Người cha trong “thời hoàng kim” của chương trình truyền hình.
Người cha trong “thời hoàng kim” của chương trình truyền hình.
Đại học Giáo hoàng tổ chức Hội nghị về vai trò người cha trong loạt chương trình truyền hình hiện đại.
Rome, 22/4/2013. ( Zenit.org ) Ann Schneible.
Hình ảnh người cha trên chương trình truyền hình hiện nay là chủ đề của một Hội thảo kéo dài hai ngày mới đây được tiến hành tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá (PUSC).
“Hình ảnh người cha trong loạt phim truyền hình” là hội thảo mới nhất về chủ đề “Thi pháp, truyền thông và văn hóa” do khoa truyền thông giáo hội thuộc Đại học PUSC tổ chức hai lần / năm.
Hội nghị nhằm đưa ra một nghiên cứu về vị thế người cha được thể hiện trong loạt phim truyền hình phổ biến: đặc biệt là, vai trò người cha trong gia đình, sự thiếu vắng hình ảnh người cha, và mối quan hệ giữa người cha và các con.
Buổi Hội nghị hôm nay đã được khởi đầu bằng bài thuyết trình về “thời hoàng kim” trong truyền hình giả tưởng của Giáo sư Alberto Nahum Garcia thuộc Đại học Navarra. Tiếp theo ông là ký giả Costanza Miriano của đài RAI , bà mẹ của bốn đứa con, nói về vai trò của người cha trong gia đình, và tiến sĩ Alberto Fijo, Giám đốc của tờ báo Fila Siete và là chủ bút của Acerensa, đưa ra một bài phân tích loạt ba phim truyền hình Anh : “Downton Abbey”, “Luther”, và “The Hour”.
Cha John Wauck, giáo sư khoa truyền thông Đại học PUSC, một trong những người điều phối hội thảo, nói với Zenit rằng chủ đề hội thảo năm nay sở dĩ được chọn vì, một phần, “để thu hút sự chú ý của người ta hướng đến vai trò lớn lao của người cha thể hiện trong nhiều chương trình truyền hình hiện nay”.
Trên cương vị thành viên của Đại học Giáo hoàng, ngài nói, “chúng tôi quan tâm trước hết đến những vấn đề thần học, và thứ đến là nhân học, triết học, luân lí. Trong môi trường học thuật, chúng ta thường quên rằng đó không nhất thiết phải trong sách giáo khoa hay trong lớp học, nơi những vấn đề vốn được nêu ra”.
Một số diễn giả buổi hôm nay, ông nói tiếp, lưu ý rằng “chúng ta đang trải qua … một “thời hoàng kim” của truyền hình, trong đó ta đã tiêu phí một lượng lớn thời gian kể những câu chuyện thật dài, thật phức tạp, với công nghệ gần như tương đương với công nghệ dùng trong phim truyện. Sự khác biệt về chất lượng giữa phim truyền hình và phim nhựa, vì thế, đã bị giảm thiểu”.
Không giống như phim nhựa, cha Wauck lưu ý, thường giới hạn thời gian khoảng hai giờ, loạt phim truyền hình có khả năng đào sâu nhiều vấn đề cuộc sống và kéo dài suốt nhiều giờ : “Những vấn đề về căn tính, vai trò làm cha, mối quan hệ giữa cha và con, những vấn đề đạo đức liên quan đến việc thực hiện quyền làm cha mẹ, phản ứng của những người con trước sự hiện diện của người cha, hoặc khi người cha vắng mặt, những nhược điểm hay khuyết tật khác nhau của người cha. Hết thảy những điều này có thể được xử lý một cách sâu sắc trong loạt chương trình truyền hình nhiều tập mà không phải hoàn tất trong vòng vài giờ”.
“Câu chuyện dài của một gia đình khó có thể thể hiện trong hai giờ, nhưng ta có thể làm được với loạt chương trình truyền hình, và đó là những gì bạn đang được xem”.
Truyền hình và cuộc khủng hoảng vị thế người cha.
Mục đích của Hội nghị truyền thông giáo hội năm nay không phải để đưa ra một giải pháp cho những vấn nạn trong gia đình nhưng là nhận dạng khủng hoảng từ quan điểm của truyền hình. “Vấn đề thường gặp trong nhiều loạt chương trình truyền hình là sự vắng mặt của người cha, hoặc là người cha cách nào đó tỏ ra không xứng đáng. Đi tìm cho ra một người cha hoàn hảo trong thế giới truyền hình hôm nay rất khó. Một trong những bài được trình bày có liên hệ đến “ông Bố” trong phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, thế nhưng ngay cả bài đó cũng phải quay lại một đoạn đường thật dài để có thể tìm thấy được một khuôn mặt người cha như thế.
“Hầu hết những hình ảnh người cha mà bạn thấy trên loạt truyền hình hiện nay đều thể hiện những sai lầm sâu sắc, nếu như họ có xuất hiện”, ông nói và lưu ý rằng “đôi khi câu chuyện thực về người cha trong loạt phim truyền hình lại thể hiện qua sự vắng mặt của người cha, như tình trạng phổ biến trong xã hội hiện nay”.
Một quan điểm bên ngoài.
Mặc dù phần lớn chương trình truyền hình được khảo sát là từ Anh và Mỹ, các diễn giả hầu hết được chọn lọc chỉ gồm các chuyên gia gốc Tây ban nha và Ý. “Đó là một hội nghị mang tính rất quốc tế”, cha Wauck nói, “ không phải chỉ bởi thực tế là người tham dự đến từ những quốc gia khác nhau, nhưng còn là bởi những khác biệt văn hóa từ phía người trình bày so với những chương trình họ nói. Vì thế, họ có thể nhìn loạt chương trình truyền hình Mỹ với nhãn quan chút ít khác biệt so với những gì bạn thường gặp trong những bình phẩm ở Mỹ”.
Ông cũng lưu ý một điều có ý nghĩa khi một trong những diễn giả, người vợ và người mẹ Costanza Miriano của đài RAI, phát biểu trong buổi nói chuyện rằng bà chẳng có thì giờ để xem truyền hình. “Đó là điểm rất đáng được đưa vào bàn thảo tại một hội nghị như thế này, bởi vì nó gợi lên câu hỏi: nếu những người làm cha mẹ không có thời giờ để xem những chương trình nói đến cương vị của cha mẹ, vậy thì, ai là người xem? Dường như đó không phải là những người đang nuôi dạy trẻ hôm nay”.
Vũ Văn Kích