Ngày Giới trẻ Thế giới: Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh lễ mừng 1050 năm Kitô giáo tại Ba Lan

Ngày Giới trẻ Thế giới: Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh lễ mừng 1050 năm Kitô giáo tại Ba Lan
WHĐ (29.07.2016) - Trong khuôn khổ chuyến tông du Ba Lan, chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Thánh lễ mừng 1050 năm Kitô giáo tại Ba Lan.
 
Thánh lễ được cử hành gần Đền thánh Czestochowa, lúc 10g30 sáng thứ Năm 28-07. Đồng tế với Đức Thánh Cha có toàn thể Hội đồng Giám mục và đông đảo linh mục Ba Lan. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Tổng thống và các quan chức cao cấp trong chính phủ Ba Lan. Khoảng 200.000 bạn trẻ đã tham dự Thánh lễ này.
 
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha.
 
* * *
 
 
“Từ các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, hiện lên một sợi chỉ linh thánh, sợi chỉ xuyên suốt lịch sử nhân loại và dệt nên lịch sử cứu độ.
 
Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta về kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4, 4). Nhưng lịch sử lại nói với chúng ta rằng dù “thời viên mãn’ này đã đến, dù Thiên Chúa đã làm người, nhân loại cũng chưa được toại nguyện, chưa có lấy một giai đoạn nào ổn định và hòa bình, nghĩa là, chưa từng có một “Thời hoàng kim”. Tình cảnh của thế gian này vốn không đáng được Chúa đến, thế mà  “lại chẳng chịu đón nhận Người’ (Ga 1, 11). Thời viên mãn là một món quà ân sủng: Thiên Chúa lấy lòng thương xót đổ đầy thời đại chúng ta. Lấy tình yêu cao vời mà khai mạc thời viên mãn.
 
Nhất là cách Chúa đến để bước vào lịch sử mới thật đáng kinh ngạc: Người được “một phụ nữ sinh ra”. Đây không phải là một cuộc khải hoàn ngự giá hoặc cuộc hiển linh rạng rỡ của Đấng Tối cao. Người cũng không tỏ mình là vầng thái dương xuất hiện sáng ngời, nhưng đi vào trần gian bằng một cách thức đơn sơ nhất, làm đứa trẻ được mẹ sinh ra, “phong cách” này được Kinh Thánh nói như mưa rơi xuống đất (x. Is 55, 10), như hạt giống nhỏ nhất nẩy mầm rồi mọc lên (x. Mc 4, 31-32). Vì vậy, trái với những điều chúng ta kỳ vọng, kể cả khát khao, Nước Thiên Chúa, bây giờ cũng như xưa kia, “không đến theo cách khiến người ta phải chú ý” (Lc 17, 20) nhưng nhỏ nhẹ, khiêm hạ.
 
Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình nơi những điều bé nhỏ
 
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sợi chỉ này của Chúa đang âm thầm đi qua lịch sử: từ thời viên mãn đến “ngày thứ ba” trong sứ vụ của Chúa Giêsu (x. Ga 2, 1) và việc loan báo “giờ” cứu độ (x. Ga 2, 4). Dù thời gian cạn dần, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình nơi những gì bé mọn. Chẳng hạn “dấu lạ đầu tiên Chúa đã làm” (x. Ga 2, 11) tại Cana thuộc Galilê.
 
Chẳng có việc lạ lùng nào được thực hiện chốn đông người, kể cả dù chỉ một lời phát biểu về chuyện chính trị, chẳng hạn tình cảnh dân chúng bị chính quyền La Mã cai trị. Trái lại, tại một ngôi làng bé nhỏ, một phép lạ đơn sơ diễn ra và mang lại niềm vui cho tiệc cưới của một gia đình trẻ, vốn chẳng có tên tuổi gì. Vậy mà, nước hóa thành rượu trong tiệc cưới lại là một dấu chỉ lớn lao, vì mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa có gương mặt của một người chồng, Thiên Chúa ngồi đồng bàn với chúng ta, đang mơ ước và giữ mối thông hiệp với chúng ta. Câu chuyện nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không xa cách chúng ta, nhưng gần gũi và tỏ tường. Người ở giữa chúng ta và chăm sóc chúng ta, chẳng định đoạt thay chúng ta và không bận tâm chuyện quyền bính. Người thích náu mình trong những sự bé mọn, không như chúng ta vốn chỉ ưa giành lấy những gì lớn hơn. Bị quyền lực, quyền thế, danh giá lôi cuốn, là bản tính bi đát của con người. Cứ muốn luồn lách khắp nơi quả là một cám dỗ lớn. Còn việc hy sinh cho tha nhân, dẹp bỏ mọi khoảng cách, náu mình trong sự bé mọn và sống thực tại cuộc sống hằng ngày của mình: đó là điển hình của cuộc sống linh thánh.
 
Vì vậy, Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách làm cho mình thực sự nên bé nhỏ, gần gũi. Trước hết Thiên Chúa nên nhỏ bé. Chúa là Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng’ (Mt 11, 29), Người yêu thương những người bé mọn, mặc khải cho họ về Nước Thiên Chúa (Mt 11, 25); dưới mắt Người, họ thật lớn lao và Người đoái nhìn họ (x. Is 66, 2). Người thương yêu họ cách riêng vì họ đối chọi với “sự tự đắc về cuộc sống” vốn thuộc trần gian (x. 1 Ga 2, 16). Những người bé mọn nói bằng ngôn ngữ của Chúa, ngôn ngữ của tình yêu khiêm hạ mang lại tự do. Vì vậy Chúa kêu gọi người đơn sơ và sẵn sàng để Chúa uốn nắn làm những người phát ngôn cho Chúa; Người trao cho họ việc mặc khải danh Người và những bí nhiệm của trái tim Người. Anh chị em hãy nhớ đến mọi người con nam nữ của dân tộc mình, đến các vị tử đạo đã làm cho sức mạnh không gì kháng cự được của Tin Mừng được tỏa chiếu, đến những con người bình thường nhưng sống phi thường đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa muôn vàn thử thách, và nhớ đến những con người hiền lành nhưng mạnh mẽ loan báo lòng thương xót, đó là Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Faustina. Qua những “kênh” truyền dẫn về lòng Chúa thương yêu này, Chúa đã ban những món quà vô giá cho toàn thể Hội Thánh và cho tất cả nhân loại. Và thật là ý nghĩa, anh chị em mừng kỷ niệm dân tộc mình lãnh nhận phép Rửa tội lại đúng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót.
 
Thiên Chúa ở bên con người, như người cha đang nắm tay con mình
 
Tiếp đến, Thiên Chúa gần gũi chúng ta, Nước Chúa đang đến gần (x. Mc 1, 15). Thiên Chúa không muốn mình thành đáng sợ như bậc vua chúa uy quyền và xa cách. Người không muốn ngự mãi trên ngai trời hoặc giam mình trong sử sách, nhưng thích bước vào những việc thường nhật, đồng hành cùng chúng ta. Nghĩ đến món quà một ngàn năm tràn đầy đức tin đã lãnh nhận, thật là tốt đẹp trước hết chúng ta tạ ơn Chúa đã đồng hành cùng dân tộc anh chị em, cầm tay anh chị em, như người cha nắm tay con mình, và cùng đi với anh chị em trong biết bao hoàn cảnh. Đó cũng là điều tất cả chúng ta, trong Giáo hội, không ngừng được mời gọi, là: hãy lắng nghe, dấn thân và trở nên những người lân cận bằng cách chia sẻ mọi gian lao và vui mừng của mọi người, nhờ đó Tin Mừng được truyền bá không ngừng và sinh nhiều hoa trái hơn, bằng cách tỏa chiếu sự tốt lành từ cuộc sống trong sáng của chúng ta.
 
Thiên Chúa đi vào thời gian để ở cùng và sống với con người
 
Cuối cùng, Thiên Chúa đang thực sự hiện diện. Các bài đọc hôm nay cho thấy rõ những cách thức Chúa hành động đều rõ ràng và cụ thể. Sự khôn ngoan của Chúa “như một người thợ cả” và “đang vui chơi” (x. Cn 8, 30). Ngôi Lời đã làm người, được mẹ sinh ra, sống dưới lề luật (Gl 4, 4), có bạn bè và đi dự tiệc. Đấng Vĩnh cửu biểu lộ chính mình bằng cách đi vào thời gian để ở cùng con người và sống với con người trong những cảnh ngộ cụ thể. Lịch sử của anh chị em, được Tin Mừng, Thập giá và lòng trung thành với Giáo hội bồi đắp nên, đã chứng kiến sức lan tỏa của một đức tin tinh ròng, từ gia đình này đến gia đình kia, từ cha ông đến con cháu, nhất là từ những người mẹ, người bà mà chúng ta cần phải hết lòng tri ân. Cách riêng, anh chị em đã chạm được vào bàn tay thực sự dịu dàng và hằng lo toan của Người Mẹ tất cả mọi người, Người Mẹ mà hôm nay tôi đến đây như một người hành hương để kính viếng và tất cả chúng ta đều tung hô qua lời Thánh thi: “Người là vinh dự lớn lao của dân tộc chúng ta” (Gđt 15, 9).
 
