Một tầm nhìn sứ mạng

 

MỘT TẦM NHÌN SỨ MẠNG

(bài viết mừng dịp họp mặt cựu sinh viên Xuân Bích 2009, và mừng khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam)

Vài năm nay, nhiều biến cố dồn dập xảy ra trong Giáo Hội Việt Nam. Qua các trang mạng, nhiều Kitô hữu gần xa lên tiếng trình bày lập trường của mình xung quanh các biến cố ấy. Không kể những phát biểu hằn học cay cú và đả phá cá nhân – mà nhiều trang mạng có vẻ hơi quá dễ dãi trong việc duyệt và đăng bài – thì vẫn đáng lưu ý là ngay những ý kiến chín chắn, đầy am hiểu, đầy thiện chí, và được phát biểu cách từ tốn đúng mực… cũng nhiều khi rất khác biệt và thậm chí đối nghịch nhau rõ rệt, mở ra những tranh cãi xem chừng bất tận! Chẳng hạn, nên im lặng hay nên lên tiếng nói trong tình hình X này, nên tổ chức sự kiện Y kia ra sao, nên ưu tiên sử dụng món tiền Z nọ vào việc gì, theo định hướng nào…

Quả thực, không gì dễ bằng “có ý kiến,” vì ý kiến là cái mà… ai cũng có! Và hẳn là ta không thể – cũng chẳng nên mơ – đạt tới tình trạng trong đó mọi lập trường trong Giáo Hội, trước mỗi vấn đề cụ thể, đều y chang nhau. Khác biệt có thể là phong phú cơ mà! Tuy nhiên, thiết nghĩ là chúng ta có thể – và phải mong muốn – vượt qua những sự khác biệt không cần thiết, tức những khác biệt không đem lại sự phong phú hơn mà chỉ làm chia rẽ trong lòng Giáo Hội.

CẦN MỘT TẦM NHÌN

Cách đây hơn ba thập niên, Cha Joseph Comblin (nhà thần học người Bỉ, cộng sự viên của Giám Mục Helder Camara ở Bra-xin) đã chẩn đoán rằng chính sự khác biệt về tầm nhìn sứ mạng là cái nằm đằng sau rất nhiều những sự khác biệt không cần thiết nói trên. Ngài viết: “Vì nhiều lý do, tôi cho rằng ngày nay thần học về sứ mạng theo Tin Mừng là vấn đề trung tâm, nơi hội tụ các cuộc tranh cãi chủ yếu giữa các Kitô hữu. Tôi cảm thấy rằng nhiều ý niệm, nhiều luận điểm và nhiều lập trường làm phân hoá trong Giáo Hội xem ra không đi tới gốc rễ của vấn đề. Không có sự tiến bộ nào đạt được, do các bên liên hệ không nêu rõ ra những quan niệm căn bản nằm phía sau các điểm bất đồng của mình. Họ không nêu rõ ra những giả định nằm phía sau luận cứ của mình. Và nếu chúng ta tìm hiểu điều gì nằm ẩn trong những phát biểu của họ, nếu chúng ta cố gắng xác định thần học nằm sau những chọn lựa mục vụ của họ, chúng ta sẽ sớm khám phá ra rằng họ có những diễn dịch khác nhau về sứ mạng theo Tin Mừng.” (The Meaning of Mission, New York: Orbis Books, Maryknoll, 1977, tr. 1.)

Vâng, chính sự khác biệt trong thần học sứ mạng và, do đó, trong tầm nhìn sứ mạng của người ta, sẽ dẫn tới bao điều bất đồng khác giữa họ. Mọi Kitô hữu có trí khôn, ngay cả dù chưa bao giờ là sinh viên thần học, cách nào đó đều có một tầm nhìn sứ mạng của mình. Đối với người linh mục thì điều này càng rõ, không phải vì anh ta đã qua ít nhất 4 năm thần học ở đại chủng viện, mà vì anh ta ở trong một vị trí trong đó tầm nhìn sứ mạng của anh thường xuyên bộc lộ ra (dù có thể chính anh không ý thức). Người linh mục bộc lộ như vậy, chẳng hạn, qua giảng thuyết, qua cách lập kế hoạch mục vụ, qua các mối quan tâm và qua sự chọn lựa ưu tiên của anh trong những chuyện lớn, nhỏ, chung, riêng hằng ngày.

Nói rằng ai cũng có một tầm nhìn sứ mạng, thực ra đó chỉ là nói theo kiểu “không có ý kiến gì thì cũng là một ‘ý kiến’”! Ừ, cách nào đó, không có một tầm nhìn, thì đấy cũng là một ‘tầm nhìn’! Nhưng, trong khi ‘không ý kiến’ lắm lúc có thể là điều tốt nhất, thì ‘không tầm nhìn’ – cách riêng đối với sứ mạng Kitô giáo – luôn luôn chỉ có thể là điều tệ hại. “Không có một tầm nhìn, người ta sẽ chết” (Sách Giảng Viên 29,18). Không có một tầm nhìn sứ mạng, đời người Kitô hữu sẽ lệch tâm, bởi sứ mạng là lý do hiện hữu của Đức Giêsu kia mà! Không có một tầm nhìn sứ mạng, người linh mục sẽ dựa vào đâu để định hướng cho sứ vụ của mình, dựa vào đâu để lập các chương trình mục vụ, dựa vào đâu để có một mối thống nhất các hoạt động giảng thuyết, cử hành phụng tự/bí tích và cai quản cộng đoàn của anh? Không có một tầm nhìn sứ mạng, thì sẽ lấy tiêu chuẩn nào đây để đánh giá một quá trình của cá nhân hay cộng đoàn, để đích thực là mừng những dịp kỷ niệm 100 năm, 50 năm, 25 năm… ?

