiên Chúa, ấy là Thiên Chúa Hằng Sống mà lại tùy thuộc vào một ‘người nữ’, tên làMaria, một sự kết hợp mật thiết giữa mẹ và conTrinh nữ làng Na-za-rét thực sự trở thành Mẹ của Thiên Chúa           

Chân lý này đã sớm được long trọng định tíntại Công Đồng Êphêsô (năm 431)và đã cốt yếu nhấn mạnh đặc biệt vào mẫu tính của Trinh nữ Maria. Giây phút truyền tin, qua lời đáp trả “xin vâng” của mình, Mẹ Maria đã cưu mang một con người vốn là Con của Thiên Chúa, và đồng bản thể với Chúa Cha. Thế nên Đức Maria thực sự trở thành Người Mẹ của Thiên Chúa, vì mối quan hệ mẫu tử ấy liên hệ tới toàn thể con người, chứ không chỉ tới thể xác hay đến nhân tính mà thôi. Hiểu như thế, thì danh xưng Theotokos -Mẹ Thiên Chúa đã trở nên tên gọi chuẩn mực cho mối kết hợp với Thiên Chúa mà Ngài đã ban tặng cho Trinh Nữ Maria.
 
Vậy thì, thực tại “Người nữ - Mẹ Thiên Chúa” cũng có thể xác định cho chúng ta cái hướng suy tư cốt yếu về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ. Chúng ta có suy tư, nói năng hay làm một điều gì liên quan đến phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, thì tư tưởng, tâm hồn và hành động của chúng ta nhất thiết không được rời xa định hướng này. Phẩm giá của mỗi con người và ơn gọi tương xứng với phẩm giá đó sẽ tìm được chiều kích đích thực nhờ việc kết hợp với Thiên Chúa. Đức Maria, người phụ nữ của Kinh Thánh, chính là cách diễn tả đầy đủ nhất cho phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ . Vì không có ai, dù nam hay nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa , mà lại có thể đạt tới mức phát triển trọn vẹn một khi sống xa lìa với hình ảnh Thiên Chúa và không trở nên giống như Ngài .

ĐÂU LÀ NHỮNG NỀN TẢNG CỦA PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA MỌI NGƯỜI ?
 
Phẩm giá và ơn gọi của mọi người bắt rễ sâu xa nơi sự kết hiệp giữa mình với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô .
 
TẠI SAO ĐỨC MARIA ĐƯỢC COI NHƯ LÀ KHUÔN MẪU CỦA PHẨM GIÁ PHỤ NỮ ?
 
Vì là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã mang chính Thiên Chúa trong cung lòng mình, do đó Mẹ đã được kết hợp mật thiết nhất với Ngài.

Đồng thời, qua lời đáp trả đầy tín thác, Đức Maria đã thể hiện được ý muốn tự do của mình. Với hai tiếng “xin vâng”, Đức Maria đã trở nên chủ thể đích thực xây dựng mối kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Mối kết hợp ấy đã được thực hiện qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.
 
III. GIỐNG NHƯ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA
 
Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài, và Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều được Thiên Chúa tạo dựng ở mức độ bình đẳng với nhau. Ngay từ thuở ban đầu, cả hai đã là con người, đều có nhân vị.
 
Chính Thiên Chúa đã tỏ hiện ra cho con người qua Đức Kitô lại là một Nhất Thể trong Ba Ngôi Vị : một sự hiệp thông duy nhất.Vì thế, sự kiện con ngưới “được tạo dựng có nam có nữ” theo hình ảnh của Thiên Chúa không những phải hiểu là từng người, đều giống như hình ảnh của Thiên Chúa, đều có lý trí và tự do nhưng còn phải hiểu là người nam và người nữ đã được tạo dựng thành một “sự hiệp nhất giữa hai ngôi vị” cùng chung một bản tính nhân loại, và cũng vì thế mà cả nam lẫn nữ đều được kêu mời bước vào một cuộc sống hiệp thông trong yêu thương , ngõ hầu qua cách sống yêu thương hiệp nhất ấy họ phản chiếu cho thế giới thấy được tình yêu thông hiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống thần linh nhiệm mầu giữa Ba Ngôi Vị hằng yêu thương nhau. Cha, Con, và Thánh Thần là Một Thiên Chúa (vì Thần Tính thì Đơn Nhất) mà lại thể hiện ra Ba Ngôi Vị ( qua những mối tương quan thần linh nhiệm mầu). Cũng qua cách sống yêu thương hiệp nhất nơi trần thế này, bản thân chúng ta mới có thể dần dần hiểu ra hơn cái chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1Ga. 4,16)
 
Vì thế , chính đặc điểm là cùng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa đã nói lên chuyện tuy hai mà một, tuy một mà hai trong cuộc sống nhân loại cùng chung kiếp người.
 
Trong sự “trở nên một”ấy, ngay từ buổi ban đầu, con người nam nữ đã được Thiên Chúa kêu mời không chỉ là cùng sống  bên nhau, với nhau mà còn là sống vì nhau.
 
Ở mức độ cơ bản này, chúng ta dễ dàng hiểu được rằng đây vừa là một “người trợ lực” cho mình , vừa là “nguồn trợ lực” cho nhau. Như thế, sống làm người có nghĩa là được kêu gọi bước vào cuộc sống hiệp thông liên chủ thể (hợp nhất trong khác biệt)
 
Cả hai con người nam cũng như nữ đều được kêu mời sống hiệp nhất trong yêu thương, ngõ hầu qua cách sống ấy họ phản chiếu cho thế giới thấy được tình yêu thông hiệp giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa: Cha , Con và Thánh Thần .
 
Nói rằng con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa cũng có nghĩa là con người được kêu gọi trở nên quà tặng cho đời, luôn luôn sống cho người-khác, vì người-khác
 
“Tính chất phu thê” trong  tương giao giữa người nam người nữ còn là nền tảng cơ bản cho hai chiều kích đặc biệt của ơn gọi phụ nữ: LÀM MẸ và ĐỒNG TRINH.
 
THIÊN CHÚA SÁNG TẠO NÊN CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
 
Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài, và Ngài đã tạo dựng họ ở mức độ tương đồng bình đẳng với nhau.
 
THIÊN CHÚA ĐÃ SÁNG TẠO NÊN CON NGƯỜI THEO HÌNH ẢNH CỦA NGÀI VÀ TRỞ NÊN GIỐNG NGÀI, VÀ NGÀI ĐÃ TẠO DỰNG HỌ Ở MỨC ĐỘ TƯƠNG ĐỒNG BÌNH ĐẲNG,NÊN CON NGƯỜI NAM-NỮ ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ LÀM GÌ ?
 
Họ được kêu gọi để biểu lộ cho mọi người thấy việc kết hợp của họ trong hôn nhân là một dấu chỉ của cuộc sống hiệp thông liên chủ thể đồng thời họ được kêu mời trở nên quà tặng cho nhau.
 
IV. EVA - MARIA
 
Việc so sánh giữa Adam - Đức Kitô thường được gắn với việc so sánh giữa Eva-Maria. Nếu Eva, mẹ của chúng sinh, đã là chứng nhân của buổi đầu lịch sử cứu độ, thì Maria cũng là một chứng nhân cho một khởi nguyên mới. Trong cả hai người nữ này đều có một Giao Ước giữa Thiên Chúa với nhân loại.
 
Tuy nhiên, trong “khởi nguyên mới” có một Giao Ước Mới, rõ rệt giữa Thiên Chúa và con người, Giao Ước trong Máu Cứu Chuộc của Đức Kitô. Trong Đức Kitô sự đối nghịch giữa hai người nam và nữ , vốn là hậu quả của tội nguyên tổ xưa, thì nay đã được vượt qua. “Vì chưng tất cả anh em đều trở nên một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3, 28).
 
Nói thế là việc hiệp nhất trong hai nhân vị vào buổi đầu , vốn gắn liền với việc tạo thành con người có nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa, được thực hiện theo một khuôn mẫu tuyệt hảo nhất là cuộc sống Hiệp Thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa . Thánh Phaolô tuyên bố rằng mầu nhiệm cứu độ con người trong Đức Kitô chính là canh tân phục hồi lại những gì đã có trong mầu nhiệm sáng tạo thể theo ý định muôn thuở của Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa.
 