Mẹ Maria là bậc thang Chúa dùng để bước xuống và đến gần chúng ta
 
Người Mẹ đó chính là Đức Maria, mà giờ đây, tại nơi này, chúng ta họp nhau chiêm ngắm Người. Chúng ta nhận ra Mẹ đồng hình đồng dạng với Chúa. Qua lịch sử, vốn được dệt bằng sợi chỉ của Chúa, còn có “sợi chỉ của Đức Mẹ”. Nếu có bất kỳ vinh quang nào đó của con người, bất kỳ sự xứng đáng nào đó của chúng ta trong sự viên mãn của thời gian, thì vinh quang và sự xứng đáng ấy chính là Mẹ. Mẹ Maria chính là nơi Chúa đã chọn, và gìn giữ khỏi tội lỗi, để phản chiếu ánh quang của chính Người. Mẹ là bậc thang Chúa dùng để bước xuống và đến gần chúng ta. Mẹ là dấu chỉ rõ ràng nhất của sự viên mãn thời gian.
 
Chúng ta chiêm ngắm nơi cuộc sống của Mẹ Maria sự bé nhỏ được Thiên Chúa yêu mến, vì Người “đã đoái nhìn phận hèn nữ tì của Chúa”, và “đã nâng người hèn mọn lên” (Lc 1, 48.52). Chúa rất hài lòng về Mẹ đến nỗi để cho thân xác mình được Mẹ dệt nên, vì thế Đức Trinh nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như trong lời một bài thánh ca xưa được hát qua nhiều thế hệ. Đối với anh chị em là những người không ngừng tìm đến với Mẹ, đang quy tụ nơi đây, thủ đô tinh thần của đất nước, xin Mẹ tiếp tục chỉ đường cho anh chị em tiến bước. Xin Mẹ giúp anh chị em dệt đời mình bằng sợi chỉ khiêm hạ và đơn sơ của Tin Mừng.
 
Tại Cana, cũng như tại Jasna Góra đây, Mẹ Maria cho chúng ta được có Mẹ gần kề và giúp chúng ta nhận ra những gì cần để sống cuộc đời đạt tới sự viên mãn. Bây giờ và mai sau, Mẹ luôn làm điều đó với tình yêu của một người mẹ, bằng sự hiện diện và hướng dẫn, dạy chúng ta biết tránh những quyết định nông nổi và gây điều tiếng trong các cộng đoàn chúng ta. Là Mẹ của gia đình, Đức Mẹ muốn chúng ta biết sống cùng nhau. Nhờ hiệp nhất với nhau, anh chị em đã từng vượt qua biết bao nhiêu hoàn cảnh nghiệt ngã. Xin Mẹ Maria, Đấng đã vững vàng đứng dưới chân Thập giá và kiên trì cầu nguyện cùng với các tông đồ chờ mong Chúa Thánh Thần ngự đến, xin Mẹ nhận lấy ước nguyện của anh chị em được bỏ lại đằng sau mọi sai lầm và vết thương quá khứ, đồng thời xây đắp tình thân ái với mọi người, không bao giờ chùn bước trước cám dỗ sống phủi tay hoặc đè nén người khác. 
 
Tại Cana, Đức Mẹ đã cho thấy một sự hiện diện cao quý. Mẹ là một Người Mẹ đã đón những vấn đề của mọi người vào trái tim mình và xắn tay hành động. Mẹ biết có những giây phút khó khăn và giải quyết chúng một cách kín đáo, hữu hiệu và dứt khoát. Mẹ không áp đặt, cũng không lên mặt dạy bảo, mà là một người Mẹ và là tôi tớ. Chúng ta xin Chúa ban ơn biết noi gương Mẹ, luôn nhạy bén và có sáng kiến phục vụ những người đang gặp khó khăn, và được đem cuộc đời phục vụ tha nhân thật đẹp biết bao. Xin Mẹ Maria, Nguồn An Vui của chúng con, Mẹ mang bình an đến những nơi từng tràn đầy tội lỗi và rối ren trong lịch sử, thì xin cho chúng con được đầy tràn Thánh Thần, để chúng con nên những tôi tớ tốt lành và trung tín.
 
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin cho thời gian viên mãn cũng đến với chúng con. Sự chuyển tiếp từ trước đến sau Đức Kitô là ngắn ngủi khi nó còn là ngày tháng trong lịch sử biên niên. Xin cho mỗi người chúng con biết thực hiện một cuộc hành trình nội tâm, một cuộc Vượt qua trong tâm hồn, để hướng đến “cung cách” của Chúa đã được Mẹ Maria thể hiện. Xin cho chúng con biết làm mọi việc với tinh thần khiêm hạ, cộng tác chặt chẽ với mọi người, với trái tim đơn sơ và rộng mở”.
 
(Chuyển ngữ từ: vatican.va)
 

 

Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: Website Hội đồng Giám mục Việt Nam