TẦM NHÌN NÀO?

Giáo Hội tự bản chất là thừa sai (Ad gentes 2) (chú thích: ‘thừa sai’ là người được sai đi để làm sứ mạng). Đó là nền tảng tầm nhìn sứ mạng của Vaticanô II. Nó hàm nghĩa rằng lý do hiện hữu của Giáo Hội là sứ mạng, rằng vì có sứ mạng mới có Giáo Hội, chứ không ngược lại. Không phải Giáo Hội có sẵn đó, rồi sứ mạng là một cái gì thêm vào sau (như kiểu có một nhóm người hơi rảnh, rồi mới tìm việc chi đó để làm cho qua thời giờ!) Giáo Hội được định hướng bởi sứ mạng. Vì thế, tất cả đời sống Giáo Hội – cơ chế, nhân sự, cơ sở, tổ chức, sinh hoạt, đào tạo, phụng vụ… – phải hướng về và phục vụ cho sứ mạng. Giáo Hội sơ khai, trong giai đoạn nguyên sơ nhất, nào có gì đâu, trừ một bầu khí sục sôi sứ mạng? Và chính từ sứ mạng đang diễn tiến đó mà Giáo Hội nhận ra các nhu cầu về cơ chế, tổ chức, luật lệ, lễ nghi…, kể cả nhu cầu làm thần học. Quả thật, “sứ mạng là mẹ của mọi khoa thần học” hay “mọi thần học đều phải có nền tảng sứ mạng học” – nghĩa là việc dạy và học tín lý, luân lý, giáo luật, phụng vụ, mục vụ, vv… tất cả đều cần phải được dạy và học trong định hướng sứ mạng!

Tầm nhìn sứ mạng của Vaticanô II nói trên đã thúc đẩy rất nhiều sự duyệt xét lại về nguồn gốc, về mục đích, về ý nghĩa, về tác nhân, về phương thức và về động lực của sứ mạng Kitô giáo. Đã có các cố gắng làm sáng tỏ hơn để nhận hiểu tốt hơn về Phép Rửa, về ơn cứu độ, về vai trò của Giáo Hội và về Nước Thiên Chúa. Người ta thấy cần phải trở về với chính sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) như được Đức Giêsu thể hiện trong các Sách Tin Mừng, để xác nhận thật rõ sứ mạng Kitô giáo là gì và bao hàm gì. Người ta mổ xẻ lại những vấn đề ‘nhạy cảm’ như: phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ, phải chăng Giáo Hội đồng nhất với Nước Thiên Chúa, phải chăng việc của các môn đệ Đức Kitô chỉ là trồng Giáo Hội vàcứu linh hồn…  

EVANGELII NUNTIANDI VÀ REDEMPTORIS MISSIO

Kể từ Vaticanô II cho tới nay, giáo huấn quan trọng bậc nhất của Giáo Hội Công Giáo về sứ mạng là Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II. Hai vị giáo hoàng đã không chỉ khai triển khía cạnh ‘cái gì’ và ‘tại sao’ của sứ mạng, mà nhất là các ngài đã hữu ý đề cập sâu rộng đến khía cạnh ‘thế nào’ của sứ mạng Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Theo Đức Phaolô VI, sứ mạng, hay loan báo Tin Mừng, là “đem Tin Mừng đến cho mọi người, mọi cơ cấu, để chuyển hoá và đổi mới nhân loại từ bên trong;” và ngài nêu rõ rằng phương thức đệ nhất để làm sứ mạng là trình bày chứng tá đời sống Kitô giáo đích thực. Đức Gioan Phaolô II cũng xác nhận tầm quan trọng này của chứng tá và nhấn mạnh rằng đó là những chứng tá trong phục vụ con người, trong hội nhập văn hoá và trong đối thoại với anh chị em thuộc các niềm tin khác.

Ở Việt Nam, có vẻ vì hoàn cảnh, âm vang của cả Evangelii Nuntiandi lẫn Redemptoris Missio đều khá nhạt mờ. Evangelii Nuntiandi được ban hành năm 1975, vào lúc mà Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến và Giáo Hội tại đây thấy mình ở giữa bao ngổn ngang và đang đối mặt với trập trùng sóng gió. Thời điểm của Redemptoris Missio tuy đỡ hơn (1990), vì lúc này nhà nước đã rục rịch ‘đổi mới’, nhưng cũng phải nhận rằng thông điệp này cũng không được người Công Giáo Việt Nam chú ý cho đúng mức. 

