Maria, mẫu gương của đức tin, đức cậy và đức mến (2)

Maria, mẫu gương của đức tin, đức cậy và đức mến (2)

 

MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC MẾN (2)
           
IV. MARIA, MẪU MỰC CỦA KHÔN NGOAN, CÔNG BÌNH, DŨNG CẢM VÀ TIẾT ĐỘ
 
Với ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến có một tầm quan trọng đặc biệt trong truyền thống Công giáo, vì chúng ảnh hưởng đến mối tương với Thiên Chúa, thì bốn đức tính luân lý: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ cũng quan trọng vì chúng đóng vai trò điều chỉnh rất nhiều trong đời sống con người. Thật vậy, các đức tính đó được gọi là đức tính căn bản (tiếng Latinh có nghĩa là “bản lề”) vì nhiều đức tính khác từ chúng mà ra. Chúng ta cần những đức tính này trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khi tìm hiểu những đức tính này qua sách vở. Nhưng nếu sống theo mẫu mực của Đức Maria, ta sẽ thực hành thật dễ dàng. Khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ đã hình thành nên con người và nhân cách Đức Maria. Chúng đã vượt ra ngoài những lời dạy dỗ và đã thể hiện trong cuộc sống thực ở Nagiarét, Bêlem, Cana và Giêrusalem.

Khôn ngoan là đức tính giúp chúng ta làm những việc hợp lý trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đức Maria trong Tin Mừng là một phụ nữ khôn ngoan, nhạy cảm nhưng không bao giờ ngây ngô và liều lĩnh. Khi sứ thần Gabriel xuất hiện, Mẹ đã đặt nhiều câu hỏi để hiểu rõ điều Thiên Chúa muốn. Chỉ sau khi đã hiểu, Người mới nhận lời. Khi đối diện với tình huống gay go là về chung sống với Giuse trong tình trạng có thai, Người đã dành cho mình thời gian suy nghĩ và cầu nguyện bằng việc đi thăm bà Elzabeth. Khi gặp những tình huống khó xử, như sau ba ngày tìm kiếm Chúa Giêsu, Người không tỏ vẻ gì hờn giận nhưng chỉ biểu lộ tình cảm chân thực của Người. Khi câu trả lời của Chúa Giêsu làm Người bối rối, Người không la rầy hay gắt gỏng nhưng chỉ suy nghĩ và cầu nguyện. Đức Maria dạy chúng ta cách sống khôn ngoan, trầm lặng, cầu nguyện và luôn chọn thánh ý Chúa và điều thiện cho mọi người.

Công bình là đức tính giúp ta có thể trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và tha nhân những gì họ đáng hưởng.

Đức tính này ảnh hưởng đến quan hệ giữa một cá nhân này với các thành viên khác trong xã hội. Bài ngợi khen Magnificat dạy chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng tin tưởng điều tốt đẹp tất yếu xảy ra trong cuộc sống (Lc 1,46-50). Bài ngợi khen của Đức Maria qua Tin Mừng Luca công bố ước muốn công bình của Thiên Chúa được thể hiện nơi người nghèo và kẻ thấp hèn. Chân dung của Maria qua Tin Mừng Luca cho ta thấy Giáo hội sơ khai nhìn Mẹ như một phụ nữ không chút sợ hãi khi bênh vực cho công lý. Đối với Mẹ, Thiên Chúa là một Đấng quyền năng, có thể đập tan kẻ kiêu căng và hạ bệ người quyền thế, nâng cao người khiêm hạ và thỏa mãn nhu cầu người ngèo đói (Lc. 1,51-53). Đức Giêsu yêu thương người nghèo và đòi hỏi công bình, lòng xót thương đối với họ (Mt. 25,31-46). Theo Đức Giêsu, Giáo Hội phải tìm kiếm công bình cho tất cả mọi người. “Tình yêu của Giáo Hội đối với người nghèo là một truyền thống liên tục…” (GLCG. 2444). Đức Maria, Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta trao lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa và đối xử với con người, đặc biệt người nghèo, người thấp hèn như gương Chúa Giêsu đã làm.

Sự dũng cảm trợ sức chúng ta vượt qua những khó khăn và cám dỗ trong cuộc sống.

Đức Maria là một phụ nữ can đảm và đầy nghị lực đã khắc phục được từng khó khăn và cám dỗ. Khi còn là thiếu nữ, người đã can đảm thực hiện hành trình khó khăn và nguy hiểm để đến viếng thăm Elizabét. Người phải về Bêlem cùng Giuse khi bụng mang dạ chửa đã chín tháng. Người chịu đựng cuộc lưu vong sang Ai Cập, phải tảo tần kiếm đủ chi phí cho những cuộc hành hương về đền Giêrusalem hằng năm. Và trên tất cả, người phải can đảm đứng dưới chân Thập giá, thông phần đau khổ với con nghe lời nhiếc mắng nhạo cười của quân thù. Đức Maria đã dạy chúng ta đối mặt với cuộc sống một cách dũng cảm, chịu đựng những phiền toái mà không phàn nàn, kiên trì vâng ý Chúa mà không đặt vấn đề lợi lộc.

