Người Cha và Thầy Cô của Con

Người Cha và Thầy Cô của Con

 

NGƯỜI CHA VÀ THẦY CÔ CỦA CON
 
Kính thưa quý gia trưởng !

Sau những năm tháng đầu đời, sống yên ổn trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, rồi cũng đến một ngày con cái chúng ta sẽ được gửi đến nhà trường để học tập văn hóa. Đó là một nhu cầu cần thiết và chính đáng để con trẻ có được một nền tảng vững vàng, đủ sức bước vào đời sống tự lập sau này. Trong hành trình đời người, quãng thời gian mười mấy năm trời miệt mài đèn sách dưới mái trường tuy chưa phải là dài nhưng cũng không thể nói là ngắn. Và cũng trong ngần ấy năm trời, có biết bao người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm hồn và bề dày tri thức của con cái chúng ta. Nhịp sống hối hả của thời hiện tại đã khiến chúng ta nhiều khi phó mặc con cái cho nhà trường, hoàn toàn không biết và cũng không cần biết gì về thầy cô giáo của con. Lẽ nào ta chấp nhận thực trạng này, trong khi ông bà từ ngàn xưa dẫu quê mùa lam lũ, cũng đã phát hiện ra một chân lý rất đỗi nhân tình :
 
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

( Ca dao )

1.    Vài nét về vai trò của người thầy trong xã hội
Không thể biết chính xác người thầy xuất hiện trong đời sống nhân loại từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi con người có nhu cầu cần khám phá, cần hiểu biết, thì ngay lập tức người thầy xuất hiện. Có thể thuở ban đầu, người thầy chỉ là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm sống và rồi truyền đạt lại cho thế hệ đi sau. Đó là ông bà chỉ dạy cho cha mẹ, cha mẹ chỉ dạy cho con cái, … Rồi sau đó là những tộc trưởng, những già làng có uy tín và nhiều kinh nghiệm sẽ giữ vai trò giáo huấn những người trong tộc, trong làng của mình.

Cứ thế, nhân loại đi lên không ngừng, cho đến một lúc người thầy cần phải được đào tạo chuyên môn hóa và được xã hội công nhận mới có thể đảm đương trọng trách giáo dục thế hệ tương lai. Trước đây, hôm nay cũng như mãi mãi sau này, khi nhân loại còn tồn tại trên hành tinh này, thì vẫn luôn cần sự hiện diện của người thầy. Trong mọi xã hội và mọi thời đại, người thầy luôn được xã hội tôn trọng vì mang lấy trách nhiệm rèn luyện nhân cách thế hệ tương lai, nâng cao dân trí, một nền tảng góp phần làm hưng thịnh xã hội.

2.    Ảnh hưởng của người thầy trên học sinh

Mọi gia trưởng chúng ta đều nhận thấy rất rõ sự ảnh hưởng của thầy cô giáo đến con cái mình như thế nào. Ngày đầu tiên gửi cháu vào nhà trẻ, lúc về, cháu đã biết vòng tay chào :

-      Con thưa ba, con đi học mới về.
-      Con thưa má, con đi học mới về.

Rồi suốt những năm tháng ở bậc tiểu học và những năm đầu ở bậc trung học, con cái chúng ta đã mặc nhiên xem thầy cô là chân lý. Các cháu thần thánh hóa thầy cô của mình đến độ ngay cả cha mẹ nếu nói điều gì khác với thầy cô nói thì chắc chắn trăm phầm trăm thầy cô đúng, cha mẹ sai :

-      Cô con bảo không phải vậy !
-      Thầy con bảo phải như vầy cơ !

Cái điệp khúc “thầy cô con bảo” cứ đều đặn vang lên trong suốt những năm tháng đầu đời con cái chúng ta đến trường, mỗi khi ta làm gì trái với điều mà thầy cô của các cháu đã nói. Một gia trưởng kể rằng : con anh ta làm thủ công cắt dán hình ngôi sao. Cháu loay hoay mãi cũng không xong. Thương con, anh làm giúp. Đến khi anh gấp tờ giấy màu để chỉ cần cắt một đường kéo thì có được một ngôi sao đều đặn năm cánh, thì cháu giẫy nẩy :

-      Cô bảo không được gấp, phải vẽ hình lên giấy rồi cắt cơ !
-      Nhưng ba gấp rồi cắt thì cũng có ngôi sao mà con !
-      Nhưng nó có vết gấp, cô không chịu đâu.

Thương con, anh cũng vẽ rồi cắt được một ngôi sao nhưng chẳng đều năm cánh. Hôm sau đi học về, cháu cười tẽn tò :

-      Cô con bảo gấp rồi cắt cho đều cũng được.

Con trẻ là thế đấy. Hôm qua ba sai, hôm nay ba mới đúng. Còn cô giáo hôm qua đúng, hôm nay cũng … đúng luôn.

Mức độ thần thánh hóa thầy cô giáo nơi trẻ nhỏ sẽ vơi dần theo năm tháng lớn khôn, nhưng sự ảnh hưởng từ thầy cô đối với học trò vẫn không hề suy giảm. Các cháu bắt đầu có những phán đoán độc lập và tự bộc lộ những hành vi ứng xử theo sự kiến giải riêng của mình. Có trẻ học theo nét chữ đẹp của cô giáo này, cách trình bày của thầy giáo nọ. Có trẻ vì kính phục thầy này mà trở nên chăm chỉ học môn của thầy ấy, hoặc ngược lại vì không hài lòng điều gì đó về thầy cô mà trò học hành sa sút môn học của thầy cô đó giảng dạy. Trong các nguyên nhân học trò trốn học, không thiếu những trường hợp vì trẻ không thích thầy cô đó giảng dạy. Sự không thích ấy nhiều khi không chính đáng, nhưng con trẻ vẫn thường hành xử theo cảm tính của mình, và đó cũng là đặc trưng tâm lý lứa tuổi của các cháu.

3.    Thầy của con cái chúng ta

Người thầy hôm nay có thể khác nhiều so với người thầy ngày xưa nếu xét trên bình diện phương pháp sư phạm cũng như kiến thức truyền thụ. Nhưng có một điều bất di dịch mà bất cứ thời đại nào người thầy cũng phải tuân thủ : Đó là đạo đức nhà giáo. Lợi thế của truyền thống Phương Đông trong đó có Việt Nam luôn đặt vị trí của người thầy rất cao trong tâm hồn con người. Bởi vì, đối với người Việt Nam, người thầy không chỉ đơn thuần truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau, mà cao đẹp hơn, đó là rèn luyện cho con trẻ đạo đức và nhân cách làm người. Nội hàm của chữ “thầy” do vậy, vừa chỉ sự trổi vượt hơn “trò” về trí tuệ, vừa chỉ tầm cao tư cách đạo đức của người làm thầy. Chọn nghề dạy học, là tự nguyện trói mình vào một “vòng kim cô” của nhân cách và đạo đức.

Biết là vậy, nhưng người thầy cũng là người như bất cứ ai. Cũng có tham, sân, si ( nói theo ngôn ngữ nhà Phật ) ; cũng hỉ, nộ, ái, ố giữa cõi đời đầy xáo động. Thiên chức nhà giáo đẹp như một viên pha lê nhưng đặt vào trong một cá thể người mong manh nhưbình sành dễ vỡ. Và cái bình sành ấy đã nhiều khi phải nát tan khi đối mặt với xu thế tục hóa, vật chất hóa của cuộc sống hôm nay. Tuy không phải là bản chất, nhưng đã có nhiều hiện tượng đau lòng gần đây khi người thầy đánh mất đạo đức của mình. Sự băng hoại về đạo lý đã ngang ngược xộc vào trong mối quan hệ rất đỗi thiêng liêng là thầy-trò.

Là gia trưởng, chúng ta không thể không biết thực tế phũ phàng này để có một thái độ đúng mực, tránh rơi vào một trong hai thái cực sau :

-      Hoặc, tuyệt đối hóa vai trò giáo dục vào thầy cô giáo của con, trút bỏ toàn bộ trách nhiệm giáo dục lên thầy cô giáo để bản thân thuận tiện mưu kế sinh nhai. Đây nhiều khi lại là hành vi của một thái độ sống vị kỷ, thiếu trách nhiệm trước con cái của bậc làm cha mẹ.