ECCLESIA IN ASIA

Thực ra, các giám mục FABC (Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu) đã đi trước cả Evangelii Nuntiandi và Redemptoris Missio trong việc xây dựng một tầm nhìn sứ mạng cho Giáo Hội tại lục địa này theo hướng đối thoại và chứng tá. Các ngài không chỉ đi trước, mà còn đi liên tục (từ 1970 đến nay) và đi rất kỹ nữa. Đến với Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu hồi năm 1998, các giám mục FABC đã không nói điều gì mới mẻ, mà chỉ nói lại những gì các ngài đã cùng nhau đào sâu suy tư, cầu nguyện và nhận định ngót 30 năm. Tông Huấn Ecclesia in Asia – được Đức Gioan Phaolô II ban hành năm sau đó – là kết quả của thượng hội đồng này.

Tuy bản văn Ecclesia in Asia có những thêm bớt (so với Bản Đề Nghị) gây phiền lòng ít nhiều cho các giám mục FABC, nhưng xét chung nó phản ảnh được những nét chính trong tầm nhìn sứ mạng của các ngài. Ecclesia in Asia cổ võ việc ưu tiên chọn lựa người nghèo, việc hội nhập văn hoá và đối thoại với các tôn giáo. Tông Huấn cũng xác nhận tầm quan trọng hàng đầu của chứng tá đời sống; đặc biệt, bản văn có dành một đoạn đề cao các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, mô hình từng được FABC gọi là “một cách thế mới để thể hiện Giáo Hội.” Ecclesia in Asia  ngay lập tức được đưa vào các giáo trình sứ mạng học tại các học viện thần học ở Á Châu. Tại Việt Nam, tông huấn này có dấy lên được một phong trào học tập vào khoảng thời gian Năm Thánh 2000, nhưng sau đó thì ít được nghe nói đến nữa. Năm 2004, Jonathan Yun-ka Tan – giáo sư thần học người Malaysia gốc Hoa, giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Washington – đã xuất bản một khảo luận nổi tiếng tổng hợp tầm nhìn sứ mạng của FABC. Ông gọi đó là tầm nhìn “missio inter gentes” (đối lập với ‘ad gentes’!) và ghi nhận rằng đó là một kiểu thức mới của thần học sứ mạng. 

TẦM NHÌN SỨ MẠNG CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM

Giáo Hội tại Việt Nam suốt một thời gian dài bị ‘cách ly’ với Giáo Hội hoàn vũ và cả với khu vực. Thế nhưng, thật thú vị là các giám mục Việt Nam, ngay từ cuối thập niên 1990, đã tỏ ra rất ‘đồng thanh tương ứng’ với tầm nhìn sứ mạng ‘inter gentes’ của FABC. Trong Bản Trả Lời cho Lineamenta chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu 1998, các giám mục Việt Nam viết:

Chỉ một Giáo Hội nghèo mới có thể dấn thân vào đại dương những người nghèo. Một Giáo Hội khiêm tốn và bé nhỏ sẽ dễ dàng hơn để hoà đồng với đa số người nghèo ở Á Châu. Một Giáo Hội không có quyền lực sẽ dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm…

“… Đã đến lúc cần sáng tạo ra những ‘mô hình’ mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo…

“… Đức Giêsu đã không rao giảng Tin Mừng chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Ngài là ‘người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, và người chết chỗi dậy.’

Vẫn trong Bản Trả Lời trên, các giám mục Việt Nam xác nhận cách thức loan báo Tin Mừng tại Giáo Hội địa phương mình:

Giáo Hội Việt Nam quan niệm loan báo Tin Mừng trước hết là chia sẻ đời sống… Chúng tôi muốn chia sẻ với các Giáo Hội địa phương khác về tầm nhìn sứ mạng của chúng tôi và về cách thức loan báo Tin Mừng mà chúng tôi lựa chọn. Đó là, không tìm cách thuyết phục, tuyên truyền, càng không phải là chinh phục kéo cho được đông người ‘vào’ Ðạo, nhưng trái lại là đi đến với mọi người (x. Mt 28,19) làm người với mọi người (x. Ga 1,14), trong tư cách là nhân chứng của Chúa Kitô, hiện thân tình yêu của Cha trên trời.”

THAY LỜI KẾT

Tầm nhìn sứ mạng trên đây của các mục tử Giáo Hội Việt Nam đã hiện ra trên giấy trắng mực đen cách đây hơn 10 năm, thiết tưởng rằng tầm nhìn đó vẫn còn hoàn toàn thích đáng cho ngày hôm nay, khi cộng đoàn Dân Chúa ở đây bước vào cuộc cử hành Năm Thánh 2010. Ước mong rằng vẫn tầm nhìn ấy sẽ được đặt ở vị trí nền móng, định hướng cho mọi chương trình và kế hoạch của Giáo Hội địa phương. Càng có nhiều người hơn, nhất là các linh mục, chia sẻ tầm nhìn này của các giám mục, sẽ càng bớt đi những sự khác biệt không cần thiết, và sẽ càng có nhiều triển vọng hơn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương thân yêu này. 

Lm. Lê Công Đức