Một vài con số liên quan đến phụ nữ đáng quan tâm

Một vài con số liên quan đến phụ nữ đáng quan tâm

 

MỘT VÀI CON SỐ LIÊN QUAN ĐẾN PHỤ NỮ ĐÁNG QUAN TÂM

Gần 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình, chưa được hưởng sự bình đẳng giới, chưa biết bảo vệ sức khoẻ sinh sản. Tuổi trung bình kết hôn ở Việt Nam từ 26,6 (nam) và 23,2 (nữ). Tuy nhiên, có sự chênh lệch đôi chút giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ suất ly hôn và kết hôn tính theo phần ngàn là 0,2 so với 6,3 vào năm 2004 (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Tỷ lệ kết hôn sớm, trước 15 và 18 tuổi, tương đối cao ở các vùng được coi là nghèo nhất bao gồm vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc và đồng bằng sông Cửu Long, cũng có sự khác biệt lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Hiện tại có 75,7% phụ nữ đang có chồng hoặc đang sống chung như vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai. Biện pháp được sử dụng phổ biến nhất là vòng tránh thai được 35,9% phụ nữ áp dụng.

Việt Nam được xếp vào nhóm nước có mức nạo phá thai cao nhất thế giới, đặc biệt là số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ. Năm 2003 là 1,7%, năm 2004 còn 1,2%. Các chuyên gia ước tính mỗi năm có từ 1,4-2 triệu ca nạo phá thai (x. Nguyễn Thiện Trưởng, Dân số và Phát triển Bền vững ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 23).

Tại Việt Nam chưa có số thống kê chính xác về số lượng, tính chất và mức độ của bạo hành trong gia đình. Theo số liệu của Bộ Công an, cứ 2 đến 3 ngày có 1 người chết vì liên quan đến bạo hành gia đình. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2005, ở đồng bằng sông Cửu Long có 1.011 người tự tử, ở Tây Nguyên có 715 người tự tử vì bạo hành trong gia đình. Toà án Nhân dân Tối cao chỉ rõ, từ năm 2000-2005, toà án các cấp đã xử 186.954 vụ ly hôn do bạo hành gia đình (x. Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, 2006). Theo các cuộc khảo sát được tiến hành trên một số vùng của Việt Nam, có tới 60-75% phụ nữ đã từng bị các dạng bạo hành gia đình, bao gồm: bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục (x. Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11, 2007).

Nhiều miền cao, vùng sâu vùng xa, nhất là đồng bằng sông Cửu Long có đến 60%-80% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa vì thiếu nước sạch. Gần 3 triệu người goá bụa sống nghèo khổ, trong đó hơn 2 triệu là phụ nữ. Do tình trạng nghèo khổ, nhiều phụ nữ bị lạm dụng tình dục, phải lấy chồng nước ngoài, thậm chí phải bán cả thân xác. Theo Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 55.000 người hành nghề mại dâm, nhưng đó chỉ là con số kê khai hành chính, số người thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.
 
(trích từ bài Giáo hội Việt Nam trong lãnh vực Bác ái Xã hội 50 năm qua)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn