Mẹ Chồng & Nàng Dâu
Hôm nay chúng tôi xin trình bày một vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm đối với hạnh phúc trong gia đình chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Không phải chỉ riêng trong văn hóa Á đông mới có vấn đề mẹ chồng nàng dâu mà hầu như văn hóa nào, dân tộc nào và trong thời buổi nào, thế hệ nào, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng là một đề tài được nói đến rất nhiều trong sách vở và là vấn đề đem lại đau khổ và nước mắt cho nhiều gia đình.
Nếu để ý, chúng ta thấy rằng trong các mối quan hệ giữa người với người, ngoại trừ quan hệ vợ chồng, quan hệ mẹ chồng với nàng dâu là điều được sách vở nói đến rất nhiều và thường được mô tả như là một quan hệ không mấy tốt đẹp, đến nỗi khi nghe đến chữ mẹ chồng nàng dâu là chúng ta có thể nghĩ ngay đến bao nhiêu nan đề chung quanh hai nhân vật đó. Vì sao vậy? Vì mẹ chồng và nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không quan hệ máu mủ, không ràng buộc bà con, nhưng hai người có một vai trò, một vị trí đặc biệt trong gia đình. Cả hai đều có mối quan hệ đậm đà mật thiết với cùng một người đàn ông: một bên là quan hệ mẹ con, một bên là quan hệ vợ chồng, và đó là lý do khiến mối quan hệ giữa hai người đàn bà đó thường dễ căng thẳng và có nhiều xung đột.
Một bà mẹ chồng kia tâm sự với bạn: "Tôi có hai cô con dâu, tôi và hai cô rất là thương yêu, gần gũi, chẳng khác gì mẹ với con gái. Tôi không hiểu tại sao người ta hay có thành kiến về quan hệ mẹ chồng nàng dâu và cứ hay viết truyện cười hay tranh hí họa chế giễu mẹ chồng với nàng dâu." Người bạn của bà mẹ này là một người chuyên về tâm lý nên nói: "Gia đình chị như thế là may mắn và đặc biệt lắm, vì thường thường rất nhiều người có nan đề với cha mẹ chồng và cha mẹ vợ, nhất là nan đề giữa mẹ chồng và con dâu. Thường thường là vì các bà mẹ thấy khó chấp nhận người đàn bà mà con trai mình đã chọn làm vợ. Người nào con chọn hầu như cũng không đúng với tiêu chuẩn của bà và không xứng với con bà. Nhiều khi người con dâu đó do chính bà mẹ chọn nhưng sau một thời gian cũng có nhiều điều bà không chấp nhận."
Nếu đã có gia đình, quý vị có mối quan hệ tốt đẹp với người đàn bà đã sinh ra chồng mình hay vợ mình không? Riêng với quý bà, quý cô, quý vị có cảm thấy gần gũi thân thương với mẹ chồng, được mẹ chồng yêu thương và thông cảm hay lúc nào giữa hai người cũng có một sự căng thẳng nào đó không giải thích được? Nếu đó là thực tế quý vị đang đối diện, quý vị không phải là người duy nhất ở trong tình trạng này. Tình trạng đó xảy ra cũng không phải là lỗi của quý vị hay lỗi của người mẹ chồng nhưng nguyên do là vì có những yếu tố tâm lý phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và người con dâu. Nếu đôi bên hiểu được những tâm lý phức tạp này và thông cảm, chấp nhận nhau, quan hệ giữa hai người sẽ trở nên tốt đẹp. Nhà tâm lý học nổi tiếng, tiến sĩ Norman Wright có viết quyển sách tựa đề: "The Other Woman in Your Marriage," tạm dịch là "Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn." Trong quyển sách này ông trình bày những đặc điểm trong quan hệ giữa mẹ và con trai, tâm lý của các bà mẹ chồng và những điều chúng ta cần làm, để mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu được tốt đẹp.
Mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống con cái. Không chỉ những đứa bé con hay những người con gái mềm yếu mới có mối quan hệ đậm đà với mẹ nhưng những người con trai cứng rắn, những người đàn ông mạnh mẽ, đã trưởng thành, đã có gia đình, có địa vị trong xã hội, vẫn cảm thấy gần với mẹ và chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Người ta quan sát và nhận thấy rằng trong những giờ phút vui nhất, buồn nhất, sợ hãi nhất, sung sướng nhất, người mà các ông, các anh nghĩ đến trước nhất là mẹ chứ không phải là cha. Một người dù ở tuổi nào, dù xa gia đình bao lâu, sâu kín trong tâm hồn vẫn nối liền với mẹ trên một phương diện nào đó. Sở dĩ mối quan hệ mẹ con bền chặt và đậm đà như thế là vì mẹ là người đầu tiên yêu thương, vỗ về ôm ấp chúng ta khi chúng ta sinh ra đời. Mẹ cũng là người giữ vai trò chính yếu trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta. Người mẹ có ảnh hưởng lớn lao trên con cái nhưng đặc biệt là ảnh hưởng trên con trai. Ảnh hưởng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, tốt hoặc không tốt nhưng nó luôn luôn chi phối những quyết định quan trọng, những công việc đứa con làm và chi phối luôn cả mối quan hệ của con đối với người chung quanh.
Nhìn lại đời sống của chính mình và người chung quanh, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của người mẹ trên con cái, đặc biệt là đối với con trai. Một ví dụ cụ thể về ảnh hưởng của người mẹ trên đời sống con trai là trường hợp Thủ tướng Winston Churchill của nước Anh. Chúng ta thường nghĩ đến ông Churchill là một lãnh tụ lớn, đã làm thay đổi lịch sử thế giới nhưng ít ai biết rằng ông là người chịu ảnh hưởng của mẹ rất nhiều. Khi còn nhỏ, ông Churchill là đứa bé thông minh nhưng nghịch ngợm khó thương. Ông bị cha ruồng bỏ không chấp nhận vì ông hư hỏng, khó dạy. Tuy nhiên bà mẹ của Churchill không nản lòng, bà quyết tâm hướng dẫn và thúc đẩy con. Chính bà là người hướng dẫn ông vào con đường chính trị, giới thiệu ông với các chính trị gia trong nước. Khi ông đã trở thành một nhà chính trị, bà tiếp tục gởi sách cho con đọc, bàn thảo về chính trị với con. Trong suốt bao nhiêu năm, bà mẹ của thủ tướng Churchill đã ảnh hưởng trên các quyết định quan trọng của ông và chính bà là người giúp ông viết những tài liệu mà chúng ta có ngày nay. Có thể nói, bà mẹ của ông Churchill đã làm việc bên cạnh ông trong thời gian ông bắt đầu sự nghiệp và bà đã ảnh hưởng cả cuộc đời ông. Bà không những khích lệ ông, giúp ông bền bỉ chịu đựng khó khăn nhưng cũng đã thúc đẩy ông rất nhiều. Thủ tướng Churchill biết rõ ảnh hưởng của mẹ trên sự nghiệp của ông nên có lần ông tuyên bố: "Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi, tôi mang ơn mẹ tôi về mọi điều nhưng không mang ơn cha tôi một điều nào cả!"
Bao nhiêu anh hùng, vĩ nhân khác trên thế giới đã chịu ảnh hưởng của mẹ, mang ơn mẹ hoặc là ở dưới sự kiểm soát của mẹ suốt cả cuộc đời mà chúng ta không thể kể hết được. Điều đó cho thấy sự ràng buộc chặt chẽ đậm đà giữa người mẹ và con trai. Mối quan hệ mẹ con bền chặt đó có khi đem lại những điều tốt đẹp nhưng cũng lắm khi mang lại đau đớn và bất hạnh cho đứa con và những người liên hệ.
Khuynh hướng chung của các bà mẹ là thương con trai và muốn chăm sóc con về mọi mặt, dù khi con đã trưởng thành hay đã cao tuổi. Sự chăm sóc kỹ lưỡng của người mẹ ích lợi như thế nào chúng ta không biết nhưng khuynh hướng này thấy rõ nơi hầu hết các bà mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết, người con trai học biết những cảm xúc vui buồn giận ghét từ nơi mẹ. Ngay từ nhỏ, người con trai đã cảm nhận sự khác biệt trong tình cảm giữa cha với mẹ, chẳng hạn nghĩ đến cha là nghĩ đến chuyện học hành, tiền bạc; nói đến mẹ là nói đến các món ăn, đến chuyện ăn uống; ở gần cha thì lo lắng, căng thẳng, ở bên mẹ thì được thoải mái và an toàn. Tình thương của cha thưòng là tình thương có điều kiện, tình thương của mẹ là tình thương vô điều kiện. Từ nơi mẹ, người con trai nhận được sự nuôi dưỡng, bảo bọc cho cuộc đời và đó chính là kinh nghiệm quý báu của sự chăm sóc linh hồn, vì thế người con trai ràng buộc với mẹ sâu đậm hơn là với cha. Có nhiều người đàn ông khi mất mẹ, dù đã lớn, vẫn đau buồn rất nhiều, có người buồn đến nỗi suy sụp trong công việc và tình cảm, vì sự mất mát đó quá lớn.
Là vợ, quý vị có nhìn thấy đặc điểm nào của mẹ chồng nơi người chồng của mình không? Chắc chắn là có. Chúng ta cần nhìn thấy những đặc điểm của mẹ chồng nơi chồng, không phải để phê bình hay sửa đổi, nhưng để hiểu chồng hơn và biết cách ứng xử với chồng và mẹ chồng như thế nào cho tốt đẹp. Nhìn vào ảnh hưởng của mẹ chồng nơi người chồng cũng sẽ giúp chúng ta trong tương lai, khi con trai chúng ta lập gia đình và chúng ta trở thành mẹ chồng. Hãy để ý đến những ảnh hưởng chúng ta để lại nơi con trai, ảnh hưởng tốt cũng như xấu, những hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta biết cách cư xử với con dâu và thông cảm với con dâu hơn. Người mẹ nào cũng có ảnh hưởng rất lớn trên con trai nhưng vì không được hướng dẫn trong việc nuôi dạy con để biết mình nên tạo ảnh hưởng gì trên con. Hầu hết chúng ta chỉ nuôi dạy con theo khôn ngoan và hiểu biết tự nhiên, và nghĩ những gì mình làm cho con là đúng và tốt cho con. Nhiều khi trong vai trò làm mẹ chúng ta thương con một cách ích kỷ, quá nuông chiều con hoặc quá độc đoán với con mà không biết, vì thế đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con mình.
Thanh và Nga lập gia đình đã hơn ba năm. Hai người yêu nhau và gia đình thật hạnh phúc. Tuy nhiên có một điều khiến hai vợ chồng rất buồn, đó là mẹ Thanh không chấp nhận người con dâu của mình. Dù Nga cố gắng vui vẻ, ngọt ngào với mẹ chồng, giúp bà tất cả những gì nàng có thể làm được; nhưng đối với bà, nàng chỉ là người ở ngoài gia đình bà. Một ngày nọ, nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ chồng, tất cả anh chị em đều về đông đủ, buổi họp mặt thật vui vẻ. Nhân dịp này Thanh mời một người thợ đến để chụp vài bức hình cho đại gia đình. Khi mọi người đứng vào chỗ để chụp hình, bà mẹ chồng bảo Nga bước ra, không được có mặt trong hình. Bà nói nàng không có quan hệ máu mủ, nên không phải là một phần tử trong gia đình! Nghe vậy, hai vợ chồng Thanh sững sờ, những anh chị em khác cũng bất bình nhưng vì bà có uy quyền rất lớn nên không ai dám lên tiếng bênh vực người con dâu. Một lần khác, cả gia đình đi nghe nhạc, khi ngồi vào ghế mẹ Thanh thấy mình ngồi gần con dâu, bà liền đứng lên, đổi chỗ khác và tuyên bố: "Tôi chỉ muốn ngồi gần con trai của tôi!"
Câu chuyện trên chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp những bà mẹ chồng không chấp nhận nàng dâu. Nếu quý vị có đọc những tác phẩm như Đoạn Tuyệt, Cô Giáo Minh, hoặc những tiểu thuyết gia đình khác thì cũng đã thấy nan đề này. Tại sao giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn luôn có vấn đề trong cách ứng xử với nhau? Chúng ta cần biết nguyên nhân hầu có thể bỏ đi cái điều không mấy tốt đẹp này. Dĩ nhiên là có những bà mẹ chồng rất tốt với con dâu, thương con dâu như con gái. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận rằng nan đề giữa mẹ chồng nàng dâu là một vấn đề phổ quát, phức tạp và tế nhị. Một trong những nguyên nhân khiến một số bà mẹ chồng thấy khó thương con dâu là vì các bà thương con trai một cách ích kỷ, xem con trai như là sở hữu của mình, thuộc về riêng mình. Các bà không chấp nhận sự kiện có một người đàn bà khác xen vào giữa mình với con, chiếm mất tình cảm con dành cho mình. Không những thế, những bà mẹ quá quý con trai thường thấy rằng không có người con gái nào xứng đáng với con mình. Con chọn người nào hay thương người nào các bà cũng không chấp nhận. Nhiều bà vì muốn có cháu bồng nên phải cho con trai lấy vợ nhưng vẫn không chấp nhận con dâu, không kể con dâu là một thành viên của gia đình.
Giữa mẹ và con trai lúc nào cũng có một tình cảm sâu đậm và người mẹ có một ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời người con trai. Sở dĩ tình mẹ con sâu đậm là vì khi con chào đời, mẹ là người đầu tiên chăm sóc con, ban tình thương cho con. Hơn nữa, con trai rất quan trọng đối với các bà. Khi sinh được con trai đầu lòng, người vợ thường cảm thấy thỏa nguyện và bớt lo lắng vì đã sinh được một đứa con trai để nối dõi cho chồng. Những người chỉ sinh con gái lắm khi cảm thấy như mình chưa làm trọn trách nhiệm của một người vợ. Không những thế, hầu hết các bậc cha mẹ, dù không nói ra, thường có khuynh hướng quý con trai hơn con gái. Con trai không phải phục vụ trong gia đình, không phải làm việc nhà nhiều như con gái. Về vấn đề kỷ luật, con trai không bị giới hạn, cấm đoán nhiều như con gái. Trong văn hóa Á đông, việc xem con trai trọng hơn con gái rất rõ ràng, đến nỗi có câu "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nghĩa là một đứa con trai cũng kể là có, còn mười con gái cũng kể như không. Các bà mẹ thì thường tâm niệm rằng con gái là con người ta, nuôi lớn gả lấy chồng chứ chẳng ích lợi gì, còn con trai mới là con của mình. Nhiều người nghĩ rằng đến tuổi già chỉ có thể nhờ vả, nương tựa con trai nên các bà mẹ thường dồn hết tình thương và của cải cho con trai.
Những người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa mẹ và con trai cho thấy rằng các bà mẹ thường có một mộng ước ngấm ngầm cho con trai. Mộng ước đó có thể là điều người mẹ muốn thực hiện nếu bà là con trai, hoặc đó là điều bà mong ước nơi chồng nhưng không được. Ví dụ, nếu một người mơ ước làm bác sĩ nhưng vì là con gái nên không đạt được mơ ước đó, hoặc mơ ước có chồng là bác sĩ nhưng lấy phải người chồng làm nghề khác, khi có con trai, bà mẹ đó sẽ thúc đẩy con học bác sĩ, vì đó là mơ ước của cuộc đời bà và bây giờ trở thành một mục tiêu mà bà muốn con thực hiện. Vì có những mơ ước hay mục tiêu ngấm ngầm như thế, các bà mẹ thường cố gắng uốn nắn và thúc đẩy con hướng về những mục tiêu đó từ khi con còn nhỏ. Ngoài ra, nếu một người thất vọng nơi chồng hay cha của mình, vì chồng hay cha không sống cao đẹp hoặc không mang lại niềm vui, niềm hãnh diện cho cuộc đời mình; khi có con trai, người đó sẽ đặt hết kỳ vọng nơi con, mong con sẽ là người mang lại niềm vui, hạnh phúc hay niềm hãnh diện cho mình. Khi không được chồng thương yêu hoặc bị chồng phản bội tình yêu, người mẹ cũng thường đến với con trai để tìm sự bù đắp tình thương, vì thế bà dồn hết tình thương cho con và trông mong con sẽ đáp lại tấm lòng của bà bằng cách yêu thương và trung thành với bà suốt đời. Trong trường hợp này, khi người con trai lập gia đình, bà mẹ sẽ buồn và ganh với con dâu, thương hại cho số phận của mình, do đó sẽ nhìn con dâu như là người cướp mất tình thương con trai dành cho mình và là người cướp mất niềm vui và hạnh phúc của mình.
Thường thường người đàn ông ít nói về mẹ, ít chia xẻ cảm nghĩ về người mẹ của mình, nhưng sâu kín trong lòng, cảm nghĩ về phái nữ cũng như những điều các ông trông mong nơi vợ thường phát xuất từ kinh nghiệm với mẹ trong thời thơ ấu. Một người con trai có cái nhìn như thế nào về mẹ, cái nhìn đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của người đó. Người con trai có một người mẹ như thế nào, không nhiều thì ít, ảnh hưởng của mẹ sẽ theo người đó suốt đời. Cách người mẹ ứng xử trong gia đình cũng để lại một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống và tâm tính của con cái, đặc biệt là con trai. Nếu bà mẹ sống đúng vai trò người nội trợ, quý những giá trị cao đẹp của đời sống gia đình, con trai của bà sẽ trở nên người bình thường, có cái nhìn tốt đẹp về phụ nữ nói chung. VÍ dụ, bà mẹ trong gia đình là người hiền hòa, dịu dàng, vâng phục dưới quyền chồng, yêu thương con và vui thỏa trong vai trò nội trợ. Bà quán xuyến mọi việc trong gia đình, lo bữa cơm hằng ngày, chăm sóc sức khỏe cho chồng con, ở gần bên con, hướng dẫn dạy dỗ con, hỗ trợ chồng trong mọi việc. Bà sung sướng trong vai trò làm mẹ và hãnh diện thấy mình mang lại hạnh phúc cho chồng con. Mục tiêu của cuộc đời bà là tạo mái ấm gia đình cho chồng con.
Bà mẹ này biết rõ vai trò và giá trị của mình, khi gặp chuyện không vừa ý bà tìm dịp nói cho chồng con biết. Nếu người trong gia đình bất đồng ý kiến với bà, bà vui vẻ chấp nhận. Khi gặp khó khăn, bà không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho chồng con. Nếu giữa vợ chồng có nan đề, bà không đem phân trần với con cái. Khi cần, bà sẵn sàng hy sinh niềm vui và hạnh phúc của mình nhưng không than van kể lể với chồng con, cũng không khoe về sự hy sinh của mình để chồng con phải khó chịu hay thương hại. Bà thỏa nguyện khi thấy con cái nên người và con cái cũng vui thỏa trong tình yêu của bà. Nếu người con trai có một bà mẹ như thế, người con đó sẽ thương mẹ, gần mẹ, có thể trao đổi tâm tình với mẹ, nhưng khi lập gia đình vẫn có thể tách rời khỏi mẹ một cách dễ dàng, nhẹ nhàng. Người con không bị mẹ nắm giữ, cũng không cảm thấy mình có lỗi khi phải lìa mẹ để kết hợp với vợ. Về cái nhìn đối với phụ nữ nói chung, những người con trai có bà mẹ như thế dễ có cái nhìn tốt đẹp về phái nữ, yêu thương và tin cậy phái nữ.
Ngược lại, nếu bà mẹ cũng giỏi về nội trợ, quán xuyến việc nhà, chăm lo mọi sự cho chồng con, tương tự như bà mẹ kia nhưng hay buồn bã than van, cho mình là người thiệt thòi đau khổ vì phải hy sinh để chồng con được hạnh phúc. Nếu người mẹ cứ than van kể lể để chồng con đừng quên công khó của bà nhưng luôn luôn nhớ ơn bà và thương bà. Bà khiến mọi người cảm thấy e ngại là họ đã làm cho bà phải vất vả cực nhọc và phải mang ơn bà. Bà dùng sự buồn khổ của mình để điều khiển mọi người, để mọi người phải chiều ý bà, ai làm trái ý bà là làm cho bà khổ hơn. Bà khiến chồng con có cảm tưởng là vì họ mà bà phải khổ. Một người mẹ như thế sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con trai. Người con trai sẽ có mặc cảm là mình đã làm cho mẹ phải khổ. Suốt đời các con sẽ thấy mình mắc nợ với mẹ và mang ơn mẹ quá nhiều, nhưng khổ hơn nữa là họ biết rằng họ sẽ không thể nào làm gì cho mẹ vui lòng. Những điều này sẽ ảnh hưởng trên cái nhìn của người con trai đối với phái nữ nói chung. Họ sẽ cảm thấy bực bội và ngại ngùng khi tiếp xúc với phái nữ. Chúng ta không ngạc nhiên khi những người con trai trong gia đình này không dám bước vào hôn nhân, đời sống gia đình chỉ khiến họ mang mặc cảm, và mang ơn mang nợ với người họ thương. Nếu lập gia đình, những người đàn ông này thường không hết lòng sống cho vợ con, vì họ cảm thấy trách nhiệm trong gia đình là một gánh nặng, đời sống gia đình chỉ nhắc họ nhớ lại những kinh nghiệm không vui với mẹ trong quá khứ.
Minh Nguyên