Những nguồn năng lực trong nữ tính chắc chắn không thua kém gì nguồn năng lực nơi nam tính . Hai nguồn năng lực ấy hoàn toàn khác nhau . Vì vậy, cũng như người nam, bản thân người nữ cũng phải dựa trên những nguồn năng lực qúy báu ấy để hiểu được mình là “một con người trọn vẹn”, qua đó hiểu ra phẩm giá và ơn gọi của mình, thể theo sự phong phú nơi nữ tính đã nhận được ngay từ buổi đầu sáng tạo.
 
NẾU MARIA ĐƯỢC GỌI LÀ EVA MỚI, THÌ VIỆC SO SÁNH ẤY CÓ NGHĨA GÌ ?

 

1) Maria là một “khởi nguyên mới” của phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, của từng phụ nữ và của mọi phụ nữ .

2) Qua Đức Maria, chúng ta khám phá lại phẩm giá đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của nữ tính. “Chúa đã làm cho tôi bao nhiêu điều trọng đại kỳ diệu”.

Đây chính là sự khám phá ra tất cả mọi phong phú cũng như sức mạnh của nữ tính, tất cả căn tính vĩnh cửu của phụ nữ đúng như thánh ý Thiên Chúa là Ngài muốn phụ nữ làm một con người trọn vẹn trước tiên là cho chính mình , sau đó là khám phá ra mình “ bằng cách trao hiến bản thân” cho người khác .
 
V. ĐỨC GIÊSU KITÔ
 
...Trong con mắt của người đương thời Đức Kitô, Ngài là một người đề cao phẩm giá đích thực của phụ nữ và ơn gọi tương xứng với phẩm giá ấy. Trong tất cả giáo huấn cũng như cách cư xử của   Ngài, chúng ta không thể tìm thấy chút gì kỳ thị hay phân biệt trọng nam khinh nữ vốn thường phổ biến thời ấy.
 
Trái lại, lời nói và việc làm của Ngài luôn luôn bộc lộ một thái độ kính trọng đối với phụ nữ.
 
Thật vậy, thái độ của Chúa Giêsu đối với những phụ nữ mà Ngài đã gặp trên đường rao giảng đã phản ánh chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính khi đích thân tạo dựng từng người nam cũng như nữ, Thiên Chúa đã tuyển chọn và yêu thương người nữ ấy trong Đức Kitô. Vì vậy mỗi một người nữ chính là “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa muốn tạo dựng là vì lợi ích của chính thụ tạo”. Mỗi người phụ nữ , với tư cách   là một phụ nữ, ngay từ đầu đã được thừa hưởng trọn vẹn cái phẩm giá của con người. Chúa Giêsu Kitô đã xác nhận, nhắc lại phẩm giá này, và đã làm cho nó trở thành một phần của Tin Mừng Cứu Độ . Vì thế mỗi lời nói và cử chỉ của Đức Kitô về phụ nữ phải được chúng ta đưa vào chiều kích mầu nhiệm Phục Sinh . Bằng cách này, mọi chuyện sẽ được giải thích đầy đủ trọn vẹn.
 
Phụ nữ trong Tin Mừng :
 
Đọc qua những trang Tin Mừng, chúng ta có thể thấy được Chúa Giêsu có một mối tương quan với phụ nữ như thế nào :

1) Nhiều phụ nữ đã nhận được rất nhiều ân huệ của Chúa Giêsu .
2) Phụ nữ xuất hiện nhiều trong các dụ ngôn.
3) Chúa Giêsu tham dự vào những tình cảnh lịch sử cụ thể của phụ nữ
4) Đức Kitô nói với phụ nữ về Thiên Chúa và các phụ nữ đều hiểu được lời Ngài; đã có một âm hưởng thực sự trong tâm trí phụ nữ , và cả thái độ đáp trả đức tin của họ. Chúa Giêsu luôn luôn tỏ ra thán phục và đánh giá cao “những cách ứng xử đầy nữ tính” đặc biệt này (Mt 15,28 người phụ nữ Canaan)
 
Trong Tin Mừng chúng ta cũng thấy cách các phụ nữ đáp trả lại sứ vụ của Chúa Giêsu :

1) Ngay từ đầu sứ vụ của Đức Kitô, các phụ nữ đã tỏ ra rất nhậy cảm đặc biệt với chính Ngài và với sứ điệp mầu nhiệm của Ngài. Nhậy cảm vốn là đặc trưng cố hữu của nữ tính.
2) Các phụ nữ xếp hàng đầu dưới chân thánh giá.
3) Các phụ nữ cũng có mặt trước tiên bên mộ đá.