Tiết độ giúp chúng ta kiềm chế những ham muốn và sử dụng mọi sự ta có một cách tốt hơn.

Đức Maria kiểm soát được những ham muốn của người vì người luôn hoàn toàn vâng phục ý Chúa: “Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa…” (Lc. 1,38). Người và thánh Giuse là người nghèo, dâng của lễ theo cách người nghèo (Lêvi 12,6-8) khi đưa Hài nhi Giêsu tiến dâng trong đền thờ. Có nghĩa là Thánh gia chấp nhận cách ăn nếp ở, hoàn cảnh sống nghèo nàn – một cuộc đời kiềm chế mọi ước muốn. Maria tìm niềm vui qua những việc tốt lành trong cuộc đời. Mẹ hân hoan trong mối tương quan với Đấng Toàn Năng, hài lòng sử dụng với những gì mình có – từ nước đã trở thành rượu ngon – Đó là một bằng chứng rõ ràng khi Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu của Mẹ nơi tiệc cưới Cana. Đức Maria dạy chúng ta sống tiết độ, gồm hai ý nghĩa, sống điều độ và sử dụng hiệu quả nhất những tài năng Thiên Chúa ban.

V. MARIA, MẪU MỰC CỦA KHIÊM NHƯỜNG

Kiêu căng là nguồn gốc của mọi tội lỗi, vì tội lỗi là từ chối Thiên Chúa mà phục tùng ý muốn của ai đó hoặc một điều gì. Trong từ “tội lỗi” có chữ “tôi” (s-I-n) có nghĩa là tôi và những chọn lựa của tôi chống lại những gì của Thiên Chúa và người khác. Adam và Eva được trình bày trong Kinh Thánh như những người từ chối vâng phục lời và quyền năng Thiên Chúa. Tội kiêu căng của họ đã bị lòng khiêm nhường phục tùng Thiên Chúa của Đức Maria cản lại, vì người là tôi tớ Thiên Chúa trong mọi việc.

Đức Maria cho chúng ta thấy đức khiêm nhường giúp ta nhận thức điều tốt trong chính chúng ta, nhưng hiểu rằng Thiên Chúa đã làm điều đó. Maria biết đích xác vai trò của Người thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với Người, không có chuyện khiêm nhường giả tạo! Người biết rằng khiêm nhường xuất phát từ Thiên Chúa. “Chắc chắn, từ nay đến hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc; vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao cả” (Lc 1,48-49).

Đức Maria đã dạy chúng ta, khiêm nhường không có nghĩa là không nghĩ đến mình. Ngược lại, khiêm nhường là nghĩ nhiều đến Thiên Chúa và tha nhân trong khi đã hoàn thiện chính mình. Đức Maria đã tìm được sự tự chấp nhận mình và hạnh phúc của mình trong việc phục vụ Thiên Chúa và chăm sóc người khác. Adam và Eva cho ta thấy, kiêu căng là quá tập trung vào chính mình. Maria chứng minh khiêm nhường là sự biểu lộ tình yêu cho Thiên Chúa và người chung quanh.

VI. MARIA, MẪU MỰC CỦA VÂNG LỜI
 
Kinh Thánh và giáo lý Công giáo có đề cập đến mối liên kết sâu xa giữa đức tin và sự vâng phục. Tin là vâng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa - như những bạn hữu (GLCG 142-143). Kinh Thánh có nói về “sự vâng phục bằng Đức tin” (Rm 1,5) và “Maria là thụ tạo hoàn hảo nhất của đức vâng phục” (GLCG 144). “Nút dây do sự bất tuân của Eva thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria” (Thánh Irênê, theo GLCG 494).

Đức tin thúc đẩy Đức Maria vâng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Người mãi mãi như một mẫu gương cho lòng vâng phục đối với chúng ta. Và chúng ta noi gương Người khi chúng ta đáp lại mọi thánh ý Thiên Chúa, như khi Người nói: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38)

Theo những lời Người nói tại Cana, Đức Maria dạy chúng ta vâng lời Chúa Giêsu: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Những lời này vang vọng suốt bao thế kỷ và là tâm điểm của những lần Đức Mẹ hiện ra. Đức Maria bảo đảm với chúng ta “ Ai vâng nghe lời Con Mẹ, sẽ tìm được sự sống thật và bình an”.

VII. MẪU MỰC SỐNG THEO THẦN KHÍ

Thánh Phaolô viết, những ai thuộc về Đức Giêsu Kitô thì chết cho tội lỗi và sống theo Thần Khí. Thánh nhân giải thích: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước (Gl 5,25). Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19), để hằng ngày Thiên Chúa hiện diện tuôn đổ hồng ân nhờ Thánh Thần của Ngài.

Tác động của ân huệ Thánh Thần trong đời sống chúng ta thường được mô tả như quà tặng của Thánh thần. Đó là những ơn khôn ngoan, thông minh, hiểu biết, can đảm, lo liệu, đạo đức và kính sợ Chúa (GLCG 1831). Kết quả của tình yêu Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta được gọi là hoa trái của Thần Khí. Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ (Gl 5,22-23), (GLCG 1832).

Quà tặng và hoa trái của Thần Khí là những phẩm tính giúp chúng ta tìm được hạnh phúc, yêu thương và cuộc sống giá trị.

Những liệt kê trên chưa hoàn toàn đầy đủ, vả lại có một số nhân đức mang cả tính đối thần và luân lý. Thế nhưng, đó là những phẩm cách đã được tinh lọc và công nhận, rất cần thiết cho những ai muốn noi gương Đức Giêsu. Việc mô tả những ân huệ như là “quà tặng” và “hoa trái” của Thần Khí nhắc chúng ta nhớ: cuộc đời Kitô hữu không phải là cuộc mạo hiểm đơn độc, nhưng là cuộc kết hợp với Thiên Chúa. Đó là sự thông ban ân sủng của Thiên Chúa, công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu và tình yêu của Chúa Thánh Thần. Đó là một nỗ lực thực hiện lẽ phải có Thiên Chúa giúp sức.

Mối liên hệ đặc biệt của Đức Maria với Chúa Thánh Thần chứng tỏ “quà tặng và hoa trái” của Thần Khí luôn hiện diện trong đời Người. Người đủ khôn ngoan để thượng tôn Thiên Chúa. Người tìm hiểu bằng suy nghĩ và cầu nguyện, nài xin những chỉ dạy từ Trời cao. Người chịu đựng mọi thử thách với lòng dũng cảm, được đổ đầy sự hiểu biết Lời Chúa. Lòng đạo đức của Người được thể hiện qua những lời cầu nguyện, và những chuyến hành hương hằng năm đến đền thờ. Niềm kính sợ Thiên Chúa của Người không phải là “nỗi sợ hãi” nhưng là kính phục và kính trọng, xuất phát từ ý thức Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm bao điều trọng đại cho Người.

Lòng bác ái, nhân hậu và độ lượng của Đức Maria được biểu lộ qua những lần Người tỏ ra yêu thương người khác. Niềm hoan lạc và bình an trong tâm hồn được bộc bạch qua bài Ngợi ca. Lòng kiên nhẫn, trung tín và tin tưởng đưa Người đến chân Thập giá và liên kết Người với sự hy sinh vì yêu của Đức Giêsu. Sự khiên nhường, tiết độ và trinh bạch của Người quá diễm lệ khiến Thiên Chúa phải chọn để làm Mẹ Đồng Trinh của Chúa Giêsu.

Khi cố gắng sống theo Thần Khí, chúng ta được Đức Maria chỉ cho một hướng đi. Khi những khôn ngoan trần tục thúc giục chúng ta từ bỏ những lời dạy dỗ của Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội, Đức Maria cho thấy sự khôn ngoan, hiểu biết, thông minh và lo liệu do Thiên chúa ban không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Khi chúng ta bị đau khổ và bị cám dỗ xa lìa Thiên Chúa, Đức Maria như một bức gương của lòng dũng cảm, đạo đức và kính sợ Chúa.

Khi chúng ta cần những đức tính yêu thương, là hoa trái của Thần Khí, mà Đức Maria đều hội tụ đầy đủ, Người bảo đảm cho chúng ta rằng bác ái, nhân hậu, độ lượng và những hoa trái khác đều tươi nở trong đời Người và với ân sủng Thánh Thần, chúng sẽ lớn lên và phát triển trong đời chúng ta.

Đức Maria là Mẹ trên trời luôn cứu giúp chúng ta. Như trẻ thơ, chúng ta hãy chạy đến Mẹ để được che chở. Chúng ta cũng có thể nhìn lên Mẹ để tăng thêm sức mạnh và được đỡ nâng, vì Mẹ là mẫu mực của đức tin, đức cậy, đức mến và các nhân đức khác. Người là Mẹ giúp chúng ta sống trọn những nhân đức này.
 
(Model of Faith, Hope, and Love”, Liguori 1998. Lm. Oscar Lukefahr, CM.)
Jos. Nguyễn Hùng Cường chuyển dịch