-      Hoặc, phủ nhận hoàn toàn vai trò của thầy cô giáo. Sẵn sàng kết án thầy cô của con giữa bàn dân thiên hạ. Nên biết rằng, sự thật chỉ giá trị khi được nói đúng nơi, đúng lúc. Một người cha nói xấu thầy cô giáo của con trước mặt chúng, thì trước khi danh dự thầy cô bị xâm phạm thì tâm hồn con cái đã bị thương tổn. Chúng không còn tin vào người lớn nữa.

Trái lại, mỗi gia trưởng chúng ta cần quan tâm hơn đến việc học hành của con cái bằng nhiều cách :

-      Lắng nghe con cái tâm sự về chuyện trường lớp, chuyện học hành để kịp thời có những lời khuyên đúng đắn cho con.

-      Yêu con và vì con, sẵn sàng chủ động tiếp xúc với thầy cô của con, để hiểu con hơn và cũng biết rõ về thầy cô của con hơn.

-      Đừng né tránh mà nên có mặt đầy đủ trong các phiên họp giữa thầy cô và phụ huynh. Nhiều thông tin và phản hồi qua lại sẽ giúp cho ta hiểu biết nhiều hơn về môi trường mà con cái đang được giáo dục mỗi ngày.

-      Đừng dạy con tiền tệ hóa mối quan hệ thầy-trò, mà trái lại hãy chỉ cho con cách biểu lộ lòng biết ơn với thầy cô của chúng bằng những hành vi trong sáng nhất.

4.    Người Thầy của mọi người

Trong một lần phát biểu, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân xác nhận rằng lâu nay ngành giáo dục mới chỉ chú trọng việc dạy chữ mà xem nhẹ khâu dạy người. Thực trạng đó là hệ quả tất yếu của ý thức con người khi xác định mục đích của việc đi học là có được bằng cấp, sau này kiếm được ngành nghề với mức thu nhập cao. Người ta cười khẩy khi cho rằng đi học là để biết cách sống thành người đúng nghĩa.

Vậy thì đâu mới là tấm gương mẫu mực của hình ảnh người thầy ?

Chúa Giêsu Kitô, một Người Thầy vĩ đại của toàn vũ trụ đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận bình sành dễ vỡ. Người Thầy này đã không chỉ giáo huấn nhân loại bằng Lời, mà ngài còn dùng chính mạng sống của mình để thực thi những lời Người đã nói. Ngôn ngữ của Thầy Giêsu là ngôn ngữ của yêu thương, ngọn nguồn mọi nền tảng đạo đức. Nếu như mọi người thầy nhân loại đã luôn phải vất vả cập nhật kiến thức cho phù hợp với thời đại, thì chân lý nơi Lời của Thầy Giêsu lại bất biến với thời gian. Người của mọi thời đại, mọi dân tộc đều tìm thấy hơi thở gần gũi của hiện thực quanh mình ngay trong mỗi lời giảng của Thầy Giêsu. Đó quả là một thứ ngôn ngữ siêu ngôn ngữ. Và mục đích giáo dục của Thầy Giêsu không chỉ là đem lại cuộc sống bình an ở đời này mà còn là hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau.

Là người cha trong gia đình, chúng ta hãy ân cần chỉ cho con cái đến với Thầy Giêsu, người Thầy của toàn nhân loại, là Thầy của mọi người thầy, là Thầy của con và cũng là Thầy của cha. Người Thầy ấy đã dùng mạng sống mình để đổi lại hạnh phúc cho toàn thể học trò là nhân loại, không sót một ai. Và cho đến hôm nay, lời giảng của Người Thầy ấy vẫn vang lên từng ngày nơi các thánh lễ qua những thừa tác viên của Hội Thánh. Lẽ nào chúng ta lại để cho chính mình và con cái mình lãng phí một giờ học tuyệt vời đến thế.

Kính thưa quý gia trưởng !

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến ngày 20/11, ngày mà mọi học trò cùng nghĩ về thầy cô giáo của mình với tấm lòng tri ân. Hãy dạy cho con cái biết cách trở nên một nụ hoa đẹp mà dâng tặng cho truyền thống tôn sư trọng đạo, và hãy cùng con cái biết cách trở nên những bông hoa đẹp mà dâng tặng cho cho Người Thầy vĩ đại và nhân lành : Giêsu.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)