Đã có một sự bình đẳng cơ bản giữa người nam cũng như nữ vì họ đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Và hai người nam nữ cũng đều có khả năng đón nhận nguồn mạch tuôn trào chân lý và tình yêu của Thiên Chúa trong Thánh Thần. Cả hai đều nhận được “ ân sủng” thánh hóa và cứu độ.
 
 

 

 

? THÁI ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ ĐỐI VỚI PHỤ NỮTRONG ĐỜI SỐNG CÔNG KHAI CỦA NGÀI ?

 

 

 
1) Ngài là người đề cao phẩm giá đích thực của phụ nữ.
2) Lời nói và việc làm của Ngài rất mực tôn trọng và tôn vinh phụ nữ .
3) Chúa Giêsu đã để cho phụ nữ tham gia và dự phần vào công trình cứu độ.
4) Chúa Giêsu sẵn lòng can dự vào những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của phụ nữ .
5) Chúa Giêsu nói với phụ nữ về mọi điều liên quan đến Thiên Chúa.
6) Chúa Giêsu qúy trọng và ca ngợi những cách đáp trả đầy nữ tính của phụ nữ đối với giáo huấn của Ngài.
 
VI. LÀM MẸ VÀ ĐỒNG TRINH
 
Đồng trinh và Làm mẹ là hai chiều kích đặc biệt trong việc làm viên mãn con người phụ nữ . Dưới ánh sáng Tin Mừng, các phụ nữ đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa và giá trị này nơi Mẹ Maria, Đấng vừa là Trinh Nữ vừa Làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Hai chiều kích của ơn gọi phụ nữ đều liên kết lại nơi Mẹ Maria một cách khác thường đến nỗi không có chiều kích nào lấn lướt cái kia mà trái lại chúng bổ túc lẫn nhau một cách kỳ diệu.
 
Làm mẹ 

Làm mẹ là khả năng mở ra đón nhận một con người mới : khả năng này thật đúng là vai trò của phụ nữ . Chính khi cưu mang và sinh nở, phụ nữ sẽ khám phá ra chính mình qua con đường “trao hiến bản thân một cách đích thực” .
 
Việc làm mẹ có liên quan đến việc hiệp thông đặc biệt với huyền nhiệm sự sống đang phát triển trong cung lòng mình. Nguyên việc tiếp xúc với một con người mới đang phát triển trong lòng mình cũng đủ nâng lòng lên hướng về nhân loại... một thái độ để lại dấu ấn sâu xa nơi nhân cách phụ nữ . Người ta thường nghĩ rằng phụ nữ có khả năng hơn nam giới về chuyện quan tâm chú ý đến người-khác và vai trò làm mẹ càng làm tăng khả năng sẵn có này .
 
Việc làm mẹ , dưới ánh sáng Tin Mừng , biểu lộ cái khả năng “lắng nghe lời Thiên Chúa hằng sống”và thái độ sẵn sàng “bảo vệ”Lời của Thiên Chúa , “Lời Hằng Sống”.
 
Đồng trinh

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu , vai trò làm mẹ có liên quan gắn bó với việc Đồng trinh nhưng cũng hoàn toàn tách biệt với nhau.

Theo Tin Mừng , ý nghĩa hai từ Đồng Trinh cũng có một quá trình tiến triển và dần dần được hiểu rõ hơn như là một ơn gọi của phụ nữ . Tin Mừng đề cao lý tưởng tận hiến con người , nghĩa là con người dâng hiến chính mình một cách hết sức đặc biệt cho Thiên Chúa bằng cách làm theo ba lời khuyên của Tin Mừng là khó nghèo , khiết tịnh và vâng phục.
 
Người ta không thể hiểu đúng hai chữ đồng trinh mà không đối chiếu với  tình yêu phu phụ , cũng trong tình yêu này người ta vẫn có thể trở thành một quà tặng trao cho người-khác . Trong ơn gọi sống đồng trinh, phụ nữ tìm thấy Đức Kitô là con người trổi vượt trên tất cả , là Đấng Cứu Thế ‘đã yêu đến cùng’ sẵn sàng trao hiến toàn thân mình cho nhân loại; người phụ nữ cũng đáp lại tình yêu ấy bằng một tình yêu trọn vẹn, một quà tặng chân tình trọn đời mình : hiến dâng bản thân vì tình yêu vẹn toàn không hề chia sẻ.
 
Làm mẹ theo Thánh Thần

Làm mẹ thiêng liêng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức...như trong cuộc sống của những phụ nữ tận hiến, trong các tu hội đời, hay các cộng đoàn tận hiến hiện đang nẩy nở trong các phong trào, nhóm, và hiệp hội. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy  có thể thể hiện qua những mối quan tâm đối với tha nhân có những nhu cầu cấp bách : bệnh nhân, khuyết tật, trẻ mồ cô, người bị bỏ rơi, người già, trẻ em, thanh thiếu niên, kể cả các tù nhân và nói chung là những con người bên lề xã hội. Qua những đối tượng này khả năng làm mẹ thiêng liêng đã được thực hiện cách này hay cách khác.
 
Một phụ nữ hoặc là qua nhiệm tích hôn nhân hoặc là qua hôn nhân thiêng liêng vói Đức Kitô đều có thể được gọi là “đã kết hôn”.Trong cả hai trường hợp, cuộc sống hôn nhân của họ đều là một mối duyên tình của cô dâu trao hiến trọn đời cho chú rể. Bằng cách này người ta có thể nhìn thấy bóng dáng của hôn nhân trong cuộc sống đồng trinh một cách thiêng liêng.. Vì vậy Đồng trinh cũng phải được coi như là một con đường cho phụ nữ , trên con đường ấy phụ nữ vẫn có thể thể hiện được thiên chức phụ nữ của mình một cách khác .
 
ĐÂU LÀ NHỮNG THIÊN HƯỚNG CỦA PHỤ NỮ GẮN LIỀN VỚI VAI TRÒ LÀM MẸ ?
 
1) Tinh thần rộng mở đón nhận một con người mới.
2) Dễ dàng thông hiệp với huyền nhiệm sự sống
3) Hay quan tâm chú ý đến người-khác
4) Khả năng lắng nghe lời của Thiên Chúa hằng sống
 
THEO NGHĨA NÀO, ĐỒNG TRINH CŨNG LÀ MỘT CUỘC SỐNG “HÔN NHÂN ” ?
 
Hôn nhân vốn là “một quà tặng chân tình trao hiến bản thân” cho người-khác, và trong cuộc sống đồng trinh cũng có “quà tặng chân tình trao hiến bản thân ấy” cho Đức Kitô và cho tha nhân . Tóm lại chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng của hôn nhân trong cuộc sống đồng trinh một cách thiêng liêng..

VII. GIÁO HỘI-HIỀN THÊ CỦA ĐỨC KITÔ.
 
Trong mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội, “việc tùy thuộc” chỉ nằm về phía Giáo Hội; còn trong mối tương quan giữa vợ chồng , thì “việc tùy thuộc” ấy không nằm ở một phía mà là sự hỗ tương lẫn cho nhau.
 
Đức Kitô là Hôn Phu của Giáo Hội còn Giáo Hội là Hôn Thê của Đức Kitô .
 
Tất cả nhân loại cả nam lẫn nữ đều được kêu gọi trở thành “cô dâu” của Đức Kitô qua Hội Thánh. Trở thành cô dâu có nghĩa là đón nhận quà tặng tình yêu của Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc và luôn luôn canh cánh bên lòng mong tìm cách đáp trả lại tình yêu ấy cũng bằng một tình yêu trao hiến bản thân. Như thế,  làm-cô-dâu, một yếu tố đầy nữ tính, nay đã trở thành một biểu tượng của tất cả những gì thuộc về “con người”.
 
Công Đồng Vatican II nhắc lại điều ấy trong phẩm trật các thánh, chính một ‘người phụ nữ’, Đức Maria làng Na-gia-rét , lại trở nên hình ảnh của Giáo Hội. Ngài ‘đã đi tiên phong’ trước mọi người trên con đường nên thánh; đồng thời qua bản thân Đức Maria, Giáo Hội cũng đã đạt tới sự hoàn thiện ấy cùng với ngài.
 
Trong lịch sử Giáo Hội , cũng đã có vô số con người phụ nữ mạnh mẽ đáp lại tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô :

1)   Trước tiên là những phụ nữ ngày xưa đã vây quanh và đi theo Ngài.
2)   Những phụ nữ thời Cựu Ước ‘đã dâng mình sống cầu nguyện’ trong Đền thờ Giêrusalem.
3)   Những phụ nữ trong các cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội thời sơ khai.
4)   Các thánh nữ tử đạo và đồng trinh.
 
TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI, CÁC PHỤ NỮ ĐÃ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC KITÔ NHƯ THẾ NÀO ?

 

 
1) Đáp lại tình yêu ấy qua những đặc sủng riêng của phụ nữ và qua những hình thức phục vụ đa dạng của phụ nữ .
2) Bằng cách chia sẻ đóng góp phần mình trong công việc tông đồ của Giáo Hội.
3) Nêu gương mẫu cho chúng ta thấy cách thức cô dâu phải đáp trả chàng rể như thế nào: chỉ có thể lấy tình yêu đáp lại tình yêu .
 
VIII. ĐIỀU CAO CẢ NHẤT LÀ TÌNH YÊU
 
Trong chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa , phụ nữ là một mảnh đất tốt được sắp sẵn để cho yêu thương đâm sâu bắt rễ ngay từ giây phút đầu tiên của đời người, để tình yêu hương về và tùy thuộc Tình Yêu sâu thẳm nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Phẩm giá phụ nữ được đo lường bằng tình yêu, vốn cũng là bình diện của công bằng và bác ái. Và nói một cách chính xác chính phụ nữ là những người có thể bộc lộ chân lý qúi giá này là mọi con người đều được Thiên Chúa yêu thương trong Đức Kitô.
 
Một phụ nữ chỉ có thể tìm thấy chính mình khi trao tặng tình yêu cho người-khác. Phụ nữ trở nên rất mạnh mẽ khi biết rằng Thiên Chúa ký thác cách riêng cho mình tất cả nhân loại chỉ vì mình có nữ tính và việc hiểu biết này sẽ giúp phụ nữ xác định được ơn gọi của mình. Nhờ hiểu biết ấy và ơn gọi ấy, người nữ nhận ra được phẩm giá cao cả Thiên Chúa đã trao cho mình, đồng thời cảm thấy mình trở nên ‘mạnh mẽ’ hơn, củng cố thêm sức mạnh cho ơn gọi của mình. Nhờ vậy, “người phụ nữ hoàn hảo” sẽ trở thành sự trợ lực không thể thay thế và là nguồn sức mạnh thiêng liêng cho nhiều người khác
 
Nếu loài người đã được Thiên Chúa trao gởi cách riêng cho phụ nữ, thì điều này lại không có nghĩa là Đức Kitô cũng mong  chị em phụ nữ hoàn thành ‘thiên chức tư tế vương giả’  nữa sao ?
 
ƠN GỌI PHỤ NỮ NÀY DO ĐÂU MÀ CÓ ?
 
Nhờ có nữ tính, Thiên Chúa ký thác cả ‘nhân loại’ cho phụ nữ một cách đặc biệt. Việc này đã xác định đặc biệt ơn gọi của phụ nữ .
 
Phẩm giá phụ nữ làm cho phụ nữ có thể chia sẻ Sứ Vụ Cứu Thế của Đức Kitô. Trong Thần Khí của Đức Kitô, phụ nữ còn có thể khám phá ý nghĩa trọn vẹn của nữ tính của mình và nhờ thế phụ nữ có đủ điều kiện để đem lại cho đời ‘những quà tặng dâng hiến” và qua đó tìm được chính mình.
 
KẾT LUẬN
 
Giáo Hội   cảm ơn từng phụ nữ và mọi phụ nữ - vì tất cả mọi phụ nữ đều phát sinh ra từ con tim Thiên Chúa với tất cả vẻ đẹp và phong phú  của nữ tính.
 
Giáo Hội cũng đặc biệt biết ơn mọi cách biểu dương ‘thiên chức phụ nữ’ xưa nay trong giòng lịch sử, trong lòng các dân tộc và quốc gia, cảm ơn tất cả mọi đặc sủng Thần Khí ban cho phụ nữ trong lịch sử Dân Thiên Chúa ... , đồng thời cảm ơn tất cả hoa trái thánh thiện của phụ nữ .
 
... Suy gẫm về những mầu nhiệm trong lịch sử cứu độ cũng có thể giúp phụ nữ khám phá được chính mình và ‘ơn gọi cao cả’ của mình.
 
 
Jos. Nguyễn Hùng Cường