Ngày nhớ ơn Cha (TM/VB)

 

NGÀY NHỚ ƠN CHA (TM/VB)

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam nói riêng và của Á Đông nói chung , con cái được cha mẹ và nhà trường dạy dỗ từ thuở ấu thơ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. 

Những tình cảm thương yêu, quý trọng , hiếu thảo với cha mẹ của người Á Đông được bộc lộ một cách thầm lặng, quanh năm suốt tháng chứ không chỉ có một ngày trong năm.

Còn Tây Phuơng và Hoa Kỳ, có ngày cho Mẹ (Mother’s Day), ngày cho Cha (Father’s Day) vì thường ngày mọi người rất   bận rộn với việc học hành, công việc làm ăn sinh sống, tình cảm thương yêu cha mẹ được đặt ở  trạng thái thụ động, nên cần có một ngày đặc biệt để  nhắc nhở con cái nhớ đến công ơn cha mẹ, đây cũng là một truyền thống tốt đẹp. 

Nếu so sánh “Ngày cho Mẹ” và “Ngày cho Cha” thì chúng ta thấy có một sự khác biệt. Ngày cho Mẹ được nhiều đoàn thể cũng như nhiều cá nhân tổ chức để  vinh danh hiền mẫu hơn Ngày cho Cha.

Trong văn thơ, ca dao Việt Nam cũng có không biết bao nhiêu bài ca ngợi tình mẹ thiêng liêng, bao la như trời cao, bể rộng. Còn thi nhạc ca ngợi tình cha thì rất hiếm hoi, gần như không tìm thấy trong những tập thơ của những nhà thơ nổi tiếng trong văn đàn VN. 

Tại sao? Có phải vì Cha không thương yêu, không lo lắng cho con cái như người mẹ? Hay vì Cha là đàn ông, tính tình trầm lặng, ít bộc lộ, không gần gũi với con cái nên con cái ít cảm nhận đựơc tình thương như từ trái tim của mẹ - một kỳ quan của vũ trụ?

Sự thực thì trong sự sinh thành dưỡng dục con cái, công lao cũng như lòng thương yêu lo lắng cho con của người cha cũng bao la như của người mẹ.

Tưởng cũng nên nhắc lại lịch sử và ý nghĩa của “Ngày cho Cha” ở  Hoa Kỳ. Theo tài liệu thì người đề  xướng “Ngày cho Cha” (Father’s Day) là bà Sonora Smart Dodd ở  Spokane, Washington State. Bà có ý nghĩ nên có một ngày đặc biệt cho cha trong lúc nghe thuyết giảng về ngày cho Mẹ năm 1909. 

Mẹ của Bà đã mất khi sinh đứa con thứ sáu. Bà được nuôi dưỡng bởi người cha là ông William Jackson Smart, một cựu chiến binh của Civil War. Ông Smart đã nuôi dưỡng sáu đứa con ở  vùng nông trại phía tây tiểu bang Washignton. Khi lớn lên bà Dodd mới nhận thức được sự hy sinh vô cùng của cha, bà muốn cha của bà biết ông là người rất đặc biệt đối với bà.   

Cha của bà sinh vào tháng sáu nên bà đã chọn “Ngày cho Cha” đầu tiên vào ngày 19 tháng 6, 1910 ở  Spokane, Washignton State. Cùng lúc đó nhiều người ở  nhiều nơi trong tỉnh và các thành phố ở  Mỹ bắt đầu tổ chức ngày cho Cha. Năm 1924 Tổng Thống Calvin Coolidge ủng hộ việc công nhận ngày cho cha trên toàn quốc. 

Năm 1926 “A National Father’s Day Commitee” được thành lập ở  New York. Ngày này được công nhận bởi “A Joint Resolution of Congress” vào năm 1956. Năm 1966 Tổng Thống Lyndon Johnson ký bản văn thư   công nhận Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu là ngày ”Father’s Day”. Ngày này không phải chỉ để  vinh danh người cha, mà bất cứ người nào đã thay thế vai trò của ngừơi cha trong sự nuôi dưỡng, giáo dục con cái như cha nuôi, chú bác, ông nội, ông ngoại…

Ngày nhớ ơn Cha được hình thành từ sự biết ơn của một người con gái đã nghĩ đến công lao của cha mình. Tất cả những người cha đáng được con cái nhớ ơn vinh danh trong ngày đặc biệt này.

(TM